Củ Chi: Nông dân vui như tết vì bắp lai trúng mùa, được giá
Nông dân huyện Củ Chi (TP.HCM) đang tiến hành thu hoạch vụ bắp (ngô) lai. Theo nhận xét của bà con, vụ bắp năm nay vừa được mùa, lại vừa được giá nên cuộc sống phần nào được cải thiện.
Trồng bắp lãi 40 triệu đồng/ha
Những ngày này, ấp Ba Sa, xã Phước Hiệp (huyện Củ Chi) đang vào chính vụ thu hoạch bắp lai. Ông Trần Văn Nhân – một trong những hộ trồng bắp lai tại ấp Ba Sa cho biết, năm nay thời tiết thuận lợi cộng với việc giống có phẩm chất tốt nên năng suất cao. Trung bình 1ha thu hoạch khoảng 8 tấn, sau khi trừ chi phí, bà con nông dân lãi gần 40 triệu đồng/ha.
Người dân ấp Ba Sa, xã Phước Hiệp thu hoạch bắp lai. Ảnh: H.P
Trong khi đó, ông Phan Văn Đun (ngụ cùng địa phương) nhờ trồng cây bắp lai nên gia đình có thêm khoản thu nhập để trang trải cho cuộc sống. “Trước đây, với 4 công đất tôi trồng giống bắp cũ thường trồng dày hơn nên trái bắp nhỏ, mỗi cây ngoài bắp lớn thường có 1 bắp nhỏ nữa. Còn trồng giống bắp lai, mỗi cây chỉ cho 1 bắp nhưng bắp to, dài và hạt cũng chất lượng hơn, giá bán cao hơn” – ông Đun nói.
Ông Lê Văn Thành – Chi hội trưởng Chi hội Nông dân ấp Ba Sa cho biết, cây bắp rất dễ trồng, lại phù hợp với khí hậu và thổ nhưỡng của địa phương. Tính đến thời điểm này, cây bắp được xem là loại cây phát triển kinh tế, cây thoát nghèo của bà con nông dân ấp Ba Sa. Ba Sa là 1 trong 7 ấp có diện tích trồng cây bắp lai lớn nhất xã Phước Hiệp. Chỉ mới bắt đầu vào đầu mùa thu hoạch, nhưng tổng số bắp lai thu hoạch được đã gần bằng những vụ mùa trước.
Video đang HOT
“Từ hạt giống, kỹ thuật chăm sóc đến tiền vốn mua phân bón cũng được Công ty Giống cây trồng miền Nam hỗ trợ. Hàng tuần, hàng tháng, công ty cử cán bộ trực tiếp đến kiểm tra tình trạng phát triển của cây bắp, tư vấn kỹ thuật trồng, kịp thời tư vấn để bà con đạt năng suất cao nhất. Đến khi thu hoạch, đơn vị cung ứng giống sẽ bao tiêu cho bà con luôn, như năm nay giá bắp bán được 9.500 đồng/kg” – ông Thành cho hay.
Cây xóa đói giảm nghèo
Ông Nguyễn Văn Long – Chủ tịch hội Nông dân huyện Củ Chi cho biết, hiện trên địa bàn huyện, hai xã Phước Hiệp, Phước Thạnh có diện tích trồng cây bắp lai khá lớn. Hội nông dân huyện tư vấn trực tiếp cho hội nông dân các xã đứng ra ký hợp đồng với đơn vị cung ứng giống. Đến khi thu hoạch, người dân bán trực tiếp cho họ. Với cách làm này, người dân có thể tính toán trước lời lãi bao nhiêu trên 1ha.
Còn theo ông Phạm Văn Tâm – Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Phước Hiệp, trên địa bàn xã hiện có khoảng 1.500 hộ dân sản xuất nông nghiệp. Những năm gần đây, việc gieo trồng, xuống giống và thu hoạch bắp lai đã trở thành niềm vui, niềm hy vọng cho bà con. Bởi chỉ cần trúng vụ bắp, bà con nông dân sẽ có vốn đầu tư trồng trọt những vụ lúa, hoa quả ngắn ngày tiếp theo trong năm.
