Cú điện thoại “cứu” cuộc đời cô gái Mông suýt đốt giấy nhập học
Tưởng không thể đi đại học vì đỗ 28,5 điểm mà nhà không có tiền, Chấu ( Hà Giang) bất ngờ nhận được cuộc gọi giúp từ người lạ.
Hai năm trước, nhận kết quả báo đỗ Đại học Luật Hà Nội với 28,5 điểm – là thí sinh duy nhất của toàn huyện Quản Bạ, Hà Giang có điểm trên 20, Sùng Thị Chấu buồn khôn tả vì bố mẹ chẳng hiểu đỗ đại học là gì, anh trai thì bảo: “Đừng đi học nữa, ở nhà chăn dê thôi”.
Chấu là con thứ 5 trong gia đình có 10 anh chị em ở thôn Cán Hồ, xã Thái An, huyện Quản Bạ, Hà Giang. Bố mẹ cho chị em Chấu đi học vì ở trường có cơm ăn. Ảnh: Lệnh Thắng.
Với gia đình có 10 đứa con như nhà họ, bữa ăn sang lắm chỉ là mèn mén (bột ngô), thì Chấu “học hết lớp 12 là quá nhiều rồi, lo mà đi làm nương rẫy, hay cưới chồng như các bạn”. Cô thiếu nữ thử bàn với gia đình xuống Hà Nội vừa học đại học vừa đi làm, người mẹ cầm tay cô khóc: “Con à, nhà mình chỉ ăn rau còn đói cái bụng, bố mẹ không thể cho con đi học”.
Khi Chấu định đốt bỏ giấy báo nhập học và nhiều tập bằng khen – đã sạm màu bởi khói than và bồ hóng, trong đó có giải 3 quốc gia môn địa lý – thì có một đoàn từ thiện Hà Nội lên thăm địa phương. Họ đồng ý giúp Chấu xuống Hà Nội học, dự định thuê nhà cho cô ở.
Bà Ngô Thị Nhàn (Thanh Trì, Hà Nội), một người thường xuyên đi làm từ thiện, nghe được tin đã gọi điện thoại cho Chấu. Cuộc điện thoại dài hơn chục phút với cô gái trẻ xa lạ đã khiến bà quyết định đón cô về ăn ở cùng, vì nhận ra sự nỗ lực trong giọng nói có phần rụt rè, hiền lành của cô.
“Chấu bằng tuổi con gái út của tôi. Việc nuôi thêm một đứa con gái cũng không quá to tát, chỉ thêm bát thêm đũa. Chấu chăm chỉ, tôi càng không hối hận với quyết định này”, bà Nhàn tâm sự.
Chấu nhớ nóc nhà, mẹ cha và các em hàng đêm. Niềm mong mỏi duy nhất của cô là học xong giúp gia đình có cơm, có thịt. Ảnh: NVCC.
Đầu tháng 9.2017, Chấu xuống thủ đô. Ngày đầu nhập học, bà Nhàn lo lắng bởi sắc mặt của Chấu tái đi khi nhìn thấy dòng xe cộ đi lại, cô bấu chặt lấy tay bà mỗi lần sang đường, đơ người không dám vào thang máy. Đoàn từ thiện đã mua xe đạp điện cho Chấu đi học, nhưng nhìn thấy cảnh đấy, mọi người thống nhất để cô đi xe bus.
Mọi thứ với Chấu ở đây đều xa lạ, từ cái bếp gas, cho đến những tia nước nóng từ vòi hoa sen, những bữa cơm có thịt, có hải sản. “Em chạnh lòng vì nhớ bố mẹ, nhớ các anh chị em. Họ chỉ mong có đủ mèn mén ăn qua mùa đông chứ chưa bao giờ nghĩ sẽ có thịt, cá để ăn cả”, Chấu rớm nước mắt kể.
Hai năm trôi qua, Sùng Thị Chấu giờ đây trở thành một sinh viên năng nổ ở khoa Luật tổng hợp, Đại học Luật Hà Nội. Cô thường tham gia thảo luận các môn học bằng sự tự tin, khác hẳn vẻ ngoài rụt rè, giản dị của cô thiếu nữ vùng cao nghèo khổ.
