COVID-19 trên thế giới tuần qua: Trên 10.000 ca tử vong mới; Siêu đô thị của Trung Quốc gia hạn phong tỏa;
Tính đến sáng 11/9, thế giới ghi nhận tổng ca nhiễm COVID-19 đã vượt 613,4 triệu, với trên 3,3 triệu ca mắc mới trong tuần qua.
Siêu thành phố 21 triệu dân của Trung Quốc tiếp tục gia hạn phong tỏa.
Lực lượng chức năng kiểm tra giấy thông hành của người dân khi các biện pháp hạn chế phòng dịch COVID-19 được ban hành tại Thành Đô, thủ phủ tỉnh Tứ Xuyên, Trung Quốc ngày 1/9/2022. Ảnh: AFP/TTXVN
Theo số liệu thống kê của trang mạng worldometers.info, cập nhật đến 9 giờ sáng 11/9 (giờ Việt Nam), tổng số ca mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 trên toàn cầu đã lên tới 613.435.352 ca, trong đó có tổng cộng 6.515.701 người tử vong.
Trong vòng 1 tuần qua, thế giới ghi nhận 3.320.784 ca mắc mới (giảm 22% so với tuần trước đó). Số ca tử vong vì COVID-19 trong tuần là 10.807 (giảm 24% so với 1 tuần trước).
Tuần qua, Nhật Bản là quốc gia ghi nhận nhiều ca mắc COVID-19 nhất (753.974 ca), tiếp đó là Hàn Quốc (479.625 ca), Mỹ (358.567 ca). Mỹ là nước có số ca tử vong nhiều nhất thế giới (2.273 ca, giảm 26% so với tuần trước nữa).
Tính từ đầu đại dịch, Mỹ là quốc gia có tổng số ca mắc nhiều nhất thế giới với trên 97 triệu ca mắc COVID-19 và trên 1,075 triệu ca tử vong. Tiếp đó là Ấn Độ với trên 44,49 triệu ca mắc và trên 528.000 ca tử vong. Đứng thứ ba là Pháp với trên 34,7 triệu ca mắc và trên 154.400 ca tử vong.
Nhân viên y tế điều trị cho bệnh nhân COVID-19 tại bệnh viện ở Rome, Italy. Ảnh: AFP/ TTXVN
Đại dịch sau 2 năm đến nay xuất hiện và đã lây lan ở 225 quốc gia và vùng lãnh thổ. Các nước cũng ghi nhận trên 592 triệu bệnh nhân được điều trị khỏi, số ca đang điều trị tích cực là trên 14 triệu ca và trên 41.800 ca hiện ở trong tình trạng nguy kịch.
Tình hình dịch bệnh tại Đông Nam Á tiếp tục thuyên giảm, song có sự khác biệt lớn giữa các nước. Diễn biến dịch tại Indonesia, Thái Lan và Malaysia căng thẳng hơn so với các nước khác. Xét về tổng số ca mắc và tử vong từ đầu dịch tới nay, ổ dịch nghiệm trọng nhất Đông Nam Á vẫn là Indonesia do dịch bệnh kéo dài nhiều tháng ở mức nghiêm trọng.
Trước xu thế dịch nguy cơ tái bùng phát, nhiều quốc gia đang tăng cường tiêm các mũi vaccine số 4 và số 5, đồng thời duy trì các biện pháp phòng dịch khác như đeo khẩu trang.
Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại Malacca, Malaysia, ngày 3/9/2022. Ảnh: THX/TTXVN
Thành Đô (Trung Quốc) gia hạn biện pháp phong tỏa
Ngày 8/9, chính quyền thành phố Thành Đô, thủ phủ tỉnh Tứ Xuyên (Tây Nam Trung Quốc) với 21 triệu dân, đã quyết định gia hạn biện pháp phong tỏa để phòng dịch COVID-19 lan rộng.
Thành Đô đã áp dụng biện pháp phong tỏa từ ngày 1/9 sau khi phát hiện các ca mắc mới COVID-19 và là thành phố lớn nhất Trung Quốc áp dụng các biện pháp hạn chế phòng dịch kể từ đầu năm nay khi Thượng Hải triển khai các biện pháp tương tự. Sau khi triển khai các biện pháp phong tỏa, Thành Đô ghi nhận trung bình gần 200 ca mắc mới mỗi ngày. Gần nhất, thành phố này ghi nhận 116 ca mắc mới trong ngày 7/9. Theo kế hoạch, biện pháp phong tỏa được dỡ bỏ sau ngày 7/9 nhưng chiều cùng ngày giới chức thành phố đánh giá vẫn tồn tại nguy cơ dịch bệnh ở một số khu vực.
