CSGT giúp bé gái lạc đường tìm về gia đình an toàn
Đang làm nhiện vụ, tổ công tác thuộc Đội CSGT số 2 (Công an TP Hà Nội) đã phát hiện cháu bé gái bị lạc đường sau đó đưa cháu về trụ sở và tìm cách liên lạc với gia đình
Theo đó, vào khoảng 16h30 ngày 9/2, trong khi đang làm nhiệm vụ tại nút giao thông Bưởi – Lạc Long Quân – Thuỵ Khuê (Hà Nội). Tổ công tác gồm các chiến sỹ Đỗ Thanh Tùng, Trần Văn Công, Chu Mạnh Dũng, Lê Ngọc Tùng, Lại Đức Vinh, Đặng Tuấn Anh thuộc Đội CSGT số 2 (Công an TP Hà Nội), phát hiện một cháu gái khoảng 9 tuổi bị lạc đường.
Bé gái lạc đường được các chiến sĩ Đội CSGT số 2 nhiệt tình chăm sóc.
Tổ công tác đã đưa cháu về trụ sở Đội CSGT số 2 (số 8 Xuân La, Tây Hồ, Hà Nội). Tại trụ sở, cháu bé cho biết tên là Nguyễn Đỗ Gia Linh (9 tuổi) học sinh lớp 4B trường Alexandre Yersin.
Để tìm người thân của bé Linh, chỉ huy Đội CSGT số 2 đã liên hệ với các phường trên địa bàn, thông báo trên loa phát thanh và báo cho trường học của cháu bé.
Đến khoảng 17h30, mẹ của cháu Linh là chị Đỗ Thu Hà nhận được tin đã đến trụ sở của Đội CSGT số 2 để làm thủ tục đón con. Được biết, nhà cháu ở khu vực phường Vĩnh Phúc (Ba Đình, Hà Nội). Cháu Linh bị lạc đường lúc 16h cùng ngày khi được mẹ đưa đi cắt tóc trên phố Vĩnh Phúc.
Sau khi đón con, chị Hà rất xúc động và viết thư cảm ơn gửi đến Công an TP Hà Nội, Phòng CSGT, Đội CSGT số 2 cùng các chiến sĩ CSGT đã giúp gia đình tìm được cháu Linh.
Theo Đời Sống & Pháp Luật
Người Việt thơm thảo - Kỳ 1: Dì Tư Đất Mũi
Mặc dù trong cuộc sống hiện nay thường xảy ra những vụ việc khiến người ta phải đắng lòng, song trên từng ngõ ngách khắp mọi miền đất nước ta, lòng tốt vẫn luôn nở hoa và làm bừng sáng niềm tin yêu cuộc sống...
Video đang HOT
Chiếc phà của gia đình Dì Tư
Kỳ 1: Dì Tư Đất Mũi
Đến xã Đất Mũi (Ngọc Hiển, Cà Mau) nơi tận cùng Tổ quốc, hỏi 'Dì Tư cầu đò', ai cũng khoát tay tía lia: 'Bến đò Tư An nè!', khiến tôi lúng túng, không biết chọn gọi nơi nào. Chỉ khi chú Tám Thi lái xe ôm cười rổn rảng: 'Bả thứ Tư, vợ ông An làm bến đò, nên quen gọi vậy', tôi mới thở phào
10 năm lo "xuồng cứu thương"
Từ chợ Đất Mũi đi ngược lại, chỉ vài chục bước chân là tới bờ bê tông thoai thoải. Người dân ở đây đi qua kinh Rạch Tàu bằng chiếc phà mini ngộ nghĩnh, mái lá xào xạc, chạy động cơ tành tạch, chở tối đa 5-7 khách kèm xe máy, gánh gồng, lao xao chuyện.
Chưa đủ 3 phút, chiếc phà mini đã rướn mũi làm bằng những thân đước u cục, ngất nghểu kề bờ kinh khô ráo cho khách bước lên. Cậu bé lái chiếc phà mini này, lom lom nhìn máy ảnh trên tay tôi: "Chú là nhà báo à?" và khoát tay, quay mặt: "Cán bộ đi công tác, khỏi lấy tiền", trong sự ngỡ ngàng và... phổng mũi tự hào (lâu lắm rồi mới được vậy) của chúng tôi.
Nhà Dì Tư bé tí, ngay mặt đường bê tông vừa 2 xe gắn máy tránh nhau dọc ấp Kinh Đào Đông, kề bến phà với mô típ chung của những căn nhà miền sông nước bao đời nay: Kéo nhau xúm xít dọc ven sông, nửa kiên quyết bám bờ, nửa dễ dãi thả chân xuống nước, suốt ngày đêm quấn quýt lục bình trôi.
