Củ kiệu và quê
Đầu tháng chạp, mỗi sáng thể dục đi ngang vài căn nhà mở cửa sớm, nghe mùi nồng nồng của củ kiệu bay ra, cái mùi không lẫn vào đâu được. Xung quanh rổ kiệu có vài ba người ngồi, trò chuyện râm ran. Họ đang làm công việc của những người “nôn” tết.
Ở Sài Gòn, hễ khi bắt gặp cảnh đó là những người xa quê như chúng tôi không khỏi muốn xáp vào… hóng chuyện, và nếu người ta đồng ý thì mình cũng phụ giúp một tay, lòng chỉ muốn mau cận tết về lại quê nhà. Phụ nữ Sài Gòn, đúng giờ còn phải đến công sở, nên họ tranh thủ lúc tảng sáng, hay chiều muộn, lột vỏ cắt râu vài ba ký kiệu đem ướp, chuẩn bị tết dần dần. Còn ở quê, người nội trợ có nhiều thời gian cho việc bếp núc hơn, và tết cũng là dịp người thân khắp nơi về sum họp. Nêu kiệu chua, có nhà làm hai ba chục ký là thường.
Các bà các chị quê tôi thường bắt đầu mua củ kiệu khoảng mùng mười tháng chạp. Các chị nói đùa với nhau, làm kiệu không quá khó, không cần quá khéo, chỉ cần kiên nhẫn và… nhiều chuyện một chút là xong. Đầu tiên, mua kiệu phải lựa tương đối đều củ, đẹp mắt. Kiệu đem về, trộn tro củi than trong một thau nước lạnh lớn, trút kiệu vào ngâm giáp cữ (24 tiếng đồng hồ). Sau đó, xả nước lạnh nhiều lần cho sạch tro. Khuấy tiếp một thau nước muối với độ mặn vừa phải, trút kiệu vào, cũng ngâm giáp cữ. Vớt ra xả nước lạnh. Lại chuẩn bị một thau nước phèn chua (chỉ vừa đủ chua, nếm thử thấy hơi chát nước), trút kiệu vào ngâm giáp cữ. Vớt kiệu ra để ráo, lần này không cần xả nước lạnh mà đem phơi nắng cho khô ráo.
Khi nhìn thấy củ kiệu không còn ẩm ướt, trút hết vào một cái thau lớn và xốc nước giấm nuôi. Đem thau kiệu dang nắng thêm một ngày, chịu khó cách một hai tiếng đồng hồ thì xốc trộn kiệu cho thấm đều nước giấm. Đợi thêm một đợt nắng nữa, vớt kiệu ra phơi khô ráo, sau đó trút hết vào thau và ướp đường. Các bà mẹ quê thường nhẩm tính luôn lượng đường cần thiết khi bắt đầu mua kiệu chưa lột vỏ. Tỷ lệ là 1 kg kiệu tương ứng với 300 gr đường.
Khi kiệu đã “nằm yên” trong thau với lượng đường phù hợp, cứ để như thế khoảng 2-3 ngày cho đường chảy dần thành nước, thỉnh thoảng trộn đều. Sau đó thì phải cần người khéo tay xếp kiệu vào những cái hũ thủy tinh, xếp “kiểu cọ” thế nào cho vừa ý, vì ngoài để ăn trong nhà thì còn đem biếu tặng người thân ở xa, hoặc nhà sui gia; hay để dành cho con cái mang đi vừa tặng vừa… khoe quà quê với bạn bè, đồng nghiệp trên phố thị. Chú ý khi kiệu đã vào trong hũ thì trút hết lượng nước đường đã ướp vào chung, đậy kín nắp hũ, để vào chỗ sạch và mát. Pha nước giấm nuôi cùng với một ít đường và ít muối, đem nấu sôi, để nguội. Trước khi ăn kiệu khoảng 3 ngày, chế nước giấm này vào với lượng vừa đủ, đậy nắp hũ và vẫn để chỗ mát. Tránh dùng giấm sống chế vào hũ kiệu vì sẽ bị nổi váng, mất thẩm mỹ và ăn cũng bớt ngon.
