Cụ ông tự lấy đất mở chợ cho người bán hàng rong ở Sài Gòn
Thấy những người bán hàng rong trên vỉa hè thường bị cơ quan chức năng đuổi, ông Năm Hấp (quận Tân Phú, TP HCM) bèn bỏ đất, làm sạp để họ có chỗ bán buôn ổn định.
Ở góc đường Kênh 19/5 – T1 (quận Tân Phú) có khu chợ nhỏ không tên. Mọi người thường quen gọi là chợ ông “Năm Hấp”. Những người bán trong chợ đều có tiền thân bán hàng rong vỉa hè.
Khu chợ do ông Lý Văn Hấp (70 tuổi, quận Tân Phú) mở ra. “Chợ này do tôi dùng đất hương hỏa của gia đình mở ra vào năm 2009. Tôi gọi đây là chợ hàng rong, vì người bán nào cũng từng mưu sinh trên vỉa hè”, ông “Năm Hấp” – biệt danh thân thương mà mọi người dành cho ông – cười.
Nói về sự ra đời của khu chợ cho người bán hàng rong, ông chia sẻ: “Những năm 2007, khu đường Lê Trọng Tấn – Kênh 19/5 được cải tạo, xây bờ kè, mở đường thông thoáng thì dân cư về đây sinh sống nhiều. Chỗ này lại gần khu công nghiệp nên có nhiều người đến đây bán rong. Mỗi lần lực lượng phường kiểm tra, họ nháo nhào đẩy xe, kéo sạp chạy, có vụ chết người do lòng lề đường bị lấn chiếm”.
Họ làm sai luật nhưng vì nghèo nên cứ phải bám vỉa hè nên ông rất thông cảm. Qua sự góp ý của UBND phường Tây Thạnh, ông dành khoảng 800 m2 đất để đưa những người bán hàng rong vào họp chợ. “Việc này vừa hỗ trợ địa phương sắp xếp lại trật tự lòng lề đường và cũng giúp những người mua bán hàng rong có nơi có chỗ mưu sinh”, ông chia sẻ.
Để có khu chợ cho người bán hàng rong, ông Năm Hấp làm nền bêtông, mắc điện, lắp nước… với chi phí thời điểm năm 2009 là 50 triệu đồng. “Sau này tôi lại mua thêm tôn, sắt để dựng mái che, chứ ban đầu bà con phải che dù buôn bán”, ông cho biết.
Hiện nay, khu chợ của ông có khoảng 20 gian hàng bán rau, cá, thịt… “Ngày xưa tôi bán rau ở vỉa hè đường Kênh 19/5, cứ vài ba bữa lại bị thu đồ, mất hết vốn. Thấy ông Năm vận động vô chợ là tôi ưng liền hà. Chợ này cũng gần mặt tiền lại có khách quen nên bán được lắm”, chị Bùi Thị Trang (40 tuổi, quê Quảng Ngãi) chia sẻ.
Video đang HOT
Chị Ngô Thị Diệu (41 tuổi, quê Trà Vinh) nhờ bán cá nên đủ trang trải cho cả gia đình. “Ngày xưa mấy lần bị phường đuổi đẩy mất cả vốn, bố Năm phải cho mượn tiện để buôn cá lại”, chị nói. Ở khu chợ, các tiểu thương đều gọi ông Hấp với cái tên “bố Năm”.
Để duy trì hoạt động của chợ, trả tiền điện nước, vệ sinh, mỗi ngày ông thu của tiểu thương 30.000 đồng tiền phí. Số tiền thu dư ông dành một phần nấu những bữa ăn từ thiện. Ông còn xây một nhà kho để tiểu thương cất đồ đạc.
Mỗi ngày, ông Năm Hấp đều ra chợ thăm hỏi tiểu thương. Vốn bản chất vui tính, mỗi câu chuyện của ông đều khiến mọi người vui vẻ.
Hôm nào thấy người khỏe khoắn, ông luôn sẵn sàng phụ giúp người bán dọn hàng. “Ông ấy 70 tuổi mà rất khỏe”, các tiểu thương nhận xét.
Khu chợ nhộn nhịp nhất vào buổi sáng. Đến trưa, tối khi các tiểu thương đã dọn hàng, ông cùng vợ lại ra thu dọn, vệ sinh.
Ông từng làm các chức vụ như Phó bí thư Đoàn phường, Phó chủ tịch phường (năm 1978 – 1988), Mặt trận Tổ quốc, Hội nông dân… Khi về hưu, con cái ra ở riêng thì ông cùng vợ ở riêng một căn nhà. Nói về tương lai khu chợ, ông cho biết sẽ duy trì lâu dài nhất có thể.
Quỳnh Trần
Theo VNE
Muôn kiểu mưu sinh thời dẹp vỉa hè ở Hà Nội
Hàng ăn thu vào ngõ, dưa muối treo trên cành cây, đẩy xe đạp đi bán gà... là những kiểu mưu sinh ở Hà Nội khi các lực lượng chức năng đẩy mạnh việc lập lại trật tự đô thị.
Hơn 10 ngày qua (từ 10/3), các lực lượng chức năng nhiều quận huyện ở Hà Nội đồng loạt ra quân lập lại trật tự đô thị. Theo đó, những hộ dân kinh doanh hàng quán trên vỉa hè, lòng đường và người bán hàng rong phải xoay sở tìm nhiều cách để mưu sinh hơn so với trước đây.
Trên phố Giảng Võ, các gánh hàng rong bán cơm nắm trước kia ngồi sát mép đường, nay đã chuyển hẳn vào sau vạch sơn để nhường đường cho người đi bộ.
Xe đẩy bán bánh mỳ và quán nước "ẩn mình" sau nhà chờ xe buýt ở gần cổng trường Đại học giao thông vận tải.
Người thợ sửa khóa trước đây ngồi thoải mái trên vỉa hè, nay phải ép sát phía trong để làm khóa.
Chợ tạm trên vỉa hè đường Nguyễn Thiện Thuật trước đây cảnh mua bán tấp nập từ sáng đến chiều tối, nay đã được thu gọn hơn.
Người đàn ông dắt chiếc xe đạp rao bán gà khắp các ngõ nhỏ của phường Nguyễn Trung Trực. Trước đây ông vẫn thường ngồi bán hàng tại vỉa hè chợ Châu Long.
Dưới khu nhà N6 khu Yên Hòa-Nhân Chính, người dân treo dưa muối lên cây để khách tiện mua bán.
Dẹp bớt bàn ghế, phông bạt, người phụ nữ bán hàng khô bày đồ trên bậc tam cấp của ngồi nhà ở đường Ngô Thì Nhậm.
Chiếc chai nhựa đặt trên vỉa hè để bán xăng.
Một quán nước lùi vào ngõ ở phố Cát Linh và người dân tận dựng bức tường để treo đồ.
Hàng ăn sáng trong một ngõ nhỏ trên đường Hàng Bông, con ngõ này có chiều rộng khoảng 80 cm, chỉ đủ kê một hàng ghế và dành phần còn lại cho các phương tiện giao thông.
Ngọc Thành
Theo VNE
TP HCM khẳng định không đẩy đuổi người bán hàng rong Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong yêu cầu các quận huyện tổ chức phiên chợ cho người dân buôn bán, song không ảnh hưởng an ninh trật tự và giao thông. Trong văn bản khẩn gửi các quận huyện, Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong khẳng định thành phố không chủ trương đẩy đuổi người bán hàng rong. Tuy...