COVID-19 tới 6h sáng 8/12: Vaccine Omicron sẵn sàng vào tháng 3; EU khuyên trộn vaccine tốt hơn
Trong 24 giờ qua, thế giới ghi nhận trên 545.000 ca nhiễm và 6.805 ca tử vong. CEO của Pfizer khẳng định nếu cần vaccine phòng Omicron sẽ sẵn sàng vào tháng 3, trong khi châu Âu khuyến nghị kết hợp vaccine COVID-19 vector với mRNA cho hiệu quả miễn dịch tốt hơn.
Một y tá chăm sóc trẻ em bị bỏ rơi tại một trung tâm nuôi dưỡng trẻ em có hoàn cảnh khó khăn ở Johannesburg, Nam Phi. Ảnh: AFP/TTXVN
Theo trang thống kê worldometer.info, tính đến 6h ngày 8/12 (theo giờ VN), toàn thế giới đã ghi nhận tổng cộng 267.272.123 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19, trong đó có 5.285.104 ca tử vong. Số ca nhiễm mới trong 24 giờ qua là 545.300 và 6.806 ca tử vong mới.
Số bệnh nhân bình phục đã đạt 240.692.473 người, 21.294.546 bệnh nhân đang được điều trị tích cực và 87.737 ca nguy kịch.
Trong 24 giờ qua, Mỹ dẫn đầu thế giới về ca nhiễm mới với 76.736 ca; Pháp đứng thứ hai với 59.019 ca; tiếp theo là Đức (51.592 ca). Nước Nga tiếp tục đứng đầu về số ca tử vong mới, với 1.182 người chết trong ngày; tiếp theo là Mỹ (1.075 ca) và Ba Lan (504 ca tử vong).
Nước Mỹ vẫn là quốc gia bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất thế giới. Tổng số ca nhiễm tại Mỹ đến nay là 50.226.957 người, trong đó có 811.522 ca tử vong. Ấn Độ đứng thứ hai thế giới, ghi nhận tổng cộng 34.656.506 ca nhiễm, bao gồm 473.757 ca tử vong. Trong khi đó, Brazil xếp thứ ba với 22.157.726 ca bệnh và 616.018 ca tử vong.
Châu Á là khu vực chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất của dịch COVID-19 với trên 82,7 triệu ca nhiễm, tiếp đến là châu Âu với trên 76,23 triệu ca nhiễm. Bắc Mỹ ghi nhận gần 59,98 triệu ca nhiễm, Nam Mỹ là trên 39,12 triệu ca, tiếp đến là châu Phi gần 8,85 triệu ca và châu Đại Dương trên 380.000 ca nhiễm.
Nhân viên y tế tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ em tại Bắc Kinh, Trung Quốc, ngày 5/12/2021. Ảnh: THX/ TTXVN
EU khuyến nghị “kết hợp” vaccine tạo miễn dịch tốt hơn
Ngày 7/12, Cơ quan Dược phẩm châu Âu (EMA) và Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát Dịch bệnh (ECDC) ra thông cáo báo chí cho biết, hai cơ quan này đã chính thức khuyến nghị phương pháp tiếp cận “kết hợp các loại vaccine” đối với việc tiêm chủng ngừa COVID-19 và liều tăng cường.
Một số quốc gia thành viên EU, bao gồm cả Bỉ, đã bắt đầu sử dụng vaccine ngừa COVID-19 khác với vaccine ban đầu để tiêm liều tăng cường. Phương pháp này hiện đã được EMA và ECDC chính thức khuyến nghị.
Để cung cấp cơ sở khoa học và tính linh hoạt hơn nữa cho các chương trình tiêm chủng, EMA và ECDC đã xem xét các bằng chứng thực tế có sẵn và phát hiện ra rằng vaccine vectơ virus (chẳng hạn như vaccine của các hãng AstraZeneca hoặc Johnson & Johnson) kết hợp với vaccine mRNA (của Pfizer hoặc Moderna) tạo ra “Mức độ kháng thể tốt” và phản ứng tế bào T cao hơn so với việc chỉ sử dụng cùng một loại vaccine.
Điều này đã được xác nhận đối với liệu trình vaccine ban đầu (sử dụng các loại vaccine khác nhau cho liều thứ nhất và thứ hai) cũng như đối với mũi tiêm nhắc lại. Theo chuyên gia Van Gucht, việc sử dụng các loại vaccine khác nhau đều an toàn và thậm chí có thể cung cấp khả năng miễn dịch cao hơn. Bởi mỗi loại vaccine sẽ có ưu thế riêng của chúng và khi kết hợp với nhau, sẽ tạo ra khả năng miễn dịch tốt hơn nữa, đặc biệt khi đó là liều tăng cường.
