COVID-19 tới 6h sáng 30/1: Thế giới thêm 7.200 ca tử vong; Nga lần đầu vượt 100.000 ca mắc mới
Theo trang mạng worldometer.info, trong vòng 24 giờ qua, thế giới ghi nhận trên 2,5 triệu ca mắc COVID-19 và trên 7.200 ca tử vong.
Tổng số ca mắc từ đầu dịch tới nay đã vượt 372,7 triệu ca, trong đó trên 5,67 triệu ca tử vong.
Người dân đeo khẩu trang phòng dịch COVID-19 tại Paris, Pháp, ngày 5/1/2022. Ảnh: THX/TTXVN
Ba quốc gia có số ca mắc trong 24 giờ qua cao nhất thế giới là Pháp (332.398 ca), Ấn Độ (229.576 ca) và Brazil (174.461 ca).
Ba quốc gia có số ca tử vong trong 24 giờ qua cao nhất thế giới là Mỹ (1.070 ca), Ấn Độ (892 ca) và Nga (668 ca).
Ngoài ra, còn 4 quốc gia nữa ghi nhận trêm 100.000 ca mắc COVID-19 mới trong 24 giờ qua: Mỹ, Nga, Italy, Đức. Trong đó, Nga lần đầu vượt mốc 100.000 ca mắc mới/ngày.
Tính từ đầu đại dịch, Mỹ có số ca mắc COVID-19 cao nhất thế giới với trên 75,4 triệu ca, trong đó trên 906.000 ca tử vong.
Số ca mắc mới COVID-19 trong ngày tại Nga lần đầu vượt 100.000 ca
Điều trị cho bệnh nhân nhiễm COVID-19 tại bệnh viện ở Saint Petersburg, Nga. Ảnh: AFP/TTXVN
Lực lượng đặc nhiệm về COVID-19 của Nga thông báo số ca mắc mới COVID-19 hàng ngày của nước này vào ngày 29/1 là 113.112 ca, lần đầu vượt mốc 100.000 ca kể từ khi đại dịch bùng phát.
Đây là mức cao kỷ lục trong ngày thứ 9 liên tiếp với việc các nhà chức trách lý giải nguyên nhân là do biến thể Omicron của virus SARS-CoV-2 có khả năng lây nhiễm nhanh. Bên cạnh đó, 668 ca tử vong đã được thông báo trong 24 giờ qua, sau khi Nga thông báo tổng số người tử vong do dịch COVID-19 tại nước này đã vượt 700.000 ca vào ngày 28/1.
Số ca mới ở Ukraine lên mức kỷ lục
Bộ Y tế Ukraine ngày 29/1 cho biết số ca mới trong ngày ở nước này cũng lên mức kỷ lục với 37.351 ca trong 24 giờ qua. Mức cao nhất trước đó được ghi nhận 1 ngày trước với 34.408 ca. Ngoài ra, Ukraine có thêm 149 ca tử vong, nâng tổng số ca tử vong vì COVID-19 vượt mốc 100.000 ca.
Tính từ đầu dịch, Ukraine có khoảng 4,02 triệu ca mắc và 100.031 ca tử vong.
Bỉ phát hiện ca đầu tiên mắc dòng BA.3 của biến thể Omicron
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 tại Antwerp, Bỉ. Ảnh: AFP/TTXVN
Phòng thí nghiệm của bệnh viện Jessa ở thành phố Hasselt, thuộc vùng Flanders nói tiếng Hà Lan của Bỉ, đã phát hiện trường hợp đầu tiên nhiễm dòng BA.3 của biến thể Omicron trên lãnh thổ nước này.
Cụ thể, phòng thí nghiệm trên đã phát hiện 1 ca nhiễm đòng BA.3 và 9 ca nhiễm dòng BA.2. Hiện Bỉ chưa có thêm các dữ liệu về dòng BA.3 này song theo dữ liệu ở Đan Mạch, BA.3 có nguy cơ nhập viện đương tương BA.1 nhưng chiếm ưu thế hơn và khó phát hiện hơn khi sử dụng các xét nghiệm PCR. Trong giai đoạn này, việc thiếu dữ liệu cũng khiến các nhà khoa học khó đoạn định về sự phát triển của BA.3.
