COVID-19 tới 6h sáng 2/4: Hàn Quốc nới giãn cách xã hội; Ca mắc mới ở Nhật Bản vẫn tăng
Theo trang mạng worldometer.info, trong vòng 24 giờ qua, thế giới ghi nhận trên 1,2 triệu ca mắc COVID-19 và trên 3.100 ca tử vong.
Tổng số ca mắc từ đầu dịch tới nay đã là 489,5 triệu ca, trong đó trên 6,16 triệu ca tử vong.
Điều trị cho bệnh nhân nhiễm COVID-19 tại Saint-Denis, ngoại ô Paris, Pháp. Ảnh: AFP/TTXVN
Ba quốc gia có số ca mắc trong 24 giờ qua cao nhất thế giới là Hàn Quốc (280.187 ca), Đức (231.910 ca) và Pháp (148.629 ca).
Ba quốc gia có số ca tử vong trong 24 giờ qua cao nhất thế giới là Hàn Quốc (360 ca), Nga (342 ca) và Đức (297 ca).
Tính từ đầu đại dịch, Mỹ là quốc gia có tổng số ca mắc nhiều nhất thế giới với trên 81,7 triệu ca mắc COVID-19 và trên 1 triệu ca tử vong. Tiếp đó là Ấn Độ với trên 43 triệu ca mắc và trên 521.000 ca tử vong. Đứng thứ ba là Brazil với trên 29,9 triệu ca mắc và trên 660.000 ca tử vong.
Hàn Quốc nới lỏng các quy định giãn cách xã hội
Hoạt động tại sảnh đến Sân bay Quốc tế Incheon đang dần trở lại bình thường như trước đại dịch COVID-19. Ảnh: Anh Nguyên – PV TTXVN tại Hàn Quốc.
Ngày 1/4, Hàn Quốc đã quyết định nới lỏng các biện pháp giãn cách xã hội phòng dịch COVID-19 trong 2 tuần.
Theo đó, số người tối đa được phép có mặt cùng lúc tại các hoạt động cá nhân sẽ được nâng từ 8 lên 10 người, trong khi thời gian làm việc sẽ kéo dài thêm một giờ. Các nhà hàng, quán cà phê, cơ sở thể thao trong nhà và quán karaoke, cũng như các câu lạc bộ đêm sẽ được phép mở cửa đến nửa đêm.
Bộ Y tế và Phúc lợi Hàn Quốc nêu rõ quy định điều chỉnh giãn cách xã hội sẽ tiếp tục được áp dụng từ ngày 4-17/4, đồng thời nhấn mạnh rằng làn sóng gia tăng số ca mắc COVID-19 do biến thể Omicron của virus SARS-CoV-2, được cho là đã đỉnh vào giữa tháng 3 vừa qua. Bộ này cũng nhấn mạnh thêm rằng mục đích của việc điều chỉnh quy định giãn cách xã hội là nhằm hỗ trợ hoạt động kinh doanh của các tiểu thương và đáp ứng mong đợi của người dân.
Ngoài ra, Bộ Y tế và Phúc lợi Hàn Quốc còn lưu ý rằng sẽ xem xét việc bãi bỏ tất cả các biện pháp phòng dịch ngoại trừ quy định đeo khẩu trang tại các không gian trong nhà.
Nhật Bản có số ca nhiễm mới tiếp tục tăng ở nhiều tỉnh, thành
Nhân viên y tế điều trị cho bệnh nhân COVID-19 tại bệnh viện ở Yokohama, Nhật Bản. Ảnh: AFP/TTXVN
Ngày 1/4, bà Yuriko Koike – Thống đốc Tokyo – cảnh báo dòng phụ BA.2 của biến thể Omicron đang nhanh chóng chiếm ưu thế trong số các ca nhiễm mới ở thành phố này. Trong tuần từ 15-21/3, các ca nghi nhiễm BA.2 chiếm khoảng 52% trong tổng số ca mắc mới COVID-19 ở Tokyo.
Theo bà Koike, số ca nhiễm mới ở Tokyo đang có xu hướng tăng trở lại. Ngày 1/4, thành phố ghi nhận thêm 7.982 ca nhiễm mới, tăng 700 ca so với một tuần trước đó.