Người dân xếp hàng chờ xét nghiệm COVID-19 tại Seoul, Hàn Quốc, ngày 7/12/2021. Ảnh: Yonhap/ TTXVN
CEO Pfizer: Vaccine Omicron sẵn sàng vào tháng 3
Theo CNN, CEO của Pfizer Albert Bourla 7/12 cho biết, nếu một loại vaccine mới cần thiết để đối phó với biến thể Omicron, công ty sẽ sẵn sàng vào tháng 3 và tự tin loại thuốc kháng virus do công ty sản xuất sẽ hiệu quả chống lại biến thể này.
Video đang HOT
“Tôi nghĩ rằng nếu cần vaccine, chúng tôi sẽ có vaccine vào tháng Ba”, ông Bourla nói tại Hội nghị thượng đỉnh Hội đồng Giám đốc điều hành do tờ Wall Street Journal tổ chức. “Tôi không biết liệu có cần vaccine [chống Omicron] hay không, chúng tôi sẽ biết điều đó trong vài tuần nữa”.
Khi được hỏi về Paxlovid, phương pháp điều trị kháng virus đường uống của Pfizer, CEO Bourla cho biết “chúng tôi có mức độ tin tưởng rất cao rằng thuốc sẽ chống lại biến thể này và tất cả những biến thể mà chúng ta đã thấy cho đến nay”.
CEO của Pfizer Albert Bourla. Ảnh: CNN
EU thảo luận biện pháp chung ứng phó biến thể Omicron
Trong khi đó, bộ trưởng y tế các nước EU đã có cuộc họp vào cùng ngày 7/12 nhằm bàn thảo các biện pháp chung trong toàn khối để ứng phó với sự xuất hiện của biến thể Omicron tại châu Âu. Số ca nhiễm biến thể Omicron gia tăng tại châu lục này đang làm dấy lên quan ngại về nguy cơ dịch bệnh trầm trọng thêm trước thềm Giáng sinh.
Theo thống kê của ECDC ngày 6/12, tổng cộng có 212 ca nhiễm biến thể Omicron tại các nước EU và các nước liên kết Iceland và Na Uy. Bồ Đào Nha ghi nhận số ca mắc biến thể này cao nhất với 34 ca, Đan Mạch là 32 ca, Pháp là 25 ca và Na Uy là 19. Trong khi đó, Anh ngày 6/12 thông báo đã ghi nhận 336 ca nhiễm biến thể này, tăng gấp đôi trong vòng 48 giờ qua.
Điều trị cho bệnh nhân nhiễm COVID-19 tại Pointe-a-Pitre, Pháp. Ảnh: AFP/TTXVN
Mỹ tái bùng phát dịch COVID-19 trên tàu biển du lịch
Giới chức y tế bang Louisiana của Mỹ thông báo đã phát hiện ít nhất 17 trường hợp mắc COVID-19 trong số những hành khách và thủy thủ đoàn trên một con tàu du lịch cập cảng bang này cuối tuần qua.
Theo cơ quan chức năng, con tàu Norwegian Breakaway – do công ty dịch vụ du lịch đường biển của Na Uy Norwegian Cruise Line Holdings Ltd điều hành – chở hơn 3.200 hành khách và thủy thủ đoàn khởi hành từ thành phố New Orleans vào ngày 28/11 vừa qua và đã quá cảnh Belize, Honduras và Mexico trước khi quay trở lại cảng Louisiana trong ngày 5/12.
Toàn bộ hành khách trên tàu này đã được xét nghiệm COVID-19, trong đó những người có kết quả dương tính với virus SARS-CoV-2 sẽ tự về nhà bằng xe cá nhân hoặc được cách ly y tế.
Thông tin trên được thông báo trong bối cảnh nước Mỹ đang chứng kiến sự gia tăng số trường hợp mắc COVID-19 cao đột biến trong những tuần gần đây. Ít nhất 1/3 số bang ở Mỹ đã ghi nhận các trường hợp nhiễm biến thể Omicron – biến thể mới xuất hiện của virus SARS-CoV-2 trong khi Delta vẫn là biến thể chủ đạo trong làn sóng dịch bệnh hiện tại ở nước này.
Trước đó, tình trạng lây nhiễm COVID-19 trên các tàu biển du lịch đã khiến Mỹ phải đình chỉ hoạt động du lịch theo hình thức này, dẫn đến thiệt hại hàng tỷ USD.
