Cú bắt tay mới giữa Sony và Disney
Nội dung thỏa thuận mới giữa hai ông lớn xoay quanh việc phát hành trực tuyến các tựa phim điện ảnh của Sony trong giai đoạn 2022-2026.
The Hollywood Reporter đưa tin các tựa phim điện ảnh mới của Sony Pictures, cũng như phần lớn thư viện điện ảnh của hãng, sẽ xuất hiện trên dịch vụ xem video trực tuyến và các nền tảng truyền hình của Disney.
Trong thỏa thuận mới ký kết giữa hai ông lớn Hollywood, chùm phim chiếu rạp giai đoạn 2022-2026 từ Sony sẽ được phát hành trực tuyến trên các nền tảng thuộc sở hữu của Disney. Các nền tảng này gồm dịch vụ Disney , Hulu và các kênh truyền hình ABC, Disney Channels, Freeform, FX cùng National Geographic.
Thỏa thuận mới giữa Disney và Sony sẽ đưa chùm phim về Người Nhện của Tom Holland lên sóng Disney . Ảnh: Sony .
Thỏa thuận trên đạt được chỉ vài tuần sau khi dịch vụ xem video trực tuyến Netflix và Sony Pictures ký kết một hiệp ước quan trọng. Trong đó, các tựa phim điện ảnh của Sony sẽ phát hành trước tiên trên hệ thống Netflix sau khi rời rạp khoảng 18 tháng.
Sau khi các tựa phim Sony trên hết thời hạn lưu hành trên dịch vụ Netflix, chúng sẽ được phát hành trực tuyến trên nền tảng của Disney. Các bộ phim của Sony phát hành năm 2022 như Morbius , Uncharted , Bullet Train và hậu truyện của Spider-Man: Into the Spider-Verse cũng nằm trong thỏa thuận với Disney.
“Thỏa thuận quan trọng, kéo dài nhiều năm và bao quát các nền tảng này cho phép đội ngũ Disney Media and Entertainment Distribution tiếp cận một cách linh hoạt, đa dạng và hiệu quả kho tàng tác phẩm điện ảnh danh tiếng của Sony Pictures. Đây là nguồn tài nguyên cho các dịch vụ trực tuyến và kênh truyền hình của chúng tôi”, ông Chuck Saftler, trưởng bộ phận kinh doanh của ABC, Freeform, FX Networks tại DMED Networks, cho hay.
Ông Saftler khẳng định: “Người hâm mộ sẽ được hưởng nhiều lợi ích từ thỏa thuận này. Giờ đây, họ sẽ có cơ hội tiếp cận những nội dung giải trí hay nhất từ hai hãng điện ảnh hàng đầu Hollywood trên nhiều nền tảng xem truyền hình và video trực truyến với trải nghiệm đa dạng”.
Uncharted và nhiều phim điện ảnh do Sony phát hành trong năm 2022 cũng sẽ xuất hiện trên các dịch vụ do Disney cung cấp. Ảnh: ScreenRant .
Disney hiện là nền tảng phát hành trực tuyến các tựa phim thuộc Vũ trụ Điện ảnh Marvel. Tuy nhiên, hai tựa phim do Sony phát hành là Spider-Man: Homecoming (2017) và Spider-Man: Far From Home (2019) không xuất hiện trên nền tảng này. Sau khi hết thời gian lưu hành trên Netflix, hai tựa phim trên sẽ được phát hành trực tuyến trên dịch vụ của Disney .
Điện ảnh sẽ không bao giờ như cũ sau đại dịch?
Mới đây, Warner Bros. thừa nhận đã thất bại khi phát hành "Tenet" tại rạp. Điều này làm dấy lên câu hỏi điện ảnh thế giới sẽ đi về đâu sau đại dịch.
Bài viết Liệu có thể có một cái kết cổ tích cho Hollywood sau Covid-19? trên World Economic Forum thống kê: tổng doanh thu phòng vé toàn cầu năm 2019 đạt 42 tỷ USD - con số cao nhất mọi thời đại. Thành tựu này đóng góp gần một phần ba vào doanh số ước tính 136 tỷ USD của nền công nghiệp sản xuất và phân phối phim trên toàn thế giới.
Đại dịch tàn phá nghệ thuật thứ bảy
Tại Mỹ, có khoảng 400.000 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực liên quan đến phim ảnh. Hollywood cũng cung cấp hơn 2 triệu việc làm cho người lao động trong nhiều lĩnh vực.
