Cú hích cho thị trường nghệ thuật và chuyện đại gia “bùng” cặp Tứ linh 6 tỷ đồng
Mới đây, phiên đấu giá tác phẩm nghệ thuật (được cho là lần đầu tiên ở Việt Nam) với sự tham gia của các đại diện đến từ Pháp, Trung Quốc đã kết thúc tốt đẹp. Nhiều người kỳ vọng, sau sự kiện này sẽ có nhiều cuộc đấu giá khác được tổ chức để thúc đẩy một thị trường nghệ thuật mà lâu nay chúng ta đang hướng đến. Nhưng, kỳ vọng này liệu có dễ dàng được thực hiện?
Phiên “Đấu giá các tác phẩm nghệ thuật” lần đầu tiên tại Việt Nam ngày 28/5.
Những bước đầu chập chững
Đấu giá các tác phẩm nghệ thuật vốn là hoạt động không còn xa lạ gì trên thế giới, nhưng ở Việt Nam thì gần đây, nó mới lần đầu được tổ chức bởi công ty cổ phần bán đấu giá Lạc Việt. Trong tổng số 5 tác phẩm được đem ra đấu giá, có 4 tác phẩm thuộc sở hữu của các họa sỹ có tên tuổi trong giới mỹ thuật Việt Nam gồm: Hoàng Phượng Vỹ, Quách Đông Phương, Lê Thiết Cương, Đào Hải Phong. Tác phẩm cuối cùng là đôi chóe Tứ linh của nghệ nhân Phạm Anh Đạo, một nghệ nhân trẻ tâm huyết với việc gìn giữ tinh hoa của làng gốm cổ Bát Tràng.
Buổi đấu giá được coi là thành công khi cả năm tác phẩm đem ra đấu giá đều có người mua. Trong đó bất ngờ nhất thuộc về đôi chóe Tứ linh của nghệ nhân Phạm Anh Đạo khi bán được với giá 6 tỉ đồng ( giá khởi điểm là 900 triệu đồng). Bốn tác phẩm đấu giá còn lại gồm: Tranh sơn dầu Tiên nữ vùng cao của họa sỹ Quách Đông Phương (giá khởi điểm là 55 triệu đồng, giá bán được là 95 triệu đồng); tranh sơn dầu Bên dòng sông Đỏ của họa sỹ Đào Hải Phong (giá khởi điểm là 120 triệu đồng, giá bán được là 150 triệu đồng); tranh sơn dầu Hạnh phúc của họa sỹ Hoàng Phượng Vỹ (giá khởi điểm là 50 triệu đồng, giá bán được là 65 triệu đồng) và chiếc tủ thờ, chất liệu gỗ gụ, niên đại cuối thế kỷ XIX, thuộc sở hữu của họa sỹ Lê Thiết Cương (giá khởi điểm là 60 triệu đồng, giá bán được là 143 triệu đồng).
Trao đổi với PV báo ĐS&PL, bà Đỗ Thị Hồng Hạnh, Tổng Giám đốc công ty Lạc Việt cho biết: “Việc mở sàn đấu giá các tác phẩm mỹ thuật theo đúng các thủ tục pháp lý, là một cách bán hàng mới ở Việt Nam. Công việc của chúng tôi là sưu tầm tác phẩm có giá trị, kết nối các chuyên gia, mời cố vấn, tư vấn. Tác giả hay chủ sở hữu của tác phẩm nghệ thuật sẽ nhận về 100% giá trị của tác phẩm theo giá khởi điểm mà tác giả ấn định. Phần bán vượt sẽ được thỏa thuận phân chia tại hợp đồng bán đấu giá tài sản được ký với tổ chức bán đấu giá chuyên nghiệp và người có tài sản bán đấu giá”.
Video đang HOT
Bà Hạnh cũng cho biết thêm, ở Việt Nam hiện nay việc bán đấu giá chưa được coi là cách bán hàng, bởi thói quen, tập quán của người mua và người bán. Đặc biệt với đấu giá tác phẩm mỹ thuật như tranh, ảnh, đồ mỹ nghệ, đồ cổ… các tác giả hay chủ sở hữu có thói quen bán tác phẩm tại các phòng tranh, triển lãm với một giá được niêm yết. Hơn nữa ở ta hiện nay, nhắc đến đấu giá là người ta liên tưởng tới đấu giá từ thiện, người mua sẽ trả mức giá phù hợp với năng lực tài chính của mình mà không cần quan tâm tới chất lượng tác phẩm kia ra sao. Vì thế, sự kiện lần này sẽ đưa hoạt động đấu giá tác phẩm nghệ thuật vào chuyên nghiệp hơn.
Khó thu hút những tên tuổi lớn tham gia?
