Cụ bà 102 tuổi chờ cả đời để bầu cho Hillary Clinton
Cụ Jerry Emmett hôm qua đi bỏ phiếu sớm để biến ước mơ được thấy bà Hillary Clinton làm nữ tổng thống Mỹ từ hơn 20 năm trước thành hiện thực.
Bà Emmett, 102 tuổi (phải), là đại biểu cao tuổi nhất tại đại hội toàn quốc của đảng Dân chủ hồi tháng 7. Ảnh: Instagram
Bà Emmett công khai bỏ phiếu cho ứng viên của đảng Dân chủ và kêu gọi các cử tri ở bang Arizona noi gương mình, ủng hộ bà Clinton trở thành nữ tổng thống đầu tiên của nước Mỹ thông qua việc bỏ phiếu sớm.
“Tôi sẽ bỏ phiếu cho Hillary Clinton trở thành tổng thống, đó là giấc mơ của tôi từ khi Bill Clinton còn là tổng thống”, bà nói với Daily Courier.
Bà Emmett sinh năm 1914, 6 năm trước khi hiến pháp Mỹ sửa đổi cho phép phụ nữ đi bỏ phiếu, và từng là một giáo viên. Bà đã cùng gia đình trải qua nhiều đời thống đốc và tổng thống Mỹ suốt một thế kỷ qua.
Khi ông Bill Clinton đắc cử vào Nhà Trắng những năm 1990, bà Emmett đã thành lập một fanclub tại Arizona cho Đệ nhất phu nhân Hillary. Cụ bà 102 tuổi dành riêng một phòng trong ngôi nhà ở thành phố Prescott để trưng bày tất cả những thứ liên quan tới bà Clinton và gọi nó là “Phòng Hillary”.
Bà từng gặp cựu tổng thống Jimmy Carter, Tổng thống Obama và hồi đầu năm là ứng viên tổng thống Hillary Clinton.
Video đang HOT
Bà Emmett và ứng viên tổng thống Hillary Clinton trong cuộc gặp đầu năm nay. Ảnh: Instagram
Sự tận tụy với đảng Dân chủ khiến bà nổi danh khắp Arizona. Hồi tháng 7, bà trở nên nổi tiếng toàn nước Mỹ sau khi gây chú ý tại đại hội toàn quốc của đảng, nơi bà là một đại biểu danh dự, với tuyên bố dõng dạc ủng hộ cho “tổng thống tiếp theo của nước Mỹ Hillary Rodham Clinton!”.
Sau đó, nói với Washington Post, Emmett cho hay bà đã vô cùng xúc động vào khoảnh khắc đó.
“Tôi đã khóc và tôi chưa bao giờ khóc”, bà nói. “Clinton xứng đáng với điều đó. Bà ấy rất giỏi và là một tấm gương cho chúng tôi trong mọi thứ”.
Emmett cho hay bà đã chờ đợi cả đời để bỏ phiếu cho một nữ tổng thống và rất vui sướng được ủng hộ cho bà Clinton.
“Cả đời tôi, tôi lúc nào cũng nói với Chúa, hãy cho tôi thêm một cơ hội, nếu ngài để tôi được tới đại hội gặp người phụ nữ đầu tiên được đề cử làm tổng thống, tôi sẽ quay về nhà lên thiên đường mà không gây phiền hà gì”, bà Emmett nói. “Khi tôi gọi cho một học sinh cũ của mình và kể về điều đó, cô ấy bảo ‘ôi không, cô sẽ không như thế, em đã đặt váy cho cô đến lễ nhậm chức (tổng thống) rồi’ “.
Anh Ngọc
Theo VNE
Giám đốc FBI - trở ngại của Hillary Clinton nếu đắc cử
Mối quan hệ không tốt với giám đốc Cơ quan điều tra Liên bang (FBI) James Comey được đánh giá là trở ngại không nhỏ đối với ứng viên đảng Dân chủ Hillary Clinton nếu đắc cử tổng thống Mỹ.