Trong khi đó, Văn phòng Bộ trưởng Y tế liên bang Bỉ cho biết đã đặt hàng hơn 3,8 triệu liều vaccine Pfizer đặc hiệu với biến thể Omicron, vốn đã được Pfizer-BioNTech bắt đầu thử nghiệm trong tuần này. Hiện liên minh sản xuất vaccine Pfizer-BioNTech đang đánh giá xem liệu công thức vaccine của họ có mang lại hiệu quả chống biến thể Omicron không chỉ khi được tiêm nhắc mà còn ở cả những người mới tiêm lần đầu. Kỹ thuật RNA thông tin có thể giúp cập nhật vaccine một cách tương đối dễ dàng để theo dõi những đột biến đặc trưng trong các biến thể mới.
Hồi đầu tháng này, Giám đốc Pfizer Albert Bourla cho biết có thể sẽ yêu cầu cấp phép cho loại vaccine mới đặc hữu với biến thể Omicron sớm nhất vào tháng 3 tới.
Bộ Y tế Israel nhận định làn sóng Omicron tại nước này đã chạm đỉnh
Điều trị cho bệnh nhân nhiễm COVID-19 tại bệnh viện ở Haifa, Israel. Ảnh: AFP/TTXVN
Bộ Y tế Israel dự đoán làn sóng COVID-19 do biến thể Omicron gây ra tại nước này đã chạm đỉnh và bắt đầu đi xuống. Tuy nhiên, trong 2-3 tuần tới tình hình dịch bệnh sẽ vẫn tiếp tục khó khăn.
Tờ Haaretz dẫn lời Bộ trưởng Y tế Israel Nitzan Horowitz cảnh báo: “Sẽ có thêm những tuần lễ khó khăn do các ca nhập viện tăng lên. Dịch bệnh chưa chấm dứt và có thể còn có thêm các biến thể mới. Số bệnh nhân nặng được dự báo sẽ tiếp tục tăng lên do số liệu về điều trị chậm hơn so với số liệu bệnh nhân mắc COVID-19″. Tính đến ngày 28/1, Israel có tổng cộng 485.237 bệnh nhân đang phải điều trị, trong đó 2.418 bệnh nhân nhập viện. Tỷ lệ giường bệnh được sử dụng trên cả nước là 59,4%.
Trong ngày 27/1 số ca mắc mới tại Israel giảm xuống còn 57.539 ca, so với mức trung bình 85.000 ca trong tuần. Hệ số lây nhiễm cũng giảm nhẹ xuống còn 1.05 và các chuyên gia cho rằng trong tuần tới sẽ giảm còn dưới 1.0 – mức thoái trào của dịch bệnh.
Video đang HOT
Giáo sư Eran Segal, một chuyên gia về vi sinh vật thuộc Viện khoa học Weizmann, cho biết lần đầu tiên trong tuần qua số ca mắc mới đã giảm xuống, cho thấy Israel “đang tiến dần đến điểm cuối của làn sóng dịch hiện nay”. Tuy nhiên, ông cũng cảnh báo số ca nặng sẽ còn tiếp tục tăng lên.
Trong tuần qua tại Israel đã có thêm 503.000 bệnh nhân COVID-19 mới được ghi nhận. Các chuyên gia cho rằng số bệnh nhân trong thực tế còn cao hơn vài lần do nhiều người tự xét nghiệm và điều trị tại nhà. Một số quan chức Bộ Y tế dự đoán tổng cộng đã có khoảng 3 triệu người dân Israel bị nhiễm biến thể Omicron trong làn sóng dịch hiện nay. Trung tâm Thông tin COVID-19 thuộc Bộ Y tế Israel thông báo chỉ riêng trong tháng 1 số bệnh nhân mới tại nước này đã vượt 1,16 triệu ca, cao hơn cả năm 2021 với khoảng 960.000 ca.
Hàn Quốc tiếp tục ghi nhận số ca mắc mới COVID-19 cao kỷ lục
Một điểm xét nghiệm COVID-19 tại Seoul, Hàn Quốc. Ảnh: YONHAP/TTXVN
Biến thể Omicron lây lan nhanh chóng tiếp tục khiến Hàn Quốc chứng kiến số ca mắc COVID-19 tăng mạnh.
