Cụ bà 27 năm mang thai đá: quá may mắn không bị thai chết lưu gây nguy hiểm
Ở tuổi 76, chuyện được chẩn đoán mang thai đá đã khiến bà ngỡ ngàng. Nhưng giờ đây, điều bà lo lắng hơn là cái thai hóa thạch sẽ được xử lý như thế nào.
Sáng ngày 22/3/2014, do đau lưng không thể đi đứng được, bà Thập đã nhờ người gần nhà chở đến bệnh viện đa khoa Cam Ranh thăm khám sức khỏe. Thời điểm đó, các bác sĩ kết luận bà bị sỏi thận, nhưng vẫn yêu cầu bà phải chụp X – Quang. Qua phim chụp và thăm khám nhiều lần, các bác sĩ bệnh viện Đa khoa Cam Ranh đã phải tiến hành hội chẩn mới dám đưa ra kết luận bà Thập… mang thai. Ở tuổi 76, chuyện được chẩn đoán có bầu đã khiến bà ngỡ ngàng. Nhưng giờ đây, điều bà lo lắng hơn là cái thai hóa thạch sẽ được xử lý như thế nào.
Bà Thập hiện đã nhập viện để điều trị.
Theo các bác sĩ bệnh viện Đa khoa Cam Ranh, kết quả chụp phim X – quang cho thấy vùng tiểu khung có khung xương thai nhi gồm: hộp sọ, cột sống, các xương sườn và xương đùi. Dựa trên kinh nghiệm cũng như hình ảnh được chẩn đoán thì bà Thập có thai hết lưu trong ổ bụng. Bác sĩ CKII Lê Quang Vinh (Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Cam Ranh) cho biết: “Thai ngoài ổ bụng thì bánh nhau sẽ bám vào các tạng trong bụng như ruột, gan bàng quang có thể gây chảy máu nguy hiểm dễ dẫn đến tử vong sản phụ. Nhưng ở trường hợp này, bà Thập chưa bao giờ rơi vào hiểm cảnh ở những lần hư thai. Qua những lần đó, bà vẫn hồi phục sức khỏe, thậm chí còn sinh nở thành công”.
Cũng theo bác sĩ Vinh, y văn thế giới ghi nhận thai chết lưu là tất cả các trường hợp trứng đã thụ tinh và làm tổ được trong tử cung, nhưng không phát triển được thành thai nhi trưởng thành, bị chết và lưu lại trong tử cung. Thời gian tối thiểu thai chết phải được đưa ra khỏi bụng mẹ là 48h. Quá thời gian trên, sức khỏe người mẹ sẽ rất nguy hiểm. Dù thế, vẫn có những trường hợp thai chết lưu trong cơ thể nhiều năm và bị vôi hóa. Hiện tượng này được gọi với tên khoa học là Lithopedion (thai đá). Những thai phụ tuổi cao, tỷ lệ thai chết lưu ở những người mẹ trên 40 tuổi cao gấp 5 lần so với nhóm những người mẹ dưới 40 tuổi; dinh dưỡng kém, lao động vất vả… Trải qua thời gian, y học ngày nay đã khám phá ra nhiều nguyên nhân khiến thai chết lưu. Nếu thai nằm ngoài tử cung sẽ dần đến chảy máu nhiều trong ổ bụng, khi thai lớn lên sẽ nguy hiểm đến ảnh hưởng đến tính mạng bà Thập. Dù vậy, bà Thập không hề nằm trong bất kì trường hợp nguy hiểm nào đã giải thích, đó là một điều hết sức hy hữu.
Trở lại với bà Thập, hiện mối quan tâm lớn nhất của bà chắc chắn là giải quyết bào thai đã hóa đá. Ngày 24/03/2014, bà Thập đã được chuyển đến bệnh viện đa khoa tỉnh Khánh Hòa để chụp MRI. Các bác sĩ hiện đang chuẩn đoán khối thai có thể ảnh hưởng đến những bộ phận nào của cơ thể bệnh nhân. Vì đây là trường hợp chưa từng gặp nên ngành y tế địa phương hết sức thận trọng. Sức khỏe bà Thập hiện vẫn ổn định, tuy việc tiểu tiện gặp nhiều khó khăn vì có vật cản. Thời điểm kết thúc cuộc trò chuyện cùng chúng tôi, bà Thập cũng chuẩn bị nhập viện dài hạn để xử lý dứt điểm tình trạng mang thai đá.
Theo Datviet