Không chỉ có Tokyo, trong tuần qua, phần lớn các tỉnh, thành khác ở Nhật Bản đều ghi nhận sự gia tăng trong số ca nhiễm mới. Theo phân tích của đài truyền hình NHK, trong tuần từ ngày 25 đến 31/3, số ca nhiễm mới bình quân ở Nhật Bản là 45.345 ca, tăng 17% so với một tuần trước đó. Có tới 44 trong tổng số 47 tỉnh, thành ở Nhật Bản ghi nhận số ca nhiễm mới tăng hoặc đi ngang.
Giáo sư Atsuo Hamada thuộc trường Đại học Y Tokyo cho rằng các dấu hiệu của sự gia tăng trở lại số ca nhiễm mới đã xuất hiện sau khi chính phủ dỡ bỏ các biện pháp phòng dịch trọng điểm trên toàn quốc và dòng phụ BA.2 của biến thể Omicron đang chiếm ưu thế. Vì vậy, “chìa khóa” để chấm dứt làn sóng lây nhiễm thứ 6 và ngăn chặn sự xuất hiện của một làn sóng lây nhiễm khác là đảm bảo tất cả mọi người đều thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng dịch và tiêm vaccine.
Các trường tại New Delhi (Ấn Độ) học trực tiếp hoàn toàn
Video đang HOT
Nhân viên y tế điều trị cho bệnh nhân nhiễm COVID-19 tại bệnh viện ở New Delhi, Ấn Độ. Ảnh: AFP/TTXVN
Ngày 1/4, các trường học tại vùng thủ đô New Delhi của Ấn Độ đã nối lại hoàn toàn hoạt động dạy và học trực tiếp sau hơn hai năm chuyến sang hình thức trực tuyến do tác động của đại dịch COVID-19.
Quyết định nối lại học trực tiếp được đưa ra vào thời điểm bắt đầu năm học mới sau cuộc họp của Cơ quan Xử lý thảm họa Delhi (DDMa) trong tháng 2 vừa qua. Đây là lần đầu tiên 100% lớp học trực tiếp được mở lại kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát tại Ấn Độ.
Các trường học ở New Delhi lần đầu tiên phải đóng cửa từ tháng 3/2020. Tiếp đó, tất cả các cơ sở giáo dục trên cả nước cũng tạm ngừng học trực tiếp, chuyển sang học trực tuyến. Trong hai năm qua, nhiều trường đã duy trì song song cả hai hình thức học và dạy.
Malaysia mở cửa đón khách quốc tế
Ngày 4/1, Malaysia đã mở cửa biên giới đón khách du lịch quốc tế, đồng thời bãi bỏ các hạn chế đã được áp dụng kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát vào năm 2020. Nước này đặt mục tiêu sẽ thu hút hai triệu lượt khách du lịch quốc tế trong năm nay với 8,6 tỷ ringgit (RM) doanh thu từ du lịch.
Hành khách tại sân bay quốc tế Kuala Lumpur, Malaysia, ngày 9/3/2022. Ảnh: THX/TTXVN
Phát biểu với báo giới tại Sân bay Quốc tế Kuala Lumpur (KLIA) ngày 1/ 4 khi chào đón 220 hành khách đến Malaysia từ Abu Dhabi (Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất), Bộ trưởng Du lịch, Nghệ thuật và Văn hóa Malaysia Nancy Shukri khẳng định việc mở cửa biên giới trở lại sẽ mang lại sự phục hồi lớn cho ngành du lịch, đồng thời bày tỏ sự phấn khởi khi ví rằng ngày hôm nay giống như ngày lễ “Hari Raya” (lễ tết lớn nhất trong năm của người Hồi giáo). Bà cho biết thêm, riêng trong ngày 1/ 4 có khoảng 100 chuyến bay dự kiến hạ cánh xuống các sân bay của Malaysia cùng hơn 10.000 hành khách, bao gồm cả du khách nước ngoài.
