Cù lao Tân Lộc – ‘hòn đảo ngọt’ của Cần Thơ
Dòng sông Hậu hiền hòa chảy qua thành phố Cần Thơ mang theo bao phù sa màu mỡ đã bồi đắp nên những cù lao xanh tươi, cho người dân cuộc sống yên bình, trù phú.
Một trong những cù lao như vậy là Tân Lộc, nơi được mệnh danh là ‘ hòn đảo ngọt’ của vùng đất Tây Đô.
Nơi đất và người gắn bó, hòa hợp
Cù lao Tân Lộc nằm cách thành phố Cần Thơ khoảng 40km. Để tới được đây, du khách phải tới trung tâm quận Thốt Nốt, sau đó mất 10 phút qua phà là có thể hòa mình vào không gian xanh mát, yên bình của cù lao Tân Lộc. Sở dĩ nơi đây được mệnh danh là “hòn đảo ngọt” là bởi trước đây, người dân trên cù lao chủ yếu sinh sống bằng nghề trồng và làm đường mía. Trong một lần đến thăm cù lao, nhạc sĩ Phạm Tuyên đã sáng tác ca khúc “Quê ta có hòn đảo ngọt”. Từ đó, Tân Lộc được gọi theo tên của bài hát này. Ngoài ra, nơi đây còn được biết đến với nhiều tên gọi khác như “cù lao cá” gắn với nghề nuôi cá tra thương phẩm; “cù lao tam tỉnh” do nằm ở vị trí giáp ranh ba tỉnh Cần Thơ, Đồng Tháp, An Giang; hay “Sa Châu” (cù lao cát) do được bồi đắp bởi phù sa sông Hậu.
Du khách thăm vườn ổi của gia đình bà Lê Hồng Điêp.
Cù lao Tân Lộc có chiều dài 20km, diện tích khoảng 3.200ha. Theo người dân, cù lao này được hình thành cách đây 4 thế kỷ. Nơi đây không chỉ phát triển nhiều vườn cây trái mà còn là nơi kết tinh những giá trị văn hóa độc đáo của vùng Nam Bộ, lịch sử hình thành cù lao được phản ánh thông qua hệ thống di tích như đình Tân Lộc Đông cùng hơn 10 ngôi nhà cổ của gia đình các ông Trần Ngọc Tánh, Nguyễn Văn Tị, Huỳnh Quang Quế…
Video đang HOT
Ngôi nhà cổ có niên đại lâu nhất, quy mô lớn và đẹp nhất ở cù lao Tân Lộc là nhà của ông Hội đồng Trần Thiên Thoại, được xây dựng năm 1935, hiện do người con trai ông Thoại là ông Trần Bá Thế trông coi. Trải qua bao mưa nắng, ngôi nhà vẫn giữ được phong cách kiến trúc giao thoa Đông – Tây với kiểu nhà hình vuông, diện tích khoảng 400m2, gồm ba gian hai chái, mái lợp ngói, tường xây bằng hai lớp gạch tiểu. Mặt tiền ngôi nhà được thiết kế theo phong cách phương Tây với bao lơn, vòm cửa chạm trổ phù điêu, hàng cột đỡ mái trang trí hoa văn tinh tế.
Bên trong ngôi nhà, trần được thiết kế cao rộng với những ô cửa sổ thoáng đãng. Nội thất được làm bằng gỗ, tường vẽ hoa văn. Ở vị trí trung tâm ngôi nhà là gian thờ của gia đình cùng bản gia phả 10 đời của họ tộc nội, ngoại. Gần một thế kỷ qua, mọi đồ vật trong nhà vẫn được các thế hệ trong gia đình giữ nguyên khiến du khách như được quay ngược thời gian để tìm hiểu nếp sống, văn hóa, phong tục của gia đình.
Trên cù lao Tân Lộc, dấu ấn văn hóa bản địa được lưu giữ đậm nét ở ngôi đình Tân Lộc Đông. Đình được hình thành vào cuối thế kỷ XIX, là nơi thờ Bổn Cảnh Thành hoàng. Sang đầu thế kỷ XX, đình được chuyển về nơi khác với quy mô lớn hơn.
