Cụ bà 50 năm sống ở nghĩa trang Sài Gòn, chứng kiến nhiều cảnh lạ
Nhìn những người nghiện nằm trên các phần mộ, bà Xuân Hương chỉ biết lẳng lặng đi vào nhà đóng cửa lại…
Nghĩa trang Kiến An – Ngọc Nữ ở phường Bình Trưng Đông, quận 2, TP.HCM được hình thành từ cuối những năm 60, do một nhóm người hùn tiền mua đất làm nơi chôn cất người đã khuất.
Ban đầu chỉ có người thân trong hội được chôn cất tại đây. Sau đó, nghĩa trang đón nhận những người ngoài, ở nhiều nơi khác nhau đến chôn cất. Hiện nơi đây có tổng cộng hơn 1200 ngôi mộ của người đã khuất.
Vợ chồng bà Bùi Xuân Hương được các thành viên trong hội tin tưởng, cho xây nhà ở trên đất của nghĩa trang và có nhiệm vụ trông coi các phần mộ của người đã khuất. Khi chồng còn sống, hai ông bà cùng làm nghề trông mộ. Ông mất, bà vẫn tiếp tục làm việc. Đến nay, bà có thâm niên hơn 50 năm làm nghề…
Công việc của bà là lau chùi, quét sơn, nhổ cỏ, không cho người ngoài vào quậy phá các phần mộ. Khi người thân của người đã khuất đến thì dẫn đi thăm. Các ngày lễ, tết, ngày mất của người dưới mộ, nếu không có thân nhân đến, bà sẽ mua bánh trái thắp hương cho họ.
Năm nay đã bước sang tuổi 80, bà Hương vẫn chưa chịu nghỉ hưu. 2 giờ chiều ngày 14/10, tranh thủ trời mát, bà mang dao đi quanh những ngôi mộ gần nhà phát các cây dại. Xong bà nhổ cỏ, dùng khăn lau bụi, lá cây bám trên các phần mộ của người quá cố.
Bà Hương cho biết, có một số thân nhân của người mất đã có những việc thiếu thiện cảm với bà, nhưng bà không buồn. Điều bà mong là chăm sóc tốt cho các phần mộ.
Dừng lại ở một ngôi mộ, bà thắp một nén nhang rồi đứng nhìn khá lâu. ‘Phần mộ này là của một cậu bé. Bé mất vì bị đuối nước khi mới 12 tuổi’, bà Hương nhớ lại.
Vào một ngày đầu năm 1990, người nhà đưa bé đến nghĩa trang chôn cất. Những ngày bé mới mất, bà Hương bị ám ảnh, thường nghĩ đến cảnh bé gào khóc.
‘Trông đến 1200 ngôi mộ, nhưng tôi chỉ thấy có điều lạ đó khi cậu bé mới mất. Còn lại, không có gì cả’, cụ bà nói và cho biết mỗi năm đến ngày mất của bé, bà Hương đều đến thắp hương, trò chuyện với bé.
4 giờ chiều, bà Hương đi một vòng quanh nghĩa trang xem có chuyện gì không. Khi mọi thứ xong hết, bà vào nhà rửa tay ngồi uống nước, dùng chiếc nón lá đội đầu quạt mát.
Đã 80 tuổi, nhưng bà Hương nhớ rất rõ thông tin về các ngôi mộ mà mình trông coi.
Bà Hương cho biết, nghĩa trang Kiến An trước đây là nơi tụ tập của những người nghiện vào ban đêm. Họ vào nghĩa trang ngồi chích thuốc. Khi phê thuốc, họ leo lên các phần mộ nằm ngủ.
Một lần khoảng 8 giờ tối, bà Hương thấy tiếng động ở mấy ngôi mộ trước cửa nhà nên thắp đèn ra xem thì nhìn thấy ba thanh niên. Một người đang chích thuốc. Hai người còn lại leo lên mộ nằm ngủ.
‘Tôi chỉ biết đi vào nhà, đóng cửa lại’, bà Hương nhớ lại. Sáng hôm sau, bà phải mua trái cây, hương về thắp để xin lỗi người đã khuất.
Lần khác, bà nhìn thấy một người đàn ông trèo lên mộ nằm ngủ giữa ban ngày nên đến gần hỏi: ‘ Sao chú không về nhà mà ngủ?’. Người đàn ông đáp: ‘Tôi mới đi tù về, không có nhà ở’.
‘Trời nắng lắm, chú ngủ ở đây không tốt đâu’, bà Hương nói khéo rồi đi. Đến chiều tối, người đàn ông kia mới chịu rời đi. ‘Mấy người nghiện, tính khí họ thất thường lắm, mình không nên làm khó họ’, bà Hương nói.
Bà Hương cho biết, khi nghĩa trang Kiến An – Ngọc Nữ được giải tỏa, các phần mộ không còn nữa bà sẽ ‘nghỉ hưu’.
