Cụ bà 91 tuổi được bác sĩ trồng răng mới
Cụ đã rụng, gãy răng, kèm cao huyết áp, thay vì gắn hàm giả có thể tháo lắp thì người nhà đề nghị bác sĩ cấy răng implant cho bà.
Cụ bà trước khi được trồng răng. Ảnh bệnh viện cung cấp.
Ngày 6/4, khoa Cấy ghép răng implant, Bệnh viện Răng Hàm Mặt Trung ương (Hà Nội) tiếp nhận cụ bà 91 tuổi ở Vĩnh Phúc. Kết quả khám cho thấy cụ bị gãy chân răng, mất răng, huyết áp cao đến 180/120 mmHg.
Theo giáo sư Trịnh Đình Hải, Giám đốc Bệnh viện Răng Hàm Mặt Trung ương kiêm Trưởng Khoa cấy ghép răng implant, thông thường bệnh nhân cao tuổi có bệnh lý toàn thân thì bác sĩ sẽ tư vấn và chỉ định làm hàm giả tháo lắp để phục hồi phần nào chức năng nhai. Tuy nhiên, trường hợp này các con của cụ tha thiết được cấy ghép implant (trụ nhỏ bằng titanium cấy ghép vào xương hàm thay vị trí chân răng) loại tốt nhất cho mẹ, để cụ có thể phục hồi chức năng ăn nhai lý tưởng.
Ca phẫu thuật trồng răng implant cho cụ bà. Ảnh do bệnh viện cung cấp.
Trước sự quyết tâm của gia đình cụ, giáo sư Hải đã hội chẩn với các bác sĩ khoa Gây mê hồi sức và quyết định phẫu thuật cấy ghép implant, ghép xương cho bệnh nhân dưới kỹ thuật an thần tỉnh.
“Sắp tới sẽ làm răng giả trên implant để phục hồi chức năng ăn nhai tốt nhất cho cụ. Đây là trường hợp hiếm gặp, ngay cả với các nước có nền y học tiến tiến như Mỹ, Pháp, Anh… vì bệnh nhân đã cao tuổi lại có bệnh lý cao huyết áp”, giáo sư Hải chia sẻ.
Hà An
Theo vnexpress.net
Video đang HOT
4 sai lầm tai hại người huyết áp cao nhất định phải biết!
Cao huyết áp được mệnh danh là "kẻ giết người thầm lặng" gây ra biến chứng "tàn khốc" cho người bệnh. Đáng lo ngại, trong quá trình điều trị, chỉ vì những thói quen tưởng chừng như vô hại ai cũng mắc phải lại là nguyên nhân khiến bệnh tình trở nên trầm trọng, thậm chí nguy hiểm tới tính mạng.
1. Không có thói quen uống thuốc đều đặn
Cao huyết áp là bệnh lý mãn tính mà người bị bệnh phải sử dụng thuốc đến trọn đời và không được ngưng thuốc dù huyết áp mục tiêu đã đạt được.
Theo một khảo sát nhanh đối với hơn 100 bệnh nhân cao huyết áp tại khoa Tim mạch, bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội, cứ 10 người được hỏi thì có 9 người đã từng bỏ thuốc điều trị. Nguyên nhân chính của tình trạng này là do người bệnh không chịu đựng nổi các tác dụng phụ của thuốc điều trị như đau đầu, choáng váng, buồn nôn, ho khan,..
Các trường hợp còn lại cho biết, họ nghĩ huyết áp cao giống như các bệnh thông thường, chỉ cần huyết áp về chỉ số bình thường nghĩa là bệnh đã khỏi và người bệnh không phải uống thuốc điều trị nữa.
Tuy nhiên, việc bỏ thuốc, uống thuốc không đều đặn vô cùng nguy hiểm. Bởi huyết áp không được kiểm soát có thể tăng vọt lên cao bất cứ lúc nào gây vỡ mạch, xuất huyết não...
Cùng với đó, huyết áp lên cao sẽ làm thành mạch rạn nứt tổn thương nhiều hơn, nguy cơ hình thành cục máu đông ngày càng nhiều. Cục máu đông di chuyển trong lòng mạch sẽ gây bít tắc ở các mạch máu nhỏ. Lúc này người bệnh có nguy cơ bị nhồi máu cơ tim nếu cục máu đông gây tắc mạch ở tim, hoặc bị nhồi máu não nếu bị tắc mạch tại não,...
2. Không đo huyết áp hàng ngày
Theo các chuyên gia y tế, người Việt thường không có thói quen kiểm tra huyết áp hàng ngày và người cao tuổi thường chỉ kiểm tra huyết áp 1 lần trong tháng vào ngày thăm khám định kỳ tại bệnh viện vì tiết kiệm chi phí thăm khám và điều trị.
Điều này là hết sức sai lầm. Bởi người bệnh sẽ không theo dõi được sự ổn định của chỉ số huyết áp. Mà đây lại là chỉ số quyết định việc người cao huyết áp có nguy cơ bị biến chứng hay không.
Nếu chỉ số huyết áp ổn định trong ngưỡng an toàn, thì người bệnh có thể an tâm. Còn ngược lại, nếu huyết áp không ổn định, thường xuyên tăng cao hoặc lên xuống thất thường, thì cần điều chỉnh cả chế độ dùng thuốc, luyện tập và dinh dưỡng.
Do đó, các chuyên gia của Hội tim mạch học Việt Nam khuyên người cao huyết áp nên đo huyết áp hàng ngày để theo dõi sát sao diễn tiến của bệnh và có các biện pháp can thiệp kịp thời.
