Cứ đà này, Việt Nam sớm vượt Trung Quốc
Hiện nay, Việt Nam chưa thành nước công nghiệp nhưng vấn đề ô nhiễm môi trường đã rất nghiêm trọng. Nếu với đà tăng ô nhiễm như hiện nay, Việt Nam sẽ sớm vượt qua Trung Quốc về ô nhiễm.
“Một sự cố như Formosa là đã quá đủ rồi”
Trả lời chất vấn của Đại biểu Quốc hội về dự án thép Cà Ná 10 tỷ USD, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh nhấn mạnh rằng: “không đánh đổi môi trường lấy các dự án công nghiệp bằng mọi giá”.
Cùng lúc đó, Bộ Công Thương phát đi thông tin về quy hoạch thép, cảnh báo Việt Nam sẽ thiếu 15 triệu tấn thép thô và sẽ còn tăng lên. Khi ấy nhập siêu thép sẽ phải tăng lên. Bộ Công Thương cũng đưa ra nhiều dẫn chứng theo hướng cho thấy cần thiết phát triển các dự án thép lớn.
Cứ đà này, Việt Nam sớm vượt Trung Quốc
Phát biểu tại hội thảo kinh tế Việt Nam trong trung hạn gắn với vấn đề môi trường ngày 18/11, GS Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài nhấn mạnh: “Chừng nào tôi còn được phát biểu, chừng đó tôi kịch liệt phản đối các dự án sắt thép. Chúng ta phải thay đổi tư duy phát triển, một sự cố đã gặp như Formosa là đã quá đủ rồi”.
GS Nguyễn Mại thẳng thắn: “Quan trọng nhất hiện nay là làm thế nào vẫn tăng trưởng nhưng bảo vệ được môi trường. Tôi phản đối tiếp tục xây dựng các dự án thép, xi măng, lọc dầu và hóa chất…”
Lo ngại của GS Nguyễn Mại là có cơ sở khi diễn biến ô nhiễm môi trường ở Việt Nam đã phải gióng lên hồi chuông cảnh báo.
Trong bài viết gửi đến hội thảo, PGS.TS Đinh Đức Trường, Phó chủ nhiệm khoa Kinh tế môi trường (Đại học Kinh tế quốc dân) cảnh báo: “Hiện nay, Việt Nam chưa thành nước công nghiệp nhưng vấn đề ô nhiễm môi trường đã rất nghiêm trọng. Mỗi năm Việt Nam thiệt hại do ô nhiễm môi trường tương đương với 5% GDP. Còn con số này của Trung Quốc là 10%. Nếu với đà tăng ô nhiễm như hiện nay, Việt Nam sẽ sớm vượt qua Trung Quốc về ô nhiễm”.
Điều tra 80 DN có vốn đầu tư nước ngoài về nhận thức bảo vệ môi trường, nghiên cứu của PGS Đinh Đức Trường phát hiện: Phần lớn các DN FDI đầu tư vào Việt Nam đều coi việc quản lý, giám sát môi trường lỏng lẻo cũng như các tiêu chuẩn môi trường thấp là một trong các yếu tố để quyết định đầu tư.
Video đang HOT
Khi đánh giá tình hình môi trường Việt Nam sau sự cố Formosa, báo cáo của Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng chỉ thẳng: DN đầu tư nước ngoài có chiều hướng dịch chuyển dòng vốn vào các ngành tiêu tốn năng lượng và tài nguyên, nhân lực, không thân thiện với môi trường như luyện kim, sửa chữa tàu biển, dệt may, da giày, khai thác và tận thu khoáng sản không gắn với chế biến sâu, sản xuất bột giấy, sản xuất hóa chất, chế biến nông sản thực phẩm…
Tuồn công nghệ lạc hậu, ô nhiễm vào Việt Nam
Mới đây, khi bị truy vấn về khả năng nhà máy giấy bức tử sông Hậu do công nghệ lạc hậu, ông Patrick Chung, Tổng giám đốc điều hành Công ty sản xuất giấy Lee & Man Việt Nam biện minh rằng: “Họ hiểu nhầm chúng tôi nhập thiết bị cũ gây nguy hại cho môi trường”.
Nhưng khi báo chí truy vấn đến lần thứ 3, liệu có phải máy móc thiết bị Trung Quốc hay không, ông Patrick Chung vẫn không tiết lộ nguồn gốc máy móc thiết bị sử dụng cho nhà máy.
Ông này tự tin: “Tôi thoải mái công bố nhà máy của chúng tôi tuyệt đối an toàn với môi trường”.
Nhưng dự án của Lee&Man chính là một trong các dự án bị Bộ Tài nguyên và Môi trường điểm mặt về khả năng gây ô nhiễm dù chưa đi vào hoạt động.
Sự cố cá chết ở miền Trung do Formosa gây ô nhiễm khiến các tỉnh miền Trung khó khăn.