Để không dẫm phải kim tiêm, hoặc bị kim tiêm đâm vào tay khi đi lau mộ, nhổ cỏ, phát cây dại, ngày nào bà Hương cũng mang ủng, bao tay đi một vòng để nhặt kim tiêm cho vào bịch đi tiêu hủy. ‘Nhiều người biết tôi làm nghề này đã hỏi: ‘Bà không sợ ma à?’, Tôi đáp: ‘Tôi chỉ sợ người thôi. Người mất, chỉ cần mình thành tâm, không quậy phá, chăm sóc ‘chỗ ở’ của họ sạch sẽ thì không sao hết’, cụ bà sinh năm 1940 nói.
Để ngăn tình trạng người nghiện vào nghĩa trang hút chích; những người làm việc nhạy cảm vào ẩn nấp, mấy năm nay, bà Hương đã cho xây tường bao quanh nghĩa trang. Ban ngày, bà mở cổng để thân nhân người đã khuất đi thăm mộ. Ban đêm, bà khóa cổng lại cẩn thận.
‘Trước đây, làm nghề này, tôi rất sợ kim tiêm đâm phải tay, hoặc gặp phải người xấu. Còn bây giờ, tôi làm việc rất yên tâm’, cụ bà quê gốc TP.HCM nói.
Ông Phạm Văn Lành, Chủ tịch UBND phường Bình Trưng Đông cho biết, nghĩa trang Kiến An – Ngọc Nữ là một trong bốn nghĩa trang có kế hoạch giải tỏa ở phường. Việc chôn cất cũng đã được chấm dứt tại nghĩa trang. Các tệ nạn như người nghiện vào nghĩa trang hút chích, nằm trên các phần mộ cũng đã không còn nữa.
Tú Anh
Theo Vietnamnet
'Không ngạc nhiên khi Việt Nam là nơi trung chuyển ma túy quy mô lớn'
Thiếu tướng Phan Anh Minh đánh giá trong các yếu tố gia tăng tội phạm thì người nghiện là nhân tố trung tâm, tiêu cực và nguy hiểm nhất.
Tại Hội nghị đánh giá thực trạng, tình hình phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật về ma túy trên địa bàn thành phố ngày 4/10, thiếu tướng Phan Anh Minh (nguyên Phó giám đốc Công an TP.HCM) phát biểu quan điểm về công tác phòng chống ma túy, tội phạm ma túy thời gian qua.
"20 năm qua, chưa nói rằng ai thắng ai trong cuộc chiến phòng chống ma túy nhưng chắc chắn tội phạm ma túy có quy mô ngày càng lớn hơn", thiếu tướng Minh nói.
Ông cho biết khi được phân công phụ trách lực lượng cảnh sát, đơn vị ma túy lúc đó tính là "bánh" heroin, nhưng bây giờ đơn vị tính đã lên tới "tấn".
Điều đó cho thấy người nghiện ngày càng gia tăng, chủng loại ma túy được sử dụng và lạm dụng ngày càng nhiều, gây ra hậu quả về trật tự xã hội, thậm chí có những vụ cuồng sát nhiều người thân.
Phải quản lý được người nghiện
Thiếu tướng Minh đánh giá thành phố chưa đạt được nhu cầu tổng quát là kiềm chế, kéo giảm về tệ nạn và tội phạm ở góc độ người nghiện và người sử dụng trái phép chất ma túy.
Thiếu tướng Phan Anh Minh, nguyên Phó giám đốc Công an TP.HCM tại hội nghị. Ảnh: Lê Trai.
Trong các yếu tố gia tăng tội phạm thì người nghiện là thành tố trung tâm, tiêu cực và nguy hiểm nhất. Bởi người nghiện không chỉ là "cầu" để nuôi sống tội phạm "cung" ma túy, mà chính người nghiện khi bị tha hóa cũng chính là nguồn nhân lực tiếp tay, làm gia tăng phạm pháp hình sự.
Nguyên Phó giám đốc Công an TP dẫn chứng có 2 năm (2008 và 2013) thành phố gia tăng phạm pháp hình sự. Nguyên nhân hai năm đó bế tắc về giải quyết người nghiện vì thí điểm quản lý sau cai nghiện đã bị hủy bỏ. Việc cai nghiện bắt buộc chuyển sang cho tòa án quyết định. Chính điều này gây tồn đọng người nghiện ở thành phố.
"Trong chính sách lập pháp 10 năm qua luôn đề cao quyền con người của người nghiện, coi họ là bệnh nhân cần phải chăm sóc và điều trị. Tôi không phản bác nhưng chỉ nói như vậy thì không đủ. Chúng ta cần nhìn nhận toàn diện hơn, người nghiện là người tự gây ra suy thoái về nhân cách, nguy cơ đối kháng với lợi ích xã hội, nguy cơ vi phạm pháp luật cao, cần phải chăm sóc, điều trị và quản lý đặc biệt", ông Minh phát biểu.