Giám đốc FBI James Comey. Ảnh: AP
Việc giám đốc FBI James Comey ngày 28/10 bất ngờ tuyên bố trước quốc hội sẽ mở lại cuộc điều tra về bê bối email của bà Hillary Clinton, chỉ 10 ngày trước cuộc bỏ phiếu bầu tổng thống Mỹ, khiến nhiều người đặt câu hỏi rằng liệu cựu Ngoại trưởng Mỹ, nếu đắc cử, có thể duy trì mối quan hệ hòa hảo với một quan chức hành pháp cao cấp, có tư tưởng độc lập này hay không, theo AP.
Theo quy định, giám đốc FBI được bổ nhiệm với nhiệm kỳ kéo dài 10 năm, nhằm tránh mọi ảnh hưởng chính trị tác động đến hoạt động của cơ quan. Ông Comey nắm giữ cương vị này từ tháng 9/2013. Điều đó có nghĩa nếu bà Clinton đắc cử thì ông Comey vẫn tại nhiệm ở thời điểm bà tuyên thệ nhậm chức vào tháng 1/2017.
Bình luận viên Eric Tucker cho rằng, viễn cảnh trên càng làm gia tăng khả năng xuất hiện những căng thẳng trên chính trường Mỹ. Bởi ông Comey là người tỏ rõ quyết tâm tách khỏi sự ảnh hưởng của Nhà Trắng và gay gắt chỉ trích cách bà Clinton xử lý các thông tin mật khi còn giữ chức ngoại trưởng Mỹ.
Trong bức thư gửi lên quốc hội, ông Comey cho biết FBI sẽ "có các biện pháp điều tra thích hợp" để quyết định xem liệu những bức thư điện tử mới có lưu các thông tin mật hay không, cũng như "đánh giá mức độ quan trọng của những bức thư này đối với cuộc điều tra".
Trong khi đó, đội ngũ tranh cử của bà Clinton nhận định việc FBI mở lại cuộc điều tra vụ bê bối thư điện tử có thể là hành động "mang động cơ chính trị" bởi bức thư của giám đốc FBI Comey trước đó cùng ngày chỉ được gửi cho các hạ nghị sĩ đảng Cộng hòa.
Chủ tịch ủy ban tranh cử của bà Clinton, John Podesta cho rằng lá thư "là điều chưa từng có tiền lệ" và cần phải điều tra động cơ thực sự của hành động này.
Trên thực tế, mâu thuẫn giữa tổng thống và giám đốc FBI không phải là chưa có tiền lệ, tình trạng này từng xảy ra dưới thời Tổng thống Bill Clinton. Cựu tổng thống Mỹ từng dành một phần trong cuốn hồi ký năm 2004 để chỉ trích những quyết định của Louis Freeh, giám đốc FBI dưới nhiệm kỳ của ông.
Cựu Thứ trưởng Tư pháp dưới thời Tổng thống Bill Clinton, Jamie Gorelick cho rằng việc phối hợp tốt với FBI giữ vai trò rất quan trọng đối với công tác điều hành đất nước của tổng thống Mỹ.
"Giữa tổng thống và giám đốc FBI cần có lòng tin, nhất là bởi tầm quan trọng của vị trí này", ông Gorelick khẳng định
Trong khi đó, ông Ron Hosko, một cựu cố vấn của ông Comey cho rằng đây sẽ là "một mối quan hệ cực kỳ khó khăn", bởi đội ngũ tranh cử của bà Clinton có thể sẽ tìm cách loại bỏ ông Comey bởi lo ngại FBI sẽ mâu thuẫn với Nhà Trắng nếu bà đắc cử, nhưng nhấn mạnh đây sẽ là một quyết định sai lầm.
Nguyễn Hoàng
Theo VNE
FBI công bố hồ sơ điều tra cựu tổng thống Bill Clinton trước ngày bầu cử Cục Điều tra Liên bang Mỹ bất ngờ công bố hồ sơ vụ ông Clinton ân xá cho chồng cũ của một nhà tài trợ hào phóng cho đảng Dân chủ. Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) ngày 1/11 bất ngờ công bố tài liệu dài 129 trang về lệnh ân xá của cựu tổng thống Bill Clinton đối với doanh nhân...