CSGT “quên luật”: Nên giở sách khi phạt?
Sau khi đăng tải clip “CSGT Thanh Hóa quên luật”, chúng tôi nhận được rất nhiều phản hồi từ bạn đọc. Có nhiều ý kiến cho rằng CSGT giở sách luật khi xử phạt là phản cảm, nhưng có đọc giả lại tỏ thái độ cảm thông.
CSGT nên có sách luật khi xử phạt
Nhiều bạn đọc đồng tình với việc CSGT mang sách luật khi xử phạt. Bạn đọc tranvan…a@yahoo.com bày tỏ: “Chuyện quên luật là bình thường. Không ai nhớ được tất cả các điều luật hết. Đến thẩm phán khi tuyên án còn phải mở Bộ luật ra để đọc. Cứ đúng quy định của pháp luật là được”.
Đồng tình với ý kiến này, bạn có nick muivi…@yahoo.com.vn viết: “Giở sách là đúng, Nếu nói bình thường thì không cần giở sách. Nhưng với những người yêu cầu chặt chẽ như vậy thì cần giở sách là hoàn toàn đúng. Cần biểu dương anh công an luôn cầm sách đi theo như vậy. Chúng tôi khi đi làm việc cũng luôn mang theo những tài liệu cần áp dụng để khi cần trích dẫn nguyên văn thì có cái mà sử dụng”.
Bạn đọc viai_anh….89@yahoo.com bày tỏ: “Bản thân tôi là dân học luật, tôi cũng không thể nhớ hết toàn bộ quyển luật được, liệu trong các bạn ai dám nói nhớ hết toàn bộ kiến thức học cấp 3 nào. CSGT mang sách luật trong người cũng giống cẩm nang kiến thức, vừa học tập cho bản thân, vừa là cách thức cho người vi phạm hiểu được lỗi của họ. Tác giả clip này có phần thái quá và bức xúc, có lẽ cảm thấy bị phạt. Nhưng nếu anh không vi phạm thì CSGT làm gì được.”
Nhiều độc giả tỏ ra cảm thông với người thi hành công vụ. (Hình ảnh cắt từ clip)
Bạn đọc phuong…_thu@yahoo.com đưa ý kiến thông cảm: “Dường như mọi người quá khắt khe, dù là luật sư giỏi thì cũng phải trải qua nhiều năm hành nghề mới nắm được luật đó nằm ở khoản nào điều nào công văn nào. CA là những người trực tiếp thi hành luật với người dân, dân đòi hỏi khắt khe ở những người này cũng ko sai, nhưng cũng phải thông cảm”.
Bạn đọc này cũng góp ý thêm: “Tuy nhiên, đã là người trực tiếp thi hành luật với dân thì cũng nên nắm rõ những luật cơ bản, không đòi hỏi phải học thuộc tất cả để đem lại ấn tượng tốt cho người dân”.
Nhiều CSGT cần học lại luật
Video đang HOT
Nhiều bạn đọc cho biết, CSGT mà không nắm được luật thì không thể chấp nhận được.
“Không thuộc luật thì làm sao biết dân có vi phạm không mà thổi phạt? CSGT được đào tạo không nhớ luật, như vậy có được không? Vậy sao người dân biết luật mà chấp hành.. “- bạn đọc lemaibd@gmail.com bức xúc.
Đồng tình với ý kiến trên, bạn đọc phuonght@… power.vn chia sẻ: “Những vi phạm người dân thường xuyên gặp thì chắc ít nhất CSGT phải nắm được chứ? Nếu không thì sao trách được người dân khi hầu như tất cả các luật phải đều nắm được những điều cơ bản nhất?”.
Nhiều bạn đọc đồng tình với việc được quay phim, chụp ảnh người thi hành công vụ (Thống kê kết quả trên trang 24h.com.vn)
Có ý kiến cho rằng, CSGT trong clip làm việc theo cảm tính. Bạn đọc duong…mu@gmail.com bày tỏ quan điểm của mình: “CSGT nên thuộc những điều luật cơ bản, tuy không rõ là điều bao nhiêu nhưng cũng phải nắm rõ nội dung để làm căn cứ xử phạt. Như trong đoạn video trên, viên cảnh sát không nắm rõ việc chở hàng cồng kềnh là vượt quá bao nhiêu tính từ xe mà đã nói người ta chở hàng cồng kềnh, sau đó mới lấy sách ra xác thực lại… đó hoàn toàn là làm việc theo cảm tính”.
“Nghiệp vụ yếu kém! CSGT ít nhất cũng phải nắm được lỗi vi phạm phạm này thuộc điều bao nhiêu trong luật, tình trạng như thế này không ổn”- bạn đọc thienduon….2003@yahoo.com bày tỏ.
Bạn đọc nguyen…thang@yahoo.com cho rằng: “Nên cảm ơn người quay clip này. Việc đưa clip này lên mạng là nhằm mục đích góp ý cho cảnh sát giao thông nói riêng và cán bộ nói chung. Vì khi đi làm nhiệm vụ bắt người phải công bố lý do làm sao bắt người và nó thuộc bộ luật nào điều bao nhiêu. Như vậy thì mới là cảnh sát giao thông thực thụ. Nếu người dân hỏi mà không trả lời được thì cảnh sát nên xem lại cách làm việc của mình. Còn tìm ra người đưa clip này lên mạng không cần thiết vì người ta làm đúng sự thật chẳng có gì sai”.
