“Cú sốc tháng 10″ liệu có quật ngã bà Clinton?
Nhóm chuyên gia của ngân hàng Citigroup cho rằng, “ cú sốc tháng 10″ hay những bê bối mới đây nhằm vào ứng viên tổng thống đảng Dân chủ Mỹ Hillary Clinton sẽ ảnh hưởng đáng kể đến cơ hội đắc cử của bà Clinton.
Giám đốc FBI James Comey (trái) và ứng viên tổng thống Dân chủ Hillary Clinton. (Ảnh: Getty)
Cơ hội đắc cử giảm xuống còn 75%
Cục điều tra liên bang Mỹ (FBI) cuối tuần trước bất ngờ thông báo lật lại điều tra sau khi phát hiện loạt email của bà Clinton trong một cuộc điều tra bê bối của một cựu nghị sĩ. Quyết định bất ngờ này của FBI được ví là “cú sốc tháng 10″ với bà Clinton. Đây là thuật ngữ vốn dùng để chỉ những bất ngờ vào thời điểm nước rút có thể tác động đến cuộc bầu cử tổng thống ở Mỹ.
Nhóm chuyên gia của Citigroup do chuyên gia về chính trị thế giới Tina Fordham dẫn đầu cho rằng, thông tin này có thể ảnh hưởng lớn đến cuộc chạy đua vào Nhà Trắng, và cơ hội đắc cử tổng thống của bà Clinton chỉ giảm từ 81% xuống 75%.
“Theo quan điểm của chúng tôi, diễn biến mới này thực sự là một “cú sốc tháng 10″ và có thể tác động đến cuộc bầu cử”, nhóm chuyên gia Citigroup nhận định. Họ cho rằng, sự việc trên sẽ gây trở ngại cho chiến dịch tranh cử của bà Clinton và làm giảm niềm tin của cử tri.
Mặc dù vậy, Citigroup cho rằng, hầu hết cử tri ủng hộ bà Clinton sẽ không thay đổi quyết định của mình bởi một phần do hoạt động bỏ phiếu sớm đã diễn ra ở nhiều bang. Hơn nữa, kết quả khảo sát từ ngày 25-28/10 của ABC News/Washington Post cho thấy chỉ 7% cử tri ủng hộ bà Clinton nói rằng, những thông tin về cuộc điều tra của FBI khiến họ ít ủng hộ bà hơn.
Theo các chuyên gia Citigroup, do phải mất ít nhất 1 tuần các diễn biến mới mới có thể phản ánh vào kết quả thăm dò dư luận, nên hiện tại chưa thể đánh giá hết được tác động của “cú sốc tháng 10″ này thậm chí cho đến trước ngày bầu cử 8/11. Tuy nhiên, Citigroup cũng cho rằng, FBI sẽ chưa tiến hành điều tra bà Clinton trước cuộc bầu cử.
Video đang HOT
Truyền thông Mỹ cho biết, FBI đã tìm thấy những email khả nghi mới của ứng viên tổng thống Dân chủ Hillary Clinton từ cách đây vài tuần nhưng chỉ đến khi còn hơn 1 tuần nữa là tới ngày bầu cử chính thức, Giám đốc FBI James Comey đã đơn phương gửi thư thông báo về hoạt động điều tra đối với bà Clinton. Reuters cho biết, hiện FBI đã nhận được giấy phép để tiếp tục điều tra 650.000 email mới bị phát hiện của bà Clinton để xem liệu các email trao đổi bằng máy chủ cá nhân trong thời gian bà đương chức Ngoại trưởng có chứa thông tin mật hay không.
Ông Comey được cho là đối mặt với sức ép từ chức sau khi tuyên bố hồi tháng 7 rằng FBI sẽ không truy tố bà Clinton liên quan đến cáo buộc sử dụng máy chủ cá nhân để trao đổi email công vụ. Tuy nhiên, quyết định đơn phương thông báo hoạt động điều tra bà Clinton ngay trước thềm cuộc bầu cử của ông đã vấp phải sự chỉ trích gay gắt của giới chức tư pháp cũng như từ phía đảng Dân chủ.
“Cú sốc tháng 10″ có thể quật ngã bà Clinton?
Ứng viên tổng thống Dân chủ Hillary Clinton. (Ảnh: Getty)
Đối thủ Cộng hòa Donald Trump đã chớp lấy cơ hội FBI thông báo điều tra bà Clinton để công kích. Trong cuộc vận động tranh cử ở Maine và New Hampshire cuối tuần qua, ông Trump nói: “Đây là bê bối chính trị lớn nhất kể từ vụ Watergate, tôi chắc chắn rằng cơ quan chức năng sẽ xử lý vụ việc một cách thỏa đáng. Chúng tôi hy vọng, công lý sẽ được thực thi. FBI đang mở lại điều tra những bê bối, những hành động bất hợp pháp của bà ấy đe dọa an ninh của nước Mỹ. FBI đang sửa chữa lại sai lầm kinh khủng mà họ mắc phải trước đó”.
Tuy nhiên, có thể ông Trump sẽ thất vọng nếu như nhìn lại lịch sử tác động của các “cú sốc tháng 10″ đến ứng viên tổng thống.
Cụm từ “cú sốc tháng 10″ trở nên phổ biến trong các cuộc bầu cử tổng thống Mỹ từ năm 1972 để chỉ các diễn biến bất ngờ có thể làm thay đổi cục diện cuộc chạy đua vào Nhà Trắng.