Ngày 29/1, Cơ quan Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hàn Quốc (KDCA) cho biết cả nước đã ghi nhận 17.542 ca mắc mới COVID-19, trong đó có 17.349 ca lây nhiễm trong nước, nâng tổng số ca mắc lên 811.122 ca. Đây là ngày thứ 5 liên tiếp Hàn Quốc ghi nhận số ca mắc mới hàng ngày cao kỷ lục, tăng vọt so với mức 8.570 ca được ghi nhận ngày 25/1. Số người tử vong vì dịch COVID-19 tại Hàn Quốc cũng tăng lên 6.712 người sau khi có thêm 34 bệnh nhân không qua khỏi. Tỷ lệ tử vong ở mức 0,83%.
Cơ quan y tế Hàn Quốc dự đoán số ca nhiễm có thể tăng lên tới 100.000 ca/ngày trong vài tuần tới. Để đối phó với làn sóng lây nhiễm biến thể Omicron, Hàn Quốc đã ban hành chiến lược phản ứng dịch COVID-19 sửa đổi. Theo đó, khoảng 250 trạm xét nghiệm được thiết lập tại các trung tâm y tế công cộng và bệnh viện lớn sẽ áp dụng cả xét nghiệm nhanh kháng nguyên và xét nghiệm PCR. Những người trên 60 tuổi hoặc thuộc nhóm nguy cơ cao sẽ được ưu tiên làm xét nghiệm PCR. Bắt đầu từ ngày 27/1, các bệnh viện và phòng khám địa phương cũng sẽ cung cấp các bộ dụng cụ xét nghiệm nhanh. KDCA cho biết việc điều chỉnh chiến lược chống dịch nhằm giảm thiểu các trường hợp nguy kịch và tử vong vì COVID-19, đồng thời ngăn chặn tình trạng hệ thống y tế quá tải.
Thêm 37 ca mắc tại Trung Quốc đại lục
Ngày 29/1, Ủy ban Y tế quốc gia Trung Quốc (NHC) thông báo Trung Quốc đại lục đã ghi nhận 37 ca mắc mới COVID-19 lây nhiễm trong nước trong ngày 28/1.
Một điểm xét nghiệm COVID-19 tại Bắc Kinh, Trung Quốc. Ảnh: THX/TTXVN
Tỉnh Chiết Giang, miền Đông Trung Quốc đã báo cáo 18 ca nhiễm mới, tất cả đều được phát hiện ở thủ phủ Hàng Châu. Các ca nhiễm khác nằm rải rác ở các địa phương trong đó có thủ đô Bắc Kinh và Thiên Tân mỗi nơi 5 ca, Tân Cương (3 ca), Hắc Long Giang (3 ca).
Tính đến ngày 28/1, Trung Quốc có tổng cộng 105.934 ca mắc COVID-19; 2.127 bệnh nhân vẫn đang được điều trị. Kể từ khi dịch bệnh bùng phát, số ca tử vong vì COVID-19 tại nước này là 4.636 ca.
Theo NHC, tình hình dịch bệnh COVID-19 vẫn đang diễn biến phức tạp, gây sức ép cho công tác chống dịch trong dịp cao điểm Tết Nguyên đán. Cơ quan này đã đề nghị các chính quyền địa phương ban hành hướng dẫn cho các trung tâm y tế cơ sở các cấp tăng cường quản lý, báo cáo càng sớm càng tốt các trường hợp nghi ngờ mắc COVID-19 và thực hiện nghiêm các biện pháp ngăn ngừa lây nhiễm trong bệnh viện.
Trong một thông báo ngày 29/1, Ban tổ chức Olympic mùa Đông Bắc Kinh 2022 cho biết số ca mắc mới COVID-19 hàng ngày trong số các vận động viên và quan chức đoàn dự sự kiện thể thao này đã tăng mạnh lên 19 ca ngày 28/1 so với 2 ca một ngày trước đó.
Trung tâm báo chí Olympic mùa Đông Bắc Kinh 2022 tại Bắc Kinh, Trung Quốc, ngày 25/1/2022. Ảnh: THX/TTXVN
Theo thông báo trên, tổng cộng có 36 người liên quan đến Olympic mùa Đông Bắc Kinh 2022 được xác định mắc COVID-19 khi họ nhập cảnh tại sân bay Bắc Kinh và 7 ca trong “vòng tròn khép kín”. Phụ trách y tế của thế vận hội này, Brian McCloskey nhận định: “Đang là cao điểm mọi người dự sự kiện đến Trung Quốc và vì thế, chúng tôi đã lường trước con số nhiễm cao ở giai đoạn này”. Quan chức này cho biết ban tổ chức tự tin hệ thống ngăn chặn COVID-19 sẽ hoạt động hiệu quả và khó có khả năng lây nhiễm lan ra cộng đồng.
