CSGT cải trang bắn tốc độ, không dừng xe thổi phạt
Đại lộ Thăng Long, quốc lộ 1, đoạn Pháp Vân – Cầu Giẽ, đường Phạm Văn Đồng… là những đường có CSGT mặc thường phục bắn tốc độ.
Chiều 18/4, Trưởng phòng Tham mưu Tổng hợp Cảnh sát giao thông Hà Nội, Trung tá Trần Ngọc Ánh cho VTC News biết, các đường sau đây sẽ có cảnh sát mặc thường phục, bắn tốc độ: Quốc lộ 1 (đoạn Pháp Vân – Cầu Giẽ), Đại lộ Thăng Long, đường vành đai 3, đường Phạm Văn Đồng, Phạm Hùng, các Quốc lộ 5, 6, 32…
Cảnh sát giao thông mặc thường phục, xử phạt người không đội mũ bảo hiểm. Ảnh: TTXVN
Video đang HOT
Trước đó, từ ngày 5/4, Cảnh sát giao thông Hà Nội đã cải trang để bắn tốc độ trên Đại lộ Thăng Long (Hà Nội), khi lệnh giảm tốc độ tối đa từ 100km/giờ xuống 80km/giờ.”Lý do giảm tốc độ tối đa xuống là vì người ta phát hiện lún sụt trên đường này nên giảm tốc độ để đảm bảo an toàn cho người đi xe” – Trung tá Trần Ngọc Ánh cho hay.
Còn Thượng tá Trần Sơn, Cục Cảnh sát giao thông đường bộ lý giải việc công an mặc thường phục là tuân theo Thông tư 27 của Bộ Công an, trong đó quy định, được bố trí cán bộ hóa trang để phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm, khi tình hình an ninh, trật tự phức tạp…
“Nhưng tại sao công an không mặc cảnh phục, đứng lộ diện tại các “điểm nóng” để ngăn ngừa sai phạm?” – khi PV hỏi điều này thì Thượng tá Trần Sơn cho hay: “Những người đi xe phải tự giác chấp hành Luật Giao thông chứ không phải chỉ chấp hành đối phó khi có cảnh sát. Việc hóa trang là để xử phạt những người như vậy”.
Cảnh sát mặc cảnh phục mới được dừng xe Tuy cảnh sát giao thông được mặc thường phục để sử dụng nghiệp vụ nhưng theo Trung tá Trần Ngọc Ánh, nếu là lực lượng công an thì chỉ có những người mặc cảnh phục mới được dừng xe, xử phạt. Nên lực lượng công an “giả trang” dân thường luôn luôn phải tác nghiệp cùng các chiến sĩ mặc cảnh phục, để đề phòng kẻ xấu giả danh, “trấn lột” người dân.
Theo VTC News
CSGT cải trang bắn tốc độ
Sau hơn 10 ngày đại lộ Thăng Long (Hà Nội) bị hạ tốc từ 100 xuống 80km/h, nhiều chủ xe vi phạm bị xử lý. CSGT đã cải trang để xử lý xe vượt tốc.
Nhiều lái xe tham gia giao thông trên đại lộ Thăng Long những ngày qua phản ánh, sau hai ngày lệnh giảm tốc có hiệu lực (3-4), từ ngày 5-4, CSGT thực hiện việc bắn tốc độ.
Theo ghi nhận của PV những ngày qua, việc bắn tốc độ trên đại lộ Thăng Long được Đội CSGT 11 thực hiện tại nhiều khu vực và nút giao thông như nút Phú Đô, Đại học Đại Nam, nút Công viên Thiên đường Bảo Sơn, An Khánh, Hoàng Xá...
Những vị trí bắn tốc độ không cố định, mà thường xuyên được CSGT di chuyển. Sáng qua (17-4), chốt trực bắn tốc độ của Đội CSGT số 11 làm nhiệm vụ tại nút giao Công viên Thiên đường Bảo Sơn (km 10) xử lý gần 10 trường hợp vi phạm về tốc độ.
Trong những ngày xử lý xe vi phạm tốc độ trên đại lộ Thăng Long, CSGT mặc thường phục và ngồi trên xe cải trang để bắn tốc độ. Các chủ phương tiện chạy đến các chốt có CSGT mặc sắc phục, yêu cầu dừng xe họ mới biết mình vi phạm tốc độ. Nhiều lái xe đã phản ứng về việc này.
Tuy nhiên, trao đổi với PV, trung tá Hoàng Văn Đạo, Đội trưởng đội CSGT số 11, cho rằng, theo quy định của ngành, CSGT được phép mặc thường phục khi xử lý vi phạm tốc độ.
"Không chỉ mặc thường phục, CSGT bắn tốc độ những ngày qua còn ngồi trên xe cải trang hoặc xe không phải của công an để làm nhiệm vụ", trung tá Đạo cho hay.
CSGT cải trang, mặc thường phục đi trên xe biển trắng bắn tốc độ xe vi phạm trên đại lộ Thăng Long ngày 17-4
Xử lý trên 50 trường hợp vi phạm
Đội CSGT số 11 cho biết, sau hơn 10 ngày (5 đến 17-4) xử lý vi phạm về tốc độ, đội đã xử lý trên 50 trường hợp vi phạm. Phần lớn các xe vi phạm vượt tốc độ quy định từ 5 đến 10km/h. Theo trung tá Hoàng Văn Đạo, con số vi phạm cao gấp 2-3 lần so với khi đại lộ Thăng Long còn giữ tốc độ tối đa 100km/h.
Ông Đạo cho biết, hầu hết lái xe khi bị xử phạt đều nói là không biết về quy định giảm tốc hoặc không nhìn thấy biển báo. "Tuy nhiên, trước khi áp dụng, đội đã nhiều ngày ra quân nhắc nhở, không chỉ dọc tuyến đường mà mỗi nút giao lên xuống cao tốc đều có biển báo chỉ dẫn, các lái xe nói như vậy chỉ là lập luận của người vi phạm", ông nói.
Về quy định hạn chế tốc độ phương tiện, ông Đạo cho rằng, đây là chủ trương của Sở GTVT trước thực trạng tuyến đường chưa hoàn thiện và có nhiều khu vực bị lún nứt. Việc hạn chế tốc độ được đưa ra sau khi Sở GTVT làm việc với nhà thầu, chủ đầu tư dự án và có thông báo tới đội.
Tuy nhiên, ông Đạo công nhận một thực tế, khi đại lộ Thăng Long còn áp dụng quy định ô tô được chạy ở mức tối đa 100km/h, số lượng xe vi phạm tốc độ rất ít, thậm chí có ngày không có trường hợp nào. "Không chỉ vi phạm ít mà khi đại lộ Thăng Long duy trì ở tốc độ tối đa 100km/h, các trường hợp vi phạm còn chấp hành rất tốt việc xử lý của CSGT", ông nói.
Đội CSGT số 11 - Công an Hà Nội (đơn vị quản lý đại lộ Thăng Long) cho biết, tất các vi phạm của lái xe về tốc độ trên đại lộ Thăng Long theo quy định mới của Sở GTVT đều được xử lý theo Nghị định 34. Quá tốc độ 5 đến 10km/h phạt 300.000 đến 500.000 đồng, từ 10 đến 20km/h bị xử phạt 800.000 đến 1,2 triệu đồng, trên 20km/h phạt 1 triệu đến 6 triệu đồng. Riêng vi phạm từ 20km/h trở lên, lái xe còn bị tước giấy phép 30 đến 60 ngày.
Theo Bưu Điện Việt Nam