COVID-19 tới 6h sáng 24/2: Ca mắc mới ở Hàn Quốc cao thứ 2 thế giới, ở Hong Kong cao kỷ lục
Theo trang mạng worldometer.info, trong vòng 24 giờ qua, thế giới ghi nhận trên 1,7 triệu ca mắc COVID-19 và trên 9.300 ca tử vong.
Tổng số ca mắc từ đầu dịch tới nay đã vượt 429,6 triệu ca, trong đó trên 5,93 triệu ca tử vong.
Người dân chờ xét nghiệm COVID-19 tại Berlin, Đức, ngày 18/2/2022. Ảnh: THX/TTXVN
Ba quốc gia có số ca mắc trong 24 giờ qua cao nhất thế giới là Đức (219.859 ca), Hàn Quốc (171.452 ca) và Nga (137.642 ca).
Ba quốc gia có số ca tử vong trong 24 giờ qua cao nhất thế giới là Mỹ (1.594 ca), Brazil (885 ca) và Nga (785 ca).
Tính từ đầu đại dịch, Mỹ là quốc gia có tổng số ca mắc nhiều nhất thế giới với trên 80 triệu ca mắc COVID-19 và trên 964.000 ca tử vong. Tiếp đó là Ấn Độ với trên 42,8 triệu ca mắc và trên 512.000 ca tử vong. Đứng thứ ba là Brazil với trên 28,4 triệu ca mắc và trên 646.000 ca tử vong.
Tổng thống Hàn Quốc kêu gọi người dân tiêm liều tăng cường
Người dân xếp hàng chờ xét nghiệm COVID-19 tại Seoul, Hàn Quốc, ngày 22/2/2022. Ảnh: Yonhap/TTXVN
Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in ngày 23/2 kêu gọi người dân tiêm vaccine liều tăng cường trong bối cảnh nước này đang vật lộn với làn sóng COVID-19 tồi tệ nhất do biến thể Omicron. Ông Moon khẳng định 3 liểu vaccine giảm đáng kể nguy cơ tử vong do biến thể Omicron.
Số ca mới tăng lên mức cao mới 170.000 ngày 23/2, gần gấp đôi so với 1 tuần trước đó, trong bối cảnh biến thể này đang hoành hành trên cả nước. Cụ thể, Hàn Quốc ngày 23/2 ghi nhận 171.452 ca mới trong đó 171.271 ca là lây nhiễm cộng đồng, đưa tổng số ca mắc lên 2.329.182 ca. Mức này đánh dấu một sự gia tăng mạnh so với 99.573 ca của ngày trước đó và cao hơn nhiều mức kỷ lục 104.814 ca ngày 20/2. Giới chức y tế cho biết làn sóng Omicron có thể đạt đỉnh vào đầu tháng 3 với số ca mắc mỗi ngày lên tới 270.000 ca.
Trong bối cảnh làn sóng Omicron bùng phát mạnh, Hàn Quốc chấp thuận hệ thống điều trị tại nhà tăng cường để tập trung hơn vào các ca bệnh nặng và những người dễ bị tổn thương. Cơ quan an toàn dược phẩm Hàn Quốc ngày 23/2 cũng phê chuẩn cho phép sử dụng vaccine Pfizer cho trẻ em từ 5-11 tuổi sau nhiều tháng cân nhắc. Hàn Quốc đang chứng kiến số ca lây nhiễm gia tăng trong giới trẻ với tì lệ bệnh nhân từ 18 tuổi trở xuống tăng lên 27,6% tuần trước.
Tính đến ngày 23/2, khoảng 30,74 triệu người, tức 59,9% trong tổng số 52 triệu dân Hàn Quốc đã tiêm liều tăng cường. Số người tiêm đủ liều vaccine là 44,32 triệu người, chiếm 86,4%.
Hong Kong (Trung Quốc) ghi nhận số ca mới cao chưa từng có
Người dân xếp hàng chờ xét nghiệm COVID-19 tại Hong Kong, Trung Quốc, ngày 22/2/2022. Ảnh: THX/TTXVN
Cùng ngày, đặc khu hành chính Hong Kong (Trung Quốc) ghi nhận kỷ lục 8.674 ca mắc mới COVID-19, trong bối cảnh thành phố đang chuẩn bị tiến hành xét nghiệm bắt buộc đối với người dân.