Điện ảnh và truyền hình Anh đóng góp khoảng 60 triệu bảng mỗi ngày cho nền kinh tế xứ sở sương mù. Trung Quốc cũng đang thực hiện những bước đi táo bạo để tăng sản lượng, và tất nhiên cả doanh thu, từ phim ảnh.
Tuy nhiên, đại dịch Covid-19 đã chặn đứng sự phát triển của hoạt động sản xuất điện ảnh trên toàn thế giới, cũng như ảnh hưởng sâu sắc đến doanh thu phòng vé năm 2020.
Mới đây, Warner Bros. đã phải thừa nhận bom tấn Tenet của Christopher Nolan đã thua lỗ khi ra rạp. Ảnh: Warner Bros.
Ở hầu hết quốc gia, hệ thống rạp chiếu phim đều buộc phải đóng cửa trong giai đoạn đại dịch bùng phát. Tới nay, các cụm rạp vẫn tiếp tục đóng cửa hoặc mở lại một cách hạn chế.
Kế hoạch tổ chức nhiều liên hoan phim đã bị hủy bỏ hoặc chuyển sang hình thức trực tuyến. Việc phát hành phim, từ các bom tấn cho đến tác phẩm tầm trung, phim độc lập liên tục bị thay đổi theo hướng đẩy sang năm 2021 hoặc hoãn vô thời hạn. Việc ghi hình các dự án mới cũng bị gác lại hoặc kéo dài thời gian sản xuất dẫn đến phát sinh đáng kể về chi phí.
Do rạp chiếu phim đóng cửa, doanh thu phòng vé toàn cầu năm 2020 chỉ là một con số vô cùng khiêm tốn so với 42 tỷ USD năm 2019. Đại dịch, dẫn đến sự đóng băng của ngành công nghiệp điện ảnh, cũng đe dọa công việc của hàng chục nghìn người lao động trong lĩnh vực này.
Tại Trung Quốc đại lục, hơn 70.000 rạp chiếu phim đã bị đóng cửa sau khi dịch Covid-19 bùng phát. Trong hai tháng đầu năm, giai đoạn đột phá nhờ Tết Nguyên đán, doanh thu phòng vé Trung Quốc giảm kỷ lục.
Các cụm rạp Trung Quốc chỉ thu về 3,9 triệu USD so với 2,148 tỷ USD cùng kỳ năm 2019. Báo cáo của ngành công nghiệp điện ảnh Trung Quốc chỉ ra họ đã mất khoảng 2 tỷ USD vào tháng 3/2020.
Disney quyết định phát hành trực tuyến Mulan lên Disney với mức phí thuê phim gần 30 USD thay vì đưa phim ra rạp. Ảnh: Disney.
Tại Bắc Mỹ, doanh thu phòng vé trượt dốc không phanh sau sự biến mất của mùa phim hè. Theo thống kê của Forbes, tổng doanh thu phòng vé 2020 của Mỹ hiện là 2 tỷ USD và được dự đoán sẽ không có nhiều biến động trong ba tháng cuối năm.
Tháng 10, Cineworld - chuỗi rạp chiếu phim lớn thứ hai thế giới đã tuyên bố đóng cửa do kinh doanh thua lỗ và không có phim bom tấn để kích cầu thị trường.
Tháng 3/2020, giới phân tích dự đoán phòng vé toàn cầu có thể mất 5 tỷ USD do hậu qủa của đại dịch. Tới tháng 10, con số được dự đoán có thể tăng lên khoảng 20-25 tỷ USD.
Thay đổi trong thói quen xem phim của khán giả
Tại Trung Quốc, đất nước tỷ dân ghi nhận sự tăng trưởng vượt bậc về nhu cầu thưởng thức điện ảnh suốt thập niên vừa qua. Từ 2009 tới 2019, lượng khán giả tới rạp xem phim tại Trung Quốc đã tăng 860%.
Nền điện ảnh nội địa của một số quốc gia châu Á khác như Hàn Quốc, Indonesia, Philippines và Việt Nam cũng cho thấy sự phát triển tốt. Đến rạp xem phim được coi là xu hướng nổi bật của giới trẻ.
Tuy nhiên, không đợi đến đại dịch Covid-19, giới phân tích đã sớm quan sát thấy sự sụt giảm đáng kể trong lượng khán giả tới rạp thưởng thức điện ảnh, đặc biệt ở những quốc gia phát triển ở Âu Mỹ.
Ở khu vực Bắc Mỹ, lượng vé bán ra hầu như không thay đổi kể từ năm 1995, bất chấp số đầu phim sản xuất mỗi năm không ngừng tăng lên. Ở Anh, 170 triệu lượt người tới rạp xem phim mỗi năm vẫn là con số thống kê không thay đổi.
