CSGT mật phục quán nhậu Sài Gòn, người bị kiểm tra nồng độ cồn nói ‘xui quá’
CSGT mặc thường phục ngồi cạnh các quán nhậu ở TP.HCM, khi phát hiện ai vừa nhậu xong mà vẫn tự chạy xe về sẽ báo qua bộ đàm để đội tuần tra công khai yêu cầu dừng xe kiểm tra nồng độ cồn.
Vừa ra khỏi quán nhậu 100 m, ngỡ ngàng vì bị CSGT yêu cầu thổi nồng độ cồn
Thời gian qua, nhiều vụ tai nạn nghiêm trọng xảy ra đã cướp đi tính mạng của nhiều người. Trong đó, nguyên nhân là do người điều khiển phương tiện đã sử dụng rượu bia trước khi điều khiển phương tiện.
Khuya 15.5, Đội CSGT – trật tự (thuộc Công an quận 3, Công an TP.HCM) thực hiện chuyên đề kiểm tra nồng độ cồn người tham gia giao thông. Để nâng cao hiệu quả trong công tác xử lý, 2 CSGT mặc thường phục đứng gần các quán nhậu, phát hiện ai vừa nhậu xong mà vẫn tự chạy xe về sẽ báo qua bộ đàm để lực lượng CSGT tuần tra công khai (đứng cách đó tầm 100 – 300 m) yêu cầu dừng xe kiểm tra nồng độ cồn. Nhiều người lắc đầu vì “xui quá, vừa bước ra khỏi quán nhậu đã bị thổi cồn, bảo sao không dính”.
CSGT mặc thường phục đứng gần các quán nhậu, khi thấy ai từ quán nhậu bước ra mà vẫn tự chạy xe về thì sẽ báo đặc điểm nhận dạng qua bộ đàm để lực lượng tuần tra công khai yêu cầu dừng xe, kiểm tra nồng độ cồn
Một người đàn ông vừa bước ra khỏi quán nhậu trên đường Lê Quý Đôn thì chạy xe rẽ vào đường Điện Biên Phủ. CSGT đã phát hiện và kịp thời yêu cầu anh dừng xe để kiểm tra nồng độ cồn. Với mức cồn vượt quá quy định cho phép, anh đã bị tạm giữ xe để đón một phương tiện khác về, đảm bảo an toàn cho chính bản thân và những người tham gia giao thông khác
Tuy nhiên, không phải ai bước ra từ quán nhậu cũng đều uống rượu bia. Một số tài xế xe ô tô khi được kiểm tra nồng độ cồn thì hoàn toàn không có nồng độ cồn trong hơi thở. Họ cho biết: “Đã uống rượu bia thì không lái xe”.
Video đang HOT
Nhận được thông báo về đặc điểm nhận dạng như: màu áo, loại xe, màu nón bảo hiểm qua bộ đàm, lực lượng CSGT công khai sẽ yêu cầu người vừa bước ra khỏi quán nhậu dừng xe kiểm tra nồng độ cồn.
Cô gái này cũng rất vui vẻ dù đây là lần đầu bị CSGT kiểm tra nồng độ cồn. Tuy nhiên, vì chỉ uống soda chanh nên hoàn toàn không có nồng độ cồn trong hơi thở. Kiểm tra xong, cô gái nhìn CSGT tươi cười: “Kiểm tra nồng độ cồn vui quá”
Sau khi đứng kì kèo với CSGT rằng mình vẫn đủ tỉnh táo để chạy xe về nhưng không xin xe được, anh P. đành bắt GoViet để về nhà. Theo quy định, người uống rượu bia điều khiển xe sẽ bị tạm giam xe 7 ngày.
Chỉ trong ít phút đứng tại giao lộ Trần Quốc Thảo – Điện Biên Phủ (con đường một chiều mà nhiều người nhậu từ trung tâm thường chạy qua khi về nhà), CSGT đã lập biên bản và tạm giữ xe của nhiều người vừa đi nhậu về.
Tổ công tác tiếp tục di chuyển địa điểm đến phố nhậu bờ kè Hoàng Sa – Trường Sa. Nằm hai bên kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè, gió mát, đường vắng nên có nhiều quán nhậu. Tại con đường này, dù kiểm tra qua tin báo từ bộ đàm hay kiểm tra ngẫu nhiên, CSGT vẫn phát hiện nhiều trường hợp có nồng độ cồn trong hơi thở.
