CSGT Đắk Nông dừng xe nghìn người, không phải xử phạt mà tặng quà Tết
Hàng nghìn người chạy xe máy về quê ăn tết bị CSGT Đắk Nông chặn trên QL14 nhưng không bị xử phạt mà nhận được những món quà bất ngờ.
Thông tin từ Phòng CSGT Công an tỉnh Đắk Nông cho biết, đơn vị vừa tổ chức ra quân tuyên truyền về trật tự, an toàn giao thông trên tuyến QL14 qua địa bàn.
Theo đó, từ hôm nay đến ngày 30 Tết, Phòng CSGT Công an tỉnh tổ chức ra quân, ngoài nhiệm vụ tuyên truyền sẽ kết hợp phát nước suối, khăn lạnh, bánh kẹo và đổi mũ bảo hiểm đạt chất lượng miễn phí cho người dân.
CSGT dừng xe, đổi mũ bảo hiểm đạt chất lượng cho một gia đình về quê ăn Tết
Trong hôm nay, hàng nghìn người dân chở nhau bằng xe máy từ các tỉnh, thành như TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương… về quê ăn tết, lưu thông trên tuyến QL14 (huyện Đắk R’lấp, Đắk Nông) khi bị CSGT dừng xe tỏ ra rất bất ngờ và cảm động.
Chị Nguyễn Thị Thủy (quê Đắk Lắk) đang làm việc tại TP.HCM, chạy xe máy cùng gia đình về quê ăn Tết. Khi đến địa bàn huyện Đắk R’lấp đã bị lực lượng CSGT ra hiệu lệnh dừng xe.
CSGT Đắk Nông dừng xe tặng quà, đổi mũ bảo hiểm cho người dân trên QL14
Ban đầu, chị Thủy và người thân tỏ ra lo lắng, nhưng khi được các chiến sĩ CSGT trao tận tay khăn lạnh, nước uống, bánh kẹo và thu lại các mũ bảo hiểm không đạt tiêu chuẩn rồi đổi miễn phí mũ mới thì vô cùng bất ngờ.
“Tôi thấy đây là việc làm rất nhân văn và ý nghĩa, cần tiếp tục duy trì và nhân rộng trong thời gian tới” – chị Thủy chia sẻ.
Tương tự, anh Mai Văn Tư (quê Đắk Lắk) cũng đang làm việc tại TP.HCM, khi bị CSGT dừng xe, anh cứ ngỡ mình vi phạm luật giao thông và lo lắng sẽ bị xử phạt.
Hình ảnh gây xúc động của CSGT Đắk Nông
Nhưng khi được lực lượng CSGT vui vẻ, nhiệt tình phát quà và tuyên truyền, hướng dẫn cách tham gia giao thông an toàn, anh cảm thấy rất vui và ấm lòng.
“Chúng tôi mong những hình ảnh, việc làm này sẽ xuất hiện ở nhiều nơi” – anh Tư cảm động cho biết.
Chỉ trong ngày ra quân đầu tiên, CSGT Đắk Nông đã trao hàng nghìn phần quà, đổi hàng trăm mũ bảo hiểm đạt chất lượng cho người dân về quê ăn tết
Trung tá Phạm Quốc Lập, Trưởng phòng CSGT Công an tỉnh cho biết, đơn vị chọn 2 địa điểm để thực hiện là huyện Đắk R’lấp và Đắk Mil.
Một lãnh đạo CSGT Đắk Nông đổi mũ bảo hiểm đạt chất lượng cho người dân
Toàn bộ kinh phí của hoạt động do Phòng quyên góp và từ sự ủng hộ của các cơ quan, doanh nghiệp trên địa bàn.
Chỉ trong ngày ra quân hôm nay, lực lượng đã gửi tặng hàng nghìn chai nước, khăn lạnh cùng bánh kẹo và đổi hàng trăm mũ cho người dân.
Cùng với đó, người tham gia giao thông còn được lực lượng CSGT tuyên truyền, phổ biến những quy định cần lưu ý khi tham gia giao thông để đảm bảo đường về quê an toàn, đón tết hạnh phúc bên gia đình.