Theo thống kê của Reuters, kể từ khi Trung Quốc bắt đầu công bố số ca nhiễm hàng ngày liên quan đến Olympic mùa Đông Bắc Kinh 2022 kể từ ngày 23/1, ngày 28/1 là ngày đầu tiên số ca trong các vận động viên và quan chức đoàn vượt số ca ở những người liên quan khác như truyền thông, các nhà tài trợ, các nhân viên phục vụ thế vận hội.
Cuối ngày 28/1, Ủy ban Olympic Canada xác nhận trong một thông báo rằng 5 thành viên đoàn nước này dự Olympic mùa Đông Bắc Kinh 2022 có kết quả dương tính với virus SARS-CoV-2. Hiện chưa rõ 5 trong số 246 thành viên đoàn Canada này là vận động viên, quan chức hay đội ngũ hỗ trợ.
Theo quy định của Ủy ban Olympic quốc tế, các ca mắc COVID-19 sẽ được cách ly và bị loại khỏi đoàn tham dự.
Số ca mắc mới COVID-19 trong ngày tại Nhật Bản lên mức cao chưa từng có
Người dân đeo khẩu trang phòng dịch COVID-19 tại Tokyo, Nhật Bản ngày 21/1/2021. Ảnh: THX/TTXVN
Ngày 29/1, giới chức y tế Nhật Bản ghi nhận hơn 84.000 ca mắc mới COVID-19. Đây là mức cao nhất trong ngày kể từ khi dịch bùng phát và cũng là ngày thứ 5 liên tiếp lập mốc mới.
Cụ thể, theo thống kê của chính quyền các địa phương, Nhật Bản có thêm 84.936 ca mới, gấp hơn 3 lần so với mức 2 tuần trước. Riêng Tokyo đã có thêm 17.433 ca mới, trong khi tỉnh Osaka ghi nhận thêm 10.383 ca. Số bệnh nhân bị nặng tăng thêm 37 ca so với ngày 28/1 lên 734 ca. Đang có những quan ngại về nguy cơ thiếu hụt giường bệnh, gia tăng sức ép lên hệ thống y tế trong bối cảnh số ca mới mắc COVID-19 liên tục tăng.
Tại hội nghị mới đây do Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản tổ chức tối 26/1, các chuyên gia y tế nhận định dịch COVID-19 sẽ tiếp tục lây lan mạnh trong ngắn hạn, nhất là khi Nhật Bản có các đợt nghỉ lễ dài ngày trong tháng 1, người dân có nhiều hoạt động tập thể, tụ tập vui chơi đông người và di chuyển giữa các địa phương. Cộng với tốc độ lây lan nhanh hơn của biến thể Omicron, làn sóng lây nhiễm COVID-19 lần này liên tiếp ghi nhận kỷ lục về số ca mắc mới.
Bolivia và Chile đẩy nhanh xét nghiệm tại khu vực biên giới chung
Các lái xe tải xếp hàng chờ xét nghiệm COVID-19 trên tuyến đường cao tốc Patacamya-Tambo, biên giới Chile và Bolivia, ngày 23/1/2022. Ảnh: AFP/TTXVN
Chính phủ Bolivia và Chile đã nhất trí đẩy nhanh quá trình xét nghiệm PCR tại khu vực biên giới hai nước, thông qua việc thành lập một phòng thí nghiệm chuyên trách tại thủ đô La Paz của Bolivia.
Viện Y tế quốc gia Bolivia (Inlasa) sẽ cử một nhóm nhân viên y tế tới khu vực biên giới giáp với Chile với nhiệm vụ hỗ trợ công tác lấy mẫu xét nghiệm COVID-19. Những mẫu xét nghiệm này sau đó sẽ được chuyển về một phòng thí nghiệm của Inlasa tại La Paz để xử lý. Kết quả xét nghiệm sẽ được gửi cho phía Chile thông qua Bộ Ngoại giao Bolivia.
Thứ trưởng Ngoại thương Bolivia, Benjamín Blanco, cho biết đây là một biện pháp nhằm giải quyết tình trạng ùn ứ xe tải chở hàng tại biên giới giữa Bolivia và Chile thời gian qua.