Khoảng 16 triệu người dân tại thành phố chịu ảnh hưởng của biện pháp phong tỏa, theo đó phải thực hiện xét nghiệm hằng ngày, người có kết quả dương tính với virus sẽ phải cách ly. Người dân ở những khu vực nguy cơ cao không được phép ra khỏi nhà. Chính quyền thành phố đặt mục tiêu gỡ hết các ca bệnh trong cộng đồng trong vòng 1 tuần tới. Nhiều quận đã dừng áp dụng biện pháp phong tỏa hoàn toàn nhưng người dân vẫn thực hiện xét nghiệm trong ngày 9/9, được yêu cầu không di chuyển đến quận khác và không rời thành phố nếu không quá cấp thiết. Giới chức y Thành Đô cho biết sẽ điều chỉnh quy định tùy tình hình dịch bệnh./
Ngày 10/9, Ủy ban Y tế quốc gia Trung Quốc (NHC) cho biết Trung Quốc đại lục ghi nhận 239 ca mắc mới COVID-19 trong cộng đồng trong ngày 9/9, trong đó có 86 ca ở Tứ Xuyên và 33 ca ở khu tự trị Nội Mông. Ngoài ra, Trung Quốc cũng ghi nhận 994 ca mắc mới không triệu chứng.
Theo NHC, tổng cộng có 381 bệnh nhân COVID-19 đã xuất viện trong ngày 9/9, nâng tổng số bệnh nhân phục hồi tại Trung Quốc đại lục lên 235.257 người. Số ca tử vong do COVID-19 vẫn giữ nguyên ở mức 5.226 ca.
Malaysia ghi nhận hơn 1.000 ca mắc mới
Ngày 10/9, Bộ Y tế Malaysia thông báo ghi nhận 1.990 ca mắc mới COVID-19 tính đến nửa đêm 9/9, nâng tổng số ca mắc trên toàn quốc lên 4.801.653 ca. Trong số các ca mắc mới có 2 ca nhập cảnh. Số ca tử vong vì COVID-19 cũng tăng lên 36.274 người sau khi có thêm 4 bệnh nhân không qua khỏi.
Video đang HOT
Ngoài ra, Malaysia có thêm 2.016 bệnh nhân COVID-19 đã khỏi bệnh, nâng tổng số người được chữa khỏi và xuất hiện lên 4.738.009 người. Hiện Malaysia còn 27.370 ca dương tính với virus SARS-CoV-2, trong đó 67 ca nặng phải chăm sóc đặc biệt và 46 ca cần được hỗ trợ thở.
Cho đến nay, 86% dân số Malaysia đã tiêm ít nhất một mũi vaccine ngừa COVID-19, 84,2% đã hoàn thành 2 mũi cơ bản, 49,7% đã tiêm mũi 3 và 1,5% đã tiêm mũi 4.
Thuốc kháng virus Paxlovid điều trị COVID-19 của hãng dược phẩm Pfizer .Ảnh: AFP/TTXVN
Canada phê duyệt sử dụng vaccine phòng COVID-19 cho trẻ từ 6 tháng đến 4 tuổi
Ngày 9/9, Bộ Y tế Canada đã phê duyệt sử dụng vaccine phòng COVID-19 của Pfizer cho trẻ em từ 6 tháng đến 4 tuổi. Sau khi xem xét kỹ lưỡng và độc lập các bằng chứng khoa học, bộ trên kết luận rằng lợi ích của vaccine Comirnaty của Pfizer/BioNTech lớn hơn những nguy cơ tiềm ẩn đối với trẻ em.
Đây là loại vaccine thứ 2 được phê duyệt cho nhóm tuổi trên, sau khi Bộ Y tế phê duyệt vaccine Spikevax của Moderna vào tháng 7. Bộ này đã phê duyệt 3 mũi tiêm cho trẻ em dưới 5 tuổi, với khoảng cách 3 tuần giữa mũi đầu tiên và mũi thứ 2, 8 tuần giữa mũi thứ 2 và mũi thứ 3.
Theo Bộ Y tế, các mũi tiêm dùng vaccine được bào chế phòng chủng virus SARS-CoV-2 ban đầu vẫn có hiệu quả trong việc ngăn ngừa nguy cơ bị bệnh nặng, nhập viện và tử vong.