Cơ quan y tế Hong Kong thông báo ghi nhận thêm 24 ca tử vong vì COVID-19, giảm so với con số 32 ca ghi nhận trước đó 1 ngày. Với biện pháp xét nghiệm, điều trị và cách ly của thành phố đã được tăng cường tối đa, các nhà nghiên cứu Đại học Hong Kong dự đoán các ca nhiễm mới có thể đạt đỉnh 180.000 ca/ngày vào tháng tới.
Trưởng đặc khu hành chính Hong Kong, bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga, ngày 22/2 cho biết các trường học sẽ nghỉ Hè sớm và tiếp tục bước vào năm học mới vào tháng 8. Các quán bar, phòng tập thể dục và các cơ sở kinh doanh khác đã đóng cửa, các trung tâm mua sắm cũng trở nên vắng vẻ trong khi nhiều người dân phải làm việc tại nhà. Bắt đầu từ tháng 3, chính quyền Hong Kong sẽ sử dụng một số khuôn viên trường học làm cơ sở xét nghiệm và cách ly bắt buộc để phòng dịch. Bà Lâm cho biết cơ quan chức năng có thể triển khai xét nghiệm với khoảng 1 triệu người/ngày trong tổng số dân 7,4 triệu người. Kể từ năm 2020, Hong Kong đã ghi nhận hơn 70.000 ca mắc COVID-19, trong đó có 350 ca tử vong.
Dịch COVID-19 ở Nhật Bản có dấu hiệu lắng dịu
Video đang HOT
Người dân đeo khẩu trang phòng dịch COVID-19 tại Nagoya, Nhật Bản ngày 3/2/2022. Ảnh: Kyodo/TTXVN
Trong những ngày gần đây, dịch COVID-19 ở Nhật Bản có dấu hiệu lắng dịu sau khi ghi nhận con số kỷ lục 104.345 ca mắc mới hôm 3/2. Tuy nhiên, số ca tử vong vì dịch COVID-19 ở nước này vẫn tăng cao kỷ lục.
Các số liệu thống kê của Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản (MHLW) cho thấy ngày 22/2 nước này ghi nhận 69.525 ca mắc mới COVID-19, giảm hơn 14.600 ca so với một tuần trước đó, trong đó riêng Tokyo có 11.443 ca và Osaka có 10.939 ca.
Tuy nhiên, số ca tử vong trong ngày tăng cao kỷ lục lên 319 ca. Đây là lần đầu tiên số ca tử vong vì COVID-19 ở Nhật Bản vượt ngưỡng 300 ca/ngày kể từ khi đại dịch bùng phát. Bên cạnh đó, số bệnh nhân COVID-19 nặng cũng tăng thêm 9 người lên 1.504 ca trên toàn quốc, trong bối cảnh xuất hiện nhiều cụm lây nhiễm ở các cơ sở phúc lợi dành cho người cao tuổi.
Số ca mắc mới tại Singapore tăng mạnh
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại Singapore. Ảnh: AFP/TTXVN
Số ca mắc mới COVID-19 tại Singapore tăng mạnh. Theo thông báo của Bộ Y tế Singapore, ngày 23/2 nước này ghi nhận 20.312 ca mắc mới và có thể vài tuần nữa làn sóng dịch hiện nay sẽ đạt đỉnh và sau đó thuyên giảm.
Số bệnh nhân cần thở máy và chăm sóc tích cực tại Singapore không tăng cao, song nhu cầu giường bệnh gia tăng, phần lớn là những bệnh nhân có bệnh lý nền cần điều trị. Bộ Y tế Singapore khuyến cáo những ca mắc không triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ nên tự điều trị tại nhà nhằm giảm áp lực cho hệ thống y tế.
Thống kê cho thấy, trong số gần 294.000 ca mắc mới tại Singapore trong vòng 28 ngày qua, 99% là các ca không có triệu chứng hoặc ca nhẹ. Ước tính 91% trong tổng số 5,5 triệu dân Singapore đã tiêm đủ liều vaacicne, 66% đã tiêm mũi tăng cường.
Lào ghi nhận ca nhiễm biến thể Omicron đầu tiên trong cộng đồng
Người dân đeo khẩu trang phòng dịch COVID-19 tại hội chợ ẩm thực ở Viêng Chăn, Lào, ngày 26/1/2022. Ảnh: THX/TTXVN
Ngày 23/2, ban chuyên trách quốc gia về phòng chống và kiểm soát COVID-19 của Lào thông báo nước này đã ghi nhận tổng cộng 27 ca nhiễm biến thể Omicron của virus SARS-CoV-2, trong đó có 1 ca lây nhiễm đầu tiên trong cộng đồng và 26 ca nhập cảnh.