Trong khi đó, Phó Tổng Giám đốc Bộ Nội vụ Zakaria Shaaban cho biết các điểm làm thủ tục nhập cảnh tại 183 cửa khẩu trên khắp đất nước đã sẵn sàng tiếp nhận khách du lịch, đồng thời sẵn sàng mở thêm các điểm làm thủ tục khi cần thiết.
Tổng Giám đốc Hãng Hàng không Malaysia Iskandar Mizal Mahmood cho biết hãng đã chuẩn bị cho sự kiện này từ nhiều tháng trước, hợp tác với Bộ Giao thông và Bộ Y tế để tạo thuận lợi cho quá trình nhập cảnh và thời gian chờ đợi của du khách. Theo đó, các tình nguyện viên và nhân viên đã được huy động tại các sân bay để hỗ trợ khách du lịch, đặc biệt là về việc sử dụng ứng dụng phần mềm cài đặt trên điện thoại di động MySejahtera – phần mềm tích hợp bao gồm thông tin du khách và chứng chỉ tiêm vaccine …
Lào áp dụng quy định mới về phòng chống dịch
Lào đã ban hành một số quy định mới về phòng chống dịch COVID-19 trong bối cảnh số ca mắc mới trong ngày tại nước này vẫn ở mức cao, chủ yếu do biến thể Omicron.
Một điểm xét nghiệm COVID-19 tại Viêng Chăn, Lào. Ảnh: THX/TTXVN
Theo đó, trong dịp đón năm mới Boun Pimay, Chính phủ Lào chỉ cho phép tổ chức các hoạt động truyền thống như cúng lễ, tắm Phật và buộc chỉ cổ tay trong nội bộ gia đình trên tinh thần tiết kiệm; cấm tuyệt đối việc tập trung trong không gian chật hẹp, tạo điều kiện lây lan dịch bệnh trên diện rộng. Ngoài ra, phải thực hiện các quy định phòng dịch cơ bản như giữ khoảng cách, đeo khẩu trang, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng hoặc nước diệt khuẩn.
Trong trường hợp phải tổ chức các cuộc họp, Chính phủ Lào yêu cầu mọi cá nhân dự họp đều đã tiêm vaccine, kể cả mũi tăng cường nếu đến thời hạn. Đối với các cuộc họp có trên 100 người, mọi cá nhân phải có kết quả âm tính bằng hình thức xét nghiệm nhanh 24 giờ trước khi vào họp. Các phòng họp phải có thiết bị kiểm tra thân nhiệt. Các đại biểu tham dự phải đeo khẩu trang và phải đảm bảo giãn cách trong suốt thời gian họp. Ban tổ chức cũng phải đảm bảo các quy định về phòng dịch trong suốt thời gian diễn ra cuộc họp.
Quy định mới cũng cho phép các cơ quan, chính quyền các tỉnh có thể đánh giá tình hình dịch bệnh, cân nhắc đưa ra các quy định làm việc tùy theo tình hình thực tế ở mỗi nơi; Cho phép các trường tiếp tục dạy và học trực tiếp ở mọi cấp học thông qua việc đảm bảo thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch; đồng thời vận động sinh viên và học sinh ở độ tuổi đi tiêm vaccine COVID-19 theo kế hoạch.
Về diễn biến dịch tại Lào, Bộ Y tế Lào ngày 1/4 cho biết trong 24 giờ qua, nước này đã ghi nhận thêm 2.665 ca mắc mới và 4 ca tử vong do COVID-19, nâng tổng số ca mắc và tử vong do COVID -19 tại nước này kể từ đầu dịch lên thành 179.563 ca mắc và 669 ca tử vong.
Singapore mở cửa đón khách quốc tế từ ngày 1/4
Hành khách làm thủ tục tại sân bay quốc tế Changi, Singapore, ngày 1/4/2022. Ảnh: AFP/TTXVN
Ngày 1/4, Singapore đã mở lại hoàn toàn các cửa khẩu cho tất cả du khách đã được tiêm vaccine phòng COVID-19 sau 2 năm đóng cửa.