Với hiệu quả kinh tế ổn định và ngày càng tăng, cây bắp lai đã trở thành động lực chính giúp người dân thoát nghèo. Nhiều hộ nhờ trồng bắp lai mà đời sống khá lên, góp phần cùng địa phương xây dựng thành công xã nông thôn mới.
Theo Danviet
Biến nông trang thành địa điểm du lịch xanh giữa Sài Gòn
Không chỉ áp dụng kỹ thuật nông nghiệp hiện đại để cho nông sản giá trị cao, một nông trại tại TP.HCM còn biến hoạt động sản xuất của mình thành mô hình giáo dục - du lịch kết hợp thu lại lợi nhuận cao.
Kế thừa kỹ thuật của cha ông
Tọa lạc tại xã An Nhơn Tây, huyện Củ Chi, TP.HCM, Nông trang Xanh Green Noen là một trong vài trang trại hiếm hoi được nhiều người dân thành phố cũng như các tỉnh lân cận tìm đến. Bởi lẽ, nơi đây không chỉ bán các nông sản sạch mà khách tham quan còn có thể trải nghiệm công việc đồng áng. Đặc biệt nông trang còn kết hợp với các trường học mở tour du lịch cho các em thiếu nhi tìm hiểu về thiên nhiên và nông nghiệp.
Khách đến tham quan có thể trải nghiệm mô hình nuôi bò theo công nghệ cao của nông trang. Ảnh: N.D
Mới đây, bà Hường đã đầu tư thêm nhà máy chế biến sữa tươi thanh trùng, công suất 2 tấn/giờ và tiêu thụ sữa bò tươi từ nhiều nông dân trong vùng. Để phục vụ cho nhu cầu trải nghiệm nông nghiệp của khách tham quan, vừa qua Green Noen đã đầu tư thêm chuỗi dịch vụ ẩm thực gồm nhà hàng, cửa hàng giải khát, quán ăn truyền thống và nhà nghỉ phục vụ khách lưu lại qua đêm.
Bà Nguyễn Thị Thu Hường - Giám đốc Green Noen cho hay, nông trang hình thành từ năm 2010, khi đó chỉ là một trang trại chuyên trồng nấm ăn và nấm dược liệu, rộng 3ha. Sau 7 năm hoạt động, nông trang đã được mở rộng diện tích lên đến 20ha, gồm 30 nhà trồng nấm, 4 khu trồng rau sạch và dưa lưới, cánh đồng trồng lúa, hoa hướng dương, nhà lưới trồng lan, 4 khu chuồng trại chăn nuôi bò sữa, dê, gà đông tảo, cừu, hươu, nai... Chứng kiến trang trại rộng mênh mông, chỉ nhẩm tính sơ cũng thấy chi phí phân thuốc, thức ăn, công chăm sóc hàng ngày là con số không hề nhỏ.
Thế nhưng, bà Nguyễn Thị Thu Hường "bật mí" trang trại hiện đại này vận hành theo kinh nghiệm truyền đời của cha ông: Đầu ra của cái này là đầu vào của cái kia và dựa vào thiên nhiên tối đa. Chẳng hạn, phân từ những con vật nuôi vừa cải tạo đất vừa bón cây ăn trái, trồng lúa có cỏ và rơm cho bò... trong khi những cánh đồng hoa vừa tạo cảnh quan đẹp, tạo cảm giác thư thái cho mọi người nhưng cũng vừa là thức ăn cho các con vật, vừa thu hút sâu bọ để chúng ít phá rau màu, vừa thu hút chim chóc đến tham gia bắt sâu bọ cho cây trái... "Tôi nghĩ kỹ thuật hiện đại rất tốt, nhưng kinh nghiệm cha ông đúc rút từ ngàn năm cũng là thực tiễn và giá trị vô cùng, thời gian nào cũng có thể áp dụng được!".
