Cú rơi khó giải thích của máy bay Lion Air chở 189 người
Chiếc máy bay xấu số của hãng hàng không Lion Air được cho là đã rơi xuống biển vào sáng 29/10 với tốc độ hàng trăm km/h trong những giây cuối cùng. Đây có thể là chi tiết quan trọng hỗ trợ các nhà điều tra tìm ra nguyên nhân của vụ tai nạn.
Lực lượng tìm kiếm cứu hộ tiếp tục tìm kiếm các nạn nhân trong vụ rơi máy bay Lion Air và trục vớt hộp đen để phục vụ điều tra. (Ảnh: Reuters)
Báo Sydney Morning Heral dẫn thông tin từ trang mạng Flightradar24 cho biết, chiếc máy bay Boeing Co. 737 Max mang số hiệu chuyến bay JT610 của hãng hàng không Lion Air đã rơi từ độ cao khoảng 1.500m chỉ trong vòng vài giây.
Theo dữ liệu của Flightradar24, máy bay của Lion Air lao xuống với tốc độ gần 560km/h. John Cox, Chủ tịch công ty tư vấn hệ thống vận hành an toàn, chỉ ra việc máy bay hạ cánh với tốc độ này là điều hiếm thấy. “Điều này thật khó giải thích. Các con số thật khó tin. Nhưng một điều chắc chắn là chiếc máy bay đã có một cú rơi rất nhanh và dữ dội ở những giây cuối cùng”, ông Cox nhận định.
Dữ liệu của Flightradar24 cho thấy, chiếc máy bay liên tục tìm cách lấy lại độ cao với tốc độ thay đổi, điều được cho là khó xảy ra đối với một máy bay đời mới như Boeing Co. 737 Max.
Chuyên gia này cho biết thêm, do tốc độ của máy bay được đo đếm bằng nhiều hệ thống khác nhau nên khó chắc chắn được điều gì cho đến khi các nhà điều tra trục vớt được hộp đen và các thiết bị ghi hành trình máy bay.
Steve Wallace, người từng đứng đầu bộ phận điều tra tai nạn tại Cơ quan quản lý hàng không Mỹ, cho biết các thông tin hạn chế, thậm chí đôi khi mâu thuẫn nhau về chuyến bay xấu số của Lion Air không thể tham chiếu với bất cứ vụ tai nạn hàng không nào trước đó, do vậy rất khó để tìm ra nguyên nhân máy bay rơi. “Trong đầu tôi hầu như không có chút manh mối nào về kịch bản nhiều khả năng xảy ra nhất trong vụ tai nạn này”, ông Wallace nói.
(Ảnh: Reuters)
Video đang HOT
Các vật dụng cá nhân của các nạn nhân được trục vớt (Ảnh: Reuters)
David Soucie, một cựu quan chức thuộc bộ phận giám sát an toàn của Cơ quan quản lý hàng không Mỹ, cũng nói rằng việc phi hành đoàn không thông báo tình trạng khẩn cấp về mặt đất cũng là một yếu tố đáng quan tâm. “Điều khiến tôi thắc mắc nhất là tại sao họ không thông báo tình trạng khẩn cấp mà chỉ đơn thuần nói rằng “Chúng tôi sẽ quay đầu lại”, ông Soucie nói. Chuyên gia này nói thêm: “Chiếc máy bay đã chúi xuống, một điều không bình thường. Nếu chỉ cần quay lại họ sẽ giữ nguyên tọa độ và trở lại sân bay”.
Máy bay Boeing Co. 737 Max mang số hiệu chuyến bay JT610 của hãng hàng không Lion Air chở 189 người lao xuống biển vào sáng qua 29/10. Theo truyền thông địa phương, chỉ khoảng 2-3 phút sau khi cất cánh, phi công của máy bay đã đề nghị cho máy bay quay đầu trở lại sân bay ở Jakarta. Tuy nhiên, khoảng 13 phút sau khi cất cánh chiếc máy bay đã mất hoàn toàn liên lạc. Trước khi biến mất khỏi màn hình radar và lao xuống biển, chiếc máy bay hạ độ cao đột ngột và liên tục tìm cách lấy lại độ cao.
BBC dẫn tài liệu kỹ thuật trong lịch sử bay của máy bay này cho thấy, tối trước đó, máy bay gặp lỗi về hiển thị tốc độ và tọa độ khi chuẩn bị bay từ Bali đến Jakarta. Giám đốc điều hành Lion Air xác nhận, máy bay Boeing Co. 737 Max này gặp trục trặc kỹ thuật vào đêm trước xảy ra tai nạn nhưng đã được khắc phục ngay lập tức.