Không khí tại sân bay Changi của Singapore trở nên náo nhiệt khi các đoàn khách di chuyển ra khỏi sảnh đến, trong khi hàng trăm người xếp hàng ở khu vực khởi hành để lên các chuyến bay đi nước ngoài.
Trung tâm hàng không này, cửa ngõ quan trọng cho các du khách tới châu Á, cùng các quốc gia khác trong khu vực đã không còn hạn chế việc đi lại khi chuyển sang sống chung an toàn với dịch COVID-19. Trước đây, chỉ những du khách từ một số nước mới có thể vào Singapore mà không cần kiểm dịch song từ 1/4 tất cả những người đã được tiêm chủng chỉ cần có kết quả xét nghiệm COVID-19 âm tính là được nhập cảnh.
Dịch COVID-19 tại Australia có thể đạt đỉnh vào giữa tháng 4
Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại Sydney, Australia, ngày 30/3/2022. Ảnh: THX/TTXVN
Ủy ban Bảo vệ sức khỏe Australia (AHPPC) đã công bố báo cáo cập nhật về kế hoạch chuẩn bị của nước này trước sự gia tăng số ca mắc COVID-19 trong mùa Đông, trong đó cảnh bảo đợt dịch hiện nay có thể đạt đỉnh vào giữa tháng 4 này
Theo báo cáo, số ca mắc mới hằng ngày tại Australia đã tăng hơn 76% trong giai đoạn từ ngày 11/3 đến 23/3, trong khi số ca nhập viện tăng gần 25%. AHPPC cho rằng số ca mắc mới tăng vọt chủ yếu do sự xuất hiện của dòng phụ BA.2 của biến thể Omicron cũng như hiệu quả bảo vệ của vaccine ngừa COVID-19 ngày càng suy yếu. Dựa vào tình hình hiện nay, AHPPC dự báo đợt dịch này sẽ đạt đỉnh vào khoảng giữa tháng 4 tại nhiều khu vực trên cả nước.
Trong ngày 1/4, Australia ghi nhận hơn 60.000 ca mắc mới và thêm 16 ca tử vong, nâng số trường hợp không qua khỏi lên hơn 6.000 người. Ngày 31/3, AHPPC cũng đã “bật đèn xanh” cho việc dỡ bỏ các yêu cầu cách ly đối với tất cả những người tiếp xúc gần với các ca mắc COVID-19, thay vào đó đề xuất các biện pháp giảm thiểu nguy cơ như tiến hành xét nghiệm nhanh thường xuyên hay đeo khẩu trang. Ông Nicola Spurrier, Giám đốc cơ quan y tế công cộng của Nam Australia và là thành viên của AHPPC, cho biết ủy ban “quan tâm” đến cách tiếp cận thống nhất trên tất cả các bang và vùng lãnh thổ.
Lộ trình dỡ bỏ các biện pháp phòng chống dịch của Italy
Nhân viên y tế theo dõi hình chụp X-quang phổi của bệnh nhân COVID-19 tại Rome, Italy. Ảnh: AFP/TTXVN
Italy đã chính thức chấm dứt tình trạng khẩn cấp về đại dịch COVID-19 và có thể loại bỏ dần các biện pháp phòng chống COVID-19 còn lại trong khoảng thời gian từ 1/4-31/12.
Với tình trạng khẩn cấp kết thúc vào ngày 31/3, ủy ban chuyên gia tư vấn cho chính phủ về các biện pháp chống dịch COVID-19 và văn phòng của quan chức phụ trách phòng chống COVID-19, Tướng Francesco Figliuolo, đã ngừng hoạt động. Thay thế hai cơ quan này là một đơn vị đặc trách của Bộ Y tế, được giao nhiệm vụ hoàn thành chiến dịch tiêm chủng COVID-19 và áp dụng các biện pháp khác liên quan đến đại dịch, sẽ hoạt động cho đến cuối năm 2022.
Phát biểu với báo giới ngày 1/4, Bộ trưởng Y tế Italy Roberto Speranza nói: “Đại dịch vẫn chưa kết thúc, chỉ là Italy hiện xử lý chúng bằng các công cụ thông thường. Thách thức thực sự và quan trọng nhất hiện nay là xây dựng lại một dịch vụ y tế quốc gia mới”.