Nhân viên y tế điều trị cho bệnh nhân COVID-19 tại bệnh viện ở Saint Petersburg, Nga ngày 7/7/2021. Ảnh: AFP/TTXVN
Số ca nhiễm biến thể Omicron tại Anh và Pháp tiếp tục gia tăng
Giới chức y tế Vương quốc Anh xác nhận nước này có thêm 90 trường hợp nhiễm Omicron, nâng tổng số các trường hợp nhiễm biến thể mới này lên 336 người. Trong số này có 64 trường hợp mới ghi nhận ở England, 23 trường hợp ở Scotland và 3 trường hợp ở xứ Wales. Bắc Ireland hiện chưa phát hiện trường hợp nào nhiễm biến thể Omicron. Theo Giáo sư Paul Hunter – chuyên gia về các bệnh truyền nhiễm thuộc trường Đại học East Anglia, biến thể Omicron đang “lây lan nhanh hơn biến thể Delta” và có khả năng sẽ chiếm đa số ca mắc mới COVID-19 trong vòng vài tuần tới.
Trong khi đó, ngày 6/12, Pháp đã phát hiện 25 trường hợp dương tính với biến thể Omicron của virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19, gồm 21 người trở về từ Nam Phi và 4 ca lây nhiễm nội địa. Trước những thông tin cho rằng biến thể Omicron dễ lây lan hơn nhiều so với Delta, Bộ trưởng Y tế Pháp Olivier Veran cho biết nước này đang lên kế hoạch tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho tất cả trẻ em từ 5-11 tuổi từ ngày 20/12 tới, nếu được sự nhất trí của các cơ quan y tế.
Điều trị cho bệnh nhân nhiễm COVID-19 tại bệnh viện ở Tehran, Iran. Ảnh: IRNA/TTXVN
Nam Phi: Hầu hết bệnh nhân mắc biến thể Omicron có triệu chứng nhẹ
Theo Chủ tịch Hiệp hội y khoa Nam Phi (SAMA) Angelique Cootze, hầu hết ca mắc biến thể Omicron đều có triệu chứng nhẹ, còn những bệnh nhân mắc mà chưa tiêm vaccine có triệu chứng nặng hơn. Trả lời báo giới ngày 7/12, bà Cootze, người đang tham gia điều trị cho 70 bệnh nhân mắc biến thể Omicron, cho biết hầu hết những bệnh nhân COVID-19 đều có triệu chứng nhẹ như đau đầu, đau người, đau họng trong vòng 2 tuần qua. Những triệu chứng này có phần khác so với triệu chứng ở những người nhiễm biến thể Delta. Chủ tịch SAMA chỉ rõ biến thể Omicron hoàn toàn khác biệt.
Những người mắc biến thể này không có triệu chứng mất vị giác và khứu giác, không cần thở oxy và biến thể Omicron gây tác động nhiều hơn ở các cơ. Bà Cootze đánh giá hiện giới khoa học chưa biết những triệu chứng này có thay đổi hay không trong trường hợp ca mắc gia tăng. Bà Cootze cho biết thêm những người chưa tiêm vaccine nhiễm biến thể Omicron có triệu chứng nặng hơn. Sức khỏe của những người này bị suy kiệt trầm trọng và một số triệu chứng khác có biểu hiện nặng hơn.
Nhật Bản siết chặt kiểm soát nhập cảnh ngăn biến thể Omicron
Chính phủ Nhật Bản vừa quyết định siết chặt kiểm soát nhập cảnh đối với những người trở về từ một số khu vực của Mỹ, Australia và Ấn Độ nhằm ngăn chặn sự lây lan biến thể Omicron của virus SARS-CoV-2.
Hành khách tại sân bay Narita, Tokyo, Nhật Bản, ngày 2/12/2021. Ảnh: Kyodo/ TTXVN
Theo đó, kể từ ngày 8/12, các công dân Nhật Bản và người nước ngoài thường trú ở nước này trở về từ 7 bang của Mỹ (gồm Connecticut, Nebraska, Pennsylvania, Massachusetts, Missouri, Maryland và Washington), vùng lãnh thổ thủ đô (ACT) của Australia và bang Maharashtra của Ấn Độ sẽ phải cách ly bắt buộc 3 ngày tại các cơ sở do chính phủ chỉ định ngay sau khi nhập cảnh.