Phát biểu với phóng viên, quan chức Bộ Y tế Lào Sisavath Soutthaniraxay cho biết, ngoài 26 ca nhiễm biến thể Omicron nhập cảnh, trường hợp lây nhiễm đầu tiên trong cộng đồng được xác định ở tỉnh Bolikhamxay, là một nữ bệnh nhân 60 tuổi. Hiện lực lượng chức năng đang tiến hành công tác truy vết đối với những người tiếp xúc gần.
Về tình hình dịch bệnh trên cả nước, dù số ca mắc mới và tử vong tại Lào đang có chiều hướng giảm nhưng giới chức y tế vẫn kêu gọi người dân tiếp tục cảnh giác và thận trọng tuân thủ các biện pháp phòng dịch. Hiện nước này vẫn duy trì các biện pháp nhằm ngăn chặn dịch bệnh lây lan, trong đó người dân tiếp tục được yêu cầu đeo khẩu trang, sát khuẩn tay thường xuyên và giãn cách xã hội. Tính đến ngày 23/2, Lào ghi nhận tổng cộng 141.694 ca mắc COVID-19, trong đó có 616 ca tử vong.
Indonesia cân nhắc khả năng tiêm vaccine liều thứ 4
Nhân viên y tế kiểm tra sức khỏe cho bệnh nhân COVID-19 tại bệnh viện ở Tangerang, Indonesia, ngày 17/2/2022. Ảnh: THX/TTXVN
Ngày 23/2, Thứ trưởng Bộ Y tế Indonesia Dante Saksono Harbuwono cho biết có khả năng sẽ triển khai tiêm vaccine liều thứ 4 ngừa COVID-19 nếu kết quả các nghiên cứu trong tương lai cho thấy hiệu quả.
Tuy nhiên, chính sách này sẽ không được thực hiện trong ngắn hạn do chính phủ vẫn đang tập trung thúc đẩy tiêm chủng liều thứ nhất và liều thứ hai, dự kiến hoàn tất vào tháng 6, cũng như chương trình tiêm tăng cường vaccine liều thứ ba. Theo ông Dante, hiện vẫn còn một số người dân chưa được tiêm vaccine mũi thứ hai, thậm chí mũi thứ nhất. Ông cho hay chương trình tiêm nhắc lại vaccine ngừa COVID-19 được tiến hành với mục đích tăng cường bảo vệ cho người dân sau khi kết quả nghiên cứu cho thấy rằng hiệu lực của vaccine bị suy giảm trong khoảng thời gian từ 3-6 tháng sau khi được tiêm đầy đủ hai mũi.
Tính đến 12h ngày 23/2, Indonesia mới đạt 91,27% mục tiêu tiêm vaccine mũi một và 68,09% mục tiêu tiêm mũi hai. Bộ trưởng điều phối Kinh tế, Airtangga Hartarto cho biết Indonesia dự kiến chứng kiến đỉnh làn sóng lây nhễm của biến thể Omicron vào giữa tháng 3. Mặc dù số ca mắc COVID-19 đang tăng, tỉ lệ lấp đầy giường bệnh vẫn trong tầm kiểm soát. Indonesia cho đến nay ghi nhận hơn 5,2 triệu ca mắc COVID-19 với hơn 146.000 ca tử vong.
Campuchia bắt đầu chiến dịch tiêm vaccine cho trẻ 3-5 tuổi
Nhân viên y tế tiêm vaccine phòng COVID-19 của hãng Sinovac cho trẻ em tại Phnom Penh, Campuchia, ngày 23/2/2022. Ảnh: AFP/TTXVN
Ngày 23/2, Campuchia bắt đầu tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ em từ 3 tuổi và trở thành một trong những quốc gia đầu tiên thực hiện chiến dịch tiêm phòng cho nhóm trẻ dưới 5 tuổi.
