Cụ ông Thanh Hóa quyết bảo vệ bằng được 7.000 con chim
Từ 15 con cò đầu tiên, sau 41 năm đồi chim cò của ông Phạm Văn Của ở Thanh Hóa tăng lên trên 7.000 con.
Khoảng đồi hơn hai hecta của gia đình ông Phạm Văn Của, người dân tộc Mường ở thôn Thọ Liên (Kiên Thọ, Ngọc Lặc, Thanh Hóa) từ lâu là nơi lưu trú của 5.000-7.000 con cò, chim các loại.
85 tuổi, ông Của 41 năm gìn giữ khoảng không yên lặng để níu chân các loài chim. Năm 1978, 15 con cò thường tìm về đồi cao sau nhà ngủ đêm, từ đó gia đình ông quyết giữ không cho săn bắn. Đồi thuộc diện tích đất canh tác của gia đình, trước chỉ có cây gỗ và cây bụi, một phần trồng sắn. Để thu hút chim cò về, gia đình trồng thêm cây luồng, tre. Hàng tuần ông cùng con cháu đi phát quang tầng lá thấp để tiện cho quá trình theo dõi vào vệ chim.
Dù quanh đồi đã được rào kín, cao hơn một mét nhưng vẫn còn tình trạng trộm chim. Vì thế, ông Của luôn đi kiểm tra, đoạn nào bị phá là rào lại ngay.
Hàng ngày chim rời đi ăn từ rất sớm, chiều từ 5h30 bắt đầu trở về ngủ. Ông Của cho hay, năm 1999-2000 cò về ngày một nhiều, khu đồi cò ngày trước rộng gần 4 hecta, nhưng nay chỉ còn lại khoảng 2 hecta do quá trình mở rộng đường Hồ Chí Minh.
Video đang HOT
Chiều tối, những con cò đầu tiên bay về thám thính mức độ an toàn, sau đó từng tốp vài trăm, đến vài nghìn con cùng về và bay lượn trên trời nhiều vòng rồi mới tìm chỗ đậu, ông Của cho biết.
Những tán cây cao nhất trên đồi gần nhà ông Của được chim chọn là nơi đậu để ngủ đêm.
Ngay sau khi chim về ngủ, ông lại đi soi đèn để kiểm tra khu vực sống, theo dõi xem những loài chim gì về ở. “Đồi chủ yếu là cò, có một tháng trong năm chim bồ nông di trú ngủ tạm. Ngoài ra còn có những loại chim rừng về ở”, ông nói.
Phân chim cũng là dấu hiệu để nhận biết chim khỏe, yếu và thức ăn hàng ngày của chúng có đầy đủ hay không.
Chỉ sau khi quanh đồi không còn tiếng động thì ông Của mới trở về nhà ăn cơm tối. Dù phải hy sinh cả đồi cây rộng lớn cho đàn cò có nơi trú ngụ, lại ngày đêm bảo vệ đàn cò, ông Của không thấy thiệt. Tình yêu của ông với đàn chim trời lúc nào cũng vẹn nguyên.
Theo Ngọc Thành (VnExpress)
Đào "thần dược" mối chúa trắng ngà, kiếm tiền triệu mỗi ngày
Con mối chúa có màu trắng sữa, dài khoảng 20 mm, được bán với giá khoảng 150.000 đồng.
Nhiều người dân ở Thanh Hóa mưu sinh bằng nghề đào mối chúa. Công việc của họ thường bắt đầu từ tháng 10 âm lịch, khi nông nhàn cho đến hết năm.
Mối thường làm tổ dưới đất và đùn lên cao hơn so với xung quanh.
Bên cạnh nhận diện tổ mối bằng cách nhìn các ụ đất, người thợ bắt mối còn có cách khác là lắng nghe những đoàn mối thợ ăn lá và gây ra tiếng động từng đợt gần giống một trận mưa rào nhỏ.
Tổ mối thường có một đến 2 con mối chúa, mỗi con dài khoảng 20 mm, đầu nhỏ bụng to, màu trắng đục giống như con nhộng.
Anh Chung Văn Lương (Ngọc Lặc, Thanh Hóa) cho hay việc bắt mối chỉ cần các dụng cụ đơn giản như cuốc, xẻng và chủ yếu dựa vào kinh nghiệm. "Khi thấy ụ đất đùn lên cao mà đất mới nghĩa là trong đó sẽ có mối chúa", anh nói.
Tổ mối thường được xây thành các tầng, ngăn thông nhau và đây là nơi sống của mối thợ. "Mối chúa có nhiệm vụ sinh sản nên tất cả các con mối còn lại miệt mài xây tổ, tìm mồi nuôi mối chúa", anh Lương cho hay.
Mối chúa sống trong những chiếc "bánh" được làm chắc chắn bằng đất, bên ngoài có nhiều con mối quân màu đen (càng to hơn mối thợ) và mối con màu trắng.
Nhiều tổ mối nằm ở vị trí dưới chân các bức tường hoặc thân cây to khiến việc đào bới, tìm kiếm trở nên khó khăn.
"Nếu gặp may mắn, mỗi ngày chúng tôi có thể đào được 10 tổ mối, bắt khoảng 15 con mối chúa. Hiện giá mối là 150.000 đồng mỗi con", anh Lương nói.
Mối chúa được xem là món ăn có nhiều đạm và nhiều nhà hàng ở địa phương chế biến thành các món rang, xào, hấp, chiên... Ngoài ra, một số người dân cũng mua mối chúa về ngâm rượu uống.
Theo Ngọc Thành (VnExpress)
Hoảng hốt phát hiện thi thể nam thanh niên nổi bên dòng suối ở Thanh Hóa Nhiều người dân khi đi qua suối Bái Tọ, thôn Hưng Sơn (xã Ngọc Khê, huyện Ngọc Lặc, Thanh Hóa) đã vô cùng hoảng hốt khi phát hiện thi thể một nam thanh niên nổi bên bờ suối. Thi thể nam thanh niên được phát hiện bên bờ suối Chiều 13.11, trung tá Đỗ Xuân Sơn - Trưởng Công an huyện Ngọc Lặc...