CÙ LAO DUNG Điểm đến mới của du lịch ĐBSCL
Những ngày cuối tháng 7-2020, chúng tôi có dịp tháp tùng các đoàn khảo sát tour du lịch tại tỉnh Sóc Trăng.
Đây là hoạt động nhằm cụ thể hóa những nội dung đã được bàn thảo tại Hội thảo Kết nối du lịch ĐBSCL diễn ra ngày 3-7 tại TP Cần Thơ. Một trong những điểm đến gây ấn tượng là Cù Lao Dung, huyện cù lao được đánh giá sẽ để lại nhiều trải nghiệm thú vị cho du lịch lữ hành khám phá.
Bình minh trên bãi bồi Cù Lao Dung.
Chỉ cách TP Cần Thơ khoảng 47km theo tuyến quốc lộ Nam Sông Hậu, cách tỉnh Trà Vinh qua một nhánh sông, mất khoảng 10-15 phút đi phà, Cù Lao Dung là huyện cực Đông của tỉnh Sóc Trăng, nằm cuối nguồn dòng sông Hậu, với hai cửa Định An và Trần Đề đổ ra biển Đông. Riêng chúng tôi đi xe từ trung tâm TP Sóc Trăng khoảng 20km theo đường quốc lộ 60. Từ đất liền nhìn ra xa, Cù Lao Dung hiện ra như một tấm thảm xanh trải dài đến tận cửa biển.
Ông Võ Thanh Quang, Bí thư Huyện ủy Cù Lao Dung, cho biết: Huyện có thuận lợi về địa lý với 4 mặt giáp biển, có rừng, vườn cây ăn trái, nhiều di tích nổi tiếng… Vì vậy, Cù Lao Dung được tỉnh Sóc Trăng quy hoạch thành khu du lịch sinh thái xanh – sạch – đẹp để các doanh nghiệp trong và ngoài nước có thể tham gia cùng khai thác. Hiện nay, huyện đang tập trung đầu tư hình thành các nhãn hiệu tập thể có uy tín, để nâng cao giá trị của sản phẩm OCOP địa phương. Đẩy mạnh công tác quảng bá, xúc tiến du lịch trên nhiều lĩnh vực; kêu gọi đầu tư phát triển du lịch văn hóa, du lịch sinh thái rừng ngập mặn; đảo khỉ; khu bãi bồi ven biển…
Du lịch Cù Lao Dung là điểm đến với những vườn cây ăn trái trĩu quả bốn mùa, những rẫy mía bạt ngàn, những vuông tôm thẳng tắp, những rặng rừng bần trên dải cù lao rộng hơn 23.000ha. Nơi đây có khí hậu ôn hòa, mát mẻ quanh năm được bao bọc bởi bốn bề sông nước. Không khí luôn trong lành với những cơn gió mát mang hơi nước từ sông Hậu. Đây thật sự là vùng đất thanh bình yên ả, là địa điểm du lịch phù hợp với những người yêu thích thiên nhiên, thích khám phá cuộc sống bản địa.
Sinh hoạt tập thể trên bãi bồi Cù Lao Dung.
Từ đầu cù lao, du khách sẽ ngỡ ngàng và bị cuốn hút bởi những vườn cây ăn trái oằn sai ở xã An Thạnh Nhứt và An Thạnh Tây. Cây trái nơi đây có rất nhiều chủng loại với hương vị đặc trưng, ngọt ngào, nồng đượm khó quên như: xoài, nhãn, bưởi, cam, quýt, mãng cầu, sapô (hồng xiêm), măng cụt, dâu, mận, ổi, dừa, chuối… Xuôi về phía cuối dãy cù lao, du khách sẽ thích thú khi ngắm nhìn những cánh đồng mía thênh thang xen lẫn hàng dừa cao hay những rẫy hoa màu xanh tươi. Cù Lao Dung vì vậy còn được mệnh danh “Cù lao mía”.