Chiến dịch tiêm phòng cho trẻ lứa tuổi này bắt đầu được thực hiện ở thủ đô Phnom Penh. Trong ngày đầu tiên, hàng trăm người xếp hàng bên ngoài các phòng khám để đưa con em đi tiêm phòng. Theo dữ liệu chính thức, quốc gia Đông Nam Á này đã tiêm phòng vaccine cho hơn 90% tổng dân số 16 triệu người và là một trong những quốc gia có tỷ lệ bao phủ tiêm chủng ngừa COVID-19 cao nhất trong khu vực. Vào tháng 1, Campuchia bắt đầu thực hiện việc tiêm phòng mũi thứ 4 cho các nhóm có nguy cơ cao. Hiện Campuchia ghi nhận hơn 127.000 ca COVID-19, trong đó có 3.024 ca tử vong.
Hầu hết các nước hiện vẫn chưa tiêm phòng COVID-19 cho trẻ dưới 5 tuổi. Trong tháng 2 này, Mỹ đã hoãn việc xem xét tiêm phòng cho trẻ ở độ tuổi trên trong ít nhất là 2 tháng. Trung Quốc và Bahrain đã triển khai chiến dịch tiêm cho nhóm trẻ từ 3-11 tuổi trên toàn quốc trong khi Cuba đã tiêm cho trẻ từ 2 tuổi trở lên.
Vùng thủ đô Manila (Philippines) nới lỏng các biện pháp phòng dịch
Người dân di chuyển trên đường phố tại Manila, Philippines, ngày 4/2/2022. Ảnh: AFP/TTXVN
Vùng thủ đô Manila (Philippines) đã nhất trí hạ mức cảnh báo đại dịch COVID-19 ở khu vực này xuống còn mức 1 trong thang gồm 5 mức, bắt đầu từ ngày 1/3 tới trong bối cảnh số ca mắc mới giảm dần.
ADVERTISING
X
Theo kế hoạch, 17 thị trưởng trong vùng thủ đô Manila sẽ thảo luận với lực lượng đặc nhiệm phòng chống COVID-19 liên cơ quan trong ngày 24/2 về các hạn chế mới được đề xuất. Hiện vùng thủ đô Manila, có hơn 13 triệu người dân sinh sống, được đặt trong mức cảnh báo thứ 2 về dịch bệnh từ ngày 1/2 đến ngày 28/2.
Philippines đã trải qua 4 làn sóng lây nhiễm dịch COVID-19 kể từ khi đại dịch bùng phát năm 2020. Nước này ghi nhận số ca mắc mới cao nhất trong một ngày hôm 15/1/2022, với 39.004 ca. Trong 24 giờ qua, nước này ghi nhận thêm 1.534 ca mắc mới, đưa tổng số ca mắc lên 3.655.709.
Cuba có ca mắc mới thấp nhất kể từ đầu năm
Sát khuẩn tay trước khi vào một điểm tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 ở Havana,Cuba. Ảnh: AFP/TTXVN
Bộ Y tế Cuba (MINSAP) ngày 22/2 cho biết nước này ghi nhận 467 ca mắc mới COVID-19 trong vòng 24 giờ qua và không có thêm trường hợp tử vong nào. Đây là số ca mắc mới ghi nhận hằng ngày thấp nhất kể từ đầu năm tới nay tại đảo quốc Caribe này.
Trong một cuộc họp diễn ra cùng ngày với Nhóm công tác đặc biệt phòng chống đại dịch COVID-19, Bí thư thứ nhất Đảng Cộng sản Cuba, Chủ tịch Cuba Miguel Díaz-Canel nêu bật hiệu quả của chiến dịch tiêm chủng đại trà cho trẻ em và thanh thiếu niên, đồng thời kêu gọi người dân không chủ quan và tiếp tục tuân thủ nghiêm ngặt các biện pháp phòng ngừa dịch bệnh.
Trong khi đó, Tiến sĩ Raúl Guinovart, trưởng Khoa Toán-Tin thuộc Đại học La Habana xác nhận xu hướng giảm số ca lây nhiễm tại Cuba và tin tưởng đại dịch COVID-19 sẽ sớm được kiểm soát trên cả nước.
Theo thống kê chính thức, kể từ khi phát hiện ca mắc đầu tiên vào ngày 10/3/2020 tới nay, Cuba đã ghi nhận 8.491 ca tử vong do COVID-19, trong khi số ca được chữa khỏi bệnh là 1057923 người, đạt tỷ lệ 99,2%. Chính phủ Cuba nhận định yếu tố lớn nhất đóng góp vào thành công của nước này trong việc kiểm soát đại dịch COVID-19 tính tới thời điểm hiện tại là các vaccine do Cuba tự sản xuất, gồm Abdala, Soberana 02 và Soberana Plus, cùng chiến lược đẩy mạnh tiêm chủng rộng rãi ngay khi các vaccine này được thử nghiệm thành công và được cấp phép sử dụng khẩn cấp trong nước.