Câu chuyện về người phụ nữ chuyên làm phước cứu người, nổi tiếng vùng Đất Mũi cứ ngập ngừng qua lời kể nghèn nghẹn đắm chìm trong nỗi cực khổ của những người nông dân miền sông nước, qua bao đời nay.
Tên thật là Trần Thị Ngọc Thúy, sinh năm 1958, rặt người gốc ấp Kinh Đào Đông (Đất Mũi, Ngọc Hiển, Cà Mau), nhưng khi lấy ông Phạm Gia An làm chồng, cái tên ấy chỉ thi thoảng chợt nhớ đến qua giấy tờ trên xã.
Bám kênh mà sống, rút cục vợ chồng Dì Tư cũng nuôi 4 đứa con trưởng thành. Con càng lớn, càng thấm thía nỗi khổ cách trở xa xôi, thiếu thốn đủ đường của khu dân cư nằm biệt lập ven dải đất thoi loi, không đường không điện.
Mang đồ ăn chăm cho con trai đang điều khiển phà
"Chục năm trước, dân ở đây khổ quá trời chú ơi!. Bệnh tật 10 thì chết 7-8 à!", Dì Tư hấp háy mắt nhìn ra dòng kênh xôn xao nắng nhảy và thì thầm: Trạm y tế có cũng như không, từ nhân viên cho đến thuốc men, dụng cụ chữa bệnh. Ai ốm đau, muốn sống phải chở xuồng lên tận bệnh viện trên Năm Căn. Mấy năm nay, xuồng cao tốc chạy Cà Mau - Rạch Tàu suốt ngày, nhưng đêm là vắng hơ vắng hắt, đi lại dùng vỏ lãi riêng, nữa là hồi ấy, nhà nào giàu mới tậu được, đêm xuống nhường sông nước cho rắn rết - muỗi mòng.
Chứng kiến nhiều bà con chết cũng chỉ vì không có phương tiện đi chữa bệnh, Dì Tư bàn với chồng và đều gật đầu: Mang chiếc vỏ lãi - tài sản đáng tiền nhất trong nhà, giúp việc chuyên chở người bệnh. Ban đầu, Dì Tư mặc cả: "Tôi giúp vỏ lãi - người lái, bà con chung tiền xăng dầu nghen!", nhưng càng giúp, càng thấy nhiều người nghèo, nên việc "chung xăng dầu" cũng chỉ họa hoằn mới thấy, còn lại Dì Tư đều càm ràm than khổ và... tự chi.
Ông Lý Hoàng Giang ở ấp Kinh Đào Tây nói chuyện về Dì Tư bằng giọng thán phục: "Vài tháng 1 chuyến hổng sao. Đằng này bả mang ghe làm phước năm này qua năm khác, tháng nào cũng vài chuyến chở người bệnh đi huyện!" và gật gù: "Có khi còn mang ghe cho mượn đám ma người nghèo!".
Mới đây nhất, con bà Nguyễn Thị Út trong ấp ăn phải cá nóc, tính mạng ngàn cân treo sợi tóc. Dì Tư cùng cậu con trai lại lụi hụi chạy xuồng trong đêm nước ròng cuối tháng đen kịt, từ Rạch Tàu lên cấp cứu tận Năm Căn...
Đọc báo nghe đài, biết chuyện người miền Tây bỏ tiền mua xe cứu thương chở miễn phí bệnh nhân lên thành phố chữ bệnh, dân Đất Mũi cười: "Dì Tư làm lâu rồi. Ở mình, không có đường nên gọi xuống cứu thương!".
Chiếc ghe nhỏ luôn sẵn sàng chở người bệnh
Thảo thơm hạt gạo
Đến Đất Mũi ngày thường, thấy nhà san sát ven bờ kinh, xuồng ghe xé nước chạy, tưởng giàu có lắm. Bề ngoài đấy, không phải đâu bởi sau những san sát bảng hiệu đó là rừng đước, bụi tràm che đi nhà lá xập xệ của những xóm ấp nghèo đến nao lòng.
Thiếu tá Nguyễn Văn Tình, Đồn phó Đồn Biên phòng 680 Đất Mũi, cho biết: Xã có gần 700 hộ dân, trên 13.000 nhân khẩu, gồm 3 dân tộc Kinh, Hoa và Khmer. Đời sống kinh tế của người dân chủ yếu phụ thuộc vào nghề đánh bắt và nuôi thủy sản. Cuộc sống bấp bênh, tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo khoảng 40%, nhiều hộ dân không thể tự mua sắm ngư cụ để đánh bắt và nuôi thủy sản, không có điều kiện cho con đến trường...