Ông nhấn mạnh việc quản lý đặc biệt người nghiện không phải là áp dụng chính sách hà khắc hay phân biệt đối xử mà vẫn đề cao chăm sóc, chữa trị.
Thiếu tướng Minh đánh giá việc cai nghiện hiện nay không đạt hiệu quả, ngay cả thế giới cũng không có giải pháp. Do đó cần áp dụng cai tập trung bao gồm tự nguyện và có thu phí.
Với những người có nơi ở ổn định, nếu phát hiện sử dụng ma túy thì phải chuẩn bị thủ tục để giáo dục tại phường, xã; buộc họ có mặt để thực hiện xác định tình trạng. Nếu vẫn còn tái nghiện thì phải áp dụng cai tập trung.
Luật còn bất cập
Thiếu tướng chỉ ra mỗi năm đều có kinh phí tuyên truyền ma túy phân bổ cho các địa phương. Song, theo ông, khẩu hiệu dán trên đường, cho xe đọc ra rả "nói không với ma túy" đang bị lãng phí.
"Điều này 2/3 người dân thành phố hiểu. Cái cần thiết ở đây là các đối tượng nguy cơ, địa điểm nguy cơ được xác định có ma túy tổng hợp, hình thành tụ điểm người nghiện lôi kéo nhau. Ma túy không phải xuất phát từ nhu cầu về tình dục như mại dâm mà nó là nhu cầu nhân tạo", ông Minh nói.
Những tụ điểm dịch vụ nhạy cảm như quán bar rượu, vũ trường, karaoke, cơ sở lưu trú là những nơi thường xuyên tổ chức sử dụng ma túy. Theo thiếu tướng Minh, trách nhiệm trong việc phòng, chống ma túy không chỉ cảnh sát mà còn cơ quan chức năng quản lý hành chính, an ninh trật tự, cơ quan cấp giấy chứng nhận kinh doanh cho những nơi đó.
Các cơ quan này cần phải kiểm soát, cơ sở nào không đáp ứng điều kiện về an ninh trật tự thì phải hủy chứng nhận kinh doanh, không được tiếp tục hoạt động.
Về tội phạm ma túy, nguyên Phó giám đốc Công an TP.HCM đánh giá là loại có tổ chức, xuyên quốc gia, nguy cơ tái phạm cao, truyền nối gia đình.
Trong khi chờ xử lý, theo thiếu tướng Minh, phải thay đổi Luật Hình sự và Tố tụng Hình sự. Hiện, Luật Hình sự quy định hàng chục tội danh nhưng chỉ xử 3 tội tàng trữ, vận chuyển và sử dụng trái phép ma túy. Trong khi còn rất nhiều hành vi như lôi kéo, cưỡng ép, tổ chức, chứa chấp sử dụng trái phép, sản xuất dụng cụ sử dụng ma túy lại không xét xử.
"Nhiều người đặt câu hỏi về việc tại sao có trung chuyển ma túy? Điều này có từ lâu rồi nhưng quy mô gia tăng. Tôi có dịp hỏi cung những tội phạm trung chuyển, họ nói Việt Nam hội nhập kinh tế rất sâu, giao thương thanh toán rất thuận lợi nhưng pháp luật thì không hội nhập. Dại gì không trung chuyển qua Việt Nam khi không có tương trợ tư pháp, khả năng phát hiện thấp và nếu phát hiện cũng khó xử hơn", ông Minh phân tích.
Ông cho rằng hầu hết việc tương trợ tư pháp đều dồn vào cơ quan Trung ương, điều này dẫn tới nhiều bất cập. Có lần ông phát hiện container chở ma túy đã xuống tàu, đang trên đường đi Đài Loan, chuẩn bị nhận hàng nhưng phải chờ xin ý kiến mà lãnh đạo Bộ đang họp.
"Chậm một chút là đã mất rồi. Những tồn tại này mà không khắc phục được thì đừng ngạc nhiên khi tội phạm chọn Việt Nam làm nơi trung chuyển ma túy với quy mô ngày càng lớn hơn", ông nói.
Hoài Thanh - Lê Trai
Theo Zing.vn
Truy quét các tụ điểm sử dụng ma túy ở TP Hồ Chí Minh Ở TP Hồ Chí Minh, xuất hiện tình trạng giới trẻ sử dụng ma túy tổng hợp ngày càng nhiều, thay thế dần các loại ma túy truyền thống như heroin, cần sa. Thiếu tá Huỳnh Hoàng Anh Vũ (Phó Đội trưởng Đội 8, Phòng CSHS, Công an TP Hồ Chí Minh) cho biết, việc thay đổi loại ma túy sử dụng dẫn...