Trong tương quan với tốc độ gia tăng dân số ở các quốc gia này, có thể coi đây là sự sụt giảm số lượng khán giả đến rạp. Ngay cả thị trường Ấn Độ, một cường quốc sản xuất phim, số rạp chiếu phim tính bình quân trên đầu người từ trong 10 năm từ 2009 tới 2019 đã giảm tới 32%.
Dịch vụ xem video trực tuyến mang đến cho khán giả cơ hội thưởng thức nhiều bộ phim chất lượng mà không cần ra rạp. Ảnh: Netflix.
Dù hệ thống rạp chiếu phim toàn cầu đã được đầu tư bài bản hơn để nâng cao trải nghiệm thưởng thức điện ảnh cũng như công nghệ nghe nhìn có bước phát triển đáng kể, số lượng người xem đến rạp vẫn tiếp tục giảm.
Thay vì đến rạp, nhiều năm qua, khán giả dần làm quen với việc thưởng thức những tác phẩm chất lượng nhất, dàn sao tên tuổi hay những tác phẩm nghệ thuật xuất sắc trên các thiết bị cá nhân tại nhà.
Đại dịch chuyển hướng sự phát triển của điện ảnh
Sự phát triển ồ ạt của dịch vụ trực tuyến đã ảnh hưởng trực tiếp đến rạp chiếu phim toàn cầu. Từ khóa phổ biến "Netflix & chill" (thư giãn cùng Netflix) là một ví dụ cho thấy tính tiện lợi, thoải mái và riêng tư hơn của hình thức xem phim mới trong thời đại công nghệ bùng nổ.
Nếu trước đây, khán giả phải đợi từ 6-12 tháng để một bộ phim bom tấn chiếu rạp được phát trực tuyến hoặc cho thuê, thì vài năm trở lại đây, khoảng thời gian này được rút ngắn chỉ còn trên dưới 2 tháng.
Khi đại dịch bùng phát ở châu Âu và Bắc Mỹ ngay trước thềm mùa phim hè của Hollywood, xu hướng chuyển đổi từ điện ảnh truyền thống sang các loại hình xem phim trực tuyến đã diễn ra với tốc độ chóng mặt.
Thay vì ra rạp, nhiều phim lớn như Greyhound của Sony Pictures hay Mulan của Disney được phát hành lên không gian Internet trên các nền tảng xem video trực tuyến hay trả tiền để xem từng bộ phim (SVoD). SVoD, bên cạnh việc mua gói dịch vụ theo tháng, ngày càng được khán giả ưa chuộng.
Đại dịch khiến mâu thuẫn quyền lợi giữa rạp chiếu phim và nhà phát hành trở nên sâu sắc. Ảnh: Universal.
Sự gia tăng của dịch vụ xem phim trực tuyến thúc đẩy các hãng phim ưu tiên phát hành tác phẩm qua hệ thống của chính họ để cạnh tranh với các đối thủ. Tình trạng này dẫn đến việc gsố lượng phim phát hành theo cách truyền thống sụt giảm đáng kể.
Theo nhà phân tích thị trường Matthew Ball, 15 năm trước, mỗi hãng trong nhóm sáu ông lớn của Hollywood, gồm Warner Bros, Walt Disney, 20th Century Fox, Paramount, Sony và Universal, ra rạp từ 20 đến 25 phim lớn mỗi năm. Đến năm 2019, ngoại trừ Walt Disney, con số này tụt xuống còn 9 tác phẩm mỗi hãng.
Cán cân quyền lực rõ ràng đã có sự thay đổi lớn. Bên cạnh các ông lớn năm xưa đã có thêm nhiều nhà cung cấp dịch vụ trực tuyến chú trọng hơn đến nội dung và hình thức của các sản phẩm do họ tự bỏ vốn sản xuất mà Netflix và Amazon là những ví dụ rõ nhất.
Sự phát triển của các nền tảng xem video trực tuyến đã gây ra sự sụt giảm lượng khán giả xem phim tại rạp - nguồn sống của của các nhà phân phối, phát hành phim truyền thống.
Sự cạn kiệt có thể nhìn thấy được thông qua chất lượng nghèo nàn của của các bộ phim tại rạp (ngoại trừ một số thương hiệu phim bom tấn) trái ngược với sự phong phú, đa dạng của các sản phẩm phát hành trực tuyến. Sự thay đổi nhanh chóng khiến niềm tin của những người lạc quan nhất về triển vọng hồi phục của rạp chiếu bóng trong tương lai, bị lung lay.
