Cụ ông Nhật Bản cứu hơn 600 người định nhảy vách đá tự tử
Một cụ ông 73 tuổi đã cứu hàng trăm người Nhật Bản có ý định nhảy xuống vách đá Tojinbo tự tử trong suốt 15 năm qua bằng cách trò chuyện và động viên những tâm hồn yếu đuối và tổn thương, gieo cho họ niềm hy vọng tiếp tục sống.
Cụ ông Yukio Shige. (Ảnh: TNS)
Hầu như không có ai nhảy xuống vách đá Tojinbo vào ngày mưa gió. Họ thường hay có ý định nhảy khi nắng lên. Họ thường tự tử khi khủng hoảng tài chính, khi mùa xuân bắt đầu, lúc mà các trường học ở Nhật Bản mở cửa trở lại và áp lực về cuộc sống dồn dập đè nặng lên họ.
Tuy nhiên, bất kể thời tiết ra sao, cụ ông Yukio Shige, 73 tuổi ngày ngày vẫn duy trì thói quen leo lên vách đá Tojinbo, thuộc vùng biển Nhật Bản, nằm cách mặt nước biển khoảng 24 m. Ông thường nhìn vào ống nhòm, tìm kiếm những người đang đứng vật vờ trên những tảng đá ở những điểm xa xôi hẻo lánh và cố gắng tiến đến bắt chuyện với họ.
Trong 15 năm qua, ông đã cứu sống 609 người.
“Cách mà tôi cứu họ giống như là tôi nói chuyện với một người bạn. Nó không quá hào hứng hay có gì quá đặc biệt. Tôi chỉ hỏi “này, bạn cảm thấy thế nào?” Những người đó đang mong được giúp đỡ. Họ chỉ đang chờ ai đó tới nói chuyện với họ”, cựu cảnh sát Shige chia sẻ với thái độ nhẹ nhàng, mềm mỏng.
Vấn nạn tự tử nhức nhối
Ông Yukio Shige bên vách đá. (Ảnh: Oddity)
Video đang HOT
Tỉ lệ tự tử ở Nhật Bản thuộc hàng cao nhất trong nhóm những nước phát triển. Năm 2016, cứ 100.000 người thì có khoảng 17 trường hợp tự tử. Tại hầu hết các địa điểm, các nạn nhân thường là đàn ông. Phương pháp tự tử phổ biến thường là treo cổ. Trong nhóm dân số Nhật Bản tuổi từ 15-39, tự tử là nguyên nhân phổ biến nhất dẫn đến tử vong, cao hơn cả số người chết vì ung thư và tai nạn cộng lại.
Các chỉ số trên đã có sự cải thiện đáng kể, nhờ vào những nỗ lực cải thiện tình hình kinh tế và các biện pháp phòng tránh từ phía chính phủ. Năm 2016, có khoảng 22.000 người thiệt mạng vì tự tử, con số thấp nhất trong vòng 22 năm trở lại, giảm đáng kể so với con số 33.000 vào những năm 1990 do khủng hoảng kinh tế.
Dư luận và báo chí nước ngoài thường cho rằng các vụ tự tử ở Nhật Bản có liên quan tới khái niệm lòng tự trọng và danh dự, lấy ý tưởng từ tinh thần võ sĩ đạo từ thế kỉ 12. Các samurai thời đó thường có thực hiện nghi thức tự sát có tên hara-kiri khi bị thất trận hoặc khi danh dự bị tổn hại.
Tuy nhiên, trong xã hội Nhật Bản hiện đại, đó không còn là lý do dẫn tới việc quyết định kết liễu mạng sống. Các nguyên nhân chính thường là trầm cảm, vấn đề gia đình, việc thất nghiệp hay áp lực từ học tập hoặc công việc.
Tokyo thậm chí còn ban hành một bộ luật về các biện pháp đối phó với vấn nạn tự tử từ năm 2007 và vẫn nỗ lực hoàn thiện văn bản này trong 10 năm qua. Theo chuyên gia nghiên cứu về nạn tự tử ở Đại học Y khoa Kyoto Yutaka Motohashi, chính phủ Nhật Bản đã và đang áp dụng nhiều biện pháp về pháp lý, xã hội và văn hóa để đối phó với vấn nạn tự tử nhức nhối.
Ông Motohashi cho biết thay vì chỉ đổ tiền vào nghiên cứu về nguyên nhân của trầm cảm, các quan chức Nhật Bản đã thử nghiệm nhiều phương pháp để ngăn chặn ý định tự tử của người dân. Họ mở các đường dây tư vấn về tự tử, mở các dịch vụ tư vấn, quản lý các trang web hướng dẫn các biện pháp tự tử, thay đổi luật lao động để giảm giờ làm mỗi tuần.
Mặc dù, hầu hết các vụ tự tử đều được tiến hành tại nhà, một vài người vẫn chọn những “điểm nóng tự tử” để kết liễu mạng sống như cầu, vách đá, hẻm núi, các tòa nhà chọc trời. Các chuyên gia cho biết Nhật Bản có khoảng 50 địa điểm như vậy, trong đó có vách đá Tojinbo, cách 321 km về phía Tây thủ đô Tokyo.
Hành trình 15 năm cứu người
Vách đá Tojinbo. (Ảnh: FOV)
Ông Shige đã làm công việc cảnh sát được 42 năm và địa điểm cuối cùng ông công tác trước khi về hưu là Tojinbo. Khi còn đương chức, ông thường phải đi thu lượm xác chết do sóng đánh vào bờ. Vào năm 2003, ông phát hiện một cặp đôi lớn tuổi ngồi trên ghế băng. Ông đã quyết định tiến gần tới họ. Họ chia sẻ rằng họ có một quán rượu ở Tokyo và đang nợ nần chồng chất. Họ dự tính sẽ nhảy xuống vách đá tự tử vào lúc hoàng hôn.