Gần đây, Chính phủ Canada đã phê duyệt phiên bản vaccine cải tiến của hãng Moderna chống biến thể Omicron, nhưng việc sử dụng vaccine này vẫn chưa được chấp thuận cho nhóm tuổi trên.
Ước tính Canada có khoảng 1,7 triệu trẻ trong độ tuổi từ 6 tháng đến 4 tuổi. Theo dữ liệu liên bang, tính đến ngày 14/8, đã có 47.363 trẻ em dưới 5 tuổi được tiêm ít nhất 1 mũi vaccine phòng COVID-19.
Vaccine ngừa COVID-19 của Pfizer/BioNTech. Ảnh: AFP/TTXVN
Thái Lan lên kế hoạch mua thêm vaccine ngừa COVID-19 thế hệ thứ 2
Bộ Y tế Thái Lan đang lên kế hoạch mua vaccine ngừa COVID-19 thế hệ 2. Phó Tổng giám đốc Cục Kiểm soát bệnh tật (DDC) thuộc Bộ Y tế Thái Lan, Tiến sĩ Sophon Iamsirithaworn, cho biết trong tháng 10 tới, Viện Vaccine Quốc gia (NVI) sẽ tổ chức họp thảo luận về kế hoạch mua sắm trên và quyết định về chủng loại cũng như số lượng vaccine mua thêm.
Theo Tiến sĩ Sophon, mặc dù hãng Pfizer đã phát triển một loại vaccine cải tiến nhằm vào các biến thể phụ BA.4 và BA.5 của Omicron, NVI vẫn cần thực hiện các nghiên cứu riêng trước khi quyết định nên mua thêm vaccine thế hệ hai nào. Tiến sĩ Sophon cũng cho biết thêm DDC đã mua 3 triệu liều vaccine của Pfizer để tiêm cho trẻ em trong độ tuổi từ 6 tháng đến 5 tuổi và đợt tiêm chủng mới sẽ bắt đầu từ tháng tới.
Trong một diễn biến khác, Giám đốc NVI Nakhon Premsri, cho biết giai đoạn 2 thử nghiệm lâm sàng vaccine HXP-GPOVac do Thái Lan phát triển đã bắt đầu hồi tháng 8 vừa qua. 2 vaccine khác là ChulaCov19 do Đại học Chulalongkorn phát triển và Baiya của công ty Baiya Phytopharm cũng sắp kết thúc giai đoạn thử nghiệm lâm sàng.
Nhân viên y tế tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho người dân tại Hyderabad, Ấn Độ. Ảnh: AFP/TTXVN
* Ngày 7/9, Tổng thống Indonesia Joko Widodo cho biết chính phủ nước này đã hành động đúng và hợp lý trong nỗ lực phòng chống dịch COVID-19. Phát biểu tại Hội thảo 100 nhà kinh tế tổ chức tại Tháp Mega Bank, Tổng thống Joko Widodo cho biết nếu phong tỏa toàn bộ đất nước, kinh tế Indonesia có thể tăng trưởng âm 17%, đẩy quốc gia Đông Nam Á này vào tình cảnh khó khăn.
Tổng thống Joko Widodo nêu rõ: “Chúng tôi đã triển khai linh hoạt chính sách làm việc tại nhà và học sinh, sinh viên học tập trực tuyến”.
Theo nhà lãnh đạo Indonesia, chính phủ nước này đã phải học hỏi cách thích ứng linh hoạt và nhạy bén khi đại dịch COVID-19 xuất hiện, những biến đổi tình hình chính trị trên thế giới và trong khu vực gây ra những rủi ro mang tính toàn cầu. Điều này được thể hiện qua tình hình kinh tế Indonesia vẫn vững chắc trong bối cảnh đại dịch COVID-19 chưa chấm dứt và cuộc xung đột đang diễn ra ở Ukraine. Cụ thể, tăng trưởng kinh tế của Indonesia đều ở mức hơn 5% trong 2 quý đầu năm nay nhờ sự hợp tác chặt chẽ giữa chính phủ và các cộng đồng ở nước này.
