‘Cú huých’ từ chuyến thăm Việt Nam của Thủ tướng Nhật Suga
Chuyến thăm của Thủ tướng Suga sẽ tạo ra những “cú huých”, như đưa thêm doanh nghiệp Nhật và nước ngoài đến Việt Nam, thúc đẩy hợp tác bảo vệ tự do hàng hải.
Thủ tướng Nhật Bản Suga kết thúc chuyến thăm chính thức Việt Nam sáng 20/10, lên đường đến Indonesia, điểm cuối của chuyến công du nước ngoài đầu tiên của ông kể từ khi nhậm chức tháng trước. Trong ba ngày ở Hà Nội, ông Suga đã có một lịch trình bận rộn, gặp gỡ các lãnh đạo Việt Nam, trao đổi với sinh viên và thăm một số di tích, thắng cảnh.
Trong họp báo ngày 19/10, Thủ tướng Nhật cho biết Việt Nam đóng vai trò trọng yếu khi Tokyo thực hiện chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, cam kết Nhật Bản sẽ tiếp tục góp phần cho hoà bình và thịnh vượng của khu vực. Lãnh đạo Nhật và Việt Nam cùng tái khẳng định tầm quan trọng đảm bản an ninh, an toàn hàng hải ở Biển Đông, giải quyết tranh chấp một cách hòa bình, tuân thủ luật lệ quốc tế, trong đó có Công ước Liên Hợp Quốc về luật biển (UNCLOS). Về hợp tác song phương, Việt – Nhật cơ bản đạt được thoả thuận chuyển giao thiết bị và kỹ thuật quốc phòng, nhất trí thúc đẩy đa dạng hoá chuỗi cung ứng, xem xét khôi phục đường bay bị ảnh hưởng do Covid-19. Tokyo sẽ hỗ trợ Hà Nội trang thiết bị y tế trị giá gần 38 triệu USD, cung cấp vật tư hỗ trợ khẩn cấp miền Trung Việt Nam khắc phục bão lũ. Hai bên đã ký kết 12 văn kiện nhằm thúc đẩy hợp tác kỹ thuật số, môi trường, năng lượng, cơ sở hạ tầng, y tế, xuất khẩu nông sản.
Về hợp tác đa phương, Thủ tướng Suga khẳng định ASEAN và Nhật Bản là đối tác bình đẳng, hỗ trợ nhau như những người bạn ở châu Á. Nhật muốn tăng cường kết nối với khu vực, thông qua hạ tầng cứng và mềm, hướng tới công nghệ số và tính bền của chuỗi cung ứng. Ông Suga cũng bày tỏ rằng mình cảm thấy gần gũi và thân thiết với Việt Nam và các nước ASEAN.
Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc, trái, và Thủ tướng Nhật Suga, trong cuộc gặp ngày 19/10 tại Hà Nội. Ảnh: Ngọc Thành.
“Chuyến thăm Việt Nam của Thủ tướng Nhật Suga thành công vượt dự kiến. Đây sẽ là cú hích đúng lúc và là cột mốc quan trọng trong quan hệ hai nước”, ông Nguyễn Quốc Cường, cựu đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản, đánh giá. Sự thành công thể hiện ở việc lãnh đạo hai nước nhất trí cùng làm sâu sắc hơn quan hệ Đối tác chiến lược sâu rộng. Hai bên đạt được nhiều thoả thuận quan trọng nhằm khôi phục, đẩy mạnh hợp tác trong điều kiện “bình thường mới” trên tất cả các lĩnh vực.
Cơ hội lớn mở ra cho hợp tác là sẽ có thêm nhiều doanh nghiệp Nhật Bản quan tâm đến việc đa dạng hoá chuỗi sản xuất ở Việt Nam và Đông Nam Á nói chung, theo cựu đại sứ Cường.
Video đang HOT
Do Covid-19 làm chuỗi cung ứng toàn cầu đứt gãy, hơn 100 công ty Nhật Bản hồi tháng 7 đã đăng ký với Tổ chức xúc tiến mậu dịch Nhật Bản (Jetro) để nhận trợ cấp chuyển hoạt động sản xuất từ Trung Quốc sang nước khác, nhằm đa dạng hoá chuỗi này. Trong đó 30 công ty chuyển sang các nước Đông Nam Á.
Ông Cường cho biết việc chuyển đổi là nhu cầu khách quan của doanh nghiệp. Khi gặp gỡ các doanh nghiệp Nhật tại Việt Nam, cựu đại sứ cho hay họ rất “phấn khích” về những thoả thuận mà lãnh đạo hai bên đạt được trong chuyến thăm của ông Suga. Do đó, hoạt động của các doanh nghiệp sẽ được đẩy mạnh trong thời gian tới, trong điều kiện “bình thường mới”.
