Cú sốc bầu cử phả hơi nóng vào Biden
Vừa trở về từ châu Âu, Biden nhận được tin dữ, khi ứng viên đảng Dân chủ để thua trong cuộc bầu cử Thống đốc Virginia, bang ông từng đánh bại Trump.
Khi chuyên cơ Không lực Một vừa hạ cánh xuống đất Mỹ sáng 3/11 sau chuyến công du châu Âu, Tổng thống Joe Biden được thông báo Terry McAuliffe, ứng viên đảng Dân chủ, đã không giữ được ghế Thống đốc trước Glenn Youngkin, ngôi sao mới nổi trong đảng Cộng hòa đang tìm cách đổi mới hình ảnh thời kỳ hậu Donald Trump. Virginia là nơi Biden một năm trước đánh bại Trump với cách biệt hơn 10 điểm phần trăm.
Tin dữ từ bang từ Virginia, cùng chiến thắng rất sít sao của ứng viên Dân chủ trước đối thủ đảng Cộng hòa ở “thành trì” New Jersey, khiến các đồng minh Tổng thống Biden thêm lo lắng.Những kết quả bất lợi trong cuộc bầu cử thống đốc đầu tháng 11 là tiếng chuông cảnh báo cho thấy cử tri Mỹ đang mất kiên nhẫn với đảng Dân chủ.
Đảng Dân chủ dù kiểm soát cả Thượng viện, Hạ viện và Nhà Trắng, Tổng thống Biden vẫn chưa thể thông qua được dự luật cơ sở hạ tầng và phúc lợi xã hội trị giá khoảng 3 nghìn tỷ USD, khi vấp phải sự phản đối từ một số thành viên đảng Dân chủ ở quốc hội.
“Chỉ ở Washington mới có người nghĩ ngáng đường dự luật cơ sở hạ tầng trăm năm có một và cản trở chính tổng thống của đảng mình là một chiến lược tốt”, thượng nghị sĩ Dân chủ Mark Warner nói một cách chua chát.
Ứng viên Cộng hòa Glenn Youngkin ăn mừng chiến thắng ở bang Virginia. Ảnh: NY Times.
Cú sốc trong cuộc bầu cử ở Virginia khiến giới chức Dân chủ lo ngại đã quá muộn để giành lại lòng tin của cử tri. Nguy cơ hiển hiện trước mắt là đảng Dân chủ sẽ mất quyền kiểm soát Thượng viện, Hạ viện hoặc cả hai trong cuộc bầu cử quốc hội giữa kỳ năm 2022.
Kevin McCarthy, lãnh đạo phe Cộng hòa tại Hạ viện Mỹ, tự tin dự đoán phe Dân chủ sẽ mất 60 ghế cùng thế đa số tại Hạ viện trong cuộc bầu cử giữa kỳ tháng 11/2022.
Phe Dân chủ hiểu rõ mối đe dọa này. Họ duy trì được thế đa số ở Hạ viện trong cuộc bầu cử năm 2020 với chỉ chênh lệch vài ghế so với đảng Cộng hòa. Nỗ lực thông qua cả hai dự luật 3 nghìn tỷ USD trở thành ưu tiên hàng đầu để phe Dân chủ chứng minh với cử tri rằng họ đủ khả năng quản trị đất nước, thay vì mãi luẩn quẩn trong vòng xoáy tranh cãi chính sách.
Một ngày sau khi McAuliffe thất cử, Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi khẩn trương thúc đẩy tiến trình bỏ phiếu thông qua hai dự luật. Các nghị sĩ sẽ bỏ phiếu trong ngày 5/11 để định đoạt số phận hai dự luật này.
Cuộc bầu cử thống đốc ở Virginia từ lâu đã được giới quan sát xem là cuộc trưng cầu dân ý gián tiếp đối với uy tín của Biden. Tổng thống Mỹ đã tới dự hai buổi vận động tranh cử cho McAuliffe, thậm chí còn tự tin dự đoán về chiến thắng của ứng viên Dân chủ trước khi lên đường công du châu Âu.
Ông đến châu Âu với những cam kết về sự trở lại của Mỹ trong vai trò dẫn dắt thế giới ứng phó các vấn đề toàn cầu. Thế nhưng, thất bại của đồng minh Biden tại Virginia khiến cộng đồng quốc tế thêm lo ngại về tính ổn định chính sách của nền chính trị Mỹ vốn nhiều biến động.