Tuy nhiên, theo nhiều học giả, “cú sốc tháng 10″ thường không ảnh hưởng nhiều đến cuộc bầu cử. Ví dụ, năm 2000, ứng viên tổng thống đảng Cộng hòa George W. Bush bị phát hiện từng bị bắt do say xỉn khi lái xe. Thông tin này ngay lập tức đã tràn ngập trên các phương tiện truyền thông Mỹ lúc bấy giờ. Tuy nhiên, theo khảo sát, 83% cử tri Mỹ nói rằng họ đã nghe nói về chuyện đó và chỉ 17% nói rằng đó là những thông tin đáng quan tâm. Thực tế, cuối cùng ông Bush đã giành chiến thắng trước đối thủ Dân chủ Al Gore. Hay năm 2008, chỉ một tuần trước khi diễn ra bầu cử, ứng viên tổng thống Dân chủ Barack Obama đối mặt với thông tin rằng cô của ông định cư bất hợp pháp ở Boston. Song “cú sốc” này cũng không thể ngăn cản ông trở thành tổng thống Mỹ hai nhiệm kỳ.
Với cuộc bầu cử năm nay, điều đáng nói là cả hai ứng viên đều đã đối mặt với “cú sốc tháng 10″, với ông Trump đó là nghi án trốn thuế, và với bà Clinton là loạt rò rỉ email của WikiLeaks. Trong bối cảnh có quá nhiều “cú sốc” như vậy, thì cú sốc mới có thể sẽ khó ảnh hưởng lớn đến cục diện bầu cử.
Minh Phương
Theo Dantri
Giám đốc FBI bị tố phạm luật vì tiếp tục điều tra bê bối email của Clinton
Lãnh đạo phe Dân chủ tại Thượng viện cho rằng giám đốc FBI "có thể phạm luật" liên bang khi công bố điều tra loạt email mới bị rò rỉ của ứng viên tổng thống Hillary Clinton.
Thượng nghị sĩ đảng Dân chủ Harry Reid. Ảnh: AP.
Harry Reid, lãnh đạo phe thiểu số đảng Dân chủ tại Thượng viện, ngày 30/10 cho rằng Giám đốc Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) James Comey có thể đã phạm luật liên bang khi ông thông báo điều tra loạt email mới bị rò rỉ của ứng viên đảng Dân chủ Hillary Clinton hôm 28/10.
"Văn phòng của tôi xác định hành động trên có thể vi phạm Đạo luật Hatch, cấm quan chức FBI dùng thẩm quyền của họ để tác động đến cuộc bầu cử", Fox News dẫn thông tin ông Reid viết trong một bức thư.
Theo Reid, cách thức và thời gian Comey công bố thông tin "ảnh hưởng đến thành bại của một ứng viên đảng hoặc nhóm chính trị". FBI chưa trả lời đề nghị bình luận về bức thư của Reid. Ông Reid sẽ rời Thượng viện vào cuối nhiệm kỳ này.
Trong cuộc phỏng vấn với Wall Street Journal, hạ nghị sĩ Cộng hòa bang Utah Jason Caffetz, Chủ tịch Ủy ban Giám sát và Cải cách Chính phủ Hạ viện, tỏ vẻ bất đồng với quan điểm của Reid.
"Giám đốc Comey đang cập nhật cho quá trình điều tra trước đó và ông ấy nên làm như vậy", Chaffetz nói. "Hillary Clinton chỉ có thể tự trách mình vì bê bối này. Bà ấy tạo ra nó, không phải ông Comey".
Các đảng viên Cộng hòa khác cũng có phản ứng tương tự. Thượng nghị sĩ bang Arkansas Tom Cotton gọi Reid là "sự hổ thẹn của chính trị Mỹ". "Harry Reid là một sự hổ thẹn của chính trị Mỹ, nằm trong số những người kém cỏi nhất từng ở Thượng viện", Cotton viết trên Twitter cá nhân.
Giám đốc Comey, trong bản ghi nhớ gửi các đồng nghiệp FBI ngày 28/10, cho biết ông hiểu nguy cơ bị hiểu nhầm nhưng ông cảm thấy có nghĩa vụ phải cập nhật cho quốc hội thông tin về những email mới. Ông Comey hồi tháng 7 thông báo kết thúc điều tra bê bối email của Clinton và không đưa ra cáo buộc với bà.
Bà Clinton ngày 29/10 cho rằng giám đốc FBI có hành vi "vô cùng đáng ngại" khi công bố điều tra loạt email mới bị rò rỉ của bà chỉ hơn 10 ngày trước cuộc bầu cử Mỹ nhưng tin kết luận cuối cùng sẽ không khác so với trước đó.
Tim Kaine, ứng viên phó tổng thống đảng Dân chủ, hôm qua hy vọng Comey vẫn giữ nguyên kết luận và cho rằng ông đã hành động quá giới hạn.
Reid kết thúc bức thư bằng lời trách giám đốc FBI. "Hãy nhớ rằng tôi từng là người ủng hộ ông bởi tôi tin ông là công chức có nguyên tắc", Reid viết, nhắc đến việc ông từng giúp Comey vượt qua sự phản đối từ các đảng viên Cộng hòa. "Với sự hối tiếc sâu sắc nhất, tôi giờ cảm thấy mình đã sai".
Như Tâm
Theo VNE
Trump có thắng nếu đấu tay đôi với phó tướng của Obama sau phòng tập? Donald Trump và Phó tổng thống Mỹ Joe Biden đều là người khỏe mạnh, dẻo dai, và được nhận xét là ngang sức ngang tài nếu đấu tay đôi. Ứng viên tổng thống đảng Cộng hòa Donald Trump hôm 25/10 tuyên bố ông sẵn sàng đấu tay đôi với Phó tổng thống Mỹ Joe Biden, sau khi ông Biden vài ngày trước đó...