Covid-19: Xử lý 2 phương diện để chống kiểu phá hoại từ bên trong
Việc khai báo gian dối như trường hợp của bệnh nhân Covid -19 số 34 “siêu lây nhiễm” ở Bình Thuận, cùng với những trường hợp tung tin thất thiệt về dịch Covid -19 trên mạng gây hoang mang dư luận là kiểu phá hoại từ bên trong đối với công tác phòng, chống dịch Covid-19.
Công tác phòng, chống Covid-19 trong giai đoạn mới đang diễn biến phức tạp.
Trong những ngày qua, trên mạng xã hội luôn tràn ngập hình ảnh nữ doanh nhân, cũng là bệnh nhân Covid-19 số 34 ở Bình Thuận cùng những lời lẽ dung tục, cay nghiệt. Việc bị nhiễm bệnh không phát hiện để rồi không may truyền nhiễm sang cho nhiều người khác khi tiếp xúc là điều dư luận thông cảm được, nhưng khi biết mình đã nhiễm bệnh mà vẫn khai báo kiểu nhỏ giọt, gian dối như bệnh nhân số 34 là điều không thể chấp nhận. Đây là hành vi không chỉ đáng lên án mà còn cần phải bị xử lý đích đáng.
Việc người bệnh nhiễm Covid-19 khai báo gian dối sẽ khiến cho công tác điều tra dịch tễ gặp rất nhiều khó khăn, tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ lây lan ra cộng đồng. Trong khi Chính phủ, ngành Y tế và cả hệ thống các cơ quan chức năng cùng với người dân đang vào cuộc chống dịch “như chống giặc” thì hành vi giấu bệnh như trường hợp bệnh nhân Covid-19 số 17 (ở Trúc Bạch, Ba Đình, Hà Nội) và bệnh nhân số 34 ở Bình Thuận không khác gì sự phá hoại từ bên trong.
Trao đổi với PV, ông Lê Việt Trường, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng -An ninh của Quốc hội cho biết: Để xử lý vấn đề nêu trên hiện hành lang pháp lý chúng ta đầy đủ cả như Luật phòng, chống bệnh truyền nhiễm, Bộ luật Hình sự…
Video đang HOT
“Phải xử lý nghiêm theo pháp luật trường hợp người nhiễm Covid-19 khai báo không thành khẩn. Cần thiết phải khởi tố vụ án, khởi tố bị can người khai báo gian đối, xử lý điểm để răn đe, giáo dục, phòng ngừa chung. Việc người bị nhiễm Covid -19 khai báo đúng là nâng cao trách nhiệm công dân trước hết với chính bản thân họ, sau là trách nhiệm với người thân, những người khác trong cộng đồng”, ông Lê Việt Trường nói.
Vẫn theo ông Lê Việt Trường, công tác phòng, chống dịch Covid-19 hiện đang ở giai đoạn phức tạp, khó khăn hơn giai đoạn 1 rất nhiều, nếu xảy ra vài trường hợp khai báo như kiểu bệnh nhân số 34 sẽ dẫn tới mối nguy hại vô cùng lớn. Do thái độ khai báo của bệnh nhân số 34, nên hơn 21 giờ ngày 14/3, trên báo điện tử Bình Thuận đã phải đăng thông tin UBND tỉnh đề nghị người dân rà soát, cung cấp thông tin để xác định chính xác bệnh nhân số 34 có dự đám cưới trên địa bàn tỉnh hay không, qua đó cơ quan y tế có cơ sở xác định những người có nguy cơ F1 để kịp thời cách ly; giúp công tác phòng chống dịch Covid – 19 của tỉnh hiệu quả hơn.
Công an làm việc với trường hợp tung tin sai sự thật trên mạng (ảnh Bộ Công an).
