Cụ ông 80 tuổi kiên quyết ly hôn vợ sau gần 40 năm chung sống
Ở tuổi 80, cụ ông tóc bạc, sức khỏe yếu vẫn kiên quyết xin tòa cho mình được ly hôn với người phụ nữ “đầu ấp tay gối” gần 40 năm qua.
ảnh minh họa
Trong cái nắng oi bức của mùa hè, một ngày cuối tháng 4, cụ ông tóc bạc, sức khỏe đã yếu cùng vợ đến TAND Hà Nội để xin ly hôn. Đây là phiên xét xử phúc thẩm khiến nhiều người không khỏi ái ngại bởi người chồng đã ở “bên kia dốc”, còn người vợ cũng bước vào tuổi xế chiều, khó tìm cho mình hạnh phúc mới.
Theo nội dung bản án sơ thẩm, cách đây 35 năm, ông Nguyễn Văn Hòa ( 80 tuổi), một thầy giáo làng kết hôn với bà Nguyễn Thị Liên (64 tuổi). Mặc dù cách xa nhau 16 tuổi, họ vẫn sống hạnh phúc .
Nhưng hạnh phúc ấy bắt đầu xuất hiện những vết rạn khi mong muốn có mụn con tắt ngấm sau thông báo họ không thể có con của bác sỹ. Bị tước đoạt quyền làm mẹ thiêng liêng, người vợ nghĩ tới chuyện nhận con nuôi.
Không được ủng hộ, người phụ nữ không thể có con giấu chồng nhận nuôi một bé trai bụ bẫm. Khi con nuôi khôn lớn, năm 2011, bà đưa về sống cùng hai vợ chồng trong căn nhà ở quận Cầu Giấy. Ông không đồng ý chuyện này, khiến gia đình họ nảy sinh bất hòa. Không thể chung sống dưới một mái nhà, năm 2016, ông nộp đơn ra tòa xin được ly hôn vợ.
Tuy nhiên, cấp sơ thẩm không đồng ý cho hai người ly hôn nên ông làm đơn kháng cáo. Có mặt tại tòa phúc thẩm, ông lão 80 tuổi cho biết hiện ông đã ra ngoài ở, không sống cùng nhà với vợ nữa, vì giữa họ có rất nhiều mâu thuẫn liên quan đến con trai nuôi và tài sản.
Video đang HOT
Theo trình bày của người chồng, ông và con trai nuôi của vợ không hợp nhau. Mỗi khi xảy ra mâu thuẫn, ông bị con trai nuôi hành hung. Không phủ nhận lời tố của chồng, song người vợ bảo: “Ông phải như thế nào thì con mới làm thế. Ông đốt giường, đốt chăn chiếu của con”.
Thấy vậy, ông lão 80 tuổi quay sang đổ lỗi vợ có mong muốn chồng chết trước để chiếm đoạt tài sản. Nghe đến đó, người phụ nữ 64 tuổi phân bua bản thân không bao giờ có những ý nghĩ đó. Theo lời kể của bà Liên, hiện căn nhà cấp 4 mà gia đình họ đang sống đã xuống cấp, song bà không muốn xây mới vì sợ ông gặp chuyện không hay.
“Khi ông ấy muốn xây nhà, tôi bảo nhà mình có cái dớp, ông bố xây nhà một năm sau chết, cụ xây cũng vậy nên tôi sợ, không đồng ý. Vậy mà ông nói tôi muốn chồng chết trước để chiếm tài sản, sau đó gọi điện cho người thân bảo cho tôi ra khỏi nhà bằng hai bàn tay trắng”, bà Liên buồn bã nói.
Tiếp lời, người vợ khẳng định dù ở tuổi này song vẫn còn rất yêu thương chồng. Nói đến đó, bà lão 64 tuổi tự nhận mình là người đàn bà ngu gốc, biết chồng như thế mà vẫn yêu thương. “Tôi chỉ muốn nói, sao lúc ông còn trẻ, ông vẫn còn giữ tôi, giờ ông về già tôi cũng đã già, thì ông lại tẩu tán hết tài sản của hai vợ chồng đi”, người vợ nói.