Theo các quy định mới, từ ngày 1/4, hệ thống 4 cấp dựa trên mã màu – trắng, vàng, cam và đỏ cho các khu vực không có rủi ro đại dịch, rủi ro thấp, trung bình và cao tương ứng – sẽ không còn được áp dụng. Điều này có nghĩa là các biện pháp còn lại sẽ được áp dụng trên toàn quốc, không phụ thuộc vào tình hình dịch tễ của các địa phương hay vùng.
Một số quy định phòng chống COVID-19 được thay đổi bắt đầu từ ngày 1/4. Một trong những thay đổi ảnh hưởng nhiều nhất đến cuộc sống hằng ngày của người dân Italy là họ không cần thẻ xanh, bằng chứng về việc đã tiêm chủng, phục hồi hoặc có kết quả xét nghiệm âm tính với COVID-19, để vào các cơ quan chính phủ, ngân hàng, cửa hàng và các khu vực ngoài trời của các nhà hàng và quán bar.
Canada đối mặt với làn sóng mới của dịch COVID-19
Bảng yêu cầu người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại Toronto, Canada, ngày 28/3/2022. Ảnh: THX/TTXVN
Nhiều khu vực tại Canada đang phải đối mặt với làn sóng lây nhiễm mới của dịch COVID-19, trong bối cảnh nhà chức trách đã nới lỏng các biện pháp hạn chế sự lây lan của dịch bệnh.
Các nhà phân tích chính trị cho rằng các cuộc bầu cử (cấp tỉnh) sắp diễn ra ở Ontario và Quebec, hai tỉnh đông dân nhất của Canada, có thể ngăn cản các chính trị gia khôi phục các biện pháp y tế được áp dụng trong đại dịch. Theo một số công ty nghiên cứu-thăm dò dư luận, các Thủ hiến của Ontario và Quebec có nguy cơ khiến một số cử tri “xa lánh” nếu họ áp đặt các biện pháp hạn chế mới. Ontario, nơi cuộc bầu cử sẽ diễn ra vào ngày 2/6 tới, đã bỏ quy định đeo khẩu trang ở hầu hết các địa điểm vào tuần trước. Quebec – với cuộc bầu cử dự kiến vào tháng 10/2022 – cũng lên kế hoạch dỡ bỏ yêu cầu đeo khẩu trang vào tháng tới. Trong khi đó, chính quyền tỉnh Alberta đã chấm dứt các hạn chế được áp dụng trong đại dịch vào ngày 1/3. Tuy nhiên, ở cả ba tỉnh trên, việc đeo khẩu trang vẫn bắt buộc tại một số cơ sở, bao gồm trên phương tiện công cộng.
Giới chức y tế của Quebec cho biết trong tuần này, số lượng nhân viên chăm sóc y tế bị ốm do COVID-19 đã tăng 60% trong một tuần, chiếm tới 2,5% lực lượng chăm sóc y tế của tỉnh. Đáng chú ý, lần đầu tiên kể từ đỉnh điểm của làn sóng Omicron hồi giữa tháng 1 vừa qua, số ca nhập viện do COVID-19 tại Quebec đã tăng trở lại trong tuần kết thúc vào ngày 25/3.
Trong khi đó, tỉnh Ontario đã ghi nhận 3.139 ca nhiễm COVID-19 mới trong ngày 31/3, tăng khoảng 11% so với mức 2.814 ca của ngày 30/3. Con số thực tế được cho là có thể cao hơn 10 lần vì việc xét nghiệm PCR bị hạn chế.
Theo thống kê Chính phủ Canada, tổng số ca mắc COVID-19 tại nước này hiện ở mức trên 3,4 triệu, trong đó hơn 37.500 người đã tử vong.
Chìa khóa mở cơ hội phục hồi
Nỗ lực sống chung an toàn với COVID-19 đã bước sang giai đoạn mới khi một loạt nước tuyên bố dỡ bỏ hoặc tiến tới dỡ bỏ hoàn toàn các biện pháp hạn chế trong tháng 3 và tháng 4/2022.