Nằm ở vị trí cuối cùng của huyện Cù Lao Dung là xã An Thạnh Nam, nơi đây có khu rừng bần ngập nước rộng khoảng 1.500ha, là một trong những khu rừng bần ngập nước rộng nhất khu vực ĐBSCL, với hệ sinh thái đa dạng, phong phú, cùng nhiều loài thực vật và động vật quý hiếm.
Video đang HOT
Vì là rừng nguyên sinh, nên nơi đây còn giữ vẻ hoang sơ, du khách thích thú khi bắt gặp vài chú khỉ treo mình trên ngọn bần chót vót, hay thoăn thoắt từ cành này sang cành nọ. Đặc biệt, ở khu rừng này có nhiều đàn dơi, cò, chim với số lượng hàng ngàn con, cộng với rất nhiều đàn ong làm tổ đầy trong rừng.
Ở đây còn hiện tượng thú vị là “ba khía hội” vẫn tồn tại. Đó là vào ban đêm có rất nhiều con ba khía từ các nơi tập trung về bu kín rễ, thân của những cây bần, thường ở một đoạn ven sông. Người dân chỉ lấy tay hốt ba khía bỏ vào bao và đem về chứ không phải bắt từ con.
Người dân Cù Lao Dung hiền hòa, chất phác, thật thà và hiếu khách. Đến nhà nào, bạn cũng sẽ được mời những đặc sản có trong vườn nhà như một trái dừa mát ngọt, một rổ cam hay một chùm nhãn… Rồi ngồi nghe những lão nông tri điền kể chuyện ngày xưa khẩn hoang, be bờ, mở đất; nghe kể chuyện các địa điểm gắn với truyền thuyết về những dấu tích trên đường bôn tẩu của vua Gia Long như rạch Long Ẩn (nơi vua trú ẩn), rạch Trường Tiền (nơi vua chọn làm nơi đúc tiền); hay đắm mình vào những lời ca vọng cổ chơn chất của người dân miền quê…
Về nguồn tại Cù Lao Dung gắn với truyền thống cách mạng và các di tích lịch sử như Đền thờ Bác Hồ, Bia Chiến thắng Rạch Già, Bia Chiến thắng An Hưng, Bia kỷ niệm nơi thành lập Trường Đảng đầu tiên của tỉnh Sóc Trăng. Đền thờ Bác Hồ tọa lạc tại ấp Đền Thờ, xã An Thạnh Đông là 1 trong 8 di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia của tỉnh Sóc Trăng. Nơi đây còn là trung tâm giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ.
Vùng đất gắn với truyền thuyết xứ “Tiên sa” có tên gọi Sân Tiên nằm ở cuối Cù Lao. Tại đây có farmstay Sân Tiên ở xã An Thạnh Nam với các dịch vụ lưu trú, ăn uống, tour tham quan trải nghiệm đi cầu tre dưới tán rừng, câu cua, câu cá, tham quan rừng bần, bãi nghêu bằng thuyền du lịch.
Chủ farmstay Sân Tiên Trần Quang Cần, cho biết: “Tôi đã đầu tư hơn 1,7 tỉ đồng xây dựng farmstay bên cạnh vuông tôm để đón khách đến khám phá vùng đất cù lao, đặc biệt có những chiếc cầu xuyên rừng và tàu phục vụ vừa ngắm cảnh vừa ăn uống và thưởng thức đờn ca tài tử trên sông. Đặc biệt mới đây còn có đò đưa khách ra bãi bồi ngắm biển, được du khách yêu thích”. Còn ông Trần Văn Tiến ở xã An Thạnh 1 chia sẻ: “Tôi có 3ha vườn trồng thanh nhãn, xoài để khách tham quan và mua trái ăn đem về. Tôi liên kết với 6 hộ trong ấp, mỗi nhà làm một dịch vụ như làm homestay nơi lưu trú phục vụ du khách, đờn ca tài tử, nhà tôi phục vụ tham quan, ăn uống… Hiện nay, khách tìm đến cũng khá thường xuyên”.