Khi được hỏi có phương án để khắc phục mâu thuẫn, hàn gắn tình cảm để cùng chung sống một nhà thay vì hai người hai nơi như hiện nay không, bà lão 64 tuổi bảo không. Tuy nhiên, theo lời kể của người vợ, trước nay gia đình họ không có chuyện gì, ông ăn xong còn bưng mâm, bà gọt hoa quả, bê nước…
“Ông đi nói xấu tôi, nhưng người ta lại thương tôi lấy chồng già. Những câu nói của ông như muối xát vào ruột nhưng tôi vẫn chấp nhận. Tôi không bao giờ mong chồng chết trước tôi”, người vợ nghẹn ngào.
Nghe vậy, ông lão 80 tuổi bảo vợ đừng dùng nước mắt, ngoa ngôn để lấy lòng. “Bà cư xử với tôi không ra gì, chửi loạn cả lên. Bà chưa tổng hợp hết được mọi thứ bà đối xử với tôi”, người chồng bức xúc.
Nhận thấy giữa họ không thể cùng sống chung một nhà, sau khi nghị án, cấp phúc thẩm tuyên 2 người được ly hôn.
Theo Kênh 14
Mười mấy năm chung sống, dấu ấn duy nhất người chồng để lại cho chị chỉ là hai đứa con
Nếu không có chồng, chị sẽ làm cha cho các con. Trong cơn mưa tầm tã thế này chị càng thấy mình phải mạnh mẽ hơn lên cho chính mình và cho các con.
Chị cho con ăn xong thì trời đổ mưa tầm tã. Căn nhà rộng thường xuyên có người ra người vào nhưng lúc này chợt vắng vẻ lạ thường. Chị nhìn ra cửa sổ lầu ba. Những hạt mưa đứt nối trong ánh đèn đường. Cây lộc vừng trước nhà đang đợt thay lá, thêm cơn giông khiến những chiếc lá còn sót lại cũng tức tưởi lìa cành.
Chị dặn các con ở nhà học bài, uống sữa rồi thay quần áo, điện thoại gọi taxi. Chị muốn đi ăn cái gì đó ngon ngon. Trong những lúc chênh vênh thế này, chị cần phải khỏe mạnh và nhất là cần được một mình. Chiếc taxi lao trong cơn mưa trắng đường, trắng một khoảng trời trước mặt. Tài xế ngạc nhiên khi chị ra hiệu dừng lại trước một quán phở nép mình trong con hẻm. "Trời mưa lớn mà chị đi một quãng đường xa như vậy chỉ để ăn phở hả?" - anh ta hỏi vẻ ngờ vực. Chị cười gượng: "Chắc không ai rảnh như vậy phải không?".
Chị vào quán, mưa vẫn còn nặng hạt. Một chiếc xe máy trờ đến. Người phụ nữ chống chân không kịp, xe ngã lăn xuống đường. Đứa con gái nhỏ ngồi phía sau khóc thét. Trong mưa, người mẹ ôm lấy con gái dỗ dành, bỏ mặc chiếc xe cho người khác, ôm con vào quán. Đau thì ít, sợ thì nhiều, đứa bé vẫn chưa thôi khóc, những sợi tóc ướt nhẹp, bết chặt trên trán. Người mẹ loay hoay với đứa con gái. Không có một người đàn ông. Đó cũng là cảnh rất bình thường chị vẫn thấy mỗi ngày trong cuộc sống. Bình thường đến mức chị chẳng mảy may quan tâm.
Nhưng, hôm nay thì khác. Chị không biết gì về người phụ nữ kia. Chị ta có đang sống cùng chồng, đang có một gia đình hạnh phúc, hay...? Chỉ biết ngay lúc này, nếu có một người đàn ông bên cạnh, chị đã không phải chật vật như thế với chiếc xe, con bé chắc cũng không đến nỗi sợ hãi mà khóc dai dẳng không thôi. Giây phút đó, chị ước sao con bé có cha, người phụ nữ kia có chồng bên cạnh, chị sẽ không phải nặng lòng để tâm đến họ.
Ảnh minh họa: Internet
Đây là lần đầu tiên kể từ ngày tờ đơn ly hôn được ký, chị thấy chùng lòng, sợ hãi. Là một phụ nữ mạnh mẽ, kinh tế vững vàng, chị đủ niềm tin mình sẽ nuôi dạy được hai con thật tốt. Có chồng cũng như không, chị nghĩ. Mười mấy năm chung sống, dấu ấn duy nhất người chồng để lại cho chị chỉ là hai đứa con. Chấm hết! Từ sau khi chị sinh con thứ hai, anh thường xuyên đi biệt, xem nhà như quán trọ, mệt thì ghé về ngủ một giấc, hôn con vài cái, rồi đi.