Video đang HOT
Cuộc bầu cử ở Virginia được coi là tín hiệu cảnh báo về khả năng gió đổi chiều tại lưỡng viện quốc hội Mỹ. Nếu để mất quyền kiểm soát Thượng viện và Hạ viện, chính quyền Biden có nguy cơ gặp cản trở với mọi dự luật, như những gì từng diễn ra trong hai năm cuối nhiệm kỳ của Barack Obama.
Tổng thống Mỹ Joe Biden họp báo tại Nhà Trắng ngày 3/11. Ảnh: AP.
Trả lời báo chí khi vừa trở về từ châu Âu, Biden thừa nhận ông đã mong một trong hai dự luật qua được ải quốc hội trước khi cuộc bầu cử thống đốc ở Virginia diễn ra. “Người dân muốn thấy chúng ta làm được việc. Tôi sẽ tiếp tục thúc đẩy quyết liệt đảng Dân chủ làm việc”, ông nói.
Theo Cornell Belcher, chuyên gia khảo sát cử tri Mỹ, đảng Dân chủ cần sớm điều chỉnh chiến lược, nếu không muốn chứng kiến kịch bản năm 2010 tái diễn, “chậm chí có thể tệ hơn”. Đảng Cộng hòa năm đó đã giành lại quyền kiểm soát lưỡng viện quốc hội từ tay đảng Dân chủ và bắt đầu cản trở hàng loạt chính sách mới do tổng thống Obama đề xuất.
Belcher cho rằng đội ngũ của Biden cần coi đợt bầu cử thống đốc vừa qua là tiếng chuông cảnh báo rằng họ cần chạy đua với thời gian để định hình di sản nhiệm kỳ này, nếu không muốn rơi vào thế bế tắc tương tự.
Cuộc bầu cử thống đốc Virginia còn cho thấy cử tri Mỹ đã sẵn sàng ủng hộ trở lại với những ứng viên Cộng hòa như Youngkin, vốn có hình ảnh trung lập hơn và giữ khoảng cách chừng mực với Trump. Nếu mô hình Youngkin được nhân rộng, còn đảng Dân chủ tiếp tục lục đục nội bộ như thời gian qua, Hạ viện Mỹ có thể “đổi màu” trong năm sau.
Dù vậy, Biden vẫn lạc quan rằng ông còn thời gian để đảo ngược tình thế. Tổng thống Mỹ lưu ý ông từng lội ngược dòng, chứng minh truyền thông dự đoán sai về cơ hội của mình trong cuộc đua vào Nhà Trắng, và ông sẵn sàng lặp lại kỳ tích này ở lưỡng viện quốc hội.
“Các bạn đều từng cho rằng tôi sẽ không thành công, ngay từ lúc mọi chuyện mới bắt đầu, từ khoảnh khắc tôi tuyên bố. Các bạn luôn ngạc nhiên khi cơ hội không bị dập tắt. Tôi tin rằng đến cuối tuần tới, dự luật cơ sở hạ tầng sẽ được thông qua”, ông trả lời báo giới khi trở về từ châu Âu.
Tình bạn lâu năm Biden - Netanyahu hứng sóng gió
Là bạn bè từ thập niên 1980, Biden và Thủ tướng Israel từng trải qua nhiều căng thẳng, nhưng thử thách có lẽ chưa bao giờ lớn như hiện tại.
Khi còn là phó tổng thống Mỹ, các cuộc gặp của Joe Biden với Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu thường diễn ra trong khoảng một giờ, với nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau, từ những cái bắt tay hay cái ôm nồng ấm tới tranh cãi nảy lửa.
Có nhiều bất đồng từng xảy ra giữa Mỹ và Israel. Việc chính quyền tổng thống Barack Obama theo đuổi thỏa thuận hạt nhân quốc tế với Iran đã bị Netanyahu phản đối gay gắt. Nỗ lực mở rộng các khu định cư ở Bờ Tây của lãnh đạo Israel cũng khiến chính quyền Mỹ tức giận. Ngoài ra, tổng thống Obama và Thủ tướng Netanyahu cũng tồn tại những bất đồng nhất định.
Biden thường được xem là "cầu nối" giúp quan hệ hai bên trở nên suôn sẻ. Sau gần bốn thập kỷ, Biden và Netanyahu đã xem nhau như những người bạn và mối quan hệ giữa họ đã vượt qua những giới hạn về ngoại giao.
