Cụ ông người dân tộc Tày biết 5 thứ tiếng
Trong chuyến công tác về huyện vùng cao Trùng Khánh, Cao Bằng, chúng tôi may mắn được gặp gỡ với những con người đặc biệt được xem như những dị nhân giữa núi rừng. Một trong số đó là ông Nông Ích Đăm (dân tộc Tày, SN 1923, sống tại xã Đạm Thuỷ, Trùng Khánh, Cao Bằng).
“Ông Tây”… giữa đại ngàn
Anh Nông Văn Tình, cán bộ văn hoá xã Đạm Thuỷ đi cùng đoàn chúng tôi cho hay: Năm nay ông Đăm 90 tuổi, là người cao tuổi nhất trong làng. Tuy vậy, ông còn khá minh mẫn và là kho sử liệu sống về những câu chuyện từ xa xưa đến ngày nay trên mảnh đất quê hương. Từng tham gia kháng chiến chống Pháp tại khu vực Trùng Khánh khi tuổi đời còn rất trẻ, ông Đăm có cơ hội tiếp xúc với nhiều người, học tập và trau dồi được nhiều kiến thức tiến bộ. Chính vì thế UBND xã thường mời ông tham gia một số buổi lễ, trò chuyện với thế hệ trẻ tại các thôn bản. Anh Tình cũng tiết lộ, ông Đăm biết đến năm thứ tiếng là tiếng Kinh, tiếng Tày, tiếng Pháp, tiếng Anh và tiếng Trung.
Ông Nông Ích Đăm
Dứt câu chuyện với anh Tình, chúng tôi liền đem những thắc mắc về khả năng học ngoại ngữ của ông Đăm. Ông tươi cười cho biết: “Thời còn nhỏ, tôi may mắn được gia đình cho ra trường huyện Trùng Khánh để học. Thời đó, chúng tôi bắt buộc phải học tiếng Pháp. Tôi học được 3 năm rồi sau đó tự học. Năm 1945-1946, tôi tham gia kháng chiến chống Pháp và có cơ hội được tiếp xúc với một số sách vở, tài liệu. Tranh thủ những lúc rảnh rỗi, tôi lại lấy sách ra học. Thời đó, học theo sở thích chứ chẳng nghĩ là sẽ có lúc vận dụng vào việc gì. Thi thoảng gặp được người nào biết nói tiếng Pháp là tôi vui lắm. Cứ lân la hỏi chuyện, tìm hiểu cho kỳ được những câu, những từ mình chưa rõ. Đến khi rời quân ngũ, trở về địa phương, không còn nhiều cơ hội để học nên vốn tiếng của tôi cứ mai một dần. Giờ đây, không còn nhớ nhiều nhưng tôi vẫn có thể giao tiếp tiếng Pháp bình thường và nói về một số chủ đề đơn giản”.
Để minh chứng cho lời nói của mình, ông Đăm chào chúng tôi bằng tiếng Pháp và ghép từ “chào” – “bonjour” với rất nhiều các danh từ xưng hô khác nhau. Không chỉ có thế, ông còn nói những câu như hỏi thăm về quốc tịch, sức khoẻ, công việc, gia đình… Cao hứng thêm, ông còn hát cho chúng tôi nghe một đoạn nhạc Pháp. Dù không hiểu về thứ ngôn ngữ này nhưng quan sát phong thái tự tin, vui nhộn của ông, chúng tôi biết chắc rằng đây là bài hát ông rất yêu thích và ghi nhớ trong nhiều năm qua. Khi biết tiếng Pháp và tiếng Anh có nhiều nét giống nhau nên có dịp giao tiếp với những vị khách đến thăm thác Bản Giốc và động Ngườm Ngao, ông Đăm lại học thêm cách giao tiếp bằng tiếng Anh. Ông cho biết, đã nhiều lần nói chuyện và chỉ đường cho những vị khách nước ngoài khi họ đến quê hương ông.