Tính đến ngày 22/2, gần 10 triệu người trong số hơn 11 triệu dân Cuba đã được tiêm chủng đầy đủ ngừa COVID-19, trong khi khoảng 6 triệu người đã được tiêm mũi tăng cường.
Bang của Australia bỏ quy định đeo khẩu trang tại trường học
Một người Australia vui mừng đón người thân từ nước ngoài đến Australia sau khoảng thời gian dài xa cách. Ảnh: Diệu Linh – PV TTXVN tại Sydney
Chính quyền bang New South Wales (NSW) đã quyết định kể từ ngày 28/2, bỏ quy định đeo khẩu trang bắt buộc đối với học sinh và nhân viên các trường trung học phổ thông, cho dù số ca mắc mới COVID-19 tại bang này vẫn tiếp tục tăng.
Theo chính quyền bang, kể từ ngày 28/2, các trường học có thể cho nhiều khách vào thăm hơn, trong đó có cả phụ huynh và sẽ tiếp tục các hoạt động tập thể, trong đó có cắm trại. Bên cạnh đó, giáo viên và nhân viên các trường tiểu học và trung tâm chăm sóc trẻ em cũng không cần đeo khẩu trang bắt buộc từ ngày 7/3 tới.
Người đứng đầu lĩnh vực giáo dục bang NSW Sarah Mitchell cho biết các trường học sẽ trở lại “bình thường” vào tuần tới, vì sự lây nhiễm trong trường học là “cực kỳ thấp”. Tuy nhiên, một số chuyên gia vẫn lo ngại rằng sẽ còn quá sớm để giảm bớt các hạn chế. Ông Gaetan Burgio, một chuyên gia về các bệnh truyền nhiễm thuộc trường Đại học Y và Dược – Đại học Quốc gia Australia khẳng định: “Đợt bùng phát dịch do biến thể Omicron vẫn chưa kết thúc. Việc dỡ bỏ các hạn chế, trong đó có việc đeo khẩu trang trong nhà, sẽ dẫn tới số ca mắc mới tăng vọt, kéo theo áp lực đối với hệ thống y tế”. Theo ông, với số ca mắc mới trên phạm vi cả nước vẫn dao động khoảng 10.000 hoặc 20.000 ca mỗi ngày, số ca mắc mới chủ yếu tập trung tại các trường học – nơi tỷ lệ bao phủ vaccine tương đối thấp.
Hàn Quốc thêm trên 90.000 ca mắc COVID-19 trong 24 giờ qua
Theo phóng viên TTXVN tại Seoul, số ca mắc mới COVID-19 ở Hàn Quốc trong 24 giờ qua đã tăng lên mức cao nhất từ trước đến nay, với hơn 90.000 ca, tăng gấp hơn 1,5 lần so với 57.164 ca của ngày trước đó.
Người dân xếp hàng chờ xét nghiệm COVID-19 tại Seoul, Hàn Quốc, ngày 16/2/2022. Ảnh: Yonhap/TTXVN
Cơ quan Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hàn Quốc (KDCA) ngày 16/2 cho biết nước này có thêm 90.443 trường hợp mắc COVID-19, trong đó có 90.281 trường hợp lây nhiễm trong cộng đồng, đưa tổng số ca nhiễm từ đầu mùa dịch lên 1.552.851.
Phát biểu tại cuộc họp chính phủ về ứng phó với COVID-19 cùng ngày tại thành phố Sejong, Thủ tướng Hàn Quốc Kim Boo-kyum cho biết chính phủ sẽ đưa ra quyết định về việc có điều chỉnh các quy định giãn cách xã hội hay không trong ngày 18/2. Thủ tướng Kim Boo-kyum cũng cho biết lực lượng chức năng sẽ đánh giá mức độ ảnh hưởng của làn sóng dịch bệnh, do biến thể Omicron gây ra, đối với sinh kế của người dân, sau hơn 2 tháng nước này áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch tăng cường.