Mặc dù vẫn còn những nguy cơ khi nhiều nước tiếp tục ghi nhận số ca mắc mới tăng cùng việc dòng phụ BA.2 của biến thể Omicron (còn gọi là "Omicron tàng hình") hoành hành, song hướng tới phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội là nhu cầu cấp bách của tất cả các nước sau giai đoạn gián đoạn chưa từng có trong hơn hai năm qua.
Người dân đeo khẩu trang phòng dịch COVID-19 tại Tokyo, Nhật Bản. Ảnh: Kyodo/ TTXVN
Theo trang thống kê worldometers.info, trong tuần qua, số ca mắc mới COVID-19 trên toàn cầu đã giảm 9% so với tuần trước đó, với hơn 11 triệu ca mắc mới. Trừ châu Âu với hơn 5,3 triệu ca mắc mới và châu Đại dương, khu vực châu Mỹ, châu Á và châu Phi đều ghi nhận xu hướng giảm. Nhìn chung, những nỗ lực kiểm soát dịch bệnh cùng với tiến bộ tiêm chủng đang tạo ra tín hiệu tích cực của cuộc sống bình thường mới
Nhật Bản đã chính thức dỡ bỏ các biện pháp phòng dịch COVID-19 trọng điểm từ ngày 22/3. Hong Kong (Trung Quốc) dần khôi phục các dịch vụ công từ ngày 1/4 và dỡ bỏ lệnh cấm ăn uống trong nhà hàng sau 18h, mở cửa trở lại hầu hết các địa điểm công cộng và cơ sở thể thao từ ngày 21/4.
Tại Đông Nam Á, từ ngày 1/4, Singapore, Malaysia và Philippines sẽ khôi phục các quy định nhập cảnh với người nước ngoài như trước dịch. Singapore bắt đầu bước sang giai đoạn mới sống chung với COVID-19, theo đó từ ngày 29/3 dỡ bỏ quy định bắt buộc đeo khẩu trang ở không gian ngoài trời và nới lỏng quy định về giãn cách xã hội cũng như quy mô tổ chức sự kiện. Indonesia cũng nới lỏng một số hạn chế, trong đó có việc hủy lệnh cấm du lịch nội địa trong thời gian diễn ra lễ Ramadan và lễ Eid al-Fitr vào tháng 4-5 tới, dỡ bỏ các quy định nhập đối với du khách nước ngoài có kết quả xét nghiệm PCR âm tính. Myanmar mở cửa lại các rạp chiếu phim từ ngày 17/4. Không nằm ngoài xu thế này, ngày 15/3 vừa qua, Việt Nam cũng chính thức mở cửa lại hoàn toàn lĩnh vực du lịch quốc tế trong điều kiện bình thường mới.
Người dân đeo khẩu trang phòng dịch COVID-19 tại Amsterdam, Hà Lan. Ảnh tư liệu: AFP/TTXVN
Tại châu Âu, Hà Lan đã dỡ bỏ hoàn toàn các biện pháp phòng, chống COVID-19, cụ thể là quy định xuất trình các chứng nhận, quy định đeo khẩu trang và khuyến nghị về làm việc từ xa. Việc đeo khẩu trang cũng không còn là khuyến nghị ở Ba Lan và Gruzia, trong khi quy định về cách ly được dỡ bỏ ở Tây Ban Nha. Còn tại châu Phi, Nam Phi bỏ quy định bắt buộc đeo khẩu trang tại không gian mở nơi công cộng, Algeria và Tanzania nới lỏng các điều kiện nhập cảnh.
Tỷ lệ bao phủ vaccine đạt mức cao, số ca nhập viện và tử vong ở mức kiểm soát được và không gây áp lực cho hệ thống y tế là một trong những yếu tố đầu tiên được các nước cân nhắc khi đưa ra quyết định mở cửa hoàn toàn. Trả lời phỏng vấn của phóng viên TTXVN, Giáo sư tiến sĩ, bác sĩ Đinh Xuân Anh Tuấn, Chủ nhiệm khoa Sinh lý- Khám bệnh, Bệnh viện Cochin Paris (Pháp) cho biết cơ sở đầu tiên quan trọng nhất để đánh giá việc mở cửa là số ca bị bệnh nặng và khả năng đương đầu của hệ thống y tế. Ví dụ như tại Pháp, giới chức y tế hiện tiếp tục theo dõi rất sát số ca lây nhiễm, nhưng đồng thời chuyển tập trung sang số ca nặng, và hiện chỉ số này vẫn đang ở mức độ kiểm soát được.