Bà Hường cho hay, từ một trang trại nấm chuyển sang nông trang chuyên canh nông nghiệp như hôm nay cũng từ kinh nghiệm của ông cha. "Trồng nấm linh chi cần có phân trùn quế nhưng sợ mua bên ngoài không đảm bảo nên chúng tôi nuôi bò để lấy phân. Nhưng rồi phân bò nhiều quá sử dụng không hết vì đầu ra của nấm lúc đó cũng rất hạn chế. Vì thế, chúng tôi quyết định trồng thêm rau để đa dạng sản phẩm đầu ra, cũng như có thêm chi phí duy trì trang trại. Chúng tôi mở cửa hàng bán rau - nấm ở Tân Bình, bên cạnh một số người tin tưởng cũng có rất nhiều người hoài nghi về nguồn gốc sản phẩm nên chúng tôi đã phải tìm mọi cách để lấy niềm tin của khách hàng, trong đó có cả việc mời mọi người xuống thăm trang trại để tận mắt thấy chúng tôi trồng rau, nuôi bò ra sao.
Bên cạnh việc nuôi trồng theo phương pháp truyền thống, Green Noen cũng áp dụng nhiều kỹ thuật nông nghiệp cao trên thế giới. Chẳng hạn nhà lưới trồng rau và dưa kim hoàng hậu sử dụng công nghệ tưới nhỏ giọt của Israel" - bà Hường chia sẻ.
Chị Trịnh Thị Diễm, phụ trách trồng rau cho biết, nhờ kỹ thuật tưới tự động 3 lần/ngày và tưới nhỏ giọt bằng các đường ống chạy ngầm bên dưới nên chẳng những tiết kiệm nước, rau không bị giập lá mà còn giảm sử dụng sức lao động. Rau trồng trong nhà lưới ít sâu bọ xâm nhập nên rất sạch và ít hao hụt. Bên cạnh đó, nông trang có hơn 70 con bò sữa nhập từ Hà Lan và Úc và được nuôi bằng công nghệ châu Âu như cho bò nghe nhạc thư dãn, có đồng hoa hướng dương cho bò ăn và có đồng cỏ cho bò đi dạo...
Kết hợp nông nghiệp đô thị hiện đại
Trồng rau sạch trong nhà kính tại nông trang. Ảnh: N.D
Ngoài cung cấp nông sản sạch, Green Noen còn cung cấp tour du lịch trải nghiệm và dường như chính là mảng dịch vụ mới khiến cho tên tuổi của nông trang này "bay" xa hơn. Cụ thể, Green Noen phối hợp với các trường tiểu học đưa các bé đến nông trang "tập làm nông dân một ngày". Trong lúc tham quan các khu vực trồng trọt, chăn nuôi, các bé sẽ được hướng dẫn viên giới thiệu cặn kẽ một số kiến thức cơ bản về cây trồng, vật nuôi. Sau đó, các bé sẽ được bắt tay vào trải nghiệm một số công việc đồng áng như tự tay vắt sữa bò, cho bò ăn, chăm sóc cây cảnh, đóng bịch phôi nấm và thu hoạch nấm... Bên cạnh đó, các bé cũng sẽ được tham gia một số trò chơi dân gian như chăn trâu, tát đìa bắt cá, bơi lội...
Theo bà Hường, giáo dục thông qua hoạt động vui chơi khiến các bé tiếp thu nhanh hơn nên bậc làm cha mẹ nào cũng mong muốn. Thông qua các hoạt động trải nghiệm, Green Noen muốn giúp các em học sinh có những kiến thức cơ bản về thiên nhiên, cây cỏ, đồng thời cũng góp phần phát triển các kỹ năng mềm như tính ham học hỏi, kỹ năng quan sát- phán đoán, sự tự tin khi trao đổi- thảo luận cùng bạn bè và người lớn. Qua đó, giáo dục các em ý thức bảo vệ môi trường, yêu thiên nhiên, yêu lao động và trân trọng sức lao động của người nông dân.
Theo Danviet
Nghề mành trúc gần nửa thế kỷ ở Sài Gòn Nép mình bên rặng tre làng, các thợ làm mành trúc ở huyện Củ Chi (TP HCM) vẫn miệt mài sơn vẽ ra sản phẩm để xuất khẩu đến nhiều quốc gia trên thế giới. Nghề mành trúc ở huyện Củ Chi có từ trước năm 1975, tập trung nhiều ở xã Tân Thông Hội và Phước Vĩnh An. "Thời hoàng kim, có...