Từ cuối tháng 12/2021, Chile đã đưa ra một loạt quy định mới về quy trình xét nghiệm COVID-19 tại khu vực biên giới với các nước láng giềng, khiến các tài xế xe tải chở hàng từ Bolivia gặp khó khăn trong quá trình thông quan.
Chính phủ Bolivia sau đó cũng đã nhiều lần đề xuất hỗ trợ Chile nhân viên và thiết bị y tế nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 tại khu vực biên giới giữa hai nước.
Số ca mắc mới COVID-19 tại Bolivia và Chile đang tiếp tục tăng mạnh. Kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát, đến nay Chile ghi nhận trên 2,1 triệu ca mắc COVID-19 (tăng 29.175 ca trong 24 giờ qua) và 39.653 ca tử vong. Trong khi đó, con số này ở Bolivia lần lượt là 847.180 ca (tăng 5.423 ca) và 20.865 ca.
COVID-19 tới 6h sáng 10/10: Thế giới vượt 238 triệu ca mắc; Ca tử vong mới ở Nga cao kỷ lục
Theo trang mạng worldometer.info, trong vòng 24 giờ qua, thế giới ghi nhận trên 323.000 ca bệnh COVID-19 và trên 5.000 ca tử vong. Tổng số ca bệnh từ đầu dịch tới nay đã vượt 238 triệu ca, trong đó trên 4,86 triệu ca tử vong.
Nhân viên y tế chuyển thi thể bệnh nhân COVID-19 tại một bệnh viện ở New York, Mỹ ngày 6/4/2020. Ảnh: AFP/TTXVN
Ba quốc gia có số ca mắc trong 24 giờ qua cao nhất thế giới là Mỹ (trên 41.000 ca), Anh (34.950 ca) và Nga (29.362 ca).
Ba quốc gia có số ca tử vong trong 24 giờ qua cao nhất thế giới là Nga (968 ca), Mỹ (578 ca) và Mexico (489 ca).
Điều trị cho bệnh nhân nhiễm COVID-19 tại bệnh viện ở Saint Petersburg, Nga. Ảnh: AFP/TTXVN
Với các con số trên, có thể thấy tình hình dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp tại Nga khi số ca mắc và tử vong mới ở nước này đều thuộc hàng cao nhất thế giới trong 24 giờ qua. Đặc biệt, số ca tử vong còn ở mức cao nhất trong một ngày kể từ khi dịch bệnh bùng phát. Cho đến nay, Nga có tổng cộng 7.746.718 ca nhiễm, trong đó có 215.453 người không qua khỏi.
Người phát ngôn Điện Kremlin, ông Dmitry Peskov trong tuần qua cho biết chính quyền Nga đang rất lo ngại trước tỷ lệ tử vong cao vì COVID-19 ở nước này và nguyên nhân chính là do mức độ tiêm chủng chưa đủ. Ông Peskov cũng cho hay Điện Kremlin đã tăng cường các biện pháp nâng cao hiểu biết cho người dân về sự cần thiết của tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19.
Thủ tướng Nhật Bản cam kết tăng cường hệ thống y tế
Người dân đeo khẩu trang phòng dịch COVID-19 tại Tokyo, Nhật Bản, ngày 28/9/2021. Ảnh: Kyodo/TTXVN
Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida ngày 9/10 cam kết sẽ tăng cường hệ thống y tế của nước này thông qua việc chỉ định thêm nhiều bệnh viện công tham gia điều trị bệnh nhân mắc COVID-19.
Phát biểu với báo giới sau khi lần đầu tiên đến thăm một bệnh viện điều trị bệnh nhân COVID-19 kể từ khi nhậm chức ngày 4/10, Thủ tướng Kishida nêu rõ Chính phủ Nhật Bản cần chuẩn bị cho "tình huống xấu nhất". Bên cạnh đó, ông cũng đề cập tới cuộc sống của người lao động, trong đó có các nhân viên y tế. Theo Thủ tướng Kishida, cần tạo ra môi trường để người lao động cảm thấy yên tâm và chính phủ cần cải thiện thu nhập của người lao động.
Cùng ngày, Chính phủ Nhật Bản cho biết số ca nhiễm mới COVID-19 tại thủ đô Tokyo của nước này đã giảm xuống còn 82 ca - mức thấp nhất kể từ ngày 19/10/2020. Hiện số ca nhiễm mới tại Nhật Bản cũng có xu hướng giảm, sau khi ghi nhận mức cao kỷ lục vào cuối tháng 8 vừa qua. Tuy nhiên, giới chuyên gia vẫn quan ngại nguy cơ xảy ra làn sóng dịch mới.
