Cụ bà Việt Nam nhận bằng kỷ lục “người phụ nữ cao tuổi nhất thế giới”
Cụ bà Nguyễn Thị Trù, sinh năm 1893 (122 tuổi), đang cư trú tại xã Đa Phước, huyện Bình Chánh, TPHCM vừa được Hiệp hội Kỷ lục Thế giới chính thức trao bằng kỷ lục “người phụ nữ cao tuổi nhất thế giới”.
Được sự ủy nhiệm của Hiệp hội Kỷ lục Thế giới (World Records Association – WRA), ngày 9/5 vừa qua, Tổ chức Kỷ lục Việt Nam đã đến nhà cụ bà Nguyễn Thị Trù (sinh năm 1893, ngụ xã Đa Phước, huyện Bình Chánh, TPHCM) để trao bằng kỷ lục “người phụ nữ cao tuổi nhất thế giới” do Hiệp hội Kỷ lục Thế giới xác nhận.
Trước khi trở thành “Người phụ nữ cao tuổi nhất thế giới”, cụ Trù đã 2 lần lập kỷ lục người phụ nữ cao tuổi nhất Việt Nam và châu Á. Tính theo thế kỷ, cụ Trù đã sống qua ba thế kỷ (XIX, XX, XXI), tính theo tuổi, nay cụ tròn 122.
Bằng kỷ lục “người phụ nữ cao tuổi nhất thế giới” do Hiệp hội Kỷ lục Thế giới trao tận tay cụ Trù
Ông Lê Trần Trường An, Tổng Giám đốc Tổ chức Kỷ lục Việt Nam cho biết, không chỉ Hiệp hội Kỷ lục Thế giới công nhận kỷ lục cho cụ Trù mà hiện nay còn có 2 tổ chức lớn của thế giới là Tổ chức Kỷ lục Guiness Thế giới và Liên minh Kỷ lục Thế giới cũng đã có thông tin phản hồi về hồ sơ đề cử kỷ lục thế giới đối với cụ.
Theo đó, Tổ chức Kỷ lục Guiness Thế giới (có trụ sở tại Anh) yêu cầu Tổ chức Kỷ lục Việt Nam thiết lập lại “cây gia đình” (tuổi của con, cháu, người thân cụ) và các giấy tờ về hộ tịch của cụ. Hiện Phòng Hộ tịch của Sở Tư pháp TPHCM đang giúp hoàn thiện hồ sơ này cho cụ để sớm được tổ chức này công nhận.
Liên minh Kỷ lục Thế giới (có trụ sở tại Ấn Độ) sau 7 lần yêu cầu bổ sung hồ sơ thì nay tiếp tục yêu cầu phía Việt Nam cung cấp thêm mẫu tóc của cụ Trù để tổ chức này sớm công nhận kỷ lục.
“Đây là trường hợp rất đặc biệt khi cùng một lúc có 3 tổ chức kỷ lục thế giới cùng tham gia xác lập cho 1 kỷ lục gia thế giới. Việc cụ Trù được công nhận và công bố trong thời gian qua đã được hơn 30 cơ quan thông tấn nước ngoài đưa tin. Đây là niềm tự hào và cũng là cơ hội để quảng bá các giá trị văn hóa của Việt Nam đến với quốc tế”, ông Trường An nói.
Video đang HOT
Ở cái tuổi cả thế giới ngưỡng mộ, cụ Trù vẫn luôn tươi cười, nhân hậu
Như Dân trí đã thông tin, dù ở tuổi xưa nay hiếm nhưng cụ Trù hiện vẫn đang sống vui vẻ cùng con cháu. Đôi mắt cụ vẫn còn linh hoạt, cụ rất hay cười, răng cụ còn nhiều cái chưa rụng. Một điều đặc biệt là từ trước tới nay, cụ chưa một lần nào phải nhập viện vì bệnh nặng.
Cụ có tất cả 11 người con (3 trai, 8 gái) nhưng nay chỉ còn sống 2 người, họ đều đã ngoài 80 tuổi. Bí quyết sống trường thọ của cụ nghiêng về đời sống tinh thần: không ghen ghét, đố kỵ, không nặng nề toan tính…
Bà con láng giềng xung quanh nơi cụ Trù ở cũng nhận xét, cụ sống rất chan hòa với mọi người, chưa bao giờ thấy cụ bực tức với ai, con cháu trong nhà rất đoàn kết, luôn thương yêu giúp đỡ lẫn nhau.