Đình Tân Lộc Đông được xây dựng theo lối kiến trúc Nam Bộ đặc trưng với hình chữ “Nhất”, diện tích 2.884m2, gồm tam quan, võ ca, võ quy, chính điện, nhà khách… Điểm độc đáo của ngôi đình là ngoài những nét kiến trúc truyền thống, trong đình còn có võ ca là nơi các đoàn hát biểu diễn nghệ thuật dân gian phục vụ bà con. Khu trung tâm của võ quy đặt bàn thờ Quốc tổ Hùng Vương và Chủ tịch Hồ Chí Minh. Chính điện là nơi thờ Bổn Cảnh Thành hoàng, các bậc tiền nhân đã khai hoang lập làng xã, những vị tổ sư dạy nghề cho dân làng và những người có công với đất nước…
Đến với cù lao Tân Lập, du khách không thể bỏ qua trải nghiệm khám phá những vườn cây ăn trái thú vị. Nhờ được phù sa sông Hậu bồi đắp nên cây cối ở đây rất tươi tốt, hoa quả ngon ngọt và cho năng suất cao. Đặc sản nổi tiếng nhất của cù lao Tân Lập hiện nay là quả mận (quả roi), cho thu nhập lên tới hàng trăm triệu đồng mỗi công đất. Sản phẩm mận của Tân Lộc nay đã có mặt ở các tỉnh như Đồng Tháp, An Giang, Vĩnh Long, thành phố Hồ Chí Minh… Ngoài ra, du khách có thể ghé thăm vườn ổi sạch rộng 4.000m2 của gia đình bà Lê Hồng Điệp hay vườn chôm chôm, dâu, cam của gia đình ông Đỗ Trung Ngôn. “Ngoài việc thoải mái hái trái cây thưởng thức ngay tại vườn, du khách có thể chèo ghe, cho cá ăn… Vào khoảng tháng 5 – 6, gia đình tôi đón gần 100 khách/ngày vì đây là mùa hoa trái nở rộ” – ông Ngôn cho biết.
Không ít người khi mới đặt chân vào vườn dừa của ông Lê Tấn Nhường còn nhầm tưởng lạc vào xứ dừa Bến Tre bởi trên diện tích khoảng 7.500m2, gia đình ông trồng 550 gốc dừa các loại… Du khách có thể dành hàng giờ tại đây để tham gia các trải nghiệm như chèo thuyền trên kênh, khám phá “xứ dừa”, thưởng thức dừa tươi, mắc võng nghỉ dưới tán dừa… Ông Lê Tấn Nhường chia sẻ: “Ban đầu, gia đình tôi chỉ định trồng dừa để mang đi các nơi tiêu thụ, nhưng ngày càng nhiều người ghé thăm và thích vườn cây này. Thêm vào đó, chính quyền địa phương cũng hướng dẫn chúng tôi cách làm du lịch nên gia đình tôi đã mạnh dạn đưa thêm một số trải nghiệm để phục vụ du khách”.
Xác định du lịch là hướng đi phù hợp để phát huy thế mạnh về thiên nhiên, văn hóa của cù lao Tân Lộc, từ năm 2019, thành phố Cần Thơ đã triển khai “Đề án phát triển du lịch sinh thái phường Tân Lộc”. Theo đó, cù lao Tân Lộc được định hướng trở thành điểm đến trải nghiệm du lịch cộng đồng, sinh thái và nghỉ dưỡng của Cần Thơ; hình thành hệ thống cơ sở hạ tầng du lịch gồm: Khu trung tâm dịch vụ, phục vụ đón tiếp, cung cấp thông tin du lịch; các điểm trải nghiệm homestay tại nhà cổ và các hộ dân làm vườn; khu du lịch nghỉ dưỡng sinh thái dân dã mang đặc trưng của làng quê sông nước ở phía bắc và khu nghỉ dưỡng cao cấp, hiện đại ở phía nam của cù lao. Mặc dù còn nhiều khó khăn, hạn chế do các điều kiện khách quan về hệ thống giao thông, chất lượng nguồn nhân lực và mối liên kết với các doanh nghiệp lữ hành…, nhưng với định hướng đúng đắn của đề án, tin rằng du lịch cù lao Tân Lập sẽ sớm trở thành một điểm sáng trên bản đồ du lịch Cần Thơ.