Bộ này cho rằng, Việt Nam có xu hướng nới lỏng các tiêu chuẩn bảo vệ môi trường nhằm cạnh tranh với các nước khác trong quá trình thu hút nguồn vốn này. Chính vì vậy, FDI đã gây nên những tác hại rất lớn đối với môi trường, ví dụ: xả thải của công ty Vedan, Miwon, sự cố biển do Formosa gây ra tại 4 tỉnh miền Trung, khói bụi ô nhiễm của nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 2, nhà máy giấy gây ô nhiễm ở Hậu Giang…
Ngoài ra, các nhà đầu tư nước ngoài lợi dụng những hạn chế của Việt Nam về các quy chuẩn kỹ thuật để tuồn những công nghệ lạc hậu, thâm dụng tài nguyên, thâm dụng năng lượng và lao động nhằm tối đa hoá lợi nhuận.
Nghiên cứu của nhóm tác giả Ban phân tích và Dự báo, Trung tâm thông tin và Dự báo Kinh tế xã hội quốc gia (NCIF) nhận định: Mặc dù Việt Nam không phải quốc gia gây tác động nghiêm trọng tới quá trình nóng lên toàn cầu nhưng lại nằm trong nhóm 25 quốc gia thu nhập thấp, trung bình dẫn đầu về phát thải khí nhà kính hàng năm. Cùng với quá trình phát triển kinh tế, tình trạng ô nhiễm môi trường và sự cố môi trường ngày càng gia tăng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển kinh tế của Việt Nam trong trung và dài hạn.
TS Đặng Đức Anh, Trưởng ban Phân tích và dự báo (NCIF) cho rằng: Trong giai đoạn 2016-2020, nếu tình trạng ô nhiễm môi trường và thiệt hại do thiên tai không được hạn chế thì tăng trưởng kinh tế trung bình mỗi năm sẽ giảm khoảng 0,6% GDP (bao gồm cả tác động trực tiếp và gián tiếp).
(Theo Infonet)
Dự án thủy điện và những chấn thương văn hóa!
Những hậu quả, nỗi bức xúc trong triển khai các dự án thủy điện nhỏ và vừa vẫn thường xuyên diễn ra
Sự ồ ạt đầu tư, cấp phép xây dựng các nhà máy thủy điện mà thiếu đánh giá tác động môi trường đã và đang gây ra nhiều hệ lụy. Không chỉ ảnh hưởng đến đời sống, kinh tế của người dân mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi sinh, văn hóa tinh thần của người dân. Làm sao để hài hòa các lợi ích, giữa phát triển và bảo tồn văn hóa các dân tộc là điều cần được cân nhắc kỹ lưỡng.
Bao giờ mới có bến đỗ cho những người dân
Người dân chịu ảnh hưởng khổ hơn?
Nếu chứng kiến người dân ở thị xã Mường Lay (tỉnh Điện Biên) đã phải nhường đất cho lòng hồ thủy điện Sơn La và Lai Châu để đến một địa bàn khác sẽ thấy nỗi bất an của bà con. Không chỉ là việc người dân thiếu đất, thiếu chính sách an sinh xã hội, những bất cập trong vấn đề bố trí tái định cư (TĐC), mà vấn đề văn hóa đã bị chấn thương.
Ông Vi Văn Sình, ở phường Na Lay, cho biết những sinh hoạt văn hóa trước đây đã bị mai một, người dân không còn giữ được nếp nhà xưa, dòng họ cũng ở mỗi người mỗi nơi. Một số nghệ nhân còn giữ được các làn điệu múa hát đã di chuyển đi nơi khác, thiếu thốn người truyền dạy cho thế hệ sau.
Nhưng có một điều thật đau lòng mà chúng tôi chứng kiến là nhiều bà con được hứa là TĐC ở nơi mới sẽ tốt hơn nơi ở cũ, nhưng không phải thế. Tìm đến vùng đặc biệt khó khăn khác của Điện Biên - huyện Tủa Chùa, nơi có hàng trăm hộ dân cũng đang bất an do việc bố trí TĐC không hợp lý.
Tiêu biểu như người dân ở xã Pác Na, từ năm 2006 về TĐC ở bản Huổi Lực 1 và 2 (xã Mường Báng), thứ gì cũng phải đi mua, trong khi sau ba năm mới được giao đất, nên nhiều tháng trời thiếu ăn. Tại tỉnh Lai Châu cũng có nhiều thôn bản chung cảnh (cùng lúc thực hiện dự án thủy điện Lai Châu, Bản Chát và chịu ảnh hưởng bởi dự án Nhà máy thủy điện Sơn La).
Là người dân tộc thiểu số, nếu chuyển họ đến một nơi ở hoàn toàn mới, với các điều kiện thiếu thốn về đất sản xuất, thì họ sẽ nguôi quên những kỹ năng đã được tiếp nhận từ tấm bé, họ cũng không được gắn bó với công việc là thế mạnh của bản thân, nên gây ra những xáo trộn trong đời sống.