Video đang HOT
Nghe ông hát mà ai nấy trong buổi trò chuyện đều rất hứng khởi. Nhưng chưa dừng lại ở đó, ông Đăm còn đưa chúng tôi đi hết từ bất ngờ này đến bất ngờ khác. Ông cho hay, vì từng tham gia tuần tra tại biên giới Việt – Trung và tham gia buôn bán nhỏ ở biên giới hai nước nên ông còn biết cả tiếng Trung Quốc. Nói đoạn, ông hỏi chúng tôi bằng tiếng Trung. Vì biết chút ít về tiếng Trung nên tôi hiểu được ý ông nói rằng: Các cháu đến thăm Cao Bằng mấy ngày rồi? Trưa nay ở lại dùng cơm với gia đình ông nhé? Ông Đăm cũng giải thích thêm, ông biết tiếng Trung là do thường xuyên giao tiếp với người Trung Quốc, đặc biệt là khi trao đổi hàng hóa, mua bán nên vốn từ ông biết chủ yếu thuộc những lĩnh vực này.
Ông Nông Ích Đăm chụp ảnh cùng du khách người ngước ngoài tại động Ngườm Ngao
Hướng dẫn viên du lịch bất đắc dĩ
Ngôi nhà nhỏ của ông Nông Ích Đăm nằm cách động Ngườm Ngao chưa đầy 1km. Đây là một hang động toạ lạc trong lòng một quả núi, cách thác Bản Giốc 5km. Hang Ngườm Ngao có tổng chiều dài 2.144m, có 3 cửa chính, trong động có nhiều nhũ đá và măng đá với các hình dạng phong phú đa dạng mô phỏng lại cuộc sống của thiên nhiên tuyệt đẹp. Tuy chưa trở thành một địa điểm du lịch nổi tiếng nhưng hang động này được khá nhiều người yêu thích du lịch khám phá, đặc biệt là những du khách nước ngoài tìm đến tham quan. Cũng chính vì thế mà tại đây, ông Nông Ích Đăm có cơ hội gặp gỡ rất nhiều du khách nước ngoài.
Một lần vào năm 2003, ông đang dắt trâu đi ra đồng thì gặp ba vị khách người Canada đang rảo bước đi từ phía động ra. Nhìn dáng bộ thất thểu của họ ông biết họ đang rất mệt mỏi. Thấy vậy, ông cao hứng chào họ một câu tiếng Pháp. Có lẽ thấy bất ngờ vì giữa núi đồi mênh mông lại có một ông già người dân tộc giao tiếp với mình nên họ lại gần và bắt đầu nói chuyện. Câu chuyện giữa ông và họ càng trở nên rôm rả khi ông hồi nhớ lại vốn từ và trao đổi với họ về những chủ đề về gia đình, công việc, sở thích du lịch và một vài nét cơ bản về văn hóa người Tày. Tất nhiên, vì thời gian học tiếng Pháp đã khá lâu nên một số từ ông không nhớ. Cũng may khi đó đi cùng ba vị khách nước ngoài còn có một nữ thông dịch viên nên những khi gặp khó khăn về cách diễn đạt ông lại nhờ cô phiên dịch giúp đỡ. Hôm đó, ông còn mời những vị khách về nhà nói chuyện. Khi ra về họ tặng ông một lọ dầu gội đầu và 20.000 đồng. Ông từ chối nhận tiền và chỉ nhận lọ dầu gội đầu vì thứ dầu đó người Tày không có bao giờ.
Trong số những du khách nước ngoài mà ông Đăm đã gặp, ông nhớ nhất kỉ niệm trong một lần dẫn đoàn khách Pháp vào thăm động Ngườm Ngao năm 2010. Khi vào trong hang, đang đứng ở vị trí của nhũ đá có hình cây san hô biển khổng lồ thì đột nhiên có một con rắn hổ mang nhỏ xuất hiện ngay dưới khe đá. Cô gái người Pháp đứng gần đó hoảng hốt bỏ chạy thì bị con rắn bất ngờ mổ vào bắp chân. Với kinh nghiệm nhiều năm đi rừng, ông Đăm nhanh chóng trấn an đoàn khách và chạy ra vệt cây rậm ngoài cửa hang hái một ít lá rừng, nhai nát ra và đắp vào chân cho cô gái. Khá may là vết cắn không sâu nên không bị chảy nhiều máu và không nguy hiểm đến tính mạng cô gái. Buổi trưa hôm đó, cả đoàn khách đã nghỉ ngơi và ăn trưa với gia đình ông Đăm. Cha mẹ cô gái vô cùng cảm kích và biết ơn ông vì đã giúp con gái mình.