Nói đến đây thì cũng đã tết lắm rồi. Tính sơ sơ quá trình cho một củ kiệu sống thành củ kiệu chua ngọt thơm ngon, thời gian tròm trèm mất hai tuần. Nhà nào làm sơ sơ năm ba ký ăn chơi còn đỡ, nhà nào siêng làm hai ba chục ký thì chỉ công đoạn cắt đầu, cắt đuôi, lột vỏ kiệu cũng đã mất vài ngày. Thế nên mới nói, công việc này rất có tính đoàn kết, nhiều người cùng làm thì không chán, và được… nhiều chuyện. Không cần phải ngó qua nhà bà con lối xóm để “nhiều chuyện” cho mích lòng nhau. Đơn giản, là chuyện mừng xuân đón tết, con cái trong nhà năm nay khá hay khổ, đã mua sắm được gì, nồi bánh đêm ba mươi dự tính bao nhiêu nếp bao nhiêu đậu, lễ rước ông bà có nấu xôi chè hay đơn giản chỉ cúng trái cây…
Đăng Khôi
Theo thanh niên
Tôm hữu Trà Quế
Đã vào tháng chạp nhưng những cơn mưa lạnh vẫn cứ dồn dập. Con nước lớn khiến lượng tôm đất xuất hiện nhiều hơn quanh nhánh sông Đế Võng (Hội An, Quảng Nam). Người dân thôn Trà Quế lại í ới rủ nhau đi thả lưới bắt tôm đất.
Thả lưới bắt tôm vào ban đêm là cái thú của không riêng gì người dân Trà Quế mà cả với khách thập phương khi đến du lịch homestay ở vùng này. Màn đêm bắt đầu buông xuống, ánh đèn lập lòe đã chong chấp chới cả khúc sông Đế Võng, tiếng nói cười lao xao như hội hoa đăng. Độ vài giờ, người ta đã bắt được hàng chục giỏ tôm đất. Những con tôm đất lớn nhất chỉ bằng ngón tay út, còn nhảy lưng tưng, mang về làm món tôm hữu - món "đệ nhất tôm" của người dân Trà Quế - thì không có gì sánh bằng.
Khách phương xa đến phố cổ Hội An đúng dịp người làng rau Trà Quế tổ chức lễ hội Cầu bông (nhằm mồng 7 Tết Nguyên đán hằng năm) sẽ được xem tận mắt các thôn nữ trình diễn kỹ thuật chế biến món tôm hữu. Tôm đất còn sống mang về rửa sạch, bỏ râu, miệng, đuôi để ráo nước ướp với tiêu, mắm, bột ngọt. Sau khoảng 5 phút, xào tôm cho chín vàng. Tôm xào vừa chín tới không tẩm hương và màu nhưng vẫn có màu sắc tươi đỏ, vị ngọt đậm đà. Thịt heo ba chỉ chọn loại còn tươi nguyên mang luộc. Không luộc quá kỹ để mất đi độ giòn của thịt, sau đó cắt thành hình thỏi dài.
Một nguyên liệu khá quan trọng để làm nên món tôm hữu là các loại rau húng, ngò được hái từ vườn rau Trà Quế. Rau phải chọn thật cẩn thận vì với món tôm hữu rau để ăn sống trực tiếp chứ không qua nấu nướng. Khâu cuối cùng là gói tôm, thịt với rau. Hành hoa, chọn những cây dài và đều, cắt bỏ rễ, rửa sạch với nước rồi nhúng qua nước sôi cho tái. Phải vớt ra ngay nếu không hành sẽ nhũn và mất đi độ dai cần thiết khi dùng làm dây buộc. Người nội trợ khéo léo bẻ gập ngay chỗ khúc củ hành và lần lượt đặt thịt, đến tôm và rau húng, ngò vào trong lòng sợi hành lá. Sau đó quấn cọng hành (đã tái) quanh củ hành, thịt, tôm và rau húng, ngò. Đến vòng cuối mới khéo léo nhét lá hành vào giữa con tôm và miếng thịt để tạo điểm nhấn thẩm mỹ cho cuốn tôm.
Ai lần đầu thưởng thức món tôm hữu Trà Quế cũng không khỏi ngạc nhiên trước đĩa tôm khá đẹp mắt với con tôm bóng lưỡng màu vàng cam tươi rói, kẹp với lát thịt cùng vài cọng hành xanh nõn quấn quanh.
Cầm đũa gắp, cắn một nửa con tôm ngập sâu trong răng. Một vị ngọt ngào, mặn mà chảy tan nơi đầu lưỡi và cả hương thơm thoang thoảng của rau Trà Quế. Tất cả vẫn còn dư vị trong lòng thực khách dù đã cách xa làng Trà Quế, Hội An hàng ngàn cây số.
Theo Tuổi trẻ
[Chế biến] - Tôm khô Tôm khô là thực phẩm quen thuộc trong ngày Tết, là nguyên liệu chính để chế biến nên món tôm khô củ kiệu nổi tiếng của người Nam bộ. Người Nam bộ thích các món thịt kho tàu, khổ qua dồn thịt, bánh tét, tôm khô củ kiệu..., trước cúng ông bà, sau là ăn ba ngày tết. Trong những món được ưa...