Trùng Dương
Theo vietnamnet.vn
Chồng bị phạt nếu ngày Tết bắt vợ ở nhà rửa bát
Theo quy định, nếu chồng ép buộc vợ ở nhà rửa bát, nấu cơm, không cho vợ đi chơi Tết, không cho vợ về thăm nhà ngoại... thì có thể sẽ bị xử phạt từ 100.000 - 300.000 đồng.
Nhiều người thường có suy nghĩ bếp núc là việc của phụ nữ, đàn ông không cần quan tâm. Tuy nhiên, đây lại là một suy nghĩ hoàn toàn sai lầm. Trách nhiệm làm việc nhà, xây dựng tổ ấm thuộc về cả phụ nữ và đàn ông.
Điều này đã được pháp luật quy định. Cụ thể, tại khoản 1 Điều 19 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 nêu rõ: Vợ chồng có nghĩa vụ thương yêu, chung thủy, tôn trọng, quan tâm, chăm sóc, giúp đỡ nhau; cùng nhau chia sẻ, thực hiện các công việc trong gia đình.
Như vậy, theo quy định của pháp luật, chia sẻ việc nhà với vợ không chỉ là sự tự nguyện mà còn là nghĩa vụ của người chồng.
Chồng có thể bị phạt nếu ngày Tết bắt vợ ở nhà rửa bát.
Thế nhưng trên thực tế, nhiều ông chồng không biết san sẻ việc nhà với vợ. Thậm chí, vào ngày nghỉ Tết, nhiều ông chồng không cho vợ đi chơi Tết, không cho vợ về thăm nhà ngoại... mà ép buộc vợ mình phải ở nhà dọn dẹp nhà cửa, cơm nước...
Việc này sẽ gây ức chế cho người vợ. Hơn nữa, dưới góc độ pháp lý, việc này còn có thể vi phạm pháp luật và có thể bị xử phạt.
Các quy định xử phạt vi phạm hành chính lĩnh vực hôn nhân và gia đình hiện nay được áp dụng theo Nghị định 167/2013/NĐ-CP của Chính phủ.
Điểm a khoản 1 Điều 52 của Nghị định 167/2013/NĐ-CP chỉ rõ: Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng - 300.000 đồng đối với hành vi cấm thành viên gia đình ra khỏi nhà, ngăn cản thành viên gia đình gặp gỡ người thân, bạn bè hoặc có các mối quan hệ xã hội hợp pháp, lành mạnh nhằm mục đích cô lập, gây áp lực thường xuyên về tâm lý đối với thành viên đó.
Theo đó, nếu người chồng ép buộc vợ ở nhà rửa bát, nấu cơm, không cho vợ đi chơi Tết, không cho vợ về thăm nhà ngoại... thì có thể sẽ phải chịu mức phạt nêu trên.
Cũng về vấn đề phòng, chống bạo lực gia đình, Nghị định 167/2013/NĐ-CP có quy định xử phạt đối với hành vi hành hạ, ngược đãi thành viên gia đình. Theo đó, chồng chửi vợ hoặc vợ chửi chồng sẽ bị phạt tiền. Cụ thể, Điều 51 Nghị định 167/2013/NĐ-CP quy định phạt tiền từ 500.000 đồng - 1 triệu đồng đối với người có hành vi lăng mạ, chì chiết, xúc phạm danh dự, nhân phẩm thành viên gia đình
Anh Tuấn
Theo vietnamnet.vn
Áp Nghị định 100, "văn hóa nhậu" sẽ.. biến mất? Xưa, ông cha ta có câu: "Khách đến nhà không trà thì rượu". Thế nhưng, sau nửa tháng Nghị định 100/2019/NĐ-CP đi vào cuộc sống, nhất là khi Tết đang ngập ngừng cửa ngõ thì với nhiều người, có lẽ hay hơn cả vẫn là: Khách đến nhà, chén trà... là đủ? Người xưa uống rượu thanh tao và tinh tế. Ảnh: IT...