Trong đợt bùng phát thứ 5 dịch COVID-19 vào mùa Hè, các bệnh viện tại nước này đã rơi vào tình trạng quá tải, nhiều bệnh nhân bị trả về điều trị tại nhà. Trong chiến dịch tranh cử Chủ tịch đảng Dân chủ Tự do (LDP) ngày 29/9, ông Kishida cam kết sẽ đưa số bệnh nhân mắc COVID-19 không được điều trị y tế xuống còn 0.
Gần 60% dân số Hàn Quốc đã được tiêm đủ hai mũi vaccine
Người dân xếp hàng chờ xét nghiệm COVID-19 tại Seoul, Hàn Quốc, ngày 4/10/2021. Ảnh: Yonhap/TTXVN
Số người được tiêm chủng đầy đủ ở Hàn Quốc đã vượt mốc 30 triệu người khi quốc gia này tăng tốc độ tiêm chủng và từng bước thúc đẩy chương trình "sống chung với COVID-19".
Số liệu của Cơ quan Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hàn Quốc (KDCA) cho biết khoảng 30,3 triệu người, tương đương 59,1% tổng dân số, đã được tiêm chủng đầy đủ kể từ khi nước này triển khai chương trình tiêm chủng từ tháng 2 vừa qua. Theo KDCA, riêng trong ngày 8/10 đã có gần 1,1 triệu người được tiêm mũi thứ hai và đây là con số cao kỷ lục tính theo ngày.
Số liệu công bố ngày 9/10 cũng cho thấy tỷ lệ người Hàn Quốc từ 18 tuổi trở lên được tiêm phòng đầy đủ là 68,7%. Trong khi đó, số người đã được tiêm mũi vaccine đầu tiên lên tới 39,9 triệu người, chiếm 77,7% tổng dân số.
Hàn Quốc hiện có kế hoạch hoàn thành việc tiêm chủng cho 70% dân số vào cuối tháng này và dần dần triển khai chương trình "sống chung với COVID-19" vào đầu tháng 11 tới.
Mỹ chấp nhận "hộ chiếu vaccine" được FDA và WHO phê duyệt
Một người Israel giới thiệu thẻ quốc tế và giấy Chứng nhận tiêm vaccine ngừa COVID-19 tại trung tâm y tế Sheba ở Ramat Gan, gần Tel Aviv, ngày 14/1/2021. Ảnh: AFP/TTXVN
Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Mỹ thông báo nước này sẽ mở cửa với các du khách quốc tế có giấy chứng nhận tiêm các loại vaccine ngừa COVID-19 đã được các cơ quan quản lý của Mỹ hoặc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cấp phép.
Trong một thông báo, người phát ngôn của CDC Mỹ cho biết những người sử dụng một trong "6 loại vaccine được Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) cấp phép/phê duyệt hoặc được WHO liệt kê để sử dụng khẩn cấp sẽ đáp ứng các tiêu chí để đến Mỹ ".
Phản ứng trước thông báo mới nhất, Airlines for America - hiệp hội thương mại gồm các hãng hàng không American Airlines Co, Delta Air Lines, United Airlines và nhiều hãng khác - bày tỏ "hài lòng" và mong chờ thực hiện quy định mới về vaccine và xét nghiệm toàn cầu từ đầu tháng 11/2021.
Trước đó, ngày 20/9, Nhà Trắng đã thông báo từ tháng 11 tới sẽ dỡ bỏ hạn chế đi lại bằng đường hàng không tới 33 quốc gia, áp dụng với những người đã tiêm phòng vaccine đầy đủ. Tuy nhiên, thông báo khi đó không nói rõ loại vaccine nào sẽ được chấp nhận. Trong số các nước này có Trung Quốc, Ấn Độ, Brazil, Iran và phần lớn các nước châu Âu có tỷ lệ bao phủ vaccine cao.