Các đối tượng trên chỉ có thể rời các cơ sở cách ly nếu họ có kết quả xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2 vào ngày thứ ba kể từ khi nhập cảnh. Sau khi rời cơ sở cách ly, họ vẫn phải tiếp tục cách ly tại nhà cho đến khi hoàn thành thời gian cách ly bắt buộc kéo dài 14 ngày.
Hiện nay, Chính phủ Nhật Bản yêu cầu những người đến từ 60 quốc gia/vùng lãnh thổ phải cách ly bắt buộc ở các cơ sở do chính phủ chỉ định trong thời gian từ 3 đến 10 ngày. Đây là một trong những biện pháp nhằm ngăn chặn sự xâm nhập của tất cả các loại biến thể SARS-CoV-2, trong đó có có biến thể Delta. Tuy nhiên, do những khó khăn trong việc bố trí cách ly bắt buộc cho tất cả người nhập cảnh, gần đây giới chức Nhật Bản đã quyết định cho phép những người đã tiêm đủ 2 mũi vaccine ngừa COVID-19 và trở về từ những khu vực chưa có ca nhiễm Omicron có thể tự cách ly ở nhà.
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 tại một chợ ở Bangalore, Ấn Độ, ngày 2/12/2021. Ảnh: THX/TTXVN
Thái Lan không áp đặt phong tỏa bất chấp biến thể Omicron
Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Y tế Thái Lan Anutin Charnvirakul ngày 7/12 tuyên bố nước này sẽ không áp đặt phong tỏa bất chấp sự xuất hiện của biến thể Omicron của virus SARS-CoV-2 gây dịch bệnh COVID-19.
Thái Lan trước đó đã ghi nhận ca đầu tiên nhiễm biến thể Omicron là một người Mỹ nhập cảnh ngày 30/11 từ Tây Ban Nha, trở thành nước thứ 47 phát hiện biến thể mới này.
Ông Anutin cho biết Cục Y khoa Thái Lan đang tiến hành xét nghiệm chặt chẽ hơn đối với mẫu bệnh phẩm của ca nhiễm trên để đảm bảo đó thực sự là biến thể Omicron. Kết quả sẽ có sau 3-4 ngày. Ông khẳng định các biện pháp phòng dịch của Thái Lan hiện nay vẫn hiệu quả vì tất cả hành khách nhập cảnh nước này đều phải xuất trình kết quả xét nghiệm RT-PCR âm tính cùng giấy chứng nhận tiêm chủng và đêm đầu tiên phải ở trong khu cách ly để chờ kết quả xét nghiệm RT-PCR lần nữa.
Người dân xếp hàng chờ tiêm vaccine phòng COVID-19 tại Bangkok, Thái Lan, ngày 1/12/2021. Ảnh: THX/ TTXVN
Theo ông Anutin, cách duy nhất để ngăn chặn sự lây lan của biến thể Omicron là duy trì các biện pháp phòng ngừa tốt và tiêm phòng COVID-19 đầy đủ. Ông nêu rõ Thái Lan vừa mới mở cửa trở lại và nhiều doanh nghiệp bắt đầu phục hồi. Nhà chức trách muốn người dân trở lại nhịp sống bình thường, đặc biệt khi lễ hội Năm mới đang đến gần.
Trước đó, ngày 6/12, người phát ngôn Chính phủ Thái Lan Thanakorn Wangboonkongchana cho biết Thủ tướng Prayut Chan-o-cha kêu gọi người dân không hoảng loạn trước thông tin nước này phát hiện ca đầu tiên nhiễm biến thể Omicron và nhanh chóng đi tiêm phòng. Cũng theo quan chức này, Chính phủ Thái Lan chưa xem xét việc tăng cường các biện pháp hạn chế.
Nhân viên y tế tiêm vaccine phòng COVID-19 cho người dân tại Bangkok, Thái Lan, ngày 1/12/2021. Ảnh: THX/ TTXVN
Indonesia hủy kế hoạch áp dụng lệnh hạn chế cấp độ 3 trên toàn quốc
Chính phủ Indonesia đã quyết định hủy bỏ kế hoạch triển khai Lệnh hạn chế các hoạt động cộng đồng (PPKM) cấp độ 3 trên toàn quốc.
Ngày 7/12, Bộ trưởng Điều phối hàng hải và đầu tư kiêm Phó Chủ tịch Ủy ban xử lý COVID-19 Indonesia Luhut Binsar Pandjaitan cho biết công tác ứng phó với đại dịch COVID-19 đã có những cải thiện đáng kể và hiện dịch bệnh đang được kiểm soát. Theo đó, số ca mắc mới trung bình hằng ngày duy trì ở mức dưới 400 ca; tỷ lệ tiêm chủng mũi vaccine thứ nhất cho người dân trên đảo Java-Bali đã đạt 76% so với chỉ tiêu và 56% đối với mũi vaccine thứ hai. Bên cạnh đó, việc tiêm chủng cho người cao tuổi cũng được đẩy mạnh.
