Cụ già 106 tuổi đi 700 km nhận lương hưu
Dù đã hơn trăm tuổi, cụ Vitthaldas ở Ấn Độ vẫn trải qua hành trình 700 km mỗi tháng cả đi lẫn về từ làng tới thành phố để nhận tiền lương hưu.
Vitthaldas và con dâu lên thành phố nhận tiền lương, ngày 29/3. Ảnh: Cri.
Đôi bàn tay khẳng khiu luôn nắm chặt chiếc gậy, cụ Vitthaldas đi từ thị trấn Nizamabad ở Andhra Pradesh tới thành phố Thane, bang Maharashtra, Ấn Độ nhận tiền lương, bởi khoản tiền này không thể gửi được về tận nơi cụ sống. Không người thân thích ở Thane và cũng không đủ tiền để thuê khách sạn, cụ thường ngủ qua đêm bên hồ.
Theo Mid-day, từ khi con trai qua đời, cả gia đình Vitthaldas sống nhờ tiền lương hưu của cụ, khoản tiền 130 USD. Vitthaldas đã lặp đi lặp lại hành trình hàng trăm km mỗi tháng trong suốt 25 năm.
Cụ lão từng tham gia phong trào đấu tranh giành độc lập cho Ấn Độ tâm sự, cụ đã sống kiên trì theo lời khuyên của lãnh tụ Mahatma Gandhi. “Năm 1938, tôi gặp Gandhiji ở Mumbai. Ngài nói rằng mọi người nên kiên trì và tiếp tục cố gắng. Tôi đã thực hiện theo lời khuyên ấy của ngài”, Vitthaldas kể.
Vitthaldas cũng cho biết, cụ đã đề nghị các nhà chức trách chuyển tiền về làng nhưng họ nói rằng quy trình này rất rắc rối và tốn thời gian.
Video đang HOT
Hình ảnh cụ Vitthaldas lên thành phố nhận tiền:
Theo Ngôi Sao
Làng sống thọ
"Quê tôi tuy nghèo nhưng nhiều người sống thọ, cả xã có gần 1500 hội viên hội người cao tuổi, trong đó có 350 cụ trên 80 tuổi, 135 cụ trên 85 tuổi...", Chủ tịch Hội người cao tuổi xã Diễn Ngọc - huyện Diễn Châu, Nghệ An, tự hào kể.
Là xã nghèo, diện tích chưa đầy một cây số vuông nhưng dân số ở xã Diễn Ngọc lên đến hơn 20 ngàn người, sống chủ yếu dựa vào nghề đi biển, diện tích đất nông nghiệp rất ít. Mặc dù vậy trong những năm qua đời sống vật chất, tinh thần của người dân ở đây không ngừng được nâng cao và vùng quê nghèo này cũng là nơi có nhiều người sống thọ bậc nhất ở xứ Nghệ.
Cả xã hiện có gần 1500 cụ là hội viên người cao tuổi, sinh hoạt ở 12 chi hội khác nhau với 12 câu lạc bộ dưỡng sinh, 12 câu lạc bộ văn nghệ.
"Người cao tuổi nhất xã là cụ Thái Thị Bích, năm nay đã 107 tuổi, ngoài ra, trong đại gia đình cụ Bích còn có 17 cụ khác đều trên tuổi 70", Chủ tịch Hội người cao tuổi xã Diễn Ngọc - ông Vũ Sỹ An, 76 tuổi - phấn khởi kể.
Ông Vũ Sỹ An - Chủ tịch Hội người cao tuổi xã Diễn Ngọc - đang thăm hỏi cụ Thái Thị Bích (107 tuổi), nhiều tuổi nhất xã. Ảnh: Trường Long.
Cách Diễn Ngọc không xa, người dân xã Diễn Nguyên cũng tự hào với những kì tích sống thọ của các cụ cao niên. Trong dịp lễ Đại yến lão cho gần 1000 cụ cao tuổi năm 2010 vừa qua, ông Ngô Sỹ Hạnh, Chủ tịch xã đưa ra thống kê rằng, cả xã hiện có gần 1000 người trên tuổi 60, 160 cụ trên tuổi 80, gần 40 cụ trên tuổi 90 và 2 cụ đã sống qua 3 thế kỷ.
Ông Đàm Văn Hướng, Chủ tịch Hội người cao tuổi xã Diễn Nguyên cho biết, cứ 5 năm một lần chính quyền địa phương đều mở đại lễ yến lão cho các cụ cao niên. Đây là dịp các cụ ông, cụ bà và con cháu, dâu rể trong toàn xã tề tựu về quê hương để chúc thọ ông bà, cha mẹ và người thân. Vào ngày đại lễ, các cụ sẽ được mặc những bộ đồ truyền thống làm bằng gấm lụa màu đỏ, vàng, được con cháu rước đến hội trường bằng lọng vàng, và được hàng trăm quan khách cùng người thân mừng trầu, chúc rượu thọ.
Lễ đại yến lão cho các cụ cao tuổi đã trở thành truyền thống ở xã Diễn Nguyên, huyện Diễn Châu, Nghệ An. Ảnh: Cảnh Yên.
Việc tổ chức ngày đại lễ là dịp để các cụ được gặp nhau, thăm hỏi chuyện trò và đã trở thành nét văn hóa truyền thống, người dân quê hương, dù đi đâu, về đâu đều nhớ đến ngày này.
"Nếu như dịp đại lễ 2005, cả xã chỉ có 9 cụ trên tuổi 90 thì đến năm 2010, con số ấy tăng lên 40. Chúng tôi đang sợ rằng trong dịp lễ tiếp theo, hội trường của xã sẽ không có đủ chỗ để các cụ ngồi", ông Hướng hóm hỉnh tâm sự.
Nói về nguyên nhân sống thọ của các cụ cao niên, ông Đậu Xuân Thủy, Chủ tịch UBND xã Diễn Ngọc cho rằng, ngoài việc đời sống vật chất tăng lên thì yếu tố tinh thần là vô cùng quan trọng. Hằng năm xã đều tổ chức đại yến lão mừng thọ cho hàng trăm cụ có tuổi chẵn; tất cả các chế độ, chính sách của Nhà nước dành cho người già đều được xã thực hiện đầy đủ, dân chủ và công khai. Chăm sóc, phụng dưỡng người già đã trở thành một nét đẹp truyền thống của người dân nơi đây...
Còn ông Vũ Sỹ An lại quả quyết rằng sở dĩ người dân quê mình sống thọ là bởi họ ăn rất nhiều cá: "sinh ra ở vùng biển nên thức ăn chủ yếu của họ là cá. Từ đời này qua đời khác, dù già hay trẻ, trong mọi bữa ăn của người dân quê tôi đều có cá".
Nhiều cụ cao tuổi thì lý giải rằng, thì sở dĩ người dân ở đây sống thọ là bởi ngay từ khi còn trẻ, họ đã được thử thách với sóng gió, bão bùng, con trai thì theo cha ra biển, con gái thì theo mẹ bán cá, đan lưới. Khi lớn lên họ đều trở thành những ngư dân dạn dày kinh nghiệm, phải có sức khỏe phi thường mới trụ được trước biển cả bao la.
Theo vnexpress