Cụ ông lập kỷ lục 4 lần chinh phục “nóc nhà Đông Dương”
Sau nhiều lần “hạ gục” thành công hầu hết những ngọn núi nổi tiếng ở miền Nam, ông vô tình gặp và nung nấu giấc mơ chinh phục Phan Xi Păng hùng vỹ.
Giấc mơ tưởng chừng như xa vời của lão ông đã ngoài 80 thôi thúc ông “trốn nhà”, giấu tuổi, lén trèo non, leo núi… Niềm đam mê kỳ lạ cùng nghị lực phi thường đã biến một lão ông bình thường trở thành kỷ lục gia với bốn lần chinh phục nóc nhà Đông Dương.
Ông Ráng trong cuộc hành trình chinh phục “nóc nhà Đông Dương”. (Ảnh do nhân vật cung cấp).
Vượt khỏi quy luật tuổi già
Những ai có dịp tiếp xúc với lão ông Huỳnh Văn Ráng (83 tuổi, ngụ Lái Thiêu, TX. Thuận An, Bình Dương) đều ngỡ ngàng trước sự trẻ trung, dẻo dai của ông. Chuyện về ông già ở tuổi xưa nay hiếm có sở thích leo núi cao lan truyền khắp thị xã Lái Thiêu. Người ta kể về ông như kể về một con người có sức khỏe cùng niềm đam mê không dành cho người có tuổi. Không như những người cao tuổi khác, ông Ráng chọn cho mình sở thích leo núi, mà phải núi cao, núi có tiếng.
Những người biết ông Ráng đều khẳng định, ông từng chinh phục nhiều ngọn núi khu vực phía Nam. Từ Núi Cấm (An Giang) cho đến núi Chứa Chan – Gia Lào – Đồng Nai), nơi nào cũng có dấu chân của ông.
Ông Ráng cho biết, các núi trên, mỗi năm ông leo đến năm, bảy lần và cảm thấy chưa vừa sức: “Núi trong Nam không có ngọn nào cao, chỉ khoảng 1.000m đổ lại. Có ngọn núi tôi leo lên leo xuống mấy lần cùng lúc. Khi leo thì có thấy mệt thật, nhưng sau đó thấy người khỏe ra, ăn ngủ nhiều hơn, tinh thần cũng thoải mái hơn”. Chinh phục hầu hết những ngọn núi nổi tiếng miền Nam, ông bắt đầu tìm kiếm riêng cho mình một giấc mơ, giấc mơ vượt qua tất cả những độ cao mà ông từng chạm đến.
Rồi như một sự tình cờ, thử thách bấy lâu ông chờ đợi để chứng minh ý chí, niềm đam mê có thể vượt ra khỏi quy luật già yếu bất chợt xuất hiện. “Khoảng năm 2005, tôi đi du lịch đến Sa Pa và nhận ra ở đây có dãy Hoàng Liên Sơn hùng vỹ. Đặc biệt, đỉnh Phan Xi Păng là “nóc nhà của Đông Dương”, ước mơ được chinh phục của mọi nhà leo núi. Tôi bị hấp dẫn ngay khi biết thông tin về Phan Xi Păng. Tôi tính thử sức ngay trong lần đi đó nhưng vì tuổi cao, mấy cán bộ ở trạm kiểm lâm (đỉnh đèo Trạm Tôn) không cho phép. Tôi đành miễn cưỡng chiêm ngưỡng cảnh núi non qua đài quan sát”, ông Ráng cho biết.
Ông Ráng trên đỉnh Phan Xi Păng. (Ảnh nhân vật cung cấp).
Về Nam, ông luôn luôn khát khao chinh phục cái “nóc nhà” ấy. Niềm khát khao đó chiếm lĩnh từng giấc ngủ, từng phút nghỉ ngơi của ông lão ở tuổi cổ lai hy. Ông cẩn trọng suy xét, đánh giá, tìm cách chuẩn bị cho một kỷ lục bản thân mới. Ông lo lắng, loay hoay thoát khỏi suy nghĩ tuổi già sức yếu, khó khăn, chướng ngại, nguy hiểm sẽ phải đối mặt trên chặng đường như đâm thẳng lên trời sắp tới. Hai năm sau, khi đã 77 tuổi, ông Ráng quay trở lại Sa Pa và quyết lòng chinh phục đỉnh cao.