Nhân viên y tế điều trị cho bệnh nhân COVID-19 tại bệnh viện ở Saint-Denis, ngoại ô Paris, Pháp. Ảnh: AFP/TTXVN
Trung Quốc cấp phép vaccine dạng xịt mũi họng đầu tiên sản xuất trong nước
Ngày 6/9, Cơ quan quản lý dược phẩm Trung Quốc (NMPA) đã cấp phép sử dụng khẩn cấp loại vaccine ngừa COVID-19 đầu tiên dạng xịt, do công ty CanSino Biologics có trụ sở tại Đài Loan sản xuất.
Vaccine trên sẽ được sử dụng như liều tăng cường cho những người đã tiêm đầy đủ các mũi vaccine cơ bản.
Công ty CanSino Biologics cho biết vaccine trên được xịt vào mũi-họng, có thể được bảo quản và sử dụng dễ dàng hơn các loại phải dùng kim tiêm. Tuy nhiên, công ty không cung cấp thêm chi tiết về việc khi nào vaccine sẽ sẵn có để sử dụng rộng rãi. Theo một bài đăng trên tạp chí Lancet tháng 7/2021, vaccine của CanSino Biologics tạo phản ứng kháng thể mạnh mẽ. Các nhà khoa học tại một số nước như Cuba, Canada và Mỹ cũng đang thử nghiệm các vaccine dạng xịt của mình. Trước đó cùng ngày 6/9, Cơ quan kiểm soát dược phẩm nước này (DCGI) của Ấn Độ cũng đã cấp phép sử dụng vaccine ngừa COVID-19 dạng xịt mũi do hãng Bharat Biotech bào chế, cho nhóm người trưởng thành trong tình huống khẩn cấp. Đây là vaccine ngừa COVID-19 dạng xịt mũi đầu tiên của Ấn Độ được phê duyệt.
Từ năm 2020 đến nay, Trung Quốc đã cấp phép sử dụng 8 loại vaccine dạng tiêm được sản xuất trong nước. Tuy nhiên, NMPA vẫn chưa “bật đèn xanh” cho bất cứ vaccine nào của nước ngoài, kể cả vaccine công nghệ mRNA của Pfizer/BioNTech hay Moderna. Theo Ủy ban Y tế quốc gia (NHC), đến nay, Trung Quốc đã tiêm phòng cho hơn 3,4 triệu người.
Một điểm xét nghiệm COVID-19 tại Thành Đô, tỉnh Tứ Xuyên, Trung Quốc. Ảnh: THX/TTXVN
EC chú trọng công tác tầm soát bệnh ung thư sau dịch COVID-19
Giới chức Liên minh châu Âu (EU) cho biết Ủy ban châu Âu (EC) sẽ đưa ra hướng dẫn y tế mới nhằm tăng cường và mở rộng danh sách các bệnh ung thư cần tầm soát thường xuyên sau khi công tác khám chữa bệnh đối với bệnh ung thư giảm sút mạnh trong suốt thời kỳ đại dịch COVID-19.
Theo dữ liệu báo cáo của châu Âu, có tới 1 triệu bệnh nhân ung thư trên khắp châu Âu đã không được chẩn đoán khi có tới 100 triệu xét nghiệm sàng không được thực hiện trong giai đoạn đầu dịch COVID-19 bùng phát. Thực tế này kéo theo tình trạng nhiều bệnh nhân ung thư phải trì hoãn lịch phẫu thuận hay điều trị tại bệnh viện và theo nhận định của giới chức châu Âu, nguy cơ ung thư trở thành nguyên nhân gây tử vong hàng đầu tại châu lục này trong thập kỷ tới đang ngày càng cao.
Chia sẻ với báo giới tại Praha, đại diện phụ trách vấn đề y tế của EU, Stella Kyriakides cho biết để giải quyết vấn đề này, EC sẽ đưa ra hướng dẫn mới về tầm soát ung thư vào ngày 21/9, thay thế cho những hướng dẫn y tế về bệnh ung thư tồn tại từ gần 20 năm trước. Theo 1 quan chức EU, nội dung hướng dẫn y tế mới sẽ đề xuất mở rộng tầm soát các loại ung thư như ung thư phổi, tuyến tiền liệt và dạ dày.
Hiện EU khuyến nghị chỉ tầm soát thường xuyên ung thư vú, đại trực tràng và cổ tử cung với mục tiêu đến năm 2025 sàng lọc ít nhất 90% những người có nguy cơ mắc các bệnh ung thư này. Tuy nhiên, trên thực tế, các dữ liệu cho thấy ung thư phổi là nguyên nhân tử vong phổ biến nhất ở bệnh nhân ung thư, chiếm 1/5 trong tổng số 1,3 triệu ca tử vong vì ung thư ở EU vào năm 2020. Ung thư tuyến tiền liệt là 1 trong những bệnh phổ biến nhất, sau ung thư vú và ung thư đại trực tràng.