Trao đổi với phóng viên TTXVN, ông Shan Saeed - Giám đốc cấp cao Tập đoàn tư vấn kinh tế toàn cầu IQI chi nhánh tại Malaysia nêu rõ quyết định mở cửa của Kuala Lumpur cũng căn cứ vào việc 98% dân số trưởng thành đã hoàn thành tiêm chủng. Ông đánh giá cao tiến độ tiêm chủng mà các nước ASEAN đang thúc đẩy, coi đây là nền tảng tốt để mở cửa nền kinh tế. Việt Nam được xem là một điển hình về thực hiện hiệu quả chiến lược vaccine. Nhờ thực hiện thành công chiến lược vaccine "đi sau - về trước" với chiến dịch tiêm chủng lớn nhất từ trước tới nay, Việt Nam trở thành một trong 6 nước có tỷ lệ bao phủ vaccine ngừa COVID-19 cao nhất thế giới, qua đó góp phần đẩy lùi dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe, tính mạng của nhân dân và đưa đất nước dần trở lại cuộc sống bình thường. Theo đánh giá của các chuyên gia quốc tế, việc Việt Nam mở cửa vào thời điểm hiện tại là hoàn toàn hợp lý, xét cả về điều kiện y tế và kinh tế.
Các biện pháp hạn chế phòng dịch suốt hai năm qua đã gây ra hàng loạt gián đoạn, do đó, việc chọn thời điểm mở cửa của các nước có cân nhắc đến khả năng chống chịu của các ngành kinh tế, đặc biệt là du lịch - lĩnh vực chịu tác động đầu tiên và lâu dài nhất bởi lCOVID-19. Bên cạnh đó, những dấu hiệu tích cực của kinh tế các nước nói riêng và thế giới nói chung sau gần một năm kể từ khi bắt đầu chuyển sang cách tiếp cận thích ứng linh hoạt với COVID-19 cũng là cơ sở để các nước quyết định mở cửa một cách mạnh mẽ hơn vào thời điểm hiện nay nhằm củng cố đà phục hồi của nền kinh tế thế giới. Việc mở cửa hoàn toàn là kết quả của quá trình chuẩn bị với những lần dần nới lỏng các quy định hạn chế phòng dịch, và sẽ phải mất một thời gian để thích nghi với tình hình mới và phải chấp nhận những thay đổi có thể xảy ra. Do đó, câu chuyện phục hồi cần có thời gian chứ không phải chỉ cần mở cửa là được. Theo bà Margy Osmond, Tổng Giám đốc Hiệp hội Du lịch và Vận tải Australia, chính phủ và các doanh nghiệp còn có nhiều việc cần làm, trước hết là khôi phục niềm tin của người dân, như trong ngành du lịch là niềm tin đối với du lịch nước ngoài, hiện đang ở mức thấp hơn nhiều so với hai năm trước. Ngoài ra là những khó khăn như thiếu lao động lành nghề khi nhiều lao động không trở lại công việc cũ sau khi đã chuyển sang các lĩnh vực khác trong đại dịch, nhiều doanh nghiệp phải đóng cửa, sức ép cạnh tranh trong phục hồi từ bên ngoài... .
Mặt khác, theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và ý kiến chuyên gia, các kế hoạch mở cửa vào thời điểm này cần phải được thực hiện hết sức cẩn trọng bởi thế giới hiện tại chưa đạt đến mức có thể tuyên bố kết thúc tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu do dịch COVID-19. Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết một số quốc gia đang có tỷ lệ tử vong cao nhất vì COVID-19, điều này phản ánh tốc độ lây lan của biến thể Omicron và nguy cơ gia tăng ở những người chưa tiêm phòng, đặc biệt là người cao tuổi. Ông nhấn mạnh thế giới vẫn sẽ phải đối mặt nguy cơ lây nhiễm gia tăng và các biến thể mới xuất hiện có thể né tránh vaccine.