Cũng dự đoán doanh nghiệp Nhật sẽ gia tăng hoạt động ở Việt Nam, Tiến sĩ Stephen Nagy, Đại học Thiên Chúa giáo Quốc tế, Nhật Bản, dự đoán dòng vốn đầu tư trực tiếp (FDI) của Nhật vào Việt Nam sẽ tăng.
Nagy cho biết Nhật đã thông qua khoản ngân sách bổ sung hồi tháng 4 để giúp doanh nghiệp nước này có khả năng phục hồi tốt hơn trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Có thể hiểu rằng động thái này nhằm giúp các doanh nghiệp Nhật đa dạng chuỗi cung ứng sang các nước Đông Nam Á và Nam Á trong dài hạn, để tránh một cú sốc khác, khi Trung Quốc là nước đóng vai trò chi phối chuỗi cung ứng. Nagy lưu ý việc đa dạng hoá là cần thiết, nhưng các doanh nghiệp Nhật không “di cư” khỏi Trung Quốc, họ sẽ vẫn tập trung sản xuất bằng nhân lực bản địa và công nghệ của Tokyo. Nhật Bản trong tháng 4 đã thông qua gói hỗ trợ trị giá khoảng 2,2 tỷ USD cho năm tài khoá 2020, nhằm giúp các doanh nghiệp Nhật chuyển sản xuất sang Đông Nam Á.
Theo Nagy, Việt Nam là địa điểm hấp dẫn với các doanh nghiệp Nhật vì Hà Nội là thành viên của Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), vừa ký Hiệp định thương mại tự do với EU (EV FTA). Bên cạnh đó, Nhật Bản cũng coi Việt Nam là một động lực kinh tế mạnh mẽ để thúc đẩy hội nhập nội khối ASEAN, giúp duy trì sự tự chủ của Hiệp hội.
Giáo sư Christina Davis, nhà nghiên cứu về Nhật, Đại học Harvard, Mỹ, trông đợi doanh nghiệp Nhật Bản sẽ xây các nhà máy mới và mở rộng dây chuyền sản xuất ở Việt Nam, sau các tuyên bố được đưa ra trong chuyến thăm của Thủ tướng Suga. Các lĩnh vực chính là điện tử, linh kiện, dệt may, thiết bị bảo hộ cá nhân (PPE), khẩu trang.
Bên cạnh đó, Davis cho rằng Nhật cũng sẽ tăng các khoản hỗ trợ phát triển tại Việt Nam nhằm phát triển các dự án cơ sở hạ tầng như xây đường, cảng. Hiện Nhật là nước cung cấp vốn vay (ODA) cho Việt Nam lớn nhất, tổng giá trị vay đến cuối năm ngoái là gần 24 tỷ USD, chiếm hơn 26 % tổng vốn ký kết vay nước ngoài của chính phủ Việt Nam.
Cơ hội thứ hai là Việt Nam có thể đón lãnh đạo các nước khác đến thăm để thúc đẩy hợp tác cho thời kỳ chịu tác động của Covid-19, theo cựu đại sứ Cường. Việc Thủ tướng Nhật Suga cho rằng “Việt Nam là địa điểm thích hợp nhất để gửi thông điệp đầu tiên ra thế giới” giúp uy tín quốc tế của Việt Nam gia tăng. Việt Nam có thể trở thành điểm đến của doanh nghiệp các nước khác, ngoài Nhật, để đa dạng hóa chuỗi cung ứng.
“Dư luận quốc tế một lần nữa chú ý đến Việt Nam vì đây là một trong số ít các nước kiểm soát Covid-19 hiệu quả và duy trì được đà phát triển kinh tế dương, trong khi đa số các quốc gia đều bị đình trệ, thậm chí là suy thoái”, ông Cường nói. Ông cho rằng Việt Nam cần chuẩn bị kỹ các điều kiện để đón nhận “làn sóng” này.
Ngoài ra, chuyến thăm sẽ thúc đẩy sự phối hợp ngoại giao để bảo vệ tự do hàng hải trên các diễn đàn đa phương, theo Davis.Chuyên gia người Mỹ cho biết Nhật Bản và Việt Nam sẽ nêu các diễn biến ở Biển Đông tại các cuộc họp cấp cao trong khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương, trong đó có APEC, các hội nghị do ASEAN tổ chức (Diễn đàn an ninh khu vực – ARF). Hai bên sẽ bày tỏ ủng hộ mạnh mẽ nguyên tắc thượng tôn pháp luật, phản đối các hành vi cưỡng ép trên biển, lên án quân sự hóa.
Khi gặp các sinh viên Việt Nam hôm 19/10, Thủ tướng Nhật Suga khẳng định tầm nhìn của ASEAN về khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương (AOIP) và chính sách Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và cởi mở của Nhật Bản có chung nhiều nguyên tắc cơ bản. Ông Suga cho rằng nhiều diễn biến trên Biển Đông đang đi ngược lại những giá trị được AOIP đề cao và Nhật Bản phản đối mạnh mẽ mọi hành động gây leo thang căng thẳng trên Biển Đông.