Tỉnh Nghệ An với một số dự án thủy điện, đặc biệt là dự án thủy điện Bản Vẽ, thuộc địa bàn huyện Tương Dương. Có thể nói đây là dự án lớn, mang lại nguồn lợi lớn nhưng những thiếu khuyết đã đẩy hàng nghìn hộ dân lâm vào tình cảnh trớ trêu. Mặc dù đã được đưa đến nơi TĐC nhưng thiếu đất, họ lại bỏ nhà, quay trở về nơi ở cũ, sống bám vào rừng và lòng hồ thủy điện. Trẻ em không được học hành, đối mặt với tình trạng nghèo đói, thất học.
Cân nhắc được và mất
Theo tìm hiểu nhiều dự án thủy điện gây họa cho người dân và môi trường, như các dự án: An Khê-Kanak (Gia Lai); Sê-rê-pôk 4A (Đắk Lắk), Thuận Hòa, Sông Miện 5 (Hà Giang)... Những hậu quả, nỗi bức xúc trong triển khai các dự án thủy điện nhỏ và vừa vẫn thường xuyên diễn ra.
Người dân lòng hồ thủy điện Bản Vẽ (Nghệ An) đối mặt với cảnh sống tạm bợ, nheo nhóc
Rõ ràng với mỗi dự án thủy điện được xây dựng ở đầu nguồn thì tương ứng với diện tích rừng đầu nguồn bị suy giảm do phải dành đất rừng làm hồ chứa. Cách thức tích nước tự nhiên bằng hệ thống rừng đầu nguồn bị thay đổi khiến hệ sinh thái mất cân bằng, tầng nước ngầm cũng suy giảm theo. Quá trình tích nước, xả nước của thủy điện nhiều khi cũng nặng tính lợi ích của chủ đầu tư khi nước được giữ lại vào mùa khô (để dành phát điện) và xả nhiều vào mùa mưa. Điều này tạo ra những đợt hạn hán hay lũ lụt nhân tạo một cách rõ rệt. Đó là cái mất không đo đếm được.
Lo ngại động rừng, ông Y Nô H'Wing, Phó buôn Đrăng Phôk, xã Krông Na (huyện Buôn Đôn) thốt lên: "Thủy điện nhỏ mà ảnh hưởng lớn thì không nên. Làm thế rầu lòng lắm. Bởi sẽ là gánh nặng cho vườn quốc gia, ảnh hưởng nhiều đến bà con".
Hay như ông Phan Tuấn Anh, Phó trưởng phòng Quản lý đất đai (Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Lai Châu) bộc bạch: Đến nay tỉnh vẫn chưa có báo cáo đầy đủ về công tác di dân, TĐC, ổn định đời sống cho người dân, bởi công tác này vô cùng phức tạp. Theo tập tục, bà con sống phụ thuộc vào núi rừng, sông suối. Khi về nơi ở mới thì các điều kiện đó không còn. Nhiều người dân vẫn thích cuộc sống như xưa.
Đối với các tỉnh nghèo, thủy điện đã góp phần vào tăng trưởng kinh tế không nhỏ, như lời ông Nguyễn Khắc Quyền, Giám đốc Sở Công Thương Hà Giang bộc bạch: "Hiện ở Hà Giang, tiền thu vào ngân sách là tiền từ khai thác thủy điện, chứ khoáng sản đang trì trệ không thu thuế được đâu. Nhìn chung là được nhiều. Ngoài phát huy tiềm năng thì mỗi nhà máy cũng tạo việc làm cho từ 30 đến 40 lao động thường xuyên. Về mặt quản lý, chúng tôi đã xin ý kiến lãnh đạo tỉnh, chỉ đạo các doanh nghiệp phối hợp vận hành tốt các nhà máy đã hoàn thành, thanh toán tiền quỹ bảo vệ rừng".
Nhà thơ Đỗ Thị Tấc, người con của xứ núi Lai Châu có nhiều công trình nghiên cứu bảo tồn văn hóa dân tộc ở Lai Châu cho rằng, thủy điện có công và cũng có tội. Cái công là góp phần phát triển nguồn điện, phát triển công nghiệp nhưng cái hại là tước của người dân tộc thiểu số môi trường sống tự nhiên vốn rất bình yên. Thậm chí còn làm bần cùng hóa một số bản làng khi họ không còn đất để sản xuất, cái hồn núi hồn sông bao đời gắn bó nhạt phai.
"Người dân cần nhất là cơm ăn áo mặc. Điều đó còn hơn cả chuyện học hành. Nên trước khi lập dự án cần cân nhắc nguồn lợi, cái được cho dân", bà Tấc nhấn mạnh.
Theo Thời báo Ngân hàng
Giảm thiểu tác động môi trường do cá chết hàng loạt Nắng nóng có thể làm nhiệt độ nước biển gần bờ tăng cao, làm gia tăng tốc độ phân hủy chất hữu cơ có nguồn gốc từ nước thải, lan truyền dịch bệnh. Bộ Tài nguyên và Môi trường đề nghị các địa phương ở khu vực miền Trung đẩy mạnh thực hiện biện pháp khẩn cấp giải quyết hiện tượng cá chết...