Nhật Bản rút ngắn thời gian cách ly đối với người mắc COVID-19
Chính phủ Nhật Bản vừa quyết định rút ngắn thời gian cách ly đối với những người mắc COVID-19. Theo đó, từ ngày 7/9, thời gian cách ly đối với người mắc COVID-19 có triệu chứng sẽ giảm từ 10 ngày xuống còn 7 ngày. Họ có thể đi ra ngoài địa điểm cách ly 24 giờ sau khi các triệu chứng đã được cải thiện.
Đối với những người mắc COVID-19 không có triệu chứng, thời gian cách ly sẽ giảm từ 7 ngày xuống còn 5 ngày với điều kiện có kết quả xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2 vào ngày thứ 5. Bên cạnh đó, các đối tượng này cũng được phép đi ra ngoài để mua thực phẩm và các nhu yếu phẩm khác.
Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản Katsunobu Kato, người mắc COVID-19 dù có triệu chứng hay không có triệu chứng đều phải kiểm tra tình hình sức khỏe và thực hiện các biện pháp phòng ngừa trong thời gian tương ứng là 10 ngày và 7 ngày.
Không ít chuyên gia y tế Nhật Bản đã tỏ ra quan ngại về sự thay đổi này. Giáo sư Kazuhiro Tateda của Đại học Toho, một chuyên gia về bệnh truyền nhiễm, nhấn mạnh: “Việc rút ngắn thời gian cách ly có thể dẫn tới nguy cơ 1 bệnh nhân lây nhiễm cho những người khác trong vài ngày đầu tiên sau khi kết thúc thời gian cách ly. Những người này cần phải tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng ngừa như đeo khẩu trang và tránh tiếp xúc với người cao tuổi và những đối tượng có nguy cơ bệnh chuyển biến nặng”.
Australia chuyển sang công bố thống kê COVID-19 hằng tuần
Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại Sydney, Australia. Ảnh: AFP/TTXVN
Theo quyết định công bố ngày 7/9 của giới chức y tế Australia, các bang và vùng lãnh thổ của nước này sẽ thay đổi kỳ báo cáo số ca mắc COVID-19 từ hằng ngày sang hằng tuần.
Việc báo cáo thống kê hằng tuần sẽ được triển khai đồng nhất trên tất cả các địa phương ở Australia. Các số liệu sẽ bao gồm số ca mắc mới, số ca tử vong mới và tổng số ca tử vong, tỷ lệ tiêm chủng và số ca nhập viện, bao gồm cả số ca cần chăm sóc tích cực và bệnh nhân thở máy.
Bộ trưởng Y tế Liên bang Australia Mark Butler cho biết các quan chức y tế đã ủng hộ những thay đổi này, đảm bảo cung cấp thông tin chính xác, chất lượng và thống nhất về tình hình bệnh COVID-19 ở các địa phương, đồng thời hỗ trợ việc phân tích các xu hướng của dịch bệnh trên toàn quốc và thế giới. Ngoài ra, báo cáo quốc gia sẽ có thêm thông tin về điều trị kháng virus bằng đường uống.
Thông báo trên được đưa ra sau khi Chính phủ Australia họp vào cuối tuần trước để thông qua việc rút ngắn thời hạn bắt buộc cách ly đối với nhiều bệnh nhân COVID-19 từ 7 ngày xuống còn 5 ngày. Thời gian cách ly ngắn hơn sẽ được áp dụng từ ngày 9/9 đối với những người dương tính với virus SARS-CoV-2 không có triệu chứng, trong khi thời hạn 7 ngày sẽ vẫn áp dụng đối với những người làm việc trong các môi trường có nguy cơ cao như chăm sóc người già và người khuyết tật. Bên cạnh đó, yêu cầu đeo khẩu trang trên các chuyến bay nội địa cũng sẽ được dỡ bỏ vào ngày 9/9.
Lỗ hổng lớn bí ẩn trong 'cây gia đình' của biến thể Omicron
Làm thế nào Omicron lại tạo ra rất nhiều đột biến trên các protein gai của nó, mà không có bất kỳ bước tiến hóa trung gian nào thông qua các biến thể khác?