“Giáo án của tôi tại lớp Chấu hay bị ‘cháy’ vì những câu hỏi hóc búa của em ấy”, cô Nguyễn Thanh Hương, giảng viên khoa Khoa lý luận chính trị, Đại học Luật Hà Nội, chia sẻ.
Còn trong mắt bạn bè, Chấu chăm chỉ, ham học hỏi và luôn có những suy nghĩ đặc biệt. Ngoài giờ ở lớp, đi thư viện hay đi xe bus, cô cũng thường mải đọc sách đến mệt ngủ. Tháng 11.2018, Chấu được Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng tặng bằng khen vì thành tích là một trong những học sinh, sinh viên tiêu biểu xuất sắc.
Ở nhà bà Nhàn, Chấu được dành phần lớn thời gian cho việc học. Nghỉ lễ bà ngỏ ý cho tiền về quê song cô không nhận, vì không muốn bà tốn kém vì mình thêm nữa.
Chấu đang sống cùng gia đình bà Nhàn ở Thanh Trì (Hà Nội), được gia đình nuôi ăn ở. Vì là người dân tộc khó khăn nên cô không mất tiền học phí. Ảnh: Lệnh Thắng.
“Chấu nhỏ bé nhưng nhanh nhẹn và khỏe lắm, có những chuyến chúng tôi đi từ thiện các địa phương, Chấu giúp khuân hàng tấn đồ, bằng 2 người thường”, người phụ nữ ngũ tuần kể.
Hai năm rồi, nhiều đêm Chấu thức giấc, trong mơ cô thấy mình được sà vào lòng mẹ và cuộc sống gia đình không còn khó khăn như trước nữa. “Đây là động lực duy nhất thôi thúc em cố gắng nhiều hơn”, Chấu nói.
* Tiêu đề bài viết do Dân Việt đặt lại
Theo Lệnh Anh Thắng (Vnexpress)
Nhóm 9X vừa đi học, vừa bán hàng online dành tiền cho trò nghèo
Họ không giàu, đa số vẫn còn đang đi học nhưng họ thay phiên nhau bán hàng trên trang online của nhóm, ai rảnh rỗi thì tranh thủ đi giao hàng mà không thuê shipper để tăng lợi nhuận.
Khi tiền lời bán hàng được "hòm hòm", họ lại lên kế hoạch làm chuyến từ thiện đến các ngôi trường nghèo hẻo lánh...
Trường tiểu học Bà Râu là một ngôi trường nghèo nằm ở thôn Bà Râu 1, xã Lợi Hải, huyện Thuận Bắc, tỉnh Ninh Thuận. 100% học sinh của trường là trẻ em dân tộc Raglai.
Thầy Tài Đại Điều - phó hiệu trưởng phụ trách trường, cho hay: "Trường này có 636 học sinh thì có đến 165 em thuộc hộ nghèo, còn lại là cận nghèo và khó khăn".
Nhóm Dấu chân kết nối nấu một bữa ăn cho tất cả học sinh trường tiểu học Bà Râu
Các em chăm đi học vì đến trường được... ăn cơm, được chế độ nuôi dưỡng của nhà nước. Thế cho nên, những thức ngon vật lạ, những trò giải trí hiện đại ở các thành phố lớn đối với các em rất lạ lẫm.
Cuối tuần qua lại là một dịp rất khác, ngôi trường trở nên rộn ràng, nhộn nhịp hơn hẳn. Sân trường rộn rã tiếng cười, tiếng nói của các em học sinh, của thầy cô giáo và hơn 50 bạn trẻ, tuổi từ 20 đến 22 của nhóm Dấu chân kết nối đến từ TPHCM. Họ mang đến cho học sinh còn chịu khá nhiều thiệt thòi ngôi trường này những niềm vui, nụ cười và tình yêu thương.
Trò chơi nhảy bao bố làm các em học sinh thích thú
Các em học sinh Raglai được các anh chị nhóm Dấu chân kết nối tổ chức cho chơi những trò chơi dân gian kéo co, ném lon, ném vòng, nhảy bao bố, nhảy sạp...