3. Dùng chung đơn thuốc với người khác
Nhiều người bệnh cho rằng huyết áp cao là bệnh bình thường, ai cũng có thể mắc phải, nhất là người già. Chính vì vậy, họ chủ quan tự ý điều trị, dùng chung đơn thuốc với người bệnh khác.
Điều này là cực kỳ sai lầm vì mỗi người có 1 thể trạng khác nhau, tình trạng bệnh lý, tiền sử bệnh lý cũng khác nhau. Do đó, bác sĩ phải căn cứ vào mỗi người để cho thuốc.
Chưa kể, việc tự ý mua thuốc tự điều trị có thể khiến cho người bệnh bị tác dụng phụ hoặc bị dị ứng thuốc mà không biết cách đổi thuốc phù hợp.
Trường hợp bác N. V. A ở Hà Nội là một ví dụ. Bác bị huyết áp cao nhưng ngại đi khám vì phải xếp hàng quá lâu. Do đó, bác mượn đơn thuốc của bạn tự mua thuốc hạ huyết áp ở hiệu thuốc uống theo bạn. Chuyện chẳng có gì đáng nói nếu như bác không bị ho khan suốt ngày. Và bác lại ra hiệu thuốc tự mua một loại thuốc khác để thay thế cho loại làm khó chịu suốt ngày đó.
Nhưng trớ trêu thay, vì không có chuyên môn nên bác lại mua nhầm loại thuốc có cùng cơ chế tác động với loại thuốc làm bác bị tác dụng phụ. Những ngày sau đó bác bị ho "dát hầu bỏng cổ" nên đành bỏ thuốc. Và câu chuyện của bác lại quay về vòng luẩn quẩn: bỏ thuốc, làm huyết áp tăng cao, bị tai biến và phải nhập viện.
Câu chuyện của bác là lời cảnh tỉnh cho những người bị huyết áp cao nhưng lại tự điều trị, tự ý dùng đơn thuốc của người khác.
4. Không có chế độ dinh dưỡng, tập luyện hợp lí
Người bệnh cao huyết áp nếu như chỉ dùng thuốc mà không có một chế độ dinh dưỡng, luyện tập thì sẽ không đạt được hiệu quả tối ưu nhưng nếu như luyện tập thái quá hoặc dinh dưỡng không khoa học cũng sẽ gây nguy hiểm
Người bệnh cao huyết áp cần vận động nhẹ nhàng, chơi một số môn thể thao đơn giản với thời gian 30 - 40 phút/ngày và đảm bảo tim không đập quá 105 - 125 lần/1 phút. Có thể chọn những môn thể thao như đi bộ vừa, chạy bộ, không nên lựa chọn các môn luyện tập cần vận động mạnh, đòi hỏi di chuyển nhiều và thời gian kéo dài như quần vợt, chạy bộ nhanh, cử tạ.
Về dinh dưỡng, người bệnh cần hạn chế lượng muối nạp vào cơ thể, mỗi ngày không nên ăn quá 6g. Nên ăn những thực phẩm giàu dinh dưỡng như thịt nạc, gà, cá, sữa và chế phẩm từ đậu. Hạn chế ăn những món ăn dầu mỡ,...
Bệnh nhân tăng huyết áp nên ăn 2 nhóm thực phẩm chính sau
1. Rau xanh và trái cây
Nhiều loại vitamin và khoáng tố trong rau xanh và trái cây giúp ích cho việc phòng trị bệnh cao huyết áp bao gồm vitamin C và E có nhiều trong cam, quýt, bưởi, táo... Vitamin C có tác dụng làm giảm cholesterol, tăng tính đàn hồi mạch máu, vitamin E có trong quả bơ, dâu, thanh long, lúa mì... có tác dụng chống oxy hóa mạnh, ngăn ngừa nhiều a-xít béo không bão hòa, đảm bảo tính hoàn chỉnh của màng tế bào, phòng ngừa chứng xơ cứng động mạch.
Các khoáng tố có tác dụng nhất định đối với việc phát sinh tăng huyết áp, bệnh mạch vành, tăng mỡ máu. Kali là một chất giúp làm giảm tác dụng của muối lên thành mạch có trong chuối, dưa hấu, thơm... Rau xanh và trái cây cung cấp lượng chất xơ ngăn ngừa táo bón, đây cũng là bệnh lý thường hay mắc phải ở bệnh nhân cao huyết áp.
Nên dùng cá thay thế thịt, tăng cường rau xanh và trái cây
2. Ngũ cốc thô
Thực phẩm sơ chế như gạo lứt, bắp, bo bo, yến mạch, bánh mì đen... cung cấp lượng chất xơ và các vitamin nhóm B, lượng chất xơ hàng ngày nên đạt trên 15 g.
Chất xơ ngoài tác dụng chống táo bón còn có tác dụng giữ lại cholesterol trong lòng ống tiêu hóa, hạn chế sự hấp thu cholesterol vào máu, làm giảm HDL, VLDL, Triglycerid trong máu... Phòng ngừa xơ cứng động mạch, hỗ trợ tiêu hóa làm tăng tiết axit mật. Vitamin nhóm B hỗ trợ quá trình chuyển hóa trong tế bào, đặc biệt là tế bào thần kinh.
Theo giaoducthoidai.vn
Mang thai ăn thịt trâu được không? Khi mang thai phụ nữ rất cần chú ý tới chế độ dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể để bổ sung đầy đủ, đặc biệt cần phải điều chỉnh chế độ ăn uống cho hợp lí. Thịt trâu là món ăn không xa lạ với người Việt, rất nhiều người đặt câu hỏi là mang bầu ăn thịt trâu có tốt không?...