Hình ảnh dưới kính hiển vi điện tử của các hạt virus SARS-CoV-2, được phân lập từ một bệnh nhân. Ảnh: Getty Images
Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Mỹ, biến thể Omicron hiện là biến chủng COVID-19 chiếm ưu thế ở Mỹ. Gần 3/4 trường hợp nhiễm mới là do biến chủng này - tăng gấp 6 lần so với mức nhiễm Omicron vào tuần trước, trong chỉ mới một tháng trước nước Mỹ ghi nhận ca Omicron đầu tiên.
Các nhà khoa học đã đạt được những bước tiến đáng kể trong việc tìm hiểu nguồn gốc và sự lây lan của COVID-19, nhưng đó lại là một phần nguyên nhân khiến biến thể Omicron gây bất ngờ: nguồn gốc của nó rất khó hiểu, vì nó không bắt nguồn từ các chủng nổi bật khác gần đây như biến thể Delta. Sự nhầm lẫn xung quanh nguồn gốc của biến thể mới này tạo ra nhiều rào cản hơn trong việc điều trị nó.
Ngoài khả năng lây truyền cực kỳ nhanh, biến thể Omicron còn đáng sợ là bởi nó có 30 đột biến nằm gần protein gai, là những phần lồi giống như cái gai trên hình cầu trung tâm của virus SARS-CoV-2. Do các vaccine công nghệ mRNA hiện có được thiết kế để huấn luyện hệ miễn dịch nhận ra những gai đó là kẻ xâm nhập, các đột biến trên các protein gai có thể giúp virus biến thể Omicron tránh được nỗ lực tự vệ của cơ thể và có thể tránh được một phần khả năng miễn dịch dựa trên vaccine hiện có.
Vậy làm thế nào mà Omicron lại tạo ra rất nhiều đột biến trên các protein gai của nó, mà không có bất kỳ bước tiến hóa trung gian nào thông qua các biến thể khác? Các nhà khoa học đã đưa ra giả thuyết về việc điều đó đã xảy ra như thế nào, mặc dù không có giả thuyết nào có thể giúp trấn an.
Đầu tiên, cần lưu ý rằng chúng ta đều biết trước các đột biến sẽ xảy ra với một loại virus, ở mức độ nào đó. Khi SARS-CoV-2 bị đánh bại bởi hệ miễn dịch của con người và tấm khiên vaccine do chúng ta tạo ra, các virus sống sót có xu hướng trở thành những virus đột biến để ngăn chặn nỗ lực miễn dịch của con người. Những kẻ sống sót sau đó sẽ truyền những đặc điểm đó cho các virus con cái mà nó tạo ra thông qua quá trình sao chép. Nhờ công nghệ di truyền, các nhà nghiên cứu đã có thể nghiên cứu những chủng đột biến đó và tìm hiểu về "cây gia đình" của SARS-CoV-2, hay mối quan hệ giữa tất cả các biến thể có nguồn gốc liên quan đến nhau.
Nhân viên y tế chăm sóc bệnh nhân COVID-19 tại Mỹ. Ảnh: AP
Và đây là nơi chuyện kỳ lạ xảy ra. Có một lỗ hổng lớn trên dòng thời gian tiến triển của biến thể Omicron.
Thông thường các đặc điểm trình tự trong bộ gien của bất kỳ virus nào cũng có thể được khớp trong cơ sở dữ liệu với các chủng khác để các chuyên gia có thể suy ra nguồn gốc của chúng. Các nhà khoa học lần theo những "cây gia đình" này để tìm hiểu thêm về nguồn gốc của một loại virus, và với hy vọng rằng thông tin này sẽ giúp họ đánh bại nó. Tuy nhiên, các trình tự nhận dạng gần đây nhất trên bộ gien của biến thể Omicron lại bắt nguồn từ hơn một năm trước, từ giữa năm 2020. Điều này có nghĩa là các nhà khoa học không thể liên kết nó với các chủng hiện đang hoạt động. Tuy nhiên, họ biết chắc chắn rằng chủng Omicron rất khác với chủng SARS-CoV-2 ban đầu đã càn quét cả thế giới vào đầu năm 2020.
Vậy điều gì giải thích cho lỗ hổng đó? Biến thể Omicron đến từ đâu?