"Trong mối quan hệ đó, họ có thể nói bất cứ điều gì với nhau mà không làm thay đổi quan điểm về nhau", Dennis Ross, người từng là nhà đàm phán và cố vấn về Trung Đông của ba chính quyền tổng thống Mỹ, trong đó có Obama, nói.
Sự thẳng thắn là điều làm nên một tình bạn gắn bó sau nhiều năm thăng trầm, cũng như giúp họ vượt qua những hỗn loạn chính trị ở cả trong nước và quốc tế. Trong bốn cuộc điện đàm tuần qua, Biden và Netanyahu đã nói về cuộc xung đột mới giữa Israel và Hamas, cũng như lệnh ngừng bắn nhằm chấm dứt giao tranh.
Biden, một đồng minh trung thành của Israel trong suốt sự nghiệp chính trị, luôn ủng hộ quyền tự vệ hợp pháp của quốc gia Do Thái trước các cuộc tấn công rocket của Hamas, bất chấp chỉ trích từ nhiều thành viên cấp tiến trong đảng Dân chủ.
Tuy nhiên, Tổng thống Mỹ đã phải thay đổi tông giọng với Israel khi thương vong trong cuộc xung đột tăng mạnh và ông đã lên tiếng kêu gọi chấm dứt bạo lực. Theo một nguồn tin thân cận, Biden thậm chí cảnh báo Thủ tướng Netanyahu rằng áp lực từ Washington và cộng đồng quốc tế có thể làm tổn hại mối quan hệ giữa Mỹ và Israel. Cuối ngày 20/5, Israel và Hamas thông báo lệnh ngừng bắn.
Thủ tướng Netanyahu, người có biệt danh Bibi, "chia thế giới thành hai phần bạn và thù", theo Ross.
"Ông ấy có thể chấp nhận chỉ trích và tranh luận. Nhưng nếu đó là kẻ thù, sẽ không bao giờ có chuyện như vậy", Ross nói. "Nhưng ông ấy luôn xem Biden là bạn".
Joe Biden, khi là phó tổng thống Mỹ (trái) và Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu tại Jerusalem vào tháng 3/2010. Ảnh: AFP.
Mối quan hệ giữa Biden với Israel bắt đầu từ gần nửa thế kỷ trước, khi ông tới Israel gặp thủ tướng Golda Meir năm 1973 với tư cách là thượng nghị sĩ bang Delaware.
Ông thường được chào đón ở Israel ngay từ khi còn làm ở quốc hội Mỹ, đặc biệt khi đảm nhận vai trò chủ tịch ủy ban đối ngoại của Thượng viện. Biden biết Netanyahu từ thập niên 1980, khi ông này làm việc tại đại sứ quán Israel tại Washington và sau đó là đại sứ tại Liên Hợp Quốc.
Hai người vẫn giữ liên lạc sau khi Netanyahu trở về Israel và cuối cùng trở thành Thủ tướng năm 1996. Mối quan hệ của họ vẫn luôn được duy trì ngay cả khi Netanyahu thất cử trước Ehud Barak vào năm 1999.
Tình bạn giữa Biden và Netanyahu bắt đầu bị thử thách khi Obama được bầu làm tổng thống Mỹ và Biden được xem là người có thể xoa dịu mọi căng thẳng giữa hai nước. Chuyến thăm đầu tiên của Biden tới Israel với tư cách phó tổng thống năm 2010 được xem là một phép thử cho mối quan hệ. Vài giờ sau khi Không lực hai hạ cánh xuống Tel Aviv, Bộ Nội vụ Israel tuyên bố phê duyệt 1.600 khu định cư mới ở Đông Jerusalem, điều mà giới chức Mỹ xem là "sự xúc phạm".
Văn phòng của Thủ tướng Netanyahu thời điểm đó nói ông không biết trước thông báo này và phủ nhận đây là dấu hiệu cho thấy sự thiếu tôn trọng Mỹ.
Martin Indyk, cựu đại sứ Mỹ và thành viên Hội đồng Quan hệ Đối ngoại, nói kinh nghiệm này đã giúp định hình lập trường của Biden đối với tiến trình hòa bình Trung Đông dưới thời Netanyahu và Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas.