Công Quang
Theo Dantri
Cụ bà cao tuổi nhất Việt Nam trở thành người phụ nữ cao tuổi nhất thế giới
Đó là cụ bà Nguyễn Thị Trù, sinh năm 1893 (122 tuổi). Cụ Trù hiện đang cư trú tại xã Đa Phước, huyện Bình Chánh, TPHCM. Bí quyết sống trường thọ của cụ khá đơn giản: không ghen ghét, đố kỵ, không nặng nề toan tính...
Theo đề cử của Tổ chức Kỷ lục Việt Nam (Vietkings) từ năm 2014,ngày 20/4 vừa qua, tại Hong Kong, Hiệp Hội Kỷ lục Thế giới (World Records Association - WRA) đã chính thức công bố: Cụ bà cao tuổi nhất Việt Nam, Nguyễn Thị Trù (sinh năm 1893, tức 122 tuổi), hiện đang cư trú tại xã Đa Phước, huyện Bình Chánh, TPHCM là cụ bà cao tuổi nhất thế giới.
Cụ Nguyễn Thị Trù - người phụ nữ cao tuổi nhất thế giới
Liên tiếp lập kỷ lục
Sau hai kỷ lục Việt Nam và châu Á, cụ bà Nguyễn Thị Trù tiếp tục xác lập kỷ lục thế giới: "Người phụ nữ cao tuổi nhất Thế giới". Tính theo thế kỷ, cụ Trù đã sống qua ba thế kỷ (XIX, XX, XXI), tính theo tuổi, nay cụ tròn 122 - cái tuổi mà khó có ai trên đời này hưởng được.
Dự kiến, tháng 6/2015, đại diện của Hiệp Hội Kỷ lục Thế giới sẽ đến Việt Nam để trực tiếp trao bằng xác lập kỷ lục thế giới đến cụ bà Nguyễn Thị Trù.
Trước đó, theo ghi nhận của thế giới, cụ bà cao tuổi nhất là cụ Misao Okawa (117 tuổi) tại Nhật Bản đã qua đời vào ngày 1/4/2015.
Việt Nam được ghi nhận là đất nước có số lượng người trên 100 tuổi còn sống khỏe mạnh khá nhiều.
Ở cái tuổi cả thế giới phải thèm khát, cụ Trù vẫn luôn tươi cười, nhân hậu
Bí quyết sống trường thọ
Nhà cụ Trù nằm trong con hẻm nhỏ thuộc ấp 5, xã Đa Phước, huyện Bình Chánh. Khi có khách đến, trên chiếc võng ở góc nhà, cụ nằm đong đưa và đón khách bằng nụ cười móm mém, nhân hậu.
Với vóc người nhỏ bé, cụ mặc chiếc áo bà ba (bông tím), quần xa - tanh nâu (trang phục đặc trưng của phụ nữ Nam Bộ). Mái tóc ngắn bạc phơ, gương mặt nhiều vết nhăn nheo in hằn bao thăng trầm của thời gian năm tháng nhưng vẫn còn toát lên vẻ đôn hậu của người phụ nữ Việt Nam. Mặc dù ở tuổi "122 mùa xuân" nhưng đôi mắt cụ vẫn còn linh hoạt, đặc biệt cụ rất hay cười.
Cụ có tất cả 11 người con (3 trai, 8 gái) nhưng nay chỉ còn sống 2 người, họ đều đã ngoài 80 tuổi. Bà Nguyễn Thị Ba (76 tuổi) là con dâu út, hiện tại đang sống cùng cụ, sớm hôm phụng dưỡng mẹ chồng với lòng hiếu thảo và sự tôn kính. Những người con của bà Ba (cháu nội của cụ Trù) vẫn thường xuyên về thăm bà với những món quà: bánh, trái cây, sữa...