Thời gian tới, CDC Mỹ sẽ phải quyết định và công bố các quy định mới về truy vết tiếp xúc đối với du khách quốc tế. Văn bản về việc này đã được gửi tới Nhà Trắng ngày 15/9 để đánh giá. Cơ quan trên cũng sẽ phải đưa ra các quy định chi tiết về các trường hợp ngoại lệ, trong đó có trẻ em chưa đến tuổi được tiêm vaccine hoặc du khách từ các nước chưa có đủ vaccine để tiêm cho người dân. Chính quyền cũng sẽ phải quyết định có cho phép nhập cảnh hay không với những người tham gia các thử nghiệm lâm sàng vaccine phòng COVID-19, những người mới mắc bệnh nhưng đã khỏi bệnh cũng như những người không đủ điều kiện y tế để được tiêm phòng.
Thủ tướng Singapore cho rằng cần 3-6 tháng để "bình thường mới"
Hành khách tại sân bay quốc tế Changi, Singapore, ngày 8/9/2021. Ảnh: THX/TTXVN
Ngày 9/10, Thủ tướng Lý Hiển Long đã có bài phát biểu trấn an người dân nước này trong bối cảnh số ca nhiễm mới COVID-19 tăng cao, đồng thời cho biết Singapore kiên định chiến lược sống chung với dịch bệnh và điều chỉnh cách tiếp cận cho phù hợp với sự biến chuyển của tình hình.
Thủ tướng Lý Hiển Long cho rằng chiến lược "Zero-Covid" mà Singapore áp dụng trong năm 2020 là phù hợp, song sự xuất hiện của biến thể Delta đã buộc Singapore phải điều chỉnh và xác định sống chung với COVID-19 khi tỷ lệ bao phủ vaccine đạt 80% trong tháng 8/2021. Tuy nhiên, sống chung với COVID-19 không phải là hành trình dễ dàng và suôn sẻ. Số ca nhiễm mới đã gia tăng mạnh trong những ngày qua (trên 3.000 ca/ngày). Ông Lý Hiển Long cho rằng Singapore phải mất từ 3 tới 6 tháng mới có thể có được "bình thường mới". Singapore cần tiếp tục kiên định chiến lược sống chung với COVID-19 và điều chỉnh cách tiếp cận cho phù hợp.
Trước hết, người dân Singapore cần phải "cập nhật" tư duy, theo đó không coi thường dịch bệnh COVID-19, nhưng cũng không nên hoảng sợ. Nhóm rủi ro cao nhất là những người cao tuổi, từ 60 tuổi trở lên nếu chưa tiêm chủng, và với những người trên 80 tuổi kể cả đã tiêm chủng. Vì thế, người cao tuổi nên sớm đi tiêm vaccine hoặc tiêm mũi bổ sung khi được thông báo.
Trẻ em dưới 12 tuổi cũng là nhóm rủi ro, nhưng không đáng quan ngại bởi thực tế vừa qua cho thấy nhóm này hầu như không bị triệu chứng nặng khi nhiễm COVID-19. Singapore đang theo dõi sát tiến triển về thử nghiệm vaccine cho trẻ dưới 12 tuổi tại Mỹ và dự kiến sẽ triển khai tiêm chủng vào đầu năm 2022.
Thứ hai, Singapore xác định "hồi phục tại nhà" sẽ là mặc định đối với các ca nhiễm mới đã tiêm đủ vaccine nhằm giảm áp lực cho hệ thống y tế. Số liệu theo dõi cho thấy trên 98% số ca nhiễm mới đã tiêm đủ 2 mũi vaccine không có triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ. Những người không đủ điều kiện cách ly tại nhà hoặc chuyển nặng sẽ được đưa tới các cơ sở cách ly hoặc bệnh viện.
Thứ ba, Singapore sẽ đơn giản hóa các quy trình y tế để người dân nắm được họ cần phải làm gì họ xét nghiệm dương tính với COVID-19, hay tiếp xúc gần với những người nhiễm COVID-19, và các thành viên gia đình phải làm gì.
Cũng theo Thủ tướng Lý Hiển Long, Singapore xác định cuộc chiến với COVID-19 sẽ còn tiếp tục, số ca nhiễm mới sẽ gia tăng trong những tuần tới, tháng tới, có thể lên tới 5.000 ca/ngày. Tuy nhiên, Singapore hiện ở vị thế tốt hơn nhiều so với trước đây, và sẽ tiếp tục kiên định con đường hướng tới "bình thường mới" sau đại dịch.