Davis dự đoán Thủ tướng Suga có thể quay lại Việt Nam vào giữa tháng 11 để tham dự các hội nghị của ASEAN. Việc này được coi là ưu tiên cao của Nhật nếu Hà Nội có thể tổ chức trực tiếp Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 37 và các hội nghị liên quan. Việt Nam, trên vai trò Chủ tịch ASEAN, từ đầu năm đến nay đã tổ chức trực tuyến các cuộc họp của Hiệp hội, do tác động của Covid-19.
Davis cho rằng Nhật và Việt Nam sẽ hướng đến việc mua bán thiết bị quân sự, giúp Hà Nội nâng cao năng lực của lực lượng bảo đảm an ninh trên biển. Đây là một trong hợp tác của hai nước liên quan đến chiến lược Ấn Độ – Thái Bình Dương của Tokyo.
Ông Yoshida Tomoyuki, người phát ngôn của Thủ tướng Nhật, trong họp báo ngày 19/10 tại Hà Nội cho biết Việt – Nhật đang đàm phán về chuyển giao thiết bị và công nghệ quốc phòng và được thủ tướng hai nước ủng hộ. Hai nước sẽ cần làm rõ về chi tiết thoả thuận trong tương lai, như loại thiết bị và công nghệ. Tokyo muốn bảo đảm nguyên tắc chuyển giao mặt hàng này là để đóng góp vào hoà bình và ổn định chung của khu vực. Các mặt hàng nếu được chuyển giao sẽ do Việt Nam lựa chọn.
Tiến sĩ Nagy cũng cho rằng hợp tác về thiết bị quốc phòng giữa Việt Nam và Nhật Bản có thể tập trung vào nâng cao năng lực cho cảnh sát biển, tìm kiếm cứu hộ, nâng cao nhận thức về quyền trên biển. Nhật sẽ tiếp tục thúc đẩy hợp tác với Việt Nam về đào tạo nhân lực liên quan đến lĩnh vực hàng hải, xử lý vấn đề đánh bắt trái phép.
Davis miêu tả việc theo dõi cách Nhật Bản và Việt Nam thúc đẩy hợp tác sau chuyến thăm của Thủ tướng Suga là điều rất thú vị.
“Việc Nhật thể hiện tình đoàn kết với Việt Nam là điều rất quan trọng, trong thời kỳ thế giới đang có những bất ổn lớn”, Davis nói.
Hồi hương hài cốt quân nhân Mỹ mất tích ở Việt Nam
Việt Nam bàn giao cho đại diện Mỹ một bộ hài cốt được khai quật gần đây, có thể là quân nhân Mỹ mất tích trong chiến tranh.
Lễ hồi hương hài cốt quân nhân Mỹ mất tích trong chiến tranh ở Việt Nam diễn ra tại Viện Pháp y Quân đội ở Hà Nội hôm nay, theo thông cáo của Bộ Ngoại giao. Đại diện Việt Nam bàn giao cho phía Mỹ một bộ hài cốt khai quật được trong Đợt tìm kiếm lần thứ 140, diễn ra từ tháng 7 đến tháng 9.
Hài cốt này đã được các chuyên gia pháp y Việt Nam giám định đơn phương, kết luận có thể liên quan tới các trường hợp quân nhân Mỹ mất tích trong chiến tranh Việt Nam và đề nghị chuyển về Hawaii, Mỹ để xác minh thêm.
Một hài cốt lính Mỹ được hồi hương về nước từ sân bay quốc tế Đà Nẵng hồi năm 2018. Ảnh: Bộ Ngoại giao Việt Nam.
Phát biểu tại lễ hồi hương, Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Daniel Kritenbrink cảm ơn và đánh giá cao sự hợp tác đầy đủ và hiệu quả của Việt Nam trong công tác MIA, cam kết tiếp tục hỗ trợ Việt Nam khắc phục hậu quả chiến tranh.
Hoạt động tìm kiếm hài cốt quân nhân Mỹ mất tích trong chiến tranh ở Việt Nam là hoạt động nhân đạo giữa hai chính phủ Việt Nam và Mỹ, được bắt đầu từ tháng 9/1988 và duy trì tới nay. Đây là đợt trao trả hài cốt lần thứ 154 giữa hai nước kể từ năm 1973.
Giới trẻ gốc Việt bất đồng với cha mẹ trước bầu cử tổng thống Mỹ Henry Nguyễn, một người ủng hộ Biden, cảm thấy rất khó trao đổi về chính trị với cha mẹ mình, những người sẽ bỏ phiếu cho Trump vào tháng 11 tới. Theo kết quả khảo sát do 3 tổ chức về người Mỹ gốc Á thực hiện, được công bố hôm 15/9, tiến hành trên 1.569 cử tri Mỹ gốc Trung Quốc, Ấn...