CSGT mặc thường phục tiếp tục đứng gần các quán nhậu để kịp thời thông báo đến tổ công tác công khai khi phát hiện người nào vừa bước ra khỏi quán nhậu mà vẫn chạy xe.
Ông N.V.D (50 tuổi) cho biết ông vừa nhậu với mấy ông hàng xóm, nhưng tới giờ đón con nên vội lấy xe chạy xe. “Tôi cũng biết uống rượu, bia lái xe là vi phạm luật chứ, mà mới uống 4 – 5 chai gì à. Đón con cũng ngay đây nên tôi tưởng không sao, nhưng giờ bị phạt thì chịu thôi”, ông D. chia sẻ.
Vì nhà gần đó nên sau khi bị lập biên bản, ông D. đi bộ về.
Ông N.C.L có nồng độ cồn trong hơi thở là 0,484 mg/lít khí thở. Trong lúc CSGT lập biên bản, ông đứng hút một điếu thuốc. Thấy chiếc taxi đi qua, ông L. đã bắt taxi và lên xe. CSGT thấy vậy liền gọi: “Chú ơi ký biên bản”. Ông L. đáp: “Mày cứ giữ xe tao đi”. Tuy nhiên, chỉ 1 phút sau, ông L. chạy lại đợi ký biên bản.
Trung tá Lê Văn Huynh, Phó Đội trưởng Đội CSGT- trật tự, Công an quận 3 cho biết trong công tác xử lý nồng độ cồn, lực lượng CSGT kết hợp với tổ công tác 363 kiểm soát trên những tuyến đường có nhiều quán nhậu vào ban đêm. Việc mật phục bảo đảm xử lý đúng người vi phạm.
“Việc chúng tôi tạm giữ xe của người vi phạm nồng độ cồn là vừa đảm bảo quy định của Nghị định 46, vừa đảm bảo an toàn cho chính bản thân người đã uống rượu bia vẫn lái xe và những người tham gia giao thông khác”, Trung tá Huynh chia sẻ.
Mức phạt vi phạm nồng độ cồn theo Nghị định số 46/2016/NĐ-CP
Đối với ô tô:
- Người điều khiển xe ô tô trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn nhưng chưa vượt quá 50mg/100ml máu hoặc chưa vượt quá 0.25mg/lít khí thở thì bị phạt tiền từ 2.000.000 – 3.000.000 đồng, tạm giữ phương tiện 7 ngày, tước GPLX 1 – 3 tháng.
- Người điều khiển xe ô tô trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 50mg đến 80mg/100ml máu hoặc vượt quá 0.25mg đến 0.4mg/lít khí thở thì bị phạt tiền từ 7.000.000 – 8.000.000 đồng, tạm giữ phương tiện 7 ngày, tước GPLX 3 – 5 tháng.
- Người điều khiển xe ô tô trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 80mg/100ml máu hoặc vượt quá 0.4mg/lít khí thở thì bị phạt tiền từ 16.000.000 – 18.000.000 đồng, tước GPLX 4 – 6 tháng; tạm giữ phương tiện 7 ngày.
Đối với mô tô, xe máy:
- Người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 50mg – 80mg/100ml máu hoặc vượt quá 0.25mg đến 0.4mg/lít khí thở thì phạt tiền từ 1.000.000 – 2.000.000 đồng; tạm giữ xe 7 ngày, tước GPLX 1 – 3 tháng.
- Người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 80mg/100ml máu hoặc vượt quá 0.4mg/lít khí thở thì bị phạt tiền từ 3.000.000 – 4.000.000 đồng, tạm giữ xe 7 ngày, tước GPLX 3 – 5 tháng.
Theo TNO
Nhậu 'tràn cung mây', bệnh đầy cung trăng
Số tiền mua rượu bia để nhậu một năm của người Việt đủ để mua lương thực nuôi sống 21 triệu người một năm.
Mỗi hộ gia đình người Việt hiện chi hơn 733.000 đồng cho rượu bia trong một năm. Đó là thông tin được đại diện tổ chức Health Bridge Canada tại Việt Nam công bố mới đây.