"Ông ấy đã kết luận rằng cả hai lãnh đạo đều không có khả năng đưa ra những thỏa hiệp khó khăn vốn cần thiết để đạt được thỏa thuận hòa bình cuối cùng giữa Israel và người Palestine", Indyk nói.
Một số cựu quan chức nhận định quan hệ Biden - Netanyahu có thiên hướng bất đồng, đôi khi là căng thẳng. Quá trình đàm phán hạt nhân với Iran của chính quyền Obama được xem như chất xúc tác cho căng thẳng đó. Netanyahu khi ấy và bây giờ vẫn kịch liệt phản đối bất kỳ động thái bắt tay nào với Tehran.
Một chất xúc tác khác có thể khiến mối quan hệ giữa hai người trở nên căng thẳng là bất kỳ đề xuất nào về thỏa thuận hòa bình Arab - Israel dựa trên ranh giới tồn tại từ cuộc chiến tranh sáu ngày năm 1967, như đề xuất của Obama năm 2011.
Trong cuộc gặp ở Phòng Bầu dục năm đó, Netanyahu cảnh báo phản đối "hòa bình dựa trên ảo tưởng" và khẳng định Israel sẽ không chấp nhận quay trở lại với đường phân định trước cuộc chiến năm 1967, sự kiện giúp nước này giành quyền kiểm soát Bờ Tây và Gaza.
"Bibi biết Obama nổi giận với mình, vì vậy ông ấy đã nghĩ được thôi, tôi sẽ đàm phán với một người mà tôi có thể thương lượng", Ross nói. "Biden và Bibi đã gặp nhau vào ngày thứ 2 tuần đó. Tôi cũng có mặt. Biden bắt đầu cuộc họp và nói này ông bạn già, chúng ta đang gặp vấn đề và cần phải giải quyết nó. Bibi nói tôi đồng ý, hãy nói chúng ta nên làm gì".
Khi chính quyền Obama gần đạt được thỏa thuận hạt nhân với Iran, những cuộc thảo luận riêng tư như vậy trở nên thẳng thắn hơn. Biden gặp Netanyahu năm 2014 tại New Orleans và các cuộc đàm phán với Iran chiếm phần lớn nội dung cuộc thảo luận sôi nổi giữa hai người.
Kể về cuộc gặp đó, Biden cho biết ông đã nói với Netanyahu rằng "Bibi, tôi không đồng ý với bất cứ điều gì anh nói, nhưng tôi yêu quý anh". Ông cũng mô tả mối quan hệ giữa hai người là "bạn bè".
Năm sau, Thủ tướng Netanyahu được các thành viên Cộng hòa mời phát biểu trước quốc hội Mỹ về thỏa thuận hạt nhân Iran và đã chỉ trích gay gắt sáng kiến của Obama. Tuy nhiên, Biden là một trong số thành viên Dân chủ không có mặt tại sự kiện đó. Nhà Trắng lúc đó cho hay phó tổng thống đã lên kế hoạch đi nghỉ dưỡng từ trước.
Khi Biden trở thành tổng thống Mỹ, một số quan chức nói rằng xung đột giữa Israel và người Palestine không phải là ưu tiên trước mắt của chính quyền, thay vào đó xử lý đại dịch và giải quyết hậu quả kinh tế của nó là vấn đề trọng tâm.
Nhưng việc trở lại thỏa thuận hạt nhân Iran, đảo ngược quyết định rút khỏi thỏa thuận của cựu tổng thống Donald Trump, là mục tiêu hàng đầu của Biden. Mục tiêu đó có thể ảnh hưởng đến việc xử lý các vấn đề Trung Đông khác, bao gồm cả cuộc xung đột mới nhất giữa Israel và Hamas.
"Ông ấy biết rằng sẽ có một cuộc chiến với Netanyahu về thỏa thuận hạt nhân Iran. Ông ấy phải tránh các cuộc xung đột không đáng có khác", Indyk nói.
Mỹ quyết tìm ra nguồn gốc Covid-19 Nhà Trắng cho biết, truy tìm nguồn gốc đại dịch Covid-19 tiếp tục là một trong những ưu tiên của chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden. Các chuyên gia quốc tế đến Vũ Hán, Trung Quốc điều tra nguồn gốc Covid-19 hồi tháng 2 (Ảnh: Reuters). "Tìm đến cùng câu trả lời về nguồn gốc đại dịch có ý nghĩa vô cùng...