CSGT nói về việc xử lý xe buýt 60 chỗ chở gần 120 học sinh
Sau khi báo chí phản ánh, CSGT huyện Kỳ Anh ( Hà Tĩnh) cho kiểm tra thì phát hiện có 4 xe buýt đăng ký 60 chỗ nhưng mỗi xe chở hơn 100 học sinh.
Ngày 11/12, thiếu tá Nguyễn Sỹ Hoàn, Đội trưởng Đội CSGT, Công an huyện Kỳ Anh (Hà Tĩnh), cho biết sau khi báo chí phản ánh tình trạng xe đưa đón học sinh 60 chỗ nhưng chở tới 120 em, đơn vị đã kiểm tra và lập biên bản xử lý tổng cộng 4 xe về hành vi chở quá số người quy định.
“4 xe đưa đón học sinh Trường THPT Nguyễn Huệ bị phát hiện chở quá số người quy định vào hôm 10/12, trong đó có xe đăng ký 60 chỗ nhưng chở 120 em thì nay họ tiếp tục chở 109 học sinh”, thiếu tá Hoàn nói và cho biết công an đã lập biên bản và tham mưu cấp trên ra quyết định xử phạt.
Hình ảnh học sinh đu ở cửa xe. Ảnh: P.T.
Theo thiếu tá Hoàn, khi bị phát hiện vi phạm các tài xế đã thừa nhận và cam kết không tái diễn. Với mỗi người vượt quá quy định được phép chở của phương tiện, tài xế sẽ bị phạt tiền 500.000 đồng.
Trường hợp vượt quá từ 50% đến 100% số người quy định sẽ bị áp dụng các hình thức xử phạt bổ sung tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 1-3 tháng. Nếu vượt trên 100% số người quy định, tài xế sẽ bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 3-5 tháng.
Trao đổi với Zing.vn, lãnh đạo Phòng CSGT Công an Hà Tĩnh, cho biết đã nhận thông tin phản ánh về tình trạng xe đưa đón chở quá người quy định và đang cử cán bộ phối hợp với Công an huyện Kỳ Anh xác minh, xử lý dứt điểm.
Gần 120 học sinh trên xe đưa đón chỉ được chở tối đa 60 người. Ảnh: P.T.
Như Zing.vn phản ánh việc tình trạng xe đưa đón học sinh tại trường THPT Nguyễn Huệ (đóng ở xã Kỳ Phong, huyện Kỳ Anh, Hà Tĩnh) chở quá số người quy định. 3 trong 4 chiếc xe tại đây là xe buýt cũ, mặc dù có kiểm định nhưng bề ngoài đã rất cũ, nhiều vị trí bong tróc, rỉ sét.
Đặc biệt, có xe chỉ được đăng ký 60 chỗ (17 ngồi, 43 đứng) nhưng tài chế chở “nhồi nhét” gần 120 học sinh. Vì không có chỗ đứng khiến nhiều em học sinh phải bám sát gần cửa xe. Người dân cho biết, tình trạng này xảy ra từ nhiều năm nay nhưng không thấy cơ quan chức năng nào chấn chỉnh.
Gần 120 học sinh chen chúc trên xe bus 60 chỗ
3 trong số 4 xe bus dùng để đưa đón học sinh trường THPT Nguyễn Huệ (huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh) đã rất cũ. Có xe chỉ được chở 60 người nhưng nhồi nhét đến 120 học sinh.
Theo news.zing.vn
Bất an xe đưa đón học sinh ở Bình Dương
Hoạt động xe đưa đón học sinh tại Bình Dương vẫn theo kiểu mạnh ai nấy làm.
Sau sự cố tại Trường Gateway (Hà Nội) khiến một học sinh lớp 1 tử vong do bị bỏ quên trên xe đưa đón, các bộ, ngành đều lên tiếng cảnh báo, yêu cầu các địa phương rà soát, kiểm tra hoạt động của xe đưa đón học sinh.
Thế nhưng hàng loạt sự cố lại xảy ra liên quan đến xe đưa đón học sinh tại Đồng Nai, Bình Dương khiến nhiều phụ huynh bất an khi giao con cho các nhà xe.
Mỗi nơi làm một kiểu...
Có mặt tại Trường Tiểu học Bình Thuận (phường Thuận Giao, thị xã Thuận An, Bình Dương) vào một buổi sáng sớm đầu tháng 12. Chúng tôi ghi nhận rất nhiều xe với nhiều loại khác nhau đưa các em học sinh đến trường. Theo tìm hiểu, những chiếc xe này đều là của giáo viên trong trường. Sau giờ dạy trên lớp, các giáo viên nhận đưa đón học sinh về nhà mình để quản lý, chăm sóc đến khi phụ huynh đón về.