Campuchia hy vọng mở cửa nền kinh tế trở lại
Tiêm vaccine COVID-19 tại Phnom Penh, Campuchia, ngày 17/9/2021. Ảnh: THX/TTXVN
Campuchia ghi nhận 9 ngày liên tục đầu tháng 10/2021 có số ca mắc COVID-19 ở mức thấp, chỉ quanh ngưỡng 200 ca/ngày và điều này thắp lên hy vọng về khả năng mở cửa trở lại hoàn toàn nền kinh tế và xã hội trong thời gian sớm nhất có thể.
Trong thông báo ngày 9/10, Bộ Y tế Campuchia xác nhận có thêm 23 người tử vong và 220 ca mắc COVID-19 trong 24 giờ qua, bao gồm 17 ca nhập cảnh và 203 ca lây nhiễm cộng đồng. Như vậy tính đến ngày 9/10, Campuchia phát hiện tổng cộng 114.571 ca mắc COVID-19, trong đó có 107.376 người đã khỏi bệnh và 2.482 người tử vong.
Trước đó, tại cuộc họp Hội đồng Bộ trưởng Campuchia ngày 8/10, Thủ tướng Campuchia Samdech Techo Hun cho hay trong vòng 10-15 ngày tới, nếu Campuchia kiểm soát được số ca nhiễm mới và tử vong vì COVID-19 ở mức như hiện nay, đó là lúc mở cửa nền kinh tế và xã hội ở tất cả các lĩnh vực. Tuy nhiên, cuộc sống bình thường mới có nghĩa là vẫn phải tuân thủ các biện pháp phòng dịch.
Trong diễn biến liên quan, chính quyền thủ đô Phnom Penh ngày 9/10 đã ra thông báo chi tiết về chiến dịch tiêm mũi tăng cường thứ ba cho người dân bắt đầu từ ngày 11/10 tới. Theo đó, người dân sẽ được tiêm mũi tăng cường miễn phí bằng vaccine của hãng Sinovac (Trung Quốc) và phải sau mũi thứ hai ít nhất 4 tháng.
Lào tiếp tục cải thiện trung tâm cách ly và cơ sở điều trị bệnh nhân COVID-19
Nhân viên y tế phun thuốc khử trùng nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19 tại Viêng Chăn, Lào, ngày 30/9/2021. Ảnh: THX/TTXVN
Ngày 9/10, Bộ Y tế Lào cho biết trong 24 giờ qua, nước này ghi nhận 425 ca mắc mới COVID-19 và 2 trường hợp tử vong. Như vậy, đến nay, tổng số ca nhiễm COVID-19 tại Lào là 28.032 ca, trong đó có 26 người tử vong.
Trong số các ca mắc mới có tới 419 ca cộng đồng, còn lại là các ca nhập cảnh được cách ly ngay. Thủ đô Viêng Chăn tiếp tục đứng đầu cả nước về số ca cộng đồng khi ghi nhận 273 trường hợp trong một ngày. Hiện trên địa bàn thủ đô có 172 bản tại 7 quận được quy định là vùng đỏ. Đáng chú ý, các ca nhiễm mới tại thủ đô thuộc nhiều nhóm đối tượng gồm: phạm nhân trong trại giam, công nhân nhà máy may, thương nhân, cán bộ công an, quân đội, học sinh và sinh viên.
Trước tình hình trên, Chính phủ Lào giao chính quyền thủ đô Viêng Chăn và các tỉnh trên cả nước phối hợp với các thành phần có liên quan tiếp tục cải thiện trung tâm cách ly và cơ sở điều trị, đồng thời phối hợp với các thành phần liên quan cấp trung ương và địa phương trong việc vận động chuyên gia xét nghiệm, y, bác sĩ và cán bộ chức năng hỗ trợ ứng phó với sự lây lan của dịch bệnh tại địa phương theo điều kiện thực tế.
COVID-19 tới 6h sáng 8/10: Mỹ đứng đầu về ca mắc mới; Hai nước dừng tiêm vaccine Moderna cho thanh niên Theo trang mạng worldometer.info, trong vòng 24 giờ qua, thế giới ghi nhận trên 420.000 ca bệnh COVID-19 và trên 7.300 ca tử vong. Tổng số ca bệnh từ đầu dịch tới nay đã là trên 237,4 triệu ca, trong đó trên 4,84 triệu ca tử vong. Điều trị cho bệnh nhân nhiễm COVID-19 tại bệnh viện ở Saint Petersburg, Nga. Ảnh: AFP/TTXVN...