Ở phương diện thứ hai, thời gian qua việc tung tin, bịa đặt, xuyên tạc thông tin về dịch Covid -19 cũng cần được xem như hành vi phá hoại cần phải bị trừng trị thích đáng. Bên cạnh sự chống phá của các thế lực thù địch, phản động, đối tượng bất mãn chính trị, thời gian qua nhiều người cũng đã lợi dụng tình hình dịch bệnh để tung tin thất thiệt hoặc đưa những thông tin thiếu tính xác thực, chưa được kiểm chứng, phỏng đoán theo quan điểm, nhận thức cá nhân nhằm câu view, câu like, gây hoang mang, bất ổn dư luận xã hội.
Theo Bộ Công an, từ khi xuất hiện dịch Covid-19 đến nay, trên không gian mạng đã có gần 300.000 tin, bài đăng trên các trang thông tin điện tử, blog, diễn đàn; gần 600.000 tin, bài, video clip liên quan đến dịch bệnh đã đăng trên mạng xã hội. Trong đó có rất nhiều tin, bài có nội dung chưa được kiểm chứng, xuyên tạc, sai sự thật, thu hút hàng triệu lượt bình luận, chia sẻ. Lực lượng Công an đã làm việc với 654 trường hợp đưa tin sai sự thật; xử phạt vi phạm hành chính hơn 146 đối tượng.
Vào ngày 14/3, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trong buổi tiếp Trưởng đại diện Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam, đã cho biết: Ông đã chỉ đạo Bộ Công an xử lý nghiêm những người phao tin đồn nhảm trên mạng xã hội, kể cả xử lý hình sự.
Từ những phân tích trên, có thể thấy, nếu làm tốt trên hai phương diện, thứ nhất là sự hợp tác tích cực từ người bệnh, người phải cách ly (cả tập trung và tại nhà); thứ hai là ngăn ngừa những thông tin bịa đặt, xuyên tạc, đồn nhảm trên mạng sẽ hạn chế thấp nhất tình trạng gây tác động làm khó khăn, cản trở quá trình chúng ta phòng, chống dịch Covid-19.
Theo danviet.vn
Giám đốc BV Bình Thuận nói gì về tin đồn bệnh nhân số 34 đập phá, đòi chuyển tuyến?
Ngày 15/3, trên mạng xã hội lan truyền thông tin cho rằng bệnh nhân số 34 đập phá bệnh viện đòi chuyển viện lên tuyến trên.
Bệnh nhân số 34 đang được điều trị tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Bình Thuận.
Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Văn Thành - Giám đốc Bệnh viện đa khoa tỉnh Bình Thuận cho biết: Hiện nay, 9 bệnh nhân đang điều trị tại Bình Thuận sức khỏe đều ổn định. Bệnh nhân ăn, ngủ tốt. Thông tin bệnh nhân số 34, một phụ nữ 51 tuổi, là doanh nhân ở Phan Thiết (Bình Thuận) bất hợp tác với bác sĩ, đòi chuyển lên TP.HCM là thông tin không đúng.
Ông Thành khẳng định, bệnh nhân số 34 không hề đập phá bệnh viện và cũng không đòi chuyển viện.
Ông Thành thông tin thêm, Bệnh viện Bình Thuận đang nhận được sự hỗ trợ từ Bệnh viện Chợ Rẫy TP.HCM, có bác sĩ trợ giúp các chuyên khoa cấp cứu, truyền nhiễm, kiểm soát nhiễm khuẩn và các điều dưỡng chăm sóc bệnh nhân... Điều này khiến bệnh nhân đang điều trị tại Bình Thuận yên tâm hơn.
Trước đó, CDC Bình Thuận thông báo bệnh nhân số 34 khai không trung thực lịch trình từ khi xuống sân bay Tân Sơn Nhất (TP.HCM) khiến cho việc kiểm soát, sàng lọc F1, F2 khó hơn.
Theo K.Chi (Infonet)
Đề nghị người dân cung cấp thông tin để làm rõ BN 34 có dự đám cưới hay không Mấy ngày nay, trên mạng xã hội xuất hiện thông tin BN số 34 có dự một đám cưới ở khách sạn Ocean Dunes Phan Thiết vào ngày 5/3. Ngay sau khi xuất hiện thông tin này, các ngành chức năng đã vào cuộc xác minh. BN 34 và chủ lễ cưới trên xác định là BN 34 không tham dự tiệc cưới....