Nhân viên y tế tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho người dân tại Surabaya, Indonesia, ngày 23/9/2021. Ảnh: AFP/TTXVN
Với những dấu hiệu tích cực như vậy, Bộ trưởng Luhut cho rằng chính sách PPKM trong dịp Giáng sinh và Năm mới sẽ được thực hiện cân bằng hơn. Chính phủ sẽ xem xét áp dụng cấp độ PPKM đối với từng khu vực tùy thuộc tình hình dịch bệnh. Cùng với các biện pháp tăng cường phòng chống dịch như 3T (xét nghiệm, truy vết và điều trị) và chương trình tiêm chủng quốc gia, Bộ trưởng Luhu khẳng định Indonesia đã sẵn sàng hơn để đối phó với những nguy cơ từ dịch bệnh, nhất là trong thời điểm cuối năm.
Tổng thống Nam Phi kêu gọi toàn cầu đẩy nhanh sản xuất vaccine ngừa COVID-19
Ngày 24/5, Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa đã kêu gọi cần tăng cường khẩn cấp việc sản xuất vaccine ngừa COVID-19 để tất cả quốc gia trên thế giới đều có thể đảm bảo thực hiện tiêm chủng cho người dân.
Nhân viên y tế tiêm vaccine phòng COVID-19 cho người dân tại Johannesburg, Nam Phi, ngày 17/5/2021. Ảnh: THX/TTXVN
Theo phóng viên TTXVN tại Pretoria, trong bài phát biểu tại kỳ họp diễn ra theo hình thức trực tuyến của Đại hội đồng y tế thế giới (WHA) lần thứ 74, Tổng thống Ramaphosa khẳng định việc tăng cường sản xuất vaccine cần được tiến hành ngay lập tức, kể cả ở các nước có thu nhập thấp và thu nhập trung bình, nếu thế giới muốn chấm dứt đại dịch này.
Ông cũng nhấn mạnh bên cạnh đó, tất cả các quốc gia cần hưởng ứng lời kêu gọi từ bỏ hạn chế quyền sở hữu trí tuệ như một cơ chế thúc đẩy tiếp cận vaccine bình đẳng và nhanh chóng. Theo ông Ramaphosa, việc miễn trừ này đồng nghĩa với việc các nước nghèo có hội tiếp cận vaccine với giá rẻ hơn. Đề cập đến sự chênh lệnh trong việc cung cấp vaccine, Tổng thống Nam Phi nêu rõ người dân ở các quốc gia giàu có đã tiêm vaccine trong khi hàng tỷ người ở các quốc gia nghèo đói vẫn đang phải chờ đợi và buộc phải chấp nhận tình cảnh dễ bị lây nhiễm, thậm chí có nguy cơ tử vong.
Theo ông Ramaphosa, các quốc gia cần chung tay khắc phục tình trạng này. Ông cũng đề xuất thành lập một cơ quan chuyên trách lập kế hoạch ứng phó với đại dịch tiếp theo.
Lời kêu gọi được đưa ra hưởng ứng kỳ họp trực tuyến năm nay của WHA từ ngày 24/5 đến 1/6 với chủ đề "Chấm dứt đại dịch và ngăn chặn đại dịch trong tương lai: Cùng nhau xây dựng một thế giới khỏe mạnh, an toàn và công bằng hơn". Nam Phi và Ấn Độ, với sự ủng hộ của khoảng 100 quốc gia khác, đã kêu gọi việc miễn trừ Hiệp định về các khía cạnh liên quan đến thương mại của quyền sở hữu trí tuệ (TRIPS) đối với vaccine ngừa COVID-19 từ tháng 10 năm ngoái.
Singapore ghi nhận thêm 2 ca nhiễm biến thể Omicron Bộ Y tế Singapore cho biết nước này ghi nhận thêm hai ca nhiễm Omicron khi quá cảnh ở sân bay Changi trước khi tiếp tục di chuyển đến Úc và Malaysia. Ngày 3-12, Bộ Y tế Singapore cho biết nước này ghi nhận thêm hai trường hợp nhiễm biến thể Omicron khi quá cảnh ở sân bay Changi trước khi tiếp tục...