Covid 24h: TP HCM rút ngắn thời gian cách ly F0, Hà Nội siết phòng dịch
Các ca F0 không triệu chứng tại TP HCM sẽ được cách ly tập trung ở các quận huyện, trường hợp mới phát hiện, có nồng độ virus thấp được cách ly tại nhà.
Quy định về thời gian cách ly, điều trị các trường hợp F0 không triệu chứng được Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong gửi các quận, huyện ngày 21/7 nhằm giảm áp lực cho các bệnh viện điều trị Covid-19 trên địa bàn.
Theo đó, F0 không có triệu chứng lâm sàng sẽ cách ly 7 ngày nếu kết quả xét nghiệm RT-PCR vào ngày thứ 7 là âm tính hoặc dương tính với tải lượng virus thấp (giá trị CT>=30). Trường hợp dương tính có CT
Với F0 mới phát hiện, không có triệu chứng lâm sàng, ngành y tế xem xét cách ly tại nhà nếu kết quả xét nghiệm PCR có giá trị CT>=30 và hội đủ điều kiện theo quy định của ngành y tế.
Điều trị bệnh nhân tại Bệnh viện Hồi sức Covid-19, TP Thủ Đức, ngày 20/7. Ảnh: Thành Nguyễn.
TP HCM đã ghi nhận hơn 41.300 ca nhiễm trong đợt dịch thứ 4; 10.553 người đang cách ly tập trung, 37.408 trường hợp cách ly tại nhà, nơi lưu trú. Theo Phó giám đốc Sở Y tế TP HCM Nguyễn Hữu Hưng nếu công tác điều trị đảm bảo như hiện nay, thời gian tới mỗi ngày khoảng 1.000 bệnh nhân được xuất viện.
Video đang HOT
Hôm qua, cơ quan chức năng thành phố cho biết dịch đã xâm nhập cơ sở cai nghiện Bố Lá ở Bình Dương khi 506 ca dương tính được phát hiện qua lấy mẫu tầm soát gần 690 người tại đây. Đây là cơ sở cai nghiện do Sở Lao động, Thương binh và Xã hội TP HCM quản lý, chức năng tiếp nhận, quản lý người cai nghiện có tiền án, vi phạm kỷ luật từ các cơ sở cai nghiện của thành phố chuyển về.
Ba ngày qua, Hà Nội đã ghi nhận thêm 128 ca nhiễm và nghi nhiễm với nhiều chùm lây. Hiện Thủ đô trải qua ngày thứ ba thực hiện Công điện 15, nâng cấp độ phòng chống dịch.
Từ 0h ngày 22/7, Hà Nội sẽ cách ly tập trung người về từ các địa phương đang thực hiện Chỉ thị 16 của Thủ tướng. Chính quyền TP Hà Nội cũng yêu cầu cơ quan chức năng lên kế hoạch triển khai phương án tổ chức các cơ sở cách ly đáp ứng cho 30.000-50.000 người, ưu tiên tổ chức tại các khu vực ngoại thành.
Hà Nội cũng chuẩn bị triển khai chiến dịch tiêm chủng lớn nhất lịch sử với hơn 1.200 đội với hơn 820 điểm tiêm chủng tại 579 xã, phường, thị trấn, kế hoạch tiêm 200.000 mũi/ngày.
Người về từ TP HCM qua cảng hàng không quốc tế Nội Bài, trưa 15/7. Ảnh: Ngọc Thành.
Đồng Nai hôm qua quyết định kéo dài thêm 9 ngày thay vì kết thúc giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 trong 15 ngày. Hiện tỉnh này đã ghi nhận 1.566 ca trong đợt dịch thứ tư.
Cùng với TP HCM và Bình Dương, Đồng Nai thực hiện Chỉ thị 16 trước khi Thủ tướng yêu cầu 19 tỉnh, thành phía Nam áp dụng chỉ thị này từ ngày 19/7. Tuy nhiên, sau 12 ngày giãn cách theo Chỉ thị 16 (từ ngày 9/7), UBND Đồng Nai đánh giá việc thực hiện của nhiều địa phương vẫn chưa tốt.
Sau khi phát hiện nhiều ca nhiễm trong cộng đồng chưa rõ nguồn và có nguy cơ hình thành các chuỗi lây mới, TP Đà Nẵng kêu gọi người dân chỉ ra ngoài khi thực sự cần thiết, cấm hoạt động của shipper, grab, đạp xe… từ 12h ngày 22/7.
TP Đà Nẵng cũng yêu cầu dừng dịch vụ kinh doanh không thiết yếu, chỉ cho buôn bán lương thực, thực phẩm, khám chữa bệnh, cấp cứu; không được tổ chức tiệc tùng trong nhà; tổ chức tang lễ trong 48 tiếng và không quá 20 người; dừng hoạt động taxi, xe 9 chỗ và grab car.