Hàn Quốc hiện chỉ cho phép các cơ sở kinh doanh hoạt động ăn uống trên toàn quốc hoạt động đến 21h; hạn chế số người tham gia các cuộc họp riêng tư tối đa 6 người. Chính phủ cũng đã điều chỉnh biện pháp phòng dịch cho các đối tượng có nguy cơ cao, nhóm còn lại cho phép điều trị tại nhà, không xét nghiệm PCR như trước mà thay bằng bộ sinh phẩm xét nghiệm COVID-19
Trước tình hình lây nhiễm tăng mạnh, Bộ Giáo dục Hàn Quốc ngày 16/2 khuyến cáo học sinh từ mẫu giáo đến trung học thực hiện các xét nghiệm nhanh tại nhà 2 lần mỗi tuần trước khi đến trường. Bộ cho biết sẽ phân phối 60,5 triệu bộ sinh phẩm xét nghiệm nhanh cho 6,92 triệu học sinh và nhân viên trường học trong khoảng thời gian từ cuối tháng 2 đến cuối tháng 3 để làm các xét nghiệm theo khuyến nghị.
Theo thông báo của Bộ Giáo dục Hàn Quốc, đã có tới 5.764 học sinh ở Seoul có kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2 trong tuần qua, tăng hơn gấp đôi so với 1 tuần trước đó, do sự lây nhiễm mạnh của biến thể Omicron. Bộ trên đã thông qua các phương án mở lại cửa trưởng học của cả 4 cấp học từ mẫu giáo đến đại học trong kỳ học mùa Xuân, kết hợp giữa trực tiếp và trực tuyến đồng thời cho phép các trường tự lựa chọn phương án dạy học tùy vào tình trạng và mức độ lây nhiễm dịch bệnh tại trường.
*Cũng trong ngày 16/2, Nhật Bản thông báo số ca tử vong ở mức cao nhất từ trước đến nay, ngay cả khi số ca nhiễm mới do biến thể Omicron giảm xuống.
Cụ thể, theo Đài NHK, số ca tử vong trong 24 giờ qua tại Nhật Bản là 236 ca, cao hơn mức cao kỷ lục 216 ca ghi nhận hôm 18/5/2021. Trong khi đó, tình hình dịch COVID-19 tại Nhật Bản đang có chiều hướng giảm, khi ghi nhận thêm 84.220 ca mắc mới. Mặc dù vậy, giới chuyên gia y tế Nhật Bản nhận định rất khó để dự báo về thời điểm đạt đỉnh của làn sóng lây nhiễm này, đồng thời cảnh báo người dân cần chú ý thực hiện đúng các biện pháp phòng dịch trọng điểm, nhất là khi chính phủ dự kiến sẽ nới lỏng các biện pháp hạn chế nhập cảnh cho người nước ngoài từ tháng 3 tới.
Những số liệu tại Nhật Bản cho thấy số ca mắc COVID-19 tại nước này đã vượt mốc 4 triệu ca sau hơn 2 năm dịch bệnh hoành hành. Từ thời điểm đó đến nay, Nhật Bản đã chứng kiến 6 làn sóng lây nhiễm COVID-19 với làn sóng thứ nhất và thứ hai lần lượt vào mùa Xuân và mùa Hè năm 2020.
Thống kê của Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản cũng cho thấy trong tháng 1 vừa qua, đã có 98.000 trẻ mắc COVID-19, trong đó 50% số trường hợp ở bậc tiểu học, cao gấp 2,6 lần so với đỉnh điểm là tháng 8/2021. Trong làn sóng lây nhiễm thứ 6, đã có 2.400 ca tử vong do COVID-19, tương đương tỷ lệ 0,1%. Mặc dù tỷ lệ này thấp hơn nhiều so với các làn sóng lây nhiễm trước đó nhưng do tổng số ca mắc COVID-19 lần này rất cao nên đây cũng là con số đáng lo ngại.
COVID-19 tới 6h sáng 13/2: Mỹ hoãn tiêm cho trẻ dưới 5 tuổi; Ca mắc mới ở Hàn Quốc cao kỷ lục Theo trang mạng worldometer.info, trong vòng 24 giờ qua, thế giới ghi nhận trên 1,8 triệu ca ca mắc COVID-19 và trên 7.100 ca tử vong. Tổng số ca mắc từ đầu dịch tới nay đã vượt 410,5 triệu ca, trong đó trên 5,82 triệu ca tử vong. Nhân viên y tế chuyển bệnh nhân COVID-19 vào bệnh viện ở Moskva, Nga. Ảnh:...