Về phần chị, công việc không quan trọng bằng hai đứa con, bằng thời gian dành cho gia đình. Thế nhưng, anh chẳng mấy khi có mặt trong những bữa cơm. Đến tận lúc này, chị cũng không dám khẳng định anh có hay không quan hệ ngoài luồng; chỉ là sự hờ hững của anh với gia đình khiến chị muốn buông tay.
Một mình chăm con, cộng thêm những lo toan từ việc kinh doanh, chị không nhận được bất kỳ sự sẻ chia nào. Khi buồn, chị cũng không có lấy một chỗ dựa tinh thần. Không tâm sự được với chồng, chị cũng không thể san sẻ nỗi lòng với người khác, vì phụ nữ có chồng là đã mang trên mình một danh phận, không cho phép chị trải lòng với người đàn ông khác.
Cũng có lúc vợ chồng chị ngồi lại tìm hướng giải quyết quan hệ hôn nhân, để các con có một gia đình đúng nghĩa. Chị chia sẻ công việc, yêu cầu anh dành nhiều thời gian hơn trong chuyện chăm sóc con, làm cho tròn trách nhiệm của một người cha, người chồng. Anh đồng ý đưa đón con đi học, ở nhà buổi tối để bữa cơm gia đình đầy đủ thành viên.
Nhưng, cũng chỉ được dăm ba tuần là mọi chuyện quay về quỹ đạo cũ. Anh lại bù khú bạn bè, phó mặc gia đình, con cái cho chị. Anh có về nhà thì cũng như một người khách ghé thăm. Chị bất lực, quyết định ly hôn. Đây là một quyết định không dễ dàng nhưng chị vững tin vào mình, đợi ngày tòa gọi. Bao nhiêu năm gầy dựng sự nghiệp, trắc trở không ít nhưng chị đều vượt qua được. Chị tự thấy ở mình không có chỗ cho sự yếu đuối.
Nhưng hôm đến tòa nộp đơn ly hôn, chị bỗng dưng thấy mình sao quá nhỏ bé, đơn độc. Chị còn thấy mình đã ích kỷ và có lỗi với các con. Những đứa trẻ vẫn hồn nhiên ăn ngủ, nói cười, không nhận thức được những gì sẽ xảy ra. Không biết chúng sẽ phản ứng thế nào trong ngày được gọi lên tòa. Nộp đơn xong, chị nhận ra những giọt nước mắt của mình trên đường về. Cũng như cảnh ở quán phở, những gì nhìn thấy đã khiến chị chạnh lòng, rối bời.
Chị đã chợt nghĩ, hay mình vì con mà tiếp tục thỏa hiệp? Nhưng, đã là những mảnh vỡ thì không thể chắp vá. Dù có vì con mà cố gắng, nó cũng chỉ là một tấm gương đầy vết rạn. Khi chồng đã không muốn cùng tạo lập một mái ấm, sao chị cứ phải tự trói đời mình trong hai chữ danh phận?
Nếu không có chồng, chị sẽ làm cha của các con. Trong cơn mưa tầm tã thế này, chị càng thấy mình phải mạnh mẽ hơn lên, cho chính mình và cho các con. Nhìn xuống tô phở còn đang bốc khói, dù không cảm nhận nổi mùi vị của nó nhưng chị vẫn chậm rãi ăn hết rồi lên taxi về nhà. Bất chợt, chị chỉ muốn được ôm các con vào lòng. Đêm nay và những đêm sau nữa...
Theo Afamily
Chán nản với người chồng kém tuổi sau 16 năm chung sống Vợ chồng tôi hay cãi nhau vì chuyện vụn vặt, rồi giận nhau đến một tuần hay nửa tháng, hầu như tháng nào cũng có chuyện. Ảnh minh hoạ Chồng kém tôi 2 tuổi, về cuộc sống rất hòa hợp trong việc nuôi dạy con và lo cho con, duy chỉ có vấn đề kinh tế và tình cảm thì khác biệt. Vợ...