Chủ tịch Ban cố vấn khoa học của Chính phủ Pháp, ông Jean-Francois Delfraissy, cũng cảnh báo về các biến thể tiềm tàng có thể xuất hiện vào mùa Thu năm nay, hoặc thậm chí sớm hơn. Trong khi đó, người đứng đầu Hiệp hội Y tế công cộng Ấn Độ (PHFI) K Srinath Reddy cho rằng vẫn chưa thể coi COVID-19 là bệnh đặc hữu khi mà virus SARS-CoV-2 vẫn chưa đạt hình thái phát triển đủ ổn định để có thể dự đoán về khả năng lây nhiễm. Ông nhấn mạnh dường như virus SARS-CoV-2 vẫn đang tìm ra con đường tiến hóa riêng của mình, do đó thế giới vẫn cần rất thận trọng.
Người dân xếp hàng chờ xét nghiệm COVID-19 tại một trung tâm y tế công cộng ở Seoul, Hàn Quốc, ngày 24/2. Ảnh: Reuters
Trên thực tế, tuần qua, tổng số ca mắc COVID-19 ở Hàn Quốc đã vượt mốc 10 triệu. Hiện ở nước này trung bình cứ 5 người thì có 1 người mắc bệnh, buộc chính quyền phải tái áp đặt biện pháp phong tỏa và các quy định chống dịch. Trung Quốc cũng phải phong tỏa tỉnh Cát Lâm và thành phố Thâm Quyến do dịch bệnh nóng trở lại.
Giám đốc WHO khu vực châu Âu Hans Kluge cho biết số ca mắc mới COVID-19 đang trên đà gia tăng tại 18 trong số 53 quốc gia và vùng lãnh thổ trong khu vực. Nhà virus học Lawrence Young tại Đại học Warwick của Anh nhận định số ca mắc mới gia tăng tại châu Âu là do "một cơn bão hoàn hảo" tổng hợp 3 yếu tố gồm việc dỡ bỏ các hạn chế, tốc độ lây lan của dòng phụ BA.2 của Omicron và sự suy giảm khả năng miễn dịch theo thời gian sau khi tiêm chủng.
Nhằm củng cố khả năng miễn dịch đang suy giảm, một số quốc gia như Pháp đã bắt đầu triển khai tiêm mũi vaccine ngừa COVID-19 thứ tư. Nhật Bản, Australia cũng thúc đẩy chương trình tương tự. Anh, Singapore sẽ tiêm mũi thứ tư cho những nhóm có nguy cơ cao.
Mở cửa trở lại là nhu cầu tất yếu do tính cấp thiết của việc khôi phục các hoạt động kinh tế - xã hội, và trong bối cảnh hiện nay, mở cửa cũng là cơ hội để các nước bắt nhịp với đà phục hồi chung của khu vực và thế giới. Các chuyên gia khuyến cáo, trong điều kiện mới, cần tiếp tục đẩy mạnh chương trình tiêm chủng liều cơ bản và mũi bổ sung, đồng thời mỗi người tự có ý thức duy trì các biện pháp phòng ngừa như đeo khẩu trang, giữ khoảng cách với người khác... Đó là chìa khóa để các nước mở cửa hoàn toàn trở lại trong tâm thế tự tin, mạnh dạn, nhưng không lơ là, chủ quan trước dịch bệnh.
Giới chuyên gia cảnh báo Mỹ không chủ quan với nguy cơ làn sóng dịch COVID-19 mới Ngày càng nhiều bang tại Mỹ dừng cập nhật số ca mắc mới, tỷ lệ nhập viện và tử vong liên quan COVID-19, trong khi việc người dân tự xét nghiệm tại nhà không được thống kê đầy đủ. Theo các chuyên gia, tình trạng này có thể dẫn đến nước Mỹ chủ quan và đại dịch có thể bùng phát lại. Nhân...