Đấu giá các tác phẩm nghệ thuật vốn là hoạt động có truyền thống lâu đời trên thế giới. Nhưng, ở nước ta, nó hoàn toàn mới mẻ. Lý giải điều này, nhà phê bình mỹ thuật Nguyễn Đỗ Bảo, Chủ tịch hội đồng Lý luận – Phê bình mỹ thuật (hội Mỹ thuật Việt Nam) lý giải: “Sở dĩ chúng ta chậm so với thế giới là vì để đấu giá các tác phẩm nghệ thuật, đòi hỏi phải có sự hội nhập của nhiều chuyên ngành, mang tính chất liên đới, đồng bộ với nhau. Cộng với đó là trình độ thưởng thức nghệ thuật của xã hội nói chung, cũng phải ở mức độ nhất định. Lúc ấy thì cuộc đấu giá mới thực sự có giá trị, tác phẩm nghệ thuật mới bán được giá cao. Chúng ta chưa làm được điều này”.
Nhà phê bình Nguyễn Đỗ Bảo cũng chỉ ra hai nguyên nhân khiến cho việc đấu giá nghệ thuật ở Việt Nam khó thành công. Ông nói: “Thứ nhất, nằm ở tâm lý và hoàn cảnh xã hội. Những cuộc đấu giá mang tính chất lần đầu, thử nghiệm như thế này rất khó thu hút được những tên tuổi lớn tham gia. Họ không muốn mạo hiểm tên tuổi và giá trị tác phẩm của mình. Ngay với tác giả ít tên tuổi hơn, không có gì đảm bảo là họ sẽ mang tác phẩm tốt nhất của mình đi đấu giá. Ai kiểm tra được việc đó? Hiện nay họ đưa tác phẩm nào thì đơn vị tổ chức đấu giá biết vậy thôi? Vả lại, lấy gì đảm bảo việc bán tác phẩm nghệ thuật qua sàn đấu giá sẽ có giá cao hơn cách bán thông thường? Trong khi rắc rối có thể xảy đến sẽ nhiều hơn. Những điều nêu trên là một thực tế”.
Nguyên nhân quan trọng thứ hai, theo nhà phê bình Nguyễn Đỗ Bảo là: “Ai sẽ thẩm định giá trị bức tranh? Đó là bản gốc hay bản phiên (tức bản sao chép lại bản gốc – PV)? Mỗi tác phẩm nghệ thuật có đời sống nghệ thuật riêng của nó và chính điều đó làm nên giá trị. Tôi lấy ví dụ trong hội họa, bức tranh đó vẽ vào thời kỳ nào? Bằng chất liệu gì? Chúng ta có giám định được không? Để làm được việc này cần phải có những người nghiên cứu chuyên sâu về hóa chuyên nghiệp, vật lý chuyên nghiệp, phải có máy móc hiện đại để phân tích, đánh giá… Chúng ta hiện không có khả năng kiểm định và việc này cũng rất lộn xộn. Bởi vậy mà không ai dám đứng ra bảo lãnh chất lượng nghệ thuật cho một tác phẩm (vì không biết đó là thật hay giả). Do đó, tác phẩm không dễ để bán được giá cao. Vì thế, nó khó có thể trở thành truyền thống”.
Họa sỹ Vi Kiến Thành cũng đồng quan điểm khi nhận định: “Trong những phiên đấu giá mỹ thuật, chất lượng chính là mắt xích cần thiết mà chúng ta đang trông đợi. Tuy nhiên, đánh giá thành công của một phiên đấu giá mỹ thuật, đặc biệt với một nền tảng non nớt ở Việt Nam là chuyện hoàn toàn không đơn giản…”.
Còn họa sỹ Lê Thiết Cương, người trực tiếp có tác phẩm trong phiên đấu giá vừa qua thì chia sẻ: “Bản thân tôi thấy mức độ quảng bá của chương trình là chưa đủ. Theo tôi, ban tổ chức nên quảng bá các sản phẩm sẽ tham gia đấu giá sớm hơn (khoảng trước 3 tháng). Bên cạnh đó, chất lượng nghệ thuật của catalogue giới thiệu tác phẩm cũng cần nâng cao hơn bởi trong phiên đấu giá vừa rồi, chất lượng của nó chưa đạt”.