Ông Shige đã gọi cho đồng nghiệp và họ đã đưa cặp đôi đến cơ quan phúc lợi địa phương. Nhưng khi cảnh sát cho cặp đôi ra về, 5 ngày sau, họ đã treo cổ tự tử ở Niigata, một quận nằm kế bên Tojinbo.
Thôi thúc từ câu chuyện đau lòng, ông Shige đã quyết định thành lập một tổ chức phi lợi nhuận tuần tra vách đá. Hiện giờ ông có khoảng 20 tình nguyện viên trong tổ chức, họ thay phiên nhau đi tuần vào ban ngày.
“Lý do mà chúng tôi phân công từng cá nhân đi tuần là vì nếu bạn đi tuần theo cặp hoặc theo nhóm, người định tự tử sẽ cảm thấy nghi ngờ và muốn trốn tránh. Người ta thường cảm thấy an toàn hơn khi nói chuyện mặt đối mặt với 1 người khác”, ông Shige chia sẻ.
Dạo gần đây, ông còn sử dụng các camera trên thiết bị không người lái để theo dõi vách đá từ trên cao và với tốc độ nhanh chóng hơn.
Tuy nhiên, vẫn có những trường hợp mà đội tình nguyện không kịp can thiệp. Năm ngoái, 10 người đã tự tử ở vách đá, năm 2016 là 14 người và năm 2015 là 12 người.
Ở Canada, để đối phó với nạn tự tử, hàng rào, lưới và các rào chắn đã được trang bị để ngăn chặn những người có ý định tự tử nhảy xuống ở những “điểm nóng”. Ông Shige đã từng đề xuất với chính quyền địa phương về phương án này, nhưng họ không đồng ý do lo ngại làm ảnh hưởng tới công nghiệp du lịch. Tuy nhiên, giới chức Tojinbo cũng đã lắp đặt hệ thống đèn ngoài trời để giúp việc can ngăn những người tự tử dễ hơn vào trời tối.
Ông Shige cho rằng những người tự tử đại diện cho nhóm người dễ tổn thương nhất trong xã hội: những người vô gia cư, người lớn tuổi, những học sinh bị áp lực học hành. Họ thường đi tàu tới quận Fukui, bắt 1 chuyến xe buýt tới vách đá. Họ thường mang theo rất ít tiền. Họ ngồi cô độc hàng giờ ở vách đá cho đến khi mặt trời lặn và đám đông thưa thớt dần.
Ông Shige thường chú ý tới những chi tiết nhỏ nhất để có thể can thiệp kịp thời. Ngày 31/8/2017, ông đã phát hiện một thiếu nữ 17 tuổi đang thơ thẩn ngồi trên vách đá. Ông đã đưa cô gái về trụ sở tổ chức, nói chuyện với cô. Thiếu nữ chia sẻ rằng cô bị cha mẹ gây áp lực, ép phải thành công và cô cảm thấy mình không đủ tốt.
“Đã tới giờ lên lớp và cháu chưa làm bài tập vì vậy cháu cảm thấy rất xấu hổ”, cô gái chia sẻ. Vì vậy, thay vì tới trường, cô gái đã đi tới vách đá.
Thiếu nữ này là người thứ 23 trong 28 người được ông Shige cứu trong năm 2017. Ông đã gọi cha mẹ cô đến và hỏi họ: “Điều gì thực sự quan trọng hơn? Mạng sống của con bé hay là việc nó tốt nghiệp”?. Sau đó, ông giao con gái lại cho họ.
Đức Hoàng
Theo Dantri
Nga: Nhảy từ tầng 14 xuống đất vẫn sống, đi lấy dao tự đâm tiếp
Một thiếu nữ 17 tuổi ở Nga đã sống sót thần kì sau khi nhảy qua cửa sổ tầng 14 xuống đất.
Thiếu nữ Diana Bestuzheva
Diana Bestuzheva, 17 tuổi, mơ ước trở thành diễn viên sau khi tốt nghiệp một trường điện ảnh danh tiếng ở thủ đô Moscow, Nga. Nhưng cô đã trở nên trầm cảm sau khi bị bạn trai chia tay.
Thiếu nữ 17 tuổi đã sử dụng ma túy và viết thư tuyệt mệnh gửi người mẹ tên Alla, rồi nhảy qua cửa sổ căn hộ của cô trên tầng 14 của tòa nhà chung cư ở thành phố Moscow, Nga.
"Tôi nhìn thấy nạn nhân bước chân ra ngoài cửa sổ căn hộ", một nhân chứng kể lại. "Cô ấy ngã xuống đất, nhưng sau đó vẫn có thể tự đứng dậy và trở lại lối vào của tòa nhà chung cư".
Sau khi sống sót thần kỳ, thiếu nữ trẻ đã lấy một con dao và tự đâm vào mình. Khi các nhân viên y tế được gọi tới hiện trường, cô gái đã tử vong do vết thương quá nặng.
Cảnh sát địa phương cho biết họ xác định đây là một vụ tự tử và sẽ không tiến hành điều tra thêm.
Theo Danviet
Nam cảnh sát điển trai gây sốt sau khi cứu phụ nữ nhảy lầu Hàng chục phụ nữ Trung Quốc bày tỏ mong muốn hẹn hò với một nam sĩ quan trẻ điển trai sau khi anh cứu sống một người nhảy lầu. Nam cảnh sát Wang Haobin. Ảnh: Qianjiang Evening News Theo SCMP, nhiều người đã gọi điện đến đồn cảnh sát thành phố Hàng Châu, tỉnh Chiết Giang, để xin thông tin về sĩ quan...