Rút kinh nghiệm từ chuyến đi trước, lần này, ông Ráng không khai tuổi thật với các cán bộ ở trạm kiểm lâm nhưng vẫn không được chấp nhận. “Mấy anh cán bộ ở đây nói xưa nay chưa thấy người già nào đến đây xin leo núi ngoài bác. Nhưng tôi đã hạ quyết tâm rồi nên cứ nài nỉ không chịu về. Thấy tôi quyết tâm quá mấy anh cũng xiêu lòng nhưng cũng chưa chịu cho tôi leo. Mấy anh dẫn tôi đến công ty du lịch gần đó để tôi đăng ký. Thế nhưng nhân viên của công ty này không đồng ý để tôi leo. Đến khi tôi để họ kiểm tra chân, tay, cơ bắp thì họ mới chấp nhận”, ông nhớ lại.
Video đang HOT
Sau khi hoàn tất thủ tục đăng ký, ông cùng hai người “tùy tùng” (một nhân viên hướng dẫn và một anh “cửu vạn” khuân vác đồ đạc) lên đường. Hành trình bắt đầu từ lúc 8h sáng cho đến 17h thì đến được đỉnh cao 2.900m. ông nghỉ lại ở trạm dừng chân một đêm rồi quay trở xuống chân núi. “Đặt chân lên đỉnh núi Phan Xi Păng cao vời vợi phải đi bộ băng rừng, leo núi, vượt thác đá gập ghềnh mới khám phá được thiên nhiên hùng vĩ của đất trời. Ngoài hai chữ tuyệt vời, tôi không biết phải dùng từ nào để diễn tả. Tuy nhiên, lần đi này tôi vẫn chưa thỏa lòng vì chưa được lên đến trạm cuối”, ông hào hứng kể.
Bước tiếp đoạn đường dang dở
Trở về nhà mà chưa chinh phục thành công nóc nhà Đông Dương hùng vỹ, ông Ráng day dứt đến khó tả. Niềm đam mê chinh phục độ cao vẫn không ngừng thôi thúc ông chuẩn bị cho lần thử thách thứ hai, thứ ba, thậm chí lần thứ tư. “Tôi biết để chinh phục độ cao 3.143m ở tuổi như tôi không phải chuyện dễ. Đặc biệt, ngoài vấn đề sức khỏe, kỹ năng leo núi, gia đình ái ngại chuyện tuổi tác nên cứ ra sức can ngăn nên nhiều lần tôi phải hoãn lại. Đến năm 2010, tôi lại đi lần nữa, sau đó là tháng 6/2013. Hai lần này thuận lợi hơn nhiều, vì tôi có được một số người biết đến và tôi đều liên hệ trước. Nghe tên tôi là họ đồng ý ngay mà không cần chần chừ, do dự”, ông cho biết thêm.
Tuy nhiên, cũng như lần đầu, hai lần chinh phục sau này, ông đều phải dừng lại dưới độ cao 3.000m. Theo ông, chưa lên đến đỉnh núi thì chưa thể gọi là thành công, chưa thể khám phá sự kỳ bí ở đỉnh cao nhất Phan Xi Păng.
Ông tâm sự: “Tôi dự định phá kỷ lục bản thân trong hai lần leo núi trước đây rồi nhưng gia đình cản dữ quá. Có lần tôi đã chuẩn bị hai túi đồ định trốn gia đình ra ngoài đó leo cho hết đoạn đường còn lại. Nhưng nếu đi như vậy ở nhà không ai biết thì sẽ lo lắng. Nghĩ lại thấy không ổn nên tôi dừng lại để chuẩn bị kỹ lưỡng hơn”.