Y khoa đã công bố rượu bia là nguyên nhân trực tiếp của 30 căn bệnh. Rượu bia cũng là tác nhân gây ra 200 loại bệnh tật và chấn thương, từ bệnh đường tiêu hóa đến ung thư, tim mạch. Trên thế giới, rượu bia là một trong 10 nguyên nhân gây tử vong hàng đầu. Bộ Y tế cho biết 60% các vụ tai nạn giao thông thống kê được có nguyên nhân từ rượu bia. Điều đáng buồn hơn cả là ở Việt Nam, mỗi dịp lễ, Tết, rất nhiều vụ ẩu đả, đánh nhau đến mức phải nhập viện thì có nguyên nhân được xếp hàng đầu là do bia rượu. Rượu vào lời ra và hậu quả là rất nhiều vụ việc va chạm từ bé xé ra to, đánh nhau, gây thương tích làm xã hội ngày càng bất ổn.
Chúng ta không phủ nhận rằng văn hóa người Việt xuề xòa, ham vui nên gặp nhau nhậu là chuyện bình thường. Tuy nhiên, xưa kia các cụ uống rượu bằng chung, bằng tách thì ngày nay người ta uống bằng ly cối. Nguyễn Bỉnh Khiêm ở thế kỷ 16 đã thọ gần 100 tuổi bởi cụ sống thuận theo tự nhiên và đặc biệt không nhậu xả láng "rượu bên gốc cây ta khẽ nhấp". Nay, nhậu đã trở nên lan tràn khắp xã hội, nhậu len lỏi vào khắp chốn cùng nơi: Từ miền núi đến miền xuôi, từ trong nhà hàng sang trọng đến quán nhậu bình dân vỉa hè... đâu đâu cũng nhậu. Nhiều người vui cũng nhậu, buồn cũng nhậu, không vui không buồn cũng nhậu, vừa vui vừa buồn cũng nhậu... Nói chung là muôn hình vạn trạng lý do "lý trấu" để tổ chức nhậu. Điều đáng buồn hơn cả là mặc dù nhiều tỉnh, thành đã có văn bản cấm cán bộ, công chức, viên chức uống rượu bia vào giờ trưa ngày làm việc nhưng hình như chả "xi nhê" gì với nhiều cơ quan, đơn vị. Rất nhiều cơ quan, đơn vị vẫn phải tiếp khách buổi trưa và đã tiếp khách là lại nhậu...
Có lẽ đã đến lúc không thể nói suông và hô hào mãi về việc này mà cần có các giải pháp, những chế tài đủ mạnh, nếu không tình trạng ngày càng tệ hại. Cần đánh thuế thật cao đối với bia rượu để nhiều người phải chùn tay khi nghĩ đến nhậu. Cùng với đó, cần quản lý thật chặt việc sản xuất, buôn bán rượu bia. Các cơ quan nhà nước làm gương trước hết bằng việc tất cả buổi trưa trong tuần khi tiếp khách không sử dụng rượu bia, nếu tổ chức vào các ngày không làm việc chỉ sử dụng thật hạn chế, chẳng hạn mỗi người một chai bia. Đã đến lúc cần khởi động lại việc ban hành các quy định về cấm bán rượu bia sau 23 giờ...
Trong số rất nhiều tác hại đang tàn phá, kìm hãm sự phát triển và tiến bộ của xã hội chúng ta thì lạm dụng rượu bia, nhất là uống phải rượu giả, rượu có độc là một trong những nguyên nhân. Tất cả tác hại mà bia rượu gây ra nêu trên không lẽ không khiến các nhà quản lý xã hội phải trăn trở và vào cuộc.
VŨ TRUNG KIÊN
Theo PLO
Tài xế say xỉn dọa "xử" CSGT nếu dám đụng vào ô tô vi phạm Có nồng độ cồn cao, bị CSGT lập biên bản tạm giữ phương tiện, tài xế và những người đi trên ô tô nói rằng trong xe có nhiều tiền. Khuya 11/5, Đội CSGT Rạch Chiếc (Phòng CSGT đường bộ - đường sắt Công an TP.HCM) phối hợp với Tổ công tác 363 Công an TP.HCM chốt chặn, kiểm tra xử lý đối...