Về lại Tây Đô
Hẹn với mấy chàng thanh niên rồi, nên dù gần cuối năm, công việc khá bận rộn, tôi vẫn tranh thủ có một chuyến hành phương Nam.
Chặng đầu tiên là Cần Thơ, còn có tên khác là Tây Đô, được coi là thủ phủ của miền Tây Nam Bộ.
Du thuyền bên bến Ninh Kiều -Ảnh: P.X.D
Bến Ninh Kiều
Ngoài duyên hải miền Trung và nhiều nơi ở Tây Nguyên đang báo tin mưa lũ nhưng khi máy bay từ Huế vô tới Tân Sơn Nhứt là trời yên bể lặng, mây trắng nắng vàng. Xuống sân bay là tôi lấy vé xe đi luôn về Cần Thơ. Vừa tròn 10 năm, tôi quay lại đất này.
Anh lái taxi là dân địa phương vui vẻ, cởi mở như bao người miền Tây, vừa lái, vừa trò chuyện rôm rả. Anh hỏi tôi có biết Cần Thơ không, tôi đáp mình có dịp vô đây ở lại vài ngày nên cũng đủ biết đất này, không đến nỗi lạ lẫm. Anh ồ lên và nói: "Vậy là anh Hai rành sáu câu...". Chà, câu rất bình thường, rất quen thuộc ở miền Tây, vậy mà đã lâu rồi tôi mới được nghe lại và do chính bà con ở đây thốt lên. Miền Tây là vậy, không lý luận cao siêu, không chữ nghĩa dông dài. Ai biết điều gì đó, hiểu về vùng đất nào đó... thì cứ gọi chung rất ngắn gọn, mộc mạc, dễ hiểu: "Rành sáu câu...". Sáu câu ở đây là sáu câu vọng cổ, bởi vì dân miền Tây ghiền nhất vẫn là ca vọng cổ, vui cũng vậy mà buồn cũng vậy, lễ cũng ca mà hội cũng ca, như cơm ăn nước uống, như không khí hít thở hàng ngày. Cho nên dường như mọi thứ đều ví von với chuyện sáu câu vọng cổ.
Lấy phòng trọ ngay sát bến Ninh Kiều đã đi vào thơ và nhạc. Chúng tôi đi dạo đúng vào đêm chủ nhật. Chợ đêm Ninh Kiều với bảng hiệu ấn tượng thu hút khá đông du khách. Ven sông là những con thuyền du lịch đèn điện đủ sắc màu trông rất lộng lẫy. Thỉnh thoảng, một chiếc du thuyền khá lớn chạy ngang vang tiếng hát của văn nghệ sông nước vào ngày nghỉ cuối tuần. Mấy anh bạn trẻ đi cùng tôi có vẻ thích thú với kiểu du ca miền Tây phóng khoáng. Đi tiếp theo công viên Ninh Kiều sẽ thấy tấm bản đồ ghi dấu lịch sử về chủ quyền biển đảo của Việt Nam, các bạn trẻ dừng lại chụp ảnh bên tấm bản đồ. Chúng tôi đi tiếp lại bắt gặp một chương trình văn nghệ giữa trời do một nhóm bạn trẻ tổ chức. Cách làm gọn nhẹ, một người giới thiệu, hai nhạc công còn người hát thì từ khán giả. Công chúng đứng vòng tròn xung quanh đầy hào hứng. Nhạc xưa, nhạc nay thôi thì đủ cả, nói theo kiểu Nam Bộ là tân cổ giao duyên. Sinh hoạt kiểu này gần giống như ven hồ Gươm ở Hà Nội.
Đi thêm chừng trăm mét nữa lại thấy một nhóm bạn trẻ chừng 4,5 người ngồi bệt đàn thùng, hát cho nhau nghe. Có đến vài nhóm như thế dọc theo bến Ninh Kiều. Kiểu sinh hoạt văn nghệ này lành mạnh, lại khá văn minh, lịch sử mà thoải mái, tự do, không làm phiền người khác. Đó là điều mới theo tôi cần được khích lệ, nhất là với lớp trẻ sau 10 năm trở lại Ninh Kiều.