Theo ông, Phan Xi Păng vẫn là đích đến của những ai có ý chí, muốn thử sức, cùng với niềm đam mê chinh phục, khám phá. Nhưng muốn thành công thì ngoài lòng kiên trì điều tiên quyết là phải có một sức khỏe tốt. Bởi cuộc hành trình từ chân núi lên đến đỉnh gặp không ít khó khăn, đường đi hiểm trở, gập ghềnh, vách đá cheo leo có thể gặp sự cố bất cứ lúc nào. Càng lên cao, đường càng vắng vẻ, không có người dẫn đường thì sẽ bị lạc ngay. Do đó, ông chuẩn bị, cho mình một sức khỏe dẻo dai, ý chí, sự kiên trì cùng nghị lực phi thường.
Để chuẩn bị cho hành trình bước tiếp đoạn đường dở dang, ông tự nghĩ ra phương pháp luyện tập vô cùng độc đáo, thú vị là leo cầu thang. Ông Ráng cho biết: “Leo núi là lên cao rồi lại xuống thấp nên ở nhà tôi cũng tập leo lên leo xuống cầu thang cho cơ thể thích nghi với địa hình lên cao – xuống thấp của núi. Ngày nào, tôi cũng leo lên, leo xuống cầu thang từ tầng trệt đến tầng năm. Không leo nhiều lắm mỗi ngày khoảng 5 lần. Có như vậy khi ra leo núi thật mới không thấy mệt vì mình tập quen rồi”.
Cuối cùng, những ngày tháng đợi chờ, chuẩn bị cho hành trình phá kỷ lục bản thân của ông cũng đến. Tháng 6 vừa qua, ông chính thức đặt chân, bước tiếp chặng đường kỷ lục còn dang dở của mình.
Ông cho biết: “Cũng như những lần trước, tôi đăng ký và lên độ cao 2.000m một cách bình thường. Tuy nhiên, vượt qua độ cao chưa một lần chạm tới, tôi cũng có những trải nghiệm bất ngờ. Đường đi khó khăn hơn với những sườn dốc quanh co, thác ghềnh cheo leo, mưa, sương thấm ướt đẫm người,… Đến khi tôi lên đến đỉnh, chạm tay vào cột mốc có ghi chữ “FANSIPAN 3.143m”, tôi mới thấy hết sự hùng vỹ, bao lao của đất trời. Thật là tuyệt vời!”
Kỷ lục châu Á – Người cao tuổi nhất bốn lần chinh phục đỉnh Phan Xi Păng – Huỳnh Văn Ráng cho biết: “Tôi leo núi chỉ để thử sức và cũng là để thỏa niềm đam mê chinh phục và rèn luyện sức khỏe chứ không ngoài mục đích khác. Trong những lần leo núi Phan-Xi-Păng, tôi có những kỷ niệm rất thú vị. Đặc biệt, khi leo núi, tôi thường xuyên gặp du khách nước ngoài và vài người Việt trai trẻ, còn lại duy nhất mình là người lớn tuổi. Mấy người Tây rất ngạc nhiên, còn chụp hình chung với tôi làm kỷ niệm”.
Theo Người Đưa Tin
Bánh bèo bì, ăn để nhớ Lái Thiêu
Món bánh bèo bì chợ Búng đã gắn liền với bao thế hệ người Sài Gòn, là ký ức của những ngày cuối tuần rong ruổi về Lái Thiêu thưởng thức món ngon độc đáo này.
Những món ngon đặc trưng của bánh bèo bì chợ Búng
1. Bánh bèo bì gắn liền với chợ Búng (là tên gọi của một địa danh thuộc xã An Thạnh, Thuận An - Bình Dương), đồng thời với hai thương hiệu danh trấn vùng này là Mỹ Liên và Ngọc Hương (sát bên cửa chợ).
Lịch sử của món ngon dân dã này dễ cũng phải đến hơn 100 trăm. Khởi phát từ một gáng bánh bèo rong bên vệ đường mà thực khách phải ngồi chồm hổm để ăn, sau dần dần mới kê bàn bán trong sân, rồi vào nhà trệt, và ngày nay đã là một căn nhà nhiều tầng khang trang. Cô chủ quán Mỹ Liên nức tiếng nay đã ngoài 60 tuổi cũng chính là cháu ngoại của người gánh rong ngày xưa.