Bà Hồ Thị Diệp Trinh, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Bình Thuận, cho biết nhà trường không tổ chức thuê xe đưa đón các em học sinh, cũng không trực tiếp quản lý và chịu trách nhiệm về việc đưa đón này. Tất cả xe đưa đón học sinh đều là của các cơ sở bán trú gần trường và một số giáo viên có nhận học sinh về nhà chăm sóc sau giờ làm.
"Tuy nhiên, nhà trường và các cơ sở này có làm một bản cam kết thống nhất các điều khoản đảm bảo an toàn cho học sinh trong quá trình đưa đón từ trường về các cơ sở này" - bà Trinh cho biết. Thế nhưng xem qua bản cam kết này lại không nói rõ bên nào sẽ chịu trách nhiệm nếu không may xảy ra sự việc đáng tiếc.
Theo tìm hiểu của phóng viên, các phụ huynh gửi con ở các cơ sở bán trú hoàn toàn không làm việc trực tiếp và không có bất cứ bản hợp đồng nào với cơ sở bán trú này. Giáo viên của Trường Tiểu học Bình Thuận chỉ đưa cho một tờ giấy bảo phụ huynh ký tên là đồng ý gửi ở cơ sở bán trú.
Còn tại Trường THCS Bình Thắng B (phường Bình Thắng, thị xã Dĩ An, Bình Dương) là một trường bán trú, phía nhà trường đã tổ chức các xe đưa đón học sinh.
Theo Hiệu trưởng Tô Chí Thịnh, nhà trường hợp đồng 25 xe, loại 45 chỗ để đưa đón học sinh từ nhà đến trường và ngược lại. Mỗi xe hợp đồng với nhà trường đều có một bộ hồ sơ riêng, gồm đầy đủ các loại giấy tờ, GPLX để nhà trường tiện theo dõi, quản lý.
Còn tại Trường Tiểu học An Phú (phường An Phú, thị xã Thuận An), nơi vừa mới xảy ra sự cố xe chở học sinh bốc khói, thì nhà trường không hề quản lý được việc đưa đón học sinh bằng ô tô. Ông Nguyễn Thành Sơn, Hiệu trưởng, cho biết: "Việc thuê xe đưa đón các em học sinh là thỏa thuận giữa phụ huynh và chủ xe. Nhà trường không thể quản lý được việc này. Phía nhà trường cũng không ủng hộ việc này".
Tan học, các cơ sở lưu trú đưa xe đến đón các em về cơ sở của mình chăm sóc. Ảnh: LÊ ÁNH
Quản lý lỏng lẻo...
Trao đổi với đại diện Sở GD&ĐT tỉnh Bình Dương được biết sở này không quản lý việc xe đưa đón học sinh. Từ sau khi có văn bản chỉ đạo của Bộ GD&ĐT về việc quản lý xe đưa rước học sinh, thì Sở GD&ĐT đã ban hành công văn tăng cường các giải pháp bảo đảm an toàn cho học sinh khi sử dụng dịch vụ đưa đón bằng ô tô.
Theo văn bản này, ngoài việc nhắc nhở đảm bảo an toàn cho học sinh thì hiệu trưởng của các trường tổ chức ô tô đưa đón học sinh phải chịu hoàn toàn trách nhiệm trước pháp luật về sự an toàn của các em.
Tuy nhiên, theo ghi nhận của phóng viên, số trường tự tổ chức thuê xe đưa đón trên địa bàn tỉnh Bình Dương rất ít. Còn lại là các xe do giáo viên, nhà xe, các cơ sở bán trú và phụ huynh tự thỏa thuận với nhau rất nhiều. Những trường hợp này các cơ quan chức năng không nắm và không quản lý.
Điển hình như Phòng GD&ĐT Dĩ An, khi được hỏi về số liệu các xe được các trường hợp đồng chuyên đưa đón học sinh thì đại diện phòng cho biết không có báo cáo này, nếu muốn có thì phải đợi kết quả tổng hợp từ các trường...
Phải rà soát lại
Để bảo đảm an toàn, trước mắt tỉnh giao Sở GD&ĐT cùng UBND các huyện, thị xã, TP rà soát lại các cơ sở giáo dục, tăng cường công tác bảo đảm an toàn khi đưa đón học sinh.
Tỉnh đề nghị lực lượng giao thông, CSGT thực hiện tốt chức năng nhiệm vụ của mình, nhất là kiểm soát các phương tiện vận chuyển học sinh nhằm bảo đảm an toàn và quy chuẩn kỹ thuật thật tốt.
Ông ĐẶNG MINH HƯNG, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương
LÊ ÁNH
Theo PLO
Gần 120 học sinh chen chúc trên xe bus 60 chỗ 3 trong số 4 xe bus dùng để đưa đón học sinh trường THPT Nguyễn Huệ (huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh) đã rất cũ. Có xe chỉ được chở 60 người nhưng nhồi nhét đến 120 học sinh. Ảnh minh họa Video: Vnews Theo Zing