Một giả thuyết cho rằng Omicron đã phát triển ở một bệnh nhân COVID-19 bị suy giảm miễn dịch. Mặc dù không có bằng chứng trực tiếp cho thấy điều này đã xảy ra, nhưng các nhà khoa học biết rằng virú có thể trở nên mạnh hơn trong cơ thể của một người có hệ miễn dịch kém, bởi vì chúng lưu hành lâu hơn - tiếp tục biến đổi khi chúng trốn tránh hệ miễn dịch suy yếu của bệnh nhân. Một loại virus lưu hành nhiều tháng trong cơ thể của một bệnh nhân suy giảm miễn dịch có thể phát triển các kỹ năng sống sót vượt trội bằng cách tạo dựng khả năng phòng thủ chống lại các kháng thể của con người.
Tất nhiên, đây chỉ là những lý thuyết - người ta chưa chứng minh được rằng omicron có nguồn gốc từ một bệnh nhân suy giảm miễn dịch. Những nghiên cứu và lý thuyết này chỉ đơn thuần chứng minh rằng một sự phát triển như vậy có thể đã xảy ra.
Tiến sĩ William Haseltine - một nhà sinh vật học nổi tiếng với trong cuộc chiến chống đại dịch HIV / AIDS và hiện là Chủ tịch Tổ chức y tế toàn cầu Access Health International Haseltine, đề cập đến khả năng được thảo luận nhiều tiếp theo. Đó là biến thể Omicron xuất hiện từ một quá trình được gọi là chứng nhảy ngược từ động vật - tức là một tình huống trong đó một loại virus có nguồn gốc từ động vật khác nhảy sang người, sau đó quay trở lại động vật, và sau đó nhảy trở lại con người một lần nữa. Đại dịch COVID-19 bắt nguồn từ bước đầu tiên của quá trình đó (nhảy từ động vật, có thể là dơi hoặc tê tê sang người), và giả thuyết cho rằng virus này bằng cách nào đó đã nhảy từ người sang động vật và sau đó lây trở lại con người.
Hình ảnh virus SARS-CoV-2 dưới kính hiển vi.
Tuy nhiên, Trevor Bedford, một nhà virus học, giáo sư tại Trung tâm Nghiên cứu Ung thư Fred Hutchinson ở Seattle, nói rằng ông nghi ngờ biến thể Omicron bắt nguồn ở động vật vì ông không thấy vật liệu di truyền còn sót lại từ những con vật đó trong bộ gien của nó, mà thay vào đó là sự chèn RNA của con người. Điều này "cho thấy rằng nó đã tiến hóa ở người."
Đáp lại, Tiến sĩ Haseltine đã viết cho tờ Forbes rằng giả thuyết này "hoàn toàn hợp lý và thực sự có thể xảy ra". Chỉ ra số lượng đa dạng các loài động vật đã bị nhiễm COVID-19, ông lưu ý rằng sự chuyển giao kép như vậy giữa các loài đã được quan sát trước đây, dẫn đến một đột biến mới trong protein gai.
Giáo sư Bedford lại suy đoán rằng nguồn gốc bí ẩn của biến thể Omicron có thể được giải thích đơn giản bằng nguồn gốc không rõ của nó. Nhiều nơi trên hành tinh nơi COVID-19 được giám sát không đầy đủ, đặc biệt là ở Nam Phi (nơi Omicron lần đầu tiên được phát hiện), do đó, một chủng tràn lan có thể đã phát triển nhiều lần ở một trong những khu vực đó mà không bị phát hiện - ít nhất cho đến khi nó chưa lan ra ngoài khu vực.
Mặc dù biến thể Omicron dễ lây truyền hơn các chủng SARS-CoV-2 khác, nhưng dường như nó vẫn chưa gây tử vong nhiều hơn. Tuy nhiên, các chuyên gia tin rằng nó sẽ áp đảo hệ thống chăm sóc sức khỏe của Mỹ vì lây nhiễm cho rất nhiều người, trong đó có một số người chắc chắn sẽ bị bệnh nặng.
Triều Tiên tuyên bố sắp kết thúc cuộc khủng hoảng COVID-19 Triều Tiên đang trên lộ trình kết thúc cuộc khủng hoảng do đợt bùng phát COVID-19 đầu tiên được biết đến ở nước này gây ra. Triều Tiên thông báo 99,98% bệnh nhân sốt ở nước này đã hồi phục hoàn toàn. Ảnh minh họa: Reuters Hôm 18/7, hãng thông tấn Trung ương Triều Tiên KCNA đã đưa ra tuyên bố trên trong...