Bánh bèo bì chợ Búng cũng gắn liền với bao thế hệ người Sài Gòn, là ký ức của những ngày cuối tuần rong ruổi về Lái Thiêu thưởng thức món ngon độc đáo này. Với những vườn cây râm mát cùng nhiều đặc sản trái cây tươi ngon, Lái Thiêu cũng một thời là điểm hẹn lý tượng của nhiều nhóm bạn từ Sài Gòn.
2. Là món ăn dân dã với ba thành phần chính là bánh bèo, bì và nước mắm, nhưng cách chế biến món bánh bèo bì lại khá cầu kỳ, nếu không nói là công phu.
Trước tiên là công đoạn đổ bánh bèo. Ngày nay do áp dụng nhiều công nghệ mới nên việc này cũng đơn giản đi bội phần. Còn ngày trước thì người Bình Dương thường đổ bánh bèo trong chén như kiểu bánh bèo Huế. Đổ bột cũng được xem như một nghệ thuật, bởi khi tay đổ dứt giọt bột cuối cùng thì phải vừa ngám miệng chén, có vậy thì sau khi hấp xong miếng bánh bèo mới đẹp.
Bột gạo để đổ bánh cũng cầu kỳ không kém: gạo được ngâm qua đêm, rồi đổ cho ráo nước cho đến khi nào không còn mùi chua (cám gạo lên men khi gặp nước), xay nhuyễn rồi hòa với nước để tạo thành bột nước đổ bánh.
Còn bì là hỗn hợp thịt heo xắt mỏng cùng da heo ram xắt mỏng từng sợi trộn thính gạo (không thế thiếu hai gia vị là tỏi và bột canh). Bí quyết của bánh bèo bì Mỹ Liên là ram đến gần vàng miếng thịt heo (loại thịt đùi ngon còn bọc da chung quanh). Nước dừa theo đúng định lượng được cho vào nồi để lửa riu riu cho ngấm vào thịt thì mới thơm.
Nước mắm, điểm nhấn chính của bánh bèo bì, là hỗn hợp nước mắm ngon nhiều đạm pha loãng cùng nước thắng kiệu. Chén nước mắm này còn hài hòa với nhiều món ngon khác của quán như bì cuốn, bún bì, chả giò...
Dĩa bánh bèo xưa cũ cùng bao ký ức đẹp của người Sài Gòn
3. Theo nhiều tài liệu thì cuối những năm 50 của thế kỷ trước, thị trấn Lái Thiêu với vài ngàn dân hãy còn là một chợ quận êm đềm như những ngôi phố chợ khác ở miền Nam, cũng từ ngày xa xưa chọn vùng bến bãi ven sông để thuận tiện vận chuyển hàng hóa. Ngày đó là hàng gốm sứ Lái Thiêu, là lu hủ khạp xuất về lục tỉnh và gạo thóc, cá mắm chở ngược lên.
Nhớ Lái Thiêu, là nhớ những dãy phố cổ đẹp đến nao lòng bên bờ sông, là giáo đường sớm nhất miền Nam, vườn trái cây thanh bình cùng bao món ngon thú vị...
Còn với những ai xa quê hương, một chút nhắc nhớ cũng dễ khiến bao kỷ niệm ùa về...
Cùng xem thêm nhiều hình ảnh của bánh bèo bì Mỹ Liên - chợ Búng:
Bì và dưa leo xắt nhỏ cho món bánh bèo bì, bún bì và bì cuốn
Một lớp mỏng đậu xanh được tráng trên bề mặt của bánh bèo bì
Xếp bánh bèo vào dĩa
Bún bì thịt
Chả giò
Đặng Vũ (thực hiện)
Theo Sài Gòn Ẩm Thực
Cụ ông Việt Nam lập kỷ lục châu Á Theo Tổ chức Kỷ lục Việt Nam, sáng 4/9, Tổ chức Kỷ lục châu Á tại TP Faridabad, bang Haryana - Ấn Độ đã ra văn bản chính thức công nhận kỷ lục châu Á "Người cao tuổi 4 lần chinh phục đỉnh Fansipan" và "Người cao tuổi nhất chinh phục đỉnh Fansipan" cho cụ Huỳnh Văn Ráng. Cụ Ráng sinh năm 1931...