Qua khảo sát thực tế tại huyện Cù Lao Dung, nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước mong muốn đầu tư vào lĩnh vực du lịch sinh thái tại huyện Cù Lao Dung. Đồng thời các đơn vị này cũng trình bày ý tưởng phát triển Cù Lao Dung thành khu du lịch sinh thái kết hợp với bảo tồn sinh quyển, hướng dẫn người dân địa phương tạo ra sản phẩm phục vụ du lịch, tạo thành các khu vực như: khu du lịch tập trung du khách trong nước và quốc tế; du lịch nông nghiệp – sông nước; du lịch nông nghiệp – thủy hải sản gắn liền bảo tồn sinh quyển, bãi bồi, rừng đước…
Tất cả các ý tưởng đều ưu tiên bảo tồn những giá trị văn hóa và thiên nhiên của địa phương. Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty CP Du lịch Sài Gòn (Saigontourist) Vũ Duy Vũ cho biết: chúng tôi khá bất ngờ trước vẻ đẹp thiên nhiên cũng như vùng đất, con người Cù Lao Dung. Đây là chất liệu sinh động để chúng tôi nghiên cứu đưa vào tour lữ hành.
Sở hữu vẻ đẹp nên thơ, sông nước hữu tình với những nét đặc trưng riêng, Cù Lao Dung trong tương lai không xa sẽ là điểm đến hấp dẫn trên bản đồ du lịch ĐBSCL.
Về Sóc Trăng khám phá Cù Lao Dung
Huyện Cù Lao Dung có vị trí địa lý thuận lợi, là dãy đất nằm giữa dòng sông Hậu, cuối nguồn Cửu Long đổ ra biển Đông, nằm trong vùng kinh tế biển của tỉnh Sóc Trăng. Từ Cù Lao Dung, có thể giao thương thuận tiện với các tỉnh khu vực Đồng bằng sông Cửu Long qua hệ thống giao thông đường thủy và đường bộ.
Sở hữu vẻ đẹp nên thơ, sông nước hữu tình với những nét đặc trưng riêng, Cù Lao Dung có điều kiện để phát triển đa dạng các loại hình du lịch. Nơi đây có nhiều địa điểm gắn với truyền thuyết về những dấu tích trên đường bôn tẩu của vua Gia Long (Triều Nguyễn) như rạch Long Ẩn, rạch Trường Tiền; hay vùng đất linh thiêng có tên gọi Sân Tiên nằm ở cuối Cù Lao, hội tụ đầy đủ những điều kiện để đầu tư xây dựng khu văn hóa tín ngưỡng, phát triển du lịch tâm linh.
Những chuyến phà chạy từ Trà Vinh sang Sóc Trăng qua Cù lao Dung
Du lịch sinh thái, sông nước miệt vườn tại Cù Lao Dung cũng rất hấp dẫn với nhiều hoạt động phong phú như: tham quan nhà vườn, hái trái cây; nghe hát đờn ca tài tử; khám phá rừng phòng hộ nguyên sinh hơn 1.400 ha; trải nghiệm ngắm cảnh thiên nhiên tuyệt đẹp khi thủy triều rút tại bãi nghêu rộng hơn 800 ha; tìm hiểu vẻ đẹp hoang sơ của Đảo khỉ; đi thuyền trên sông, tham gia hành trình tìm lại 1 trong 9 cửa sông Cửu Long...
Những cây cầu bắc qua kinh rạch
Đứng trên phà nhìn trên sông Cù Lao Dung như một tấm thảm xanh um trải dài đến tận cửa biển xa khơi. Bước lên bờ là xã An Thạnh Nhất của huyện Cù Lao Dung, đi quá lên một chút là thị trấn Cù Lao Dung.