Đại diện công ty Lạc Việt lên tiếng vụ “bùng” chóe Tứ linh 6 tỷ đồng Việc ông Đ.A.D., Chủ một tập đoàn lớn ở Hà Nội từ chối mua đôi chóe Tứ linh với giá 6 tỉ 50 triệu đồng (dù trước đó ông này đã trúng đấu giá trong phiên đấu giá diễn ra ngày 28/5 vừa qua) đang gây xôn xao dư luận. Theo thông tin từ công ty Lạc Việt, sau khi ông Đ.A.D. từ chối mua cặp chóe Tứ linh, tác phẩm này sẽ được bán cho người trả giá liền kề là khách hàng Đỗ Quý Hải – Chủ tịch tập đoàn Hải Phát với giá trúng là 6 tỉ đồng. Trao đổi với PV báo ĐS&PL, bà Đỗ Thị Hồng Hạnh cho hay: “Hiện nay quy định về trách nhiệm của những đơn vị tham gia đấu giá dựa theo Nghị định 17/2010 về bán đấu giá tài sản. Theo đó, đơn vị tham gia đấu giá có quyền không mua tài sản mà mình đã đấu giá thành công. Họ sẽ phải mất chi phí từ 1 – 15% giá trị tài sản niêm yết, tùy theo thỏa thuận đặt cọc. Vụ cặp chóe Tứ linh, tập đoàn này đặt cọc 50 triệu đồng, khi họ không mua thì họ chỉ mất 50 triệu đó. Ngoài ra không có ràng buộc pháp lý nào khác. Tất cả chủ yếu vẫn dựa vào ý thức tự giác của người mua. Vì thế sắp tới chúng tôi sẽ kiến nghị đưa những quy định cụ thể để đấu giá chặt chẽ, minh bạch hơn trong luật Đấu giá sắp được ban hành”.
PHẠM THIỆU
Theo_Đời Sống Pháp Luật
Danh họa Nguyễn Tư Nghiêm qua đời
Một trong bộ tứ huyền thoại "Phái - Sáng - Liên - Nghiêm"của nền mỹ thuật Việt Nam, danh họa Nguyễn Tư Nghiêm đã qua đời vào hồi 10h27 ngày 15-6 tại bệnh viện Hữu nghị (Việt Xô), hưởng thọ 94 tuổi.
Danh họa Nguyễn Tư Nghiêm sinh năm 1922 tại xã Nam Trung, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An. Cha ông là cụ Phó bảng Nguyễn Tư Tái, đỗ cùng khoa thi với cụ Nguyễn Sinh Sắc.
Ông học khóa XV Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương (1941-1946). Lúc đang học năm thứ 3, ông đã gây chú ý của giới hội hoạ với bức tranh sơn dầu Người gác Văn Miếu giành được giải nhất tại Salon Unique năm 1944.
Sự nghiệp hội họa của ông được giới chuyên môn trân trọng xếp vào nhóm "tứ trụ" thế hệ thứ hai của mỹ thuật Việt Nam, bao gồm "Nghiêm - Liên - Sáng - Phái".
Đó là những gương mặt tiêu biểu cho thành tựu, cũng như các phong cách đặc trưng của hội họa Việt Nam trong giai đoạn từ đầu thế kỷ 20 tới nay.
Danh họa Nguyễn Tư Nghiêm
Theo giới nghiên cứu, điểm nổi bật ở tranh Nguyễn Tư Nghiêm là sự hòa quyện của văn hóa dân gian với kỹ thuật tạo hình độc đáo của hội họa hàn lâm châu Âu, là sự kết hợp giữa quá khứ và hiện đại.
Những màu sắc trong tranh Nguyễn Tư Nghiêm không rực rỡ mà mộc mạc, đằm thắm và gần gũi, với cảm hứng sáng tạo gợi lên từ các bức phù điêu ở đình, chùa.
Đặc biệt, ông đã đưa hội họa Việt Nam trở lại nguồn cội với một loạt tranh dân gian như Trung Thu (1963), Múa sư tử (1962), Ông Gióng ( 1976) bằng sự kết hợp tài hoa giữa văn hóa truyền thống và hiện đại.
Lễ tang danh họa Nguyễn Tư Nghiêm diễn ra vào 11h15 ngày 17-6 tại Nhà tang lễ Quốc gia, số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội.
Lễ truy điệu diễn ra vào 12h45 cùng ngày, hỏa táng tại Đài hóa thân Hoàn Vũ. Ông an nghỉ tại khu A Nghĩa trang Văn Điển, Hà Nội
Theo_An ninh thủ đô
Ngày 22/6 sẽ IPO Tổng công ty Dược Việt Nam Ngày 22/6 tới đây, Tổng Công ty Dược Việt Nam sẽ tiến hành bán đấu giá 42,5 triệu cổ phần lần đầu ra công chúng tại Sở GDCK Hà Nội với giá khởi điểm 10.000 đồng/cổ phần. Ảnh Internet Tổng Công ty Dược Việt Nam (Vinapharm) là một trong 3 đơn vị được Bộ Y tế cho phép tiến hành nghiên cứu tương...