Dì Tư bán hàng ăn sáng, tiền lời dùng để mua gạo giúp người nghèo
Với Dì Tư, nỗi khổ cực của hàng xóm láng giềng không còn là chuyện ngoài nhà, bởi dì đã trả qua mấy chục năm như vậy. Tuổi cao, không còn sức chạy phà, dì mở cửa hàng tạp hóa bán đủ mọi thứ bà rằn ngay tại nhà. Buổi sáng tranh thủ mở thêm hàng bún bò phục vụ bà con và người đi lại. Lẩn mẩn tính ra, mỗi ngày Dì Tư cũng cặm cụi thu lời khoảng 150.000 đồng - bằng thu nhập của người vào rừng chăng tôm, đào sâm đất bán thương lái. Số tiền này, Dì Tư gom lại chỉ để mua gạo, mấy bao liền chất trong nhà và chỉ khui ra những dịp gió to - biển động, ghe thuyền đánh cá nằm bẹp trong kinh, người làm thuê không có việc, vơ váo hóp bụng chờ ngớt gió.
Bà Ba Liên cùng ấp Kinh Đào Đông kể: Cứ những dịp "thất nghiệp toàn xã" như vậy, Dì Tư lại nhúc nhắc chân đi khắp các ấp lân cận, thấy nhà nào thực sự thiếu ăn là đập cửa: "Ê mầy! Qua nhà dì nghen mày!". Chủ nhà tất tưởi chạy qua, thế nào cũng được Dì Tư chỉ cho vác bao gạo 5-10 kg, kèm chai dầu ăn, gói bột ngọt mang về nấu cơm cho sắp nhỏ ấm bụng qua ngày.
Dì Tư cười rổn rảng: "Mình làm phước, trời phật không để mình bần cùng - bi đát mãi đâu... Cái xứ Đất Mũi tôi xa xôi cách trở, khó kiếm miếng ăn từ bao đời, không dựa vào nhau mà sống, thì trông chờ vào đâu?".
"Nhìn mấy ký tưởng ít, nhưng mỗi năm cũng cỡ 1-2 tấn gạo cho sắp nhỏ, con nhà làm thuê tàu cá trong toàn xã", Dì Tư cười vậy và an ủi: "Cứ cúng tiền chùa chiền đâu đâu cho xa. Bà con mình xung quanh nghèo mà!".
Đò đưa giúp đời
Ngồi với Dì Tư, tôi kể lại việc cậu út Phạm Gia Lăng lái phà khi mới gặp đã không thu tiền vé, những người xung quanh cười ồ: "Ai cũng vậy mà!".
Hỏi ra mới biết: Cách đây 2 năm, dì bỏ 80 triệu đồng mua con thuyền lớn cải tiến thành phà, chở người xe qua lại giữa hai bờ kênh Rạch Tàu. Mấy phà gần đó, cứ đúng giá niêm yết thu tiền: 5.000 đồng/xe máy, 2.000 đồng/xe đạp và 1.000 đồng/người đi bộ. Riêng Dì Tư, miễn ngay tiền phà đò đi lại cho người già - trẻ con, nhất là bọn trẻ đi học hằng ngày, miễn toàn bộ.
Được vài tháng, thấy cán bộ xã huyện công tác qua lại liên tục, Dì Tư tiếp tục miễn phí tiền phà cho người đi công tác, với lý do rất đơn giản: "Anh chị em cũng đi làm việc chung cho bà con Đất Mũi, mấy đồng lương Nhà nước lo ăn còn khó, mình phụ giùm cho họ yên tâm lo công việc!".
Tính ra bây giờ, bến phà của Dì Tư hầu như chạy... miễn phí, bởi "đối tượng thu tiền" chỉ thu hẹp lại ở người buôn bán, khách du lịch, bà con ngoài địa bàn. Ngày thường đông khách, tiền phà thu được khoảng 200.000 đồng, đủ tiền chạy dầu. Ngày thứ bảy - chủ nhật, hầu như không có khách, họa hoằn lắm mới có mấy khách du lịch tò mò kéo sang ấp Kinh Đào Đông...
Tôi hỏi: "Làm không công mãi thế này, liệu có lo cụt vốn?", Dì Tư cười rổn rảng: "Mình làm phước, trời phật không để mình bần cùng - bi đát mãi đâu" và tư lự nhìn ra mặt sông xôn xao hoa nắng: "Cái xứ Đất Mũi tôi xa xôi cách trở, khó kiếm miếng ăn từ bao đời, không dựa vào nhau mà sống, thì trông chờ vào đâu?". Lâu lắm rồi, tôi mới nghe được câu nói giống như quan niệm sống, bình dị nhưng rất thực, từ nơi cuối trời Đất Mũi Cà Mau... (còn tiếp)
Theo TNO