Để nâng cao hình ảnh CAND và tránh những trường hợp có thêm nhiều clip không hay lan tràn trên mạng, giải pháp tốt nhất là CSGT cần phải học lại luật, và thường xuyên nâng cao nghiệp vụ. Bạn đọc tamlen…ennh@gmail.com đưa ra ý kiến: “Theo tôi qua vụ việc này các đồng chí cảnh sát giao thông phải rút kinh nghiệm khi làm việc với dân. Cũng nên nâng cao nghiệp vụ thường xuyên, học lại luật, người làm luật mà không nắm rõ được luật cơ bản thì dễ bị bắt bẻ và xảy ra tranh cãi không cần thiết”.
Bạn đọc emyeuanhthatday@yahoo.com cho rằng, đưa ra phương án tuyên truyền luật cho dân sẽ hiệu quả hơn: “Việc CSGT không thuộc hết luật tôi nghĩ cũng không có gì là trầm trọng. Vì có quá nhiều điều luật về nguyên tắc xử phạt. Bất kể ai làm trong ngành nào cũng không thể nói” tôi nắm vững” các điều khoản thừa hành.
Nhưng tôi muốn nói chiến dịch tuyên truyền luật giao thông ở nước ta còn quá ít. Dù đã học bằng lái xe và được cấp bằng nhưng thời gian trôi đi, có những điều khoản đã thay đổi mà người lái xe chưa cập nhật được. VD: Điều khoản về đường gom chẳng hạn, tôi chỉ thấy CSGT cứ đứng chặn và phạt. Sao không nghĩ tới hình thức tuyên truyền bằng tờ rơi, phương tiện thông tin đại chúng về những điều khoản mới thay đổi hoặc những điều khoản mà người điều khiển phương tiện dễ mắc phải”.
Theo 24h
CSGT xem văn bản để xử phạt: Không sai nhưng phản cảm!
"CSGT xử phạt người vi phạm mà phải mở sách tìm luật, cũng giống như giáo viên lên bục giảng mà cứ giở tài liệu giảng giải cho học sinh. Không sai nhưng phản cảm và thiếu sức thuyết phục...", Thượng tá Lê Đức Đoàn nói.
Cộng đồng mạng đang bàn luận sôi nổi về đoạn video clip dài hơn 5 phút "tố" tổ CSGT, Công an huyện Đông Sơn ( Thanh Hóa ) khi xử phạt người vi phạm giao thông đã phải mở sách tìm luật. Hơn nữa, một chiến sĩ CSGT trong tổ này còn dùng dùi cui chỉ thẳng mặt người quay clip và xua đuổi. Đoạn video này được tung lên Facebook và Youtube lúc 17 giờ ngày 17/3 đã thu hút được sự quan tâm lớn từ cộng đồng mạng.
Ngay lời dẫn vào đoạn video clip trên, "tác giả" ghi chú: "Vào ngày 13/3, khi qua Quốc lộ 47 thuộc địa phận huyện Đông Sơn - Thanh Hóa, CSGT phạt chúng tôi vì chở hàng quá khổ nhưng khi chúng tôi thắc mắc hỏi thì họ không giải thích được, chúng tôi rất bức xúc khi những người xử lý vi phạm lại có nghiệp vụ kém như thế".
CSGT huyện Đông Sơn đang giở sách luận để xử lý vi phạm ( ảnh từ clip).
Quan sát kỹ nội dung đoạn video clip, liên tục người vi phạm giao thông hỏi chiến sĩ CSGT về vi phạm lỗi gì, thuộc điều khoản, thông tư bao nhiêu, chiến sĩ CSGT ghi biên bản đã ấp úng và không trả lời được. Để có thể giải đáp thắc mắc của người vi phạm, vị CSGT này đã giở mấy quyển sách luật ra tìm, lật từng trang để trả lời lỗi vi phạm. Không chỉ có vậy, đoạn video clip trên còn cho thấy, khi người vi phạm yêu cầu được giải thích thì một vị CSGT khác trong tổ không những không giải thích, mà còn dùng dùi cui chỉ thẳng vào mặt người đang quay clip và xua đuổi.