Minh Phương
Tổng hợp
Theo Dantri
Máy bay Lion Air xin hạ cánh khẩn cấp trước khi rơi
Giới chức năng Indonesia xác nhận, không lâu trước khi chiếc máy bay mang số hiệu chuyến bay JT610 của hãng hàng không Lion Air lao xuống biển, phi hành đoàn của máy bay đã đề nghị quay đầu để hạ cánh khẩn cấp. Toàn bộ 189 trên người trên khoang có thể đã thiệt mạng.
Phát biểu tại cuộc họp báo sáng nay, Soerjanto Tjahjono, Chủ tịch Ủy ban An toàn Quốc gia Indonesia, cho biết không lâu trước khi máy bay Boeing-737 Max 8 mang số hiệu chuyến bay JT610 của hãng hàng không Lion Air biến mất khỏi màn hình radar khoảng 13 phút kể từ khi cất cánh, cơ trưởng của máy bay đã đề nghị đưa máy bay quay lại sân bay Soekarno Hatta ở ngoại ô thủ đô Jakarta.
Xác nhận thông tin trên, Yohanes Sirait, phát ngôn viên cơ quan quản lý hàng không Indonesia, cho biết: "Đài kiểm soát không lưu đã cho phép, nhưng sau đó họ mất liên lạc với chiếc máy bay".
Lực lượng cứu hộ tìm thấy các mảnh vỡ và vật dụng của hành khách trên chiếc máy bay xấu số. (Ảnh: Twitter)
(Ảnh: Twitter)
(Ảnh: Twitter)
Theo truyền thông địa phương, máy bay của Lion Air biến mất khỏi màn hình radar chỉ khoảng 13 phút sau khi cất cánh từ sân bay Soekarno Hatta lúc hơn 6h sáng nay 29/10. Thời điểm gặp nạn, máy bay được cho là chở 189 người trên khoang, trong đó gồm 178 hành khách lớn tuổi, 1 trẻ nhỏ, 2 trẻ sơ sinh, cùng với 2 phi công, 6 tiếp viên. Trong khi đó, một số nguồn tin nói rằng, máy bay chở 188 người trên khoang. Bộ Tài chính Indonesia, trong số những người trên khoang có 20 quan chức chính phủ.
Một phát ngôn viên của Cơ quan Tìm kiếm và Cứu hộ Quốc gia Indonesia xác nhận với Sputnik rằng, toàn bộ hành khách và phi hành đoàn trên chiếc máy bay đã thiệt mạng.
Nhân viên của Lion Air kiểm tra danh sách hành khách trên chuyến bay JT610 gặp nạn. (Ảnh: Reuters)
Thân nhân của các nạn nhân trên chuyến bay nóng lòng chờ tin ở sân bay. (Ảnh: Reuters)
Thân nhân không giấu nổi đau buồn khi nhận được tin dữ. (Ảnh: Reuters)
(Ảnh: Reuters)
Theo dữ liệu của trang mạng Flightradar24, máy bay đã đạt lên đến độ cao khoảng hơn 1.500m trước khi bị hạ độ cao đột ngột và tìm cách lấy lại độ cao. Thông tin cuối cùng khi nhận được cho thấy máy bay ở độ cao 1.113m và đạt tốc độ 640km/h trước khi lao xuống biển.
Lực lượng tìm kiếm cứu hộ đã tìm thấy một thi thể nạn nhân và các mảnh vỡ máy bay trên mặt biển và ở độ sâu khoảng 30-40m tại khu vực cách nơi máy bay xuất hiện lần cuối cùng trên màn hình radar khoảng 2 hải lý.
Lực lượng cứu hộ cho rằng, chiếc máy bay có thể đã chìm và do vậy sẽ sử dụng thiết bị tìm kiếm đặc biệt dưới nước cùng với các thợ lặn.
Các thợ lặn tìm kiếm trong khu vực máy bay rơi. (Ảnh: Reuters)
Được biết, chiếc máy bay gặp nạn là loại máy bay đời mới, chỉ mới đưa vào sử dụng chưa đầy 3 tháng. Cơ trưởng và cơ phó của máy bay lần lượt có kinh nghiệm 5.000 đến 6.000 giờ bay.
Giám đốc điều hành Lion Air Edward Sait cho biết, chiếc máy bay đã gặp sự cố về kỹ thuật vào tối 28/10 khi bay từ Denpasar đến Jakarta. Tuy nhiên, ông khẳng định, các kỹ sư đã xử lý vấn đề này và đảm bảo máy bay có thể cất cánh trở lại vào sáng nay 29/10.
Minh Phương
Theo Dantri/Telegraph
Máy bay Indonesia chở 189 người gặp nạn mới thực hiện 800 giờ bay Máy bay Boeing 737 MAX 8 của hãng hàng không Lion Air chở 189 người rơi xuống biển Indonesia hôm nay 29/10 mới chỉ thực hiện 800 giờ bay và được Boeing bàn giao từ tháng 8 năm nay. Một máy bay của hãng hàng không Lion Air. (Ảnh: AFP) Bloomberg dẫn thông tin từ Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia...