Covid 24h: TP HCM đàm phán mua vaccine Moderna
TP HCM đang đàm phán với Công ty TNHH Zuellig Pharma để mua 5 triệu liều vaccine Moderna; Hà Nội xét nghiệm sàng lọc cho khoảng 3 triệu người.
Ngày 11/8, Việt Nam ghi nhận 8.752 ca Covid-19 tại 33 tỉnh, thành. Số ca nhiễm chủ yếu ở TP HCM (3.416), Bình Dương (1.897), Đồng Nai (979), Long An (963). Trong đó, 6.966 ca được phát hiện ở khu cách ly hoặc khu đã được phong tỏa, 1.786 ca đang điều tra dịch tễ.
Bên cạnh những địa phương có số ca nhiễm tăng cao, nhiều tỉnh ghi nhận tín hiệu tích cực. Hai tỉnh qua 14 ngày không thêm ca mới là Quảng Ninh, Bắc Kạn. 10 tỉnh, thành phố không có ca lây nhiễm thứ phát trong 14 ngày qua là Lào Cai, Ninh Bình, Kon Tum, Hà Giang, Lai Châu, Tuyên Quang, Quảng Trị, Yên Bái, Thái Bình, Bắc Giang. Riêng Cao Bằng chưa ghi nhận ca nhiễm đợt dịch này.
Đánh giá về tình hình điều trị F0 tại TP HCM và các tỉnh phía Nam , Thứ trưởng Y tế Trần Văn Thuấn nói “có sự quá tải”. Một số nơi vì quá lo lắng nên dù F0 chưa đến mức phải chuyển lên tầng 3 (hồi sức cấp cứu) cũng đã chuyển. Công tác điều trị phải đảm bảo phân loại đúng tầng và chuyển lên tầng trên đúng thời điểm, tránh quá tải không cần thiết và tránh nguy cơ tử vong.
Điều trị bệnh nhân tại Bệnh viện Hồi sức Covid-19, TP Thủ Đức, TP HCM, ngày 20/7. Ảnh: Thành Nguyễn
TP HCM tiếp tục đẩy mạnh chiến dịch tiêm vaccine, để sớm đạt mục tiêu tiêm cho tất cả người từ 18 tuổi trong tháng 8. Giữa tháng 6, sau khi Phó thủ tướng Vũ Đức Đam chấp thuận, UBND thành phố đã gửi thư giới thiệu cho Công ty TNHH MTV Dược Sài Gòn (Công ty Sapharco), Tập đoàn VinaCapital đàm phán với Công ty TNHH Zuellig Pharma để mua 5 triệu liều vaccine Moderna.
Video đang HOT
Đến nay, Công ty Sapharco đang chờ đại diện Moderna chuyển dự thảo hợp đồng để mua 5 triệu liều. Nếu thành công, lịch giao vaccine cho TP HCM dự kiến vào quý IV/2021 hoặc quý I/2022.
Ngoài yêu cầu cung ứng ít nhất 2 triệu liều trong tháng 10 năm nay, VinaCapital và Sapharco đang đàm phán với Công ty TNHH Zuellig Pharma để mua ít nhất 10 triệu liều vaccine mũi tăng cường (mũi hai) và giao vào đầu quý II/2022.
Với mục tiêu kiểm soát tốt dịch bệnh trước ngày 25/8, TP Hà Nội sẽ xét nghiệm sàng lọc trên diện rộng . Từ ngày 9 đến 17/8, ngành y tế sẽ xét nghiệm tối đa khoảng 1,3 triệu mẫu bằng kỹ thuật RT-PCR cho toàn bộ người dân trong “vùng đỏ” – khu vực xã, phường nguy cơ rất cao. Đây là các trường hợp di chuyển, tiếp xúc nhiều như: chuỗi cung ứng, chợ, công nhân, bảo vệ tòa nhà…
Cũng trong khoảng thời gian trên, thành phố dự kiến test nhanh khoảng 2 triệu mẫu tại các khu vực, nhóm có nguy cơ cao. Nhân viên y tế, bệnh nhân, người lao động trực tiếp tại các chuỗi cung ứng, lái xe, shipper, bảo vệ tòa nhà… sẽ được xét nghiệm sàng lọc.
Lấy mẫu xét nghiệm người thôn Lỗ Giao, xã Việt Hùng, huyện Đông Anh, Hà Nội, vào tháng 5. Ảnh: Giang Huy
Những “vùng xanh” (không có dịch), mỗi hộ gia đình lấy đại diện một mẫu của một thành viên có nguy cơ cao nhất (căn cứ theo lịch sử di chuyển nhiều nơi, tiếp xúc nhiều người, thường xuyên tới khu nguy cơ cao như bệnh viện, chợ…).
Bên cạnh đó, việc xét nghiệm cho những người có triệu chứng ho, sốt… qua khai báo y tế vẫn được các đơn vị thực hiện.
Số giường bệnh không theo kịp số ca Covid-19 tăng ở Đồng Nai
Số ca Covid-19 ở Đồng Nai tăng vượt khả năng xét nghiệm, dẫn đến chậm xác định và bóc tách F0 ra khỏi cộng đồng, theo ông Bạch Thái Bình, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh.
Ông Bình đưa ra nhận định trên trong buổi làm việc với tân Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai Nguyễn Hồng Lĩnh, chiều 10/8.
Sáng cùng ngày, Đồng Nai ghi nhận thêm 830 ca, nâng tổng số lên 9.652 ca Covid-19 trong đợt thứ 4. Ông Bình nhìn nhận: "Từ giữa tháng 6 đến nay, tình hình dịch bệnh ở tỉnh diễn biến rất phức tạp, khó lường".
Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai (thứ ba từ phải sang) thị sát Bệnh viện dã chiến số 3. Ảnh: Phước Tuấn
Ông Bình cho rằng "tỉnh đang phải đối mặt với vòng luẩn quẩn", khi số ca bệnh tăng vượt khả năng xét nghiệm, dẫn đến chậm xác định và bóc tách F0 trong cộng đồng.
"Ngoài ra, do không chuẩn bị kịp các khu điều trị, có nhiều ca F0 chưa được đưa đi ngay, nhân lực y tế thiếu không đủ để truy vết, điều tra, xét nghiệm dẫn đến lây lan thứ phát, dây dưa sâu trong cộng đồng", ông Bình nói.
Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật lên kế hoạch "quét sạch F0 trong cộng đồng", với hơn 2 triệu mẫu xét nghiệm sàng lọc. "Nếu không làm sạch được F0 trong cộng đồng thì không có cách nào ngăn được lây nhiễm và buộc phải kéo dài phong tỏa để làm chậm tốc độ lây nhiễm", ông Bình cho biết.
Công suất xét nghiệm toàn tỉnh hiện là 6.000 mẫu đơn một ngày, tương đương với 30.000 mẫu gộp 5 và 60.000 mẫu gộp 10 (10 người). Để đạt được mục tiêu thực hiện 2 triệu mẫu xét nghiệm cần có thêm 10 dàn máy xét nghiệm PCR. Để triển khai xét nghiệm 2 triệu mẫu bệnh phẩm, Đồng Nai sẽ phân vùng xét nghiệm PCR và xét nghiệm test nhanh cho từng khu vực, địa phương trong tỉnh. Bên cạnh đó, có sự hỗ trợ của Viện Pasteur TP HCM và Công ty Việt Á trong công tác xét nghiệm.
Về công tác điều trị, Đồng Nai hiện có 7.600 giường bệnh, trong đó 5.600 giường bệnh viện dã chiến. Cùng với nhiều trung tâm cách ly, thu dung các bệnh nhân không triệu chứng của các huyện, thị, thành, số giường hiện nay khoảng 20.000. Tuy nhiên, "so với tốc độ lây lan của dịch bệnh thì tốc độ thành lập các bệnh viện dã chiến chưa đáp ứng được, đặc biệt là giường để điều trị bệnh nhân Covid-19 nặng", theo ông Phan Huy Anh Vũ, Giám đốc Sở Y tế Đồng Nai.
Hiện toàn tỉnh đã ghi nhận 112 trên 1.628 doanh nghiệp trong khu công nghiệp có Covid-19, với tổng số 963 ca. Trong đó 35 trên 1.156 doanh nghiệp đang thực hiện "ba tại chỗ" - ăn, ở và sản xuất tại nhà máy hoặc "một cung đường, hai địa điểm" - chở công nhân từ nơi ở đến nhà máy xuất hiện ca dương tính. Trong đó, nhiều nhất là tại huyện Nhơn Trạch với 420 ca nhiễm (14 doanh nghiệp), TP Biên Hòa với 201 ca nhiễm (15 doanh nghiệp).
Ông Vũ cũng cho biết đến nay địa phương đã tiêm được hơn 100.000 liều vaccine Covid-19, còn gần 200.000 liều vaccine chưa tiêm, Sở quyết tâm trong vòng 4 ngày tới sẽ hoàn tất.
Giải thích về việc tiêm vaccine chậm , ông Vũ cho rằng khó khăn của tỉnh là không có nhân lực, đặc biệt là "vùng trũng" TP Biên Hòa. Lực lượng từ các địa phương khác hỗ trợ Đồng Nai chống dịch hơn 200 người nhưng chủ yếu lấy mẫu bệnh phẩm, không làm công tác tiêm chủng. Hiện nhân viên phụ trách tiêm chủng của tỉnh khoảng hơn 800 người.
Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hồng Lĩnh cho rằng Đồng Nai cần đạt được mục tiêu phủ kín vaccine trong thời gian tới. "Ngành y tế cần suy nghĩ để đưa ra các giải pháp, bằng mọi cách để tăng tỷ lệ tiêm chủng vaccine phòng Covid-19 trên địa bàn tỉnh", ông Lĩnh nói.
Trong công tác điều trị, ông chỉ đạo UBND tỉnh tính toán không gian để chăm sóc bệnh nhân nặng, bệnh nhân không triệu chứng. "Có thể huy động các trường học, trung tâm văn hóa... để đưa vào sử dụng ngay. Cùng với đó, cũng phải tính toán huy động đội ngũ nguồn nhân lực để đảm bảo công tác phòng chống dịch, phải đảm bảo an toàn lực lượng tuyến đầu", ông Lĩnh nói.
Hà Nội tổng lực xét nghiệm sàng lọc 1,3 triệu dân trong 'vùng đỏ' Hà Nội sẽ tổng lực xét nghiệm tối đa 200.000 mẫu/ngày để khoanh vùng các ổ dịch Covid-19, mục tiêu lấy 1,3 triệu mẫu cho người dân trong khu vực nguy cơ cao (vùng đỏ) và 2 triệu test nhanh cho các khu vực còn lại. Hà Nội sẽ tập trung xét nghiệm sàng lọc 1,3 triệu mẫu trong "vùng đỏ" từ 9.8...