Theo tìm hiểu của PV, người điều khiển phương tiện vi phạm trong video clip là anh Lê Văn Tiến (trú tại TP. Thanh Hóa). Khi bị dừng xe, người đã dùng điện thoại quay lại hình ảnh là người phụ nữ đi cùng với anh Tiến. Tại thời điểm vi phạm, anh Tiến không ký nhận nhưng hôm sau (tức ngày 13/3), anh Tiến đã đến cơ quan công an ký vào biên bản và chấp hành nộp phạt
Trao đổi với PV, Phó trưởng CA huyện Đông Sơn, thiếu tá Nguyễn Văn Quyền cho biết, "Đoạn video clip được quay vào chiều 12/3 khi tổ tuần tra, kiểm soát giao thông của Công an Đông Sơn đang làm nhiệm vụ trên Quốc lộ 47 đoạn qua xã Đông Anh (Đông Sơn). Tổ tuần tra, kiểm soát hôm đó gồm: thượng úy Lê Đức Nam (tổ trưởng), đồng chí Nguyễn Ngọc Dũng (tổ viên ghi biên bản) và đồng chí Nguyễn Thanh Sơn (tổ viên dừng xe). Sau khi biết được tình hình sự việc đang diễn ra qua mạng xã hội Facebook, chúng tôi đã chỉ đạo tổ báo cáo lại sự việc. Sau khi kiểm tra lại toàn bộ hồ sơ thì việc lập biên bản và xử phạt người điều khiển xe máy như trong video clip là hoàn toàn đúng luật".
Nói về vấn đề này, PGĐ CA tỉnh Thanh Hóa, đại tá Khương Duy Oanh cho rằng, việc mang văn bản pháp luật để đối chiếu xử phạt là đúng. Chiến sĩ CSGT phải giải thích rõ cho người dân hiểu luật trước khi xử lý vi phạm.
Thượng tá Lê Đức Đoàn: "CSGT thì phải hiêu luật".
Trao đổi với PV Kiến Thức, Thượng tá Lê Đức Đoàn ( Phòng CSGT - CA TP Hà Nội) cho biết, ông đồng tình với ý kiến của Phó giám đốc Công an tỉnh Thanh Hóa, rằng việc CSGT mang văn bản pháp luật để đối chiếu xử phạt là không sai. Tuy nhiên, việc làm này tạo hình ảnh không tốt về chiến sĩ CSGT, nói cách khác là khá phản cảm.
"CSGT xử phạt người vi phạm mà phải mở sách tìm luật, cũng giống như giáo viên lên bục giảng mà cứ giở tài liệu giảng giải cho học sinh. Và chứng kiến người giáo viên như thế, học sinh sẽ kém tôn trọng trí tuệ của giáo viên này. Trong trường hợp này, người vi phạm giao thông sẽ không tôn trọng sự hiểu biết của chiến sĩ CSGT. Mặc dù, việc mở sách luật ra không sai nhưng rất phản cảm và thiếu sức thuyết phục", Thượng tá Lê Đức Đoàn cho biết.
Thượng tá Lê Đức Đoàn nhấn mạnh: "Trước khi trở thành chiến sĩ CSGT để thi hành nhiệm vụ, chiến sĩ nào cũng đã được trải qua môi trường đào tạo về kỹ năng nghiệp vụ, trình độ hiểu biết cũng như văn hóa ứng xử. Vì thế khi đi làm mà không thuộc luật thể hiện sự yếu kém về trí tuệ của người CSGT. Khi dừng xe vi phạm, phải nắm được người ta vi phạm lỗi gì, thuộc điều nào, luật nào thì mới dừng xe, giải thích cho người vi phạm hiểu rồi mới xử lý. Không có chuyện dừng xe xong mới giở sách luật ra tra".
Trước khi dừng xe vi phạm, CSGT phải hiêu chủ phương tiện phạm lỗi gì.
"CSGT thì phải luôn trau dồi nghiệp vụ, nâng cao hiểu biết các luật giao thông đường bộ. Tôi già như thế này nhưng vẫn phải học luật, xử lý sao để người vi phạm tâm phục, khẩu phục thì người ta mới không tái vi phạm", Thượng tá Đoàn hài hước.
Về việc chiến sĩ CSGT dùng dùi cui chỉ mặt người quay clip, Thượng tá Lê Đức Đoàn cho rằng, đó là việc không nên làm, bởi nó thể hiện khả năng ứng xử tình huống của chiến sĩ CSGT này kém.
"Khi đang thi hành nhiệm vụ, người vi phạm hay người dân quay clip, mình làm đúng thì cứ để họ quay. Nếu mình làm sai, ứng xử chưa khéo léo thì mới sợ. Nhưng có thể nhắc nhở người ta dừng quay chứ không nên giơ dùi cui vào mặt người dân, như thế phản cảm lắm. Trong quá trình làm nhiệm vụ, ngoài việc xử lý nghiêm vi phạm đúng người, đúng lỗi, thì chiến sĩ CSGT còn phải chú ý tạo dựng hình ảnh đẹp trong mắt người dân. Có như vậy, mới có được niềm tin từ người dân. Có niềm tin của người dân thì làm việc gì cũng dễ", Thượng tá Lê Đức Đoàn cho biết.
Theo vietbao
CSGT "tha" người vi phạm sau khi xem ví CSGT "tha" người vi phạm sau khi xem ví Không hiểu CSGT "đòi gì" mà người vi phạm phải vạch ví ra để "chứng minh". Sau đó người này đã được CSGT trả lại giấy tờ và... cho đi. Vụ việc "lạ" nói trên được phóng viên phát hiện và ghi hình tại đầu cầu vượt Gò Dưa, trên đường Gò Dưa, phường...