Bộ Y tế chiều 21/7 công bố 36 bệnh nhân Covid-19 tử vong từ ngày 17-20/7, tại TP HCM, Đồng Tháp và Long An. Như vậy, tổng số ca tử vong trong đợt dịch thứ 4 lên 335, kể từ đầu năm 2020 đến nay là 370.
Dự kiến 1.000 ca Covid-19 xuất viện mỗi ngày ở TP HCM
Nếu công tác điều trị đảm bảo như hiện nay, thời gian tới mỗi ngày khoảng 1.000 bệnh nhân được xuất viện, theo Phó giám đốc Sở Y tế TP HCM Nguyễn Hữu Hưng.
Chiều 21/7, họp báo về công tác phòng chống Covid-19, Phó giám đốc Sở Y tế Nguyễn Hữu Hưng cho biết, hiện TP HCM có 35 bệnh viện thu dung, điều trị Covid-19 với hơn 59.000 giường; 13 bệnh viện dã chiến cùng nhiều bệnh viện tuyến Trung ương và các bộ ngành. Số giường thu dung, điều trị cơ bản đáp ứng đủ hơn 35.000 ca bệnh đang chữa. Từ đầu năm tới nay, hơn 4.800 ca bệnh được xuất viện; 322 trường hợp tử vong, đa số rơi vào ca nhiễm có bệnh nền.
Phó giám đốc Sở Y tế Nguyễn Hữu Hưng tại buổi họp báo chiều 21/7. Ảnh: Mạnh Tùng.
Về việc cách ly F1 tại nhà và rút ngắn thời gian điều trị F0, bác sĩ Hưng nói Bộ Y tế đã có hướng dẫn, thành phố thí điểm ở nhiều quận huyện và đạt được kết quả ban đầu. Việc giám sát F1 tại nhà không chỉ giải quyết chỗ cách ly tập trung mà còn xuất phát từ cơ sở khoa học, đó là biến chủng Delta lây nhanh nhưng 70-80% người bệnh không triệu chứng.
Ông Nguyễn Hồng Tâm, Phó giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP HCM (HDCD) cho biết, từ 6h ngày 20/7 đến 6h ngày 21/7, thành phố phát hiện hơn 5.400 ca mắc Covid-19. Trong đó, 90% trường hợp phát hiện trong các khu phong toả, khu cách ly. "95% trong số này mới xét nghiệm lần một, chúng tôi suy đoán những trường hợp này đã nhiễm từ trước, diễn biến bệnh thành F0, không có cơ sở để nói lây nhiễm trong khu cách ly", ông Tâm nói.
Tại buổi họp báo, Phó bí thư Thường trực Thành uỷ TP HCM Phan Văn Mãi nhận định hiện dịch chưa đạt đỉnh và còn tiếp tục diễn biến phức tạp nhiều ngày tới. Trong 3 tình huống TP HCM đặt ra trước đó, ông Mãi cho rằng phương án thứ hai "thực hiện Chỉ 16 và tăng cường thêm nhiều biện pháp khác" được xem là hợp lý nhất.
Điều trị bệnh nhân tại Bệnh viện Hồi sức Covid-19, TP Thủ Đức, ngày 20/7. Ảnh: Thành Nguyễn.
Để làm được điều này, sắp tới TP HCM triển khai cùng lúc một số biện pháp cụ thể. Trong đó thực hiện Chỉ thị 16 tăng cường, tập trung thông tin cho người dân thực hiện giãn cách xã hội triệt để, hạn chế tối đa tiếp xúc, lây lan dịch bệnh. Với một số khu vực nguy cơ cao như khu nhà trọ, khu đông người, thành phố tính đến phương án giãn dân phù hợp.
Thành phố cũng sẽ bảo vệ và mở rộng "vùng xanh" (vùng an toàn) trên bản đồ Covid-19. Lâu nay, thành phố tập trung nhiều cho vùng nguy cơ cao, nhưng sắp tới cần tăng cường cho các vùng đệm ở phía ngoài. Ngày mai, Thành uỷ sẽ có chỉ đạo mới về thực hiện Chỉ thị 16 trong thời gian tới.
Đến tối nay, TP HCM ghi nhận tổng cộng 41.343 ca nhiễm, trong đợt bùng phát dịch lần thứ tư, xếp đầu cả nước
Trận chiến giành giật mạng sống trong Bệnh viện Hồi sức Covid-19 ở TPHCM "Ngày rời Chợ Rẫy sang nhận nhiệm vụ, chúng tôi nói với nhau có lẽ đây là trận chiến lớn nhất trong cuộc đời" - bác sĩ Trần Thanh Linh chia sẻ khi tham gia điều trị tại trung tâm hồi sức Covid-19. Từ Khoa hồi sức ở Bệnh viện Chợ Rẫy đến Đà Nẵng, rồi Bắc Giang, bác sĩ CKII Trần Thanh...