Những bé trai đầu tóc bù xù sẽ được cắt tóc, làm móng tay sạch sẽ. Các em chơi đã đời rồi còn được các anh chị nấu cho bữa cơm trưa ngon lành.
100 em có gia đình khó khăn nhất còn được tặng quà, nhiều em còn được tặng xe đạp để đi học. Tối đến còn được các anh chị phục vụ buổi biểu diễn văn nghệ "hoành tráng" như ở thành phố...
Các em được cắt tỉa tóc
Các em học sinh nghèo vượt khó học giỏi được nhận quà
Điều đặc biệt là toàn bộ kinh phí của chương trình khoảng 60 triệu đồng là số tiền mà nhóm Dấu chân kết nối đã thu được khi tổ chức bán hàng online trong 3 tuần liền với các mặt hàng ăn vặt như bánh tráng, cơm cháy...
Bạn Nguyễn Thị Ngọc Hồng (23 tuổi, trưởng nhóm Dấu chân kết nối) chia sẻ: "Nhóm em phần lớn là còn đi học và đi làm nên bán hàng online là thuận tiện và phù hợp nhất nên nhóm quyết định bán hàng online những mặt hàng ăn vặt...
Các bạn trẻ ở thành phố tự tay kiếm tiền để làm từ thiện, tự bỏ công sức nấu ăn cho các em học sinh nghèo
Tổ chức lửa trại cho các em
Tụi em bỏ công sức, thời gian và xăng xe để đi giao hàng chứ không thuê shipper để lấy công làm lời và toàn bộ số tiền bán được sẽ dùng vào mục đích làm từ thiện".
Theo Hồng, nhờ hoạt động bán hàng online mà nhóm Dấu chân kết nối có nguồn kinh phí ổn định để thực hiện các chương trình từ thiện và đến nay nhóm đã tổ chức được 6 chương trình Nụ cười tôi yêu.
Mục tiêu của nhóm là mang lại niềm vui, niềm tin, tạo hứng thú và điều kiện cho các em học sinh nghèo vui bước tới trường, không có em nào phải bỏ học giữa chừng, để các em có một tương lai tươi sáng hơn.
"Ngày trước, em cũng là một học sinh nghèo được nhận sự giúp đỡ của cộng đồng xã hội mà em có thể vững bước tới trường, học xong đại học và có công việc ổn định như ngày hôm này.
Em mong muốn cùng với các bạn trong nhóm lan tỏa tinh thần này đến các em học sinh nghèo, giúp các em có nghị lực vươn lên trong cuộc sống, để có tương lai tốt đẹp và có thể tiếp tục nâng đỡ giúp đỡ những người khó khăn khác", Hồng chia sẻ thêm.
Trong đôi mắt và nụ cười rạng rỡ niềm vui, em Katơ Thị Mỹ Linh (lớp 4, trường Tiểu học Bà Râu) hào hứng nói: "Đây là lần đầu tiên em thấy có đoàn từ thiện về trường mà tổ chức nhiều hoạt động vui như thế này.
Em và các bạn được chơi nhiều trò chơi rất là vui, được ăn cơm ngon, được xem văn nghệ hay. Em cũng được nhận quà nữa. Em sẽ cố gắng học giỏi hơn nữa và sau này lớn lên có thể làm được những điều tốt đẹp như các anh chị!".
Còn với Hồng, cô gái trẻ cho rằng: "Tụi em nghĩ là ai cũng đều có thể làm việc thiện, tùy theo khả năng của mình, không cứ phải giàu mới có thể làm từ thiện!".
Theo Đức An (Dân Trí)
Cụ ông Thanh Hóa quyết bảo vệ bằng được 7.000 con chim Từ 15 con cò đầu tiên, sau 41 năm đồi chim cò của ông Phạm Văn Của ở Thanh Hóa tăng lên trên 7.000 con. Khoảng đồi hơn hai hecta của gia đình ông Phạm Văn Của, người dân tộc Mường ở thôn Thọ Liên (Kiên Thọ, Ngọc Lặc, Thanh Hóa) từ lâu là nơi lưu trú của 5.000-7.000 con cò, chim các...