Một số nhà phân tích cho rằng ngành công nghiệp điện ảnh đang đứng trước "thay đổi lớn nhất trong lịch sử Hollywood". Đặc biệt là sau giai đoạn đại dịch.
Mô hình SVoD cũng bình thường hóa việc phát hành phim trực tiếp cho người tiêu dùng. Trước mắt, loại hình này mang về cho nhà sản xuất lợi nhuận lớn hơn khoản tiền còn lại sau khi ăn chia với ông chủ rạp chiếu.
Rạp phim chiếm tới 50% doanh thu bán vé; nhưng đại dịch đã khiến nguồn thu nhập này bị đe dọa, châm ngòi cho những mâu thuẫn quyền lợi. Phản ứng gay gắt nhất đến từ AMC, công ty từng tuyên bố tẩy chay phim của Universal sau khi hãng không phát hành phim hoạt hình Trolls World Tour tại rạp mà đưa thẳng lên dịch vụ trực tuyến. Universal cũng đưa ra yêu cầu rút ngắn khoảng thời gian từ khi phim rút khỏi rạp tới khi phát hành trên hệ thống trực tuyến.
Hãng duy nhất ít bị ảnh hưởng trong quá trình chuyển đổi này là Disney nhờ đóng góp quan trọng trong việc tăng trưởng của nhượng quyền thương mại. Doanh thu nhượng quyền thương mại đã tăng từ khoảng 30% trong những năm 1980 lên đến 40% trong giai đoạn hiện nay. Disney là hãng duy nhất hưởng lợi từ sự tăng trưởng này.
Kể từ năm 2000, doanh thu phòng vé của 6 ông lớn đã tăng khoảng 10%, riêng thị phần của Disney trong cùng thời kỳ đã tăng gấp đôi, chủ yếu trong thập kỷ 2010 nhờ loạt phim bom tấn siêu anh hùng của Marvel Studio.
Cùng với sự ra đời của dịch vụ xem phim trực tuyến Disney , chuỗi ngày thống lĩnh thị trường của Disney chắc chắn còn tiếp diễn trong nhiều năm nữa.
Các hãng phim độc lập chịu nhiều thách thức nhất, đặc biệt trong khâu huy động vốn. Covid-19 khiến việc đầu tư cho các hãng phim độc lập càng thêm rủi ro vì gia tăng chi phí bảo hiểm, an ninh y tế và thời gian sản xuất kéo dài.
Hậu quả không mong muốn của thực trạng này là suy giảm tính đa dạng của nội dung phim. Một nỗi sợ có thể nhìn thấy được khi Disney mua lại Marvel vào năm 2009 và thống lĩnh thị trường chiếu bóng toàn cầu với các bộ phim siêu anh hùng. Trong khi đó, các bộ phim độc lập ngày càng ít có cơ hội ra rạp, khiến doanh thu sụt giảm đáng kể so với giai đoạn trước đây.
Tương lai gần, có thể các bộ phim độc lập sẽ càng ít cơ hội được phát hành tại các rạp chiếu, nhất là khi hệ thống rạp chiếu phim ở nhiều quốc gia đang thu gọn quy mô. Dòng phim giàu tính sáng tạo và mang màu sắc cá nhân này sẽ phải tìm đường đến với khán giả qua các dịch vụ trực tuyến.
Tất nhiên, sự cạnh tranh sẽ vẫn diễn ra khốc liệt với phim độc lập kinh phí thấp trên sân chơi mới. Bởi giờ đây, ngay cả những bộ phim bom tấn hay tác phẩm quy tụ dàn sao lớn cũng đang tìm đường đổ bộ lên các dịch vụ xem phim trực tuyến.
Chắc chắn vẫn chưa đến lúc để nói đến chuyện xóa sổ ngành công nghiệp điện ảnh hay sự lụi tàn của dòng phim độc lập. Bởi lịch sử Hollywood cho thấy, qua mỗi giai đoạn chuyển đổi mang tính cách mạng, giới làm phim càng sáng tạo và tìm ra các phương thức mới để tồn tại và phát triển.
Johnny Depp không được diễn 'Cướp biển vùng Carribean' phần mới nhất dù chỉ là vai khách mời Đây là thương hiệu phim đưa tên tuổi Johnny Depp vang danh khắp thế giới thế nhưng trong phần mới nhất, anh sẽ không có bất kỳ vai diễn nào, dù chỉ là vai khách mời. Từ khi có thông tin Disney sẽ tiếp tục cho ra mắt phần tiếp theo của bộ phim Cướp biển vùng Carribbean , nhiều người đã kỳ...