Sau khi về nước, những vị khách đó còn viết thư và gửi ảnh cho ông. Vui chuyện, ông Đăm còn đọc và dịch cho tôi nghe bức thư họ gửi. Bức thư có nội dung: “Chào ông Đăm. Chúng tôi rất vui khi gửi cho ông những hình ảnh khi đến thăm nhà ông. Ông đã đón tiếp chúng tôi với lòng tốt tuyệt vời và chúng tôi đã có những kỉ niệm không bao giờ quên. Những hình ảnh chúng tôi gửi cho ông tuy hơi muộn nhưng hi vọng sẽ làm ông vui. Chúng tôi cảm ơn lòng hiếu khách và sự giúp đỡ của ông. Ông đã khiến chúng tôi rất xúc động. Chúng tôi sẽ thường xuyên nhắc đến ông và gia đình ông. Chúng tôi có thể sẽ trở lại Việt Nam vào năm 2012, khi đó rất mong sẽ gặp được ông”. Cuối bức thư có ghi tên của người gửi là Léon Pragassam et Francoisi Nicolle.
Theo 24h
Rêu nướng - đặc sản có 1 không 2
Lâu nay, rêu đá chỉ được coi là 1 loại thủy sinh không nhiều tác dụng. Nhưng đối với người dân tộc Tày ở xã Xuân Giang tỉnh Hà Giang, thì rêu đá được coi là đặc sản trong ẩm thực của họ.
Các món ăn được chế biến từ rêu đá còn được gọi là quẹ. Đây là một món ăn vừa ngon, vừa bổ, lại có hương vị rất riêng.
Ảnh: Internet
Theo người dân địa phương, khi đi tìm rêu, họ thường chọn những bãi rêu lớn, bởi ở đó rêu vừa nhiều, vừa ngon. Rêu tươi đem về được vò đập thật kỹ cho sạch nhớt phù sa, sau đó có thể chế biến thành nhiều món.
Chị Hoàng Thị Cấp, xã Xuân Giang, huyện Quang Bình, tỉnh Hà Giang cho biết: "Khi vớt rêu, mình phải đứng ở dưới suôi để vớt. Nước cứ chảy từ trên xuông mình lây tay quơ ngang để lây, những cái nào non nhât thì mình câm được còn cái già thì nó vân bám ở đá. Rêu này chỉ sông trong 7 ngày thôi. Tức là khi nó mọc lên 3-4 ngày là mình đi vớt được rôi, còn quá 7 ngày nó trở thành màu trắng bêch không ăn được nữa".
Rêu suối tuy nhiều, nhưng những loại rêu ngon thì ít. Hơn nữa, rêu ăn được cũng theo mùa, bởi vậy đối với bà con nơi đây, rêu cũng là một món ăn quý... Rêu có thể được chế biến thành nhiều món như rêu rán, rêu khô nhưng độc đáo nhất vẫn là món trộn với các loại gia vị rồi đem nướng.
Chị Cấp chia sẻ bí quyết để có món rêu ngon là: "Sau khi xé tơi rêu ra mình mới thái. Gia vị gôm có xả, lá mùi tàu, lá dăm, lá hẹ và có thê cho 1-2 hạt dôi vào cho thơm cùng với muôi, mì chính. Mình cân cái gì mình cho vào tuỳ theo khâu vị của gia đình. Sau khi đâp xong hêt thì sẽ cho vào trôn lên, tiếp đến cho vào lá gói rôi gắp lên nướng trên than bêp".
Người Tày thường có câu: "Quẹ chí áp, táp chí hơ", có nghĩa là nướng quẹ phải đặt áp vào than, nước ngọt và thơm của nó chưa kịp rớt xuống thì quẹ đã chín, khi nướng, không phải xoay nhiều lần mà nướng chín một bên, sau đó nướng tiếp bên còn lại. Khi dùng hai ngón tay bấm thấy mềm là quẹ đã chín. Vì rêu ăn được theo mùa nên ngoài việc chế biến rêu tươi, người ta còn phơi khô rêu, cất lên gác bếp để làm món ăn dự trữ. Chỉ khách quý mới được đãi món rêu khô trên gác bếp.
Rêu nướng không chỉ là món ăn được nhiều đồng bào dân tộc ưa thích mà còn có khả năng chữa nhiều bệnh, giúp lưu thông khí huyết, giải độc, giải nhiệt, ổn định huyết áp và tăng cường sức đề kháng.
Theo tapchiamthuc