Đi chợ nổi Cái Răng
Mặc dù đêm trước ngủ muộn nhưng sang ngày mới, cả bốn người chúng tôi vẫn dậy sớm vào 4 giờ sáng để còn kịp đi chuyến xuồng đầu tiên đến chợ nổi Cái Răng.
Khi cả thành phố còn đang ngái ngủ, màn đêm chưa tan thì trên bến dưới thuyền đã rộn ràng, du khách lũ lượt đứng đợi lao xao, tiếng chủ thuyền giọng nữ vang lên điều hành người lái xuồng cập bờ. Người lái sau khi nhắc khách mang áo phao đã nổ máy cho xuồng rẽ sóng. Tài công điều khiển khoảng chưa đến 40 tuổi tên là Võ Trung Hiệp, vừa lái xuồng, vừa nói: "Mình sẽ đi qua 4 chiếc cầu, đến chợ nổi Cái Răng thì dừng lại, khách có thể ăn sáng, uống cà phê ngay trên xuồng, sau đó tham quan một điểm làng nghề rồi quay về...". Dẫu đã có lần đi chợ nổi này nhưng tôi vẫn thích đi lại, nhất là trải nghiệm cảm giác đón bình minh trên sông từ những con thuyền đi lại rất điệu nghệ. Xuồng đang chạy, một chiếc cầu hiện ra trước mặt với hàng chữ quảng bá thương hiệu, ghi rõ: "Chợ nổi Cái Răng" nhấp nháy liên hồi. Ba chàng thanh niên khoái quá, reo lên: "Đã quá!" và tranh thủ chụp hình, quay clip lưu niệm. Tài công Hiệp lại giảng gải trong tiếng máy: "Những chiếc thuyền trông giống như ngôi nhà trên bờ chính là của những người buôn bán nhiều năm trên sông nước, người ta gọi là thương hồ. Chiếc xuồng chia làm 3 phần, phần đầu quan trọng nhất là thờ cúng, phần giữa để ngủ nghỉ, phần cuối để phơi áo quần, sinh hoạt, tắm giặt". Đi dọc miền Tây, thấy trên bờ có gì, dưới sông nước cũng có y chang vậy. Có cây xăng ven sông để ghe thuyền đổ xăng, ngay cả những chiếc thuyền như nhà nổi cũng ghi địa chỉ như nhà trên mặt đất...
Đây rồi, chợ nổi Cái Răng, ghe thuyền tấp nập. Ở đây, mỗi chiếc ghe đều có một cây tre làm sào dài chừng vài mét, treo thức bán của ghe mình, người dân ở đây gọi là "treo gì bán nấy", ví như treo khoai lang thì bán khoai lang, treo dừa, bán dừa... Đúng lúc ấy, các ghe bán hàng ăn sáng, cà phê dạo quanh các ghe chở du khách, vui vẻ chào mời. Chúng tôi, người ăn hủ tiếu, người ăn bún riêu cua đồng, rồi uống cà phê, không quên mời anh tài công dùng buổi sáng cùng khách. Mấy chàng thanh niên khen ngon và rất thích kiểu ăn lênh đênh sông nước. Nhìn quanh nhiều du khách nước ngoài cũng thích thú không kém khi có những trải nghiệm thú vị và độc đáo.
Xong, mọi người được mời lên làng nghề. Ai lần đầu sẽ tò mò khi thấy bà con ở đây giới thiệu cách làm hủ tiếu. Bên cạnh các lò lửa rừng rực, bàn tay linh hoạt của những người thợ như nghệ nhân khiến không ít người xem phải trầm trồ, thán phục.
Trên đường về, chúng tôi lại thấy những đoàn ghe thuyền tiếp tục đi lên chợ nổi Cái Răng... Miền văn hóa đặc sắc này vẫn ngày ngày đón du khách gần xa đến thăm.
Về cù lao xanh Tân Lộc Cách trung tâm TP Cần Thơ khoảng 40km, cù lao Tân Lộc (phường Tân Lộc, quận Thốt Nốt) là điểm đến sinh thái xanh tươi. Dải đất nổi lên giữa sông Hậu được sự bồi lắng phù sa từ thượng nguồn sông Mekong quanh năm cây trái xum xuê. Trải bao năm, cù lao Tân Lộc vẫn giữ nét yên bình, mộc mạc...