Dừa và mía là những cây trồng chủ yếu ở Cù lao Dung
Hiện nay Cù Lao Dung đã là huyện lỵ với 7 xã và một thị trấn. Mỗi xã, thị trấn mang một nét đăc trưng riêng để du khách tha hồ khám phá: nếu đến An Thạnh I, khách sẽ "lạc" vào những vườn cây trái xanh tươi, từng chùm nhãn, sapô, cam mật, xoài như mời gọi. An Thạnh II bạt ngàn đồng mía, An Thạnh Đông có nhiều khoai mì, khoai lang, củ sắn còn An Thạnh Nam nổi bật với vuông tôm, cá kèo...
Đất Cù lao Dung màu mỡ nên trồng cây gì cũng ra trái sai trĩu cành
Những khách mới đến Cù lao Dung lần đầu nếu không có người hướng dẫn, sẽ rất dễ bị đi lạc bởi những bờ bao-cũng chính là đường đi nối liền nhau giữa các khu vườn, mảnh rẫy như những bờ tường thành băng ngang, xẻ dọc như mê cung.
Những con đường ở Trung tâm huyện Cù lao Dung đã được đổ bê tông
Chỉ tính riêng phần đê bao vòng ngoài của Cù lao Dung đã lên đến trên 300km. Bờ bao cũng chính là sự bảo đảm sống còn đối với mỗi gia đình giữa một vùng sông nước mênh mông, thủy triều lên xuống, thiên tai đe dọa. Khi nước lớn, đi dạo trên những con rạch ngoằn ngoèo bằng vỏ lãi hay bằng xuồng thì bạn mới cảm nhận được hết cái thi vị của miệt Cù Lao với những mái nhà, những tán cây, rẫy mía ngút tầm mắt.
Những quả xoài to đại tướng ở Cù lao Dung
Cù Lao Dung tự hào là nơi có rừng bần lớn nhất vùng châu thổ đồng bằng sông Cửu Long. Ở đâu có sông rạch trên vùng đất Cù Lao Dung đều có màu xanh của những cây bần. Đó là nét đặc trưng của nơi đây, vì thế từ lâu có nhiều du khách cho rằng, Cù Lao Dung là quê hương của những cây bần. Mùa hoa bần, người Cù Lao Dung thường làm gỏi với thịt heo, gà, cua, mực, tôm khô...
Cù lao Dung là quê hương của những cây bần
Món đặc sản xứ Cù lao mà bây giờ có thể nói rằng rất hiếm, đó là cá Bống Sao kho chồn, một món ăn dân dã nhưng chỉ nếm qua một lần thì khó có thể quên. Cá bống sao chỉ lớn độ hơn ngón chân cái, nhưng gan cá thì lại to gần bằng cái bụng của chính nó. Cá bống sao kho chồn ngon nhờ lá gan của nó lớn gần bằng bụng. Vị nhân nhẩn đắng, bùi bùi của gan cá, cộng với mùi nồng hăng thơm ngát của rau cải vườn tạo nên dư vị khó quên.
Món cá bống sao đặc sản của Cù lao Dung
Ngoài cá bống sao, người Cù lao Dung còn có món cá thòi lòi nướng trui. Cùng họ với cá bống sao, thòi lòi nướng trui được thực hiện bằng cách cho cá vào đống rơm, đốt lửa. Món này ăn kèm với bún, rau sống, chuối chát, chấm nước mắm chua giằm bần dĩa chín cây.
Hàng ngàn khách phải hủy tour tới Đà Nẵng Nhiều doanh nghiệp du lịch, lữ hành lớn tại TP HCM cho biết đang tiến hành các giải pháp để xử lý việc khách hủy tour, dời hoặc thay đổi lịch trình đến Đà Nẵng. Để phòng chống dịch Covid-19, TP Đà Nẵng đã tạm dừng tổ chức đón khách du lịch đến trong vòng 14 ngày kể từ ngày 26-7 nhằm bảo...