Bà Nguyễn Thị Đê (82 tuổi), con gái thứ 8 của cụ Trù, sau khi tiếp chúng tôi đã đến gần cụ, bóc cho cụ chiếc bánh. Cụ cười, rồi ăn bánh rất ngon lành. Bà Đê cho biết, cụ rất thích ăn bánh và uống sữa. Buổi sáng cụ thường ăn một tô cháo thịt, đến trưa ăn chừng một bát cơm lưng với thức ăn là thịt, cá, rau, củ, quả được nấu mềm và xé nhỏ. Đến chiều cũng thế, xen lẫn trong ba bữa ăn chính luôn có cốc sữa hoặc bánh trái. Cứ như vậy, mấy chục năm nay cụ sống vui cùng con cháu.
Bà Đê cho biết thêm, hiện nay cụ Trù không còn nhớ chút gì về thời xưa cũ nữa. "Ba mẹ tôi xưa kia chỉ là những người nông dân thuần túy thôi", bà Đê tâm sự.
Theo lời kể của bà Đê, thời ấy, hằng ngày, cụ Trù cùng chồng chăm lo mảnh ruộng gần nhà. Sau vụ lúa, cụ lại đi lưới cá dưới sông, cắt bồn bồn, hái rau về ăn và bán. Chính cuộc sống gần gũi thiên nhiên khiến tinh thần của cụ thoải mái và không có nhiều tính toán, lo âu. Bữa ăn của gia đình cụ Trù luôn là những thực phẩm do chính sức lao động của những người trong gia đình làm ra như gạo ở ruộng nhà, rau quả ở trong vườn, cá ở dưới sông... Nhờ vậy mà cụ ít khi bệnh tật, sức khỏe lại được rèn luyện, bồi đắp bởi thói quen lao động hằng ngày.
Bí quyết sống trường thọ của cụ khá đơn giản: không ghen ghét, đố kỵ, không nặng nề toan tính...
Theo bà Ba (con dâu út), điều quan trọng khiến mẹ sống lâu là nhờ tính tình thuần hậu, rộng lượng, không ghen ghét, đố kỵ ai bao giờ. Điều này giúp cụ thanh thản, không nặng nề toan tính với cuộc đời. Cụ cũng không màng đến những thứ xa hoa, vật chất đối với cụ chỉ là vật ngoài thân, lòng cụ nhẹ nhàng, tâm cụ thảnh thơi, thanh thản.
Các con cụ cho biết, thời trẻ, cụ là một phụ nữ thôn quê khỏe khoắn, lao động như mấy anh cửu vạn vạm vỡ mà người ta thường thấy ở các bến cảng, khu bốc vác. Hòa chung không khí vừa lao động vừa chiến đấu, cụ cũng tham gia đào hầm, nấu cơm tiếp tế cho bộ đội.
Đã 122 tuổi mà răng cụ vẫn còn nhiều cái chưa rụng, chỉ bị mòn, còn lại chân răng. Có lẽ, ngày xưa do cụ nhai trầu nên răng khỏe như vậy. Một điều đặc biệt là từ trước tới nay, cụ chưa một lần nào nhập viện vì bệnh nặng.
Bà con láng giềng xung quanh nơi cụ Trù ở cũng nhận xét, cụ sống rất chan hòa với mọi người, chưa bao giờ thấy cụ bực tức với ai, con cháu trong nhà rất đoàn kết, luôn thương yêu giúp đỡ lẫn nhau. Có lẽ với bí quyết sống giản đơn trong tình yêu thương với mọi người, mà tình cảm đó như sợi dây chắc chắn neo giữ cụ ở lại với gia đình, với cuộc đời cho đến ngày hôm nay.
Công Quang - Lâm Viên
Theo Dantri
Chiêm ngưỡng những kỷ lục ở ngôi chùa lớn nhất Việt Nam Chùa Bái Đính (Ninh Bình) là ngôi chùa lớn nhất Việt Nam hiện nay đang lưu giữ nhiều kỷ lục Việt Nam, Đông Nam Á và Châu Á. Chùa Bái Đính thuộc xã Gia Sinh, huyện Gia Viễn (Ninh Bình), cách thành phố Ninh Bình khoảng 15km. Ngôi chùa này nằm ở phía Bắc quần thể Di sản thế giới Tràng An. Với...