COVID-19 tới 6h sáng 23/8: Iran nhiều ca mắc mới nhất thế giới
Theo trang mạng worldometer.info, trong vòng 24 giờ qua, thế giới ghi nhận trên 444.000 ca bệnh COVID-19 và trên 8.100 ca tử vong. Tổng số ca bệnh từ đầu dịch tới nay đã là trên 212,5 triệu ca, trong đó trên 4,44 triệu ca tử vong.
Tiêm vaccine COVID-19 cho một cụ bà tại New York, Mỹ. Ảnh: AFP/TTXVN
Ba quốc gia có số ca mắc trong 24 giờ qua cao nhất thế giới là Iran (36.419 ca), Anh (32.253 ca) và Mỹ (trên 27.400 ca).
Ba quốc gia có số ca tử vong trong 24 giờ qua cao nhất thế giới là Indonesia (1.030 ca), Mexico (847 ca) và Nga (762 ca).
Tính từ đầu đại dịch, Mỹ vẫn là nước có số ca nhiễm và tử vong vì COVID-19 cao nhất thế giới với 38,5 triệu ca mắc, trong đó có 645.045 ca tử vong. Brazil đứng thứ hai về số ca tử vong với 574.524 ca trong tổng số 20,5 triệu ca nhiễm. Với 434.784 ca tử vong trong tổng số 32,4 triệu ca nhiễm, Ấn Độ đứng thứ hai về số ca nhiễm và thứ ba về số ca tử vong.
Ấn Độ ghi nhận số ca đang điều trị ở mức thấp nhất trong 5 tháng
Bệnh nhân COVID-19 được hỗ trợ thở oxy tại bệnh viện dã chiến ở New Delhi, Ấn Độ ngày 27/4/2021. Ảnh: AFP/TTXVN
Bộ Y tế Ấn Độ công bố số liệu cho thấy trong 24 giờ qua có thêm 25.420 ca mới, nâng tổng số ca lên 32,4 triệu ca. Số ca tử vong cũng tăng 385 ca lên thành 434.784 ca. Ấn Độ vẫn đang điều trị cho 353.398 ca, mức thấp nhất trong 152 ngày qua.
Cũng trong 24 giờ qua, thêm 44.103 người được điều trị khỏi bệnh và xuất viện. Tỷ lệ bình phục ở bệnh nhân mắc COVID-19 tăng lên 97,57%, cao nhất kể từ tháng 3/2020.
Nhật Bản: Tokyo có trên 4.000 ca mắc mới
Nhân viên y tế tiêm vaccine COVID-19 cho người dân tại tỉnh Tokyo, Nhật Bản, ngày 12/4/2021. Ảnh: AFP/ TTXVN
Tại Nhật Bản, chính quyền thủ đô Tokyo cùng ngày thông báo có thêm 4.392 ca mắc mới COVID-19, đánh dấu ngày Chủ nhật ghi nhận số ca mắc mới cao nhất từ trước tới này. Con số này vượt qua mức 4.295 ca mắc mới được ghi nhận vào Chủ nhật tuần trước, đã giảm so với 5.074 ca mắc mới được báo cáo 1 ngày trước đó.
Theo giới chức Tokyo, tỷ lệ mắc COVID-19 trung bình trong 7 ngày qua là 4.732,9 ca/ngày, tăng 11% so với tuần trước. Số bệnh nhân mắc COVID-19 có các triệu chứng nghiêm trọng đã tăng thêm 1 người từ ngày 21/8 lên 271 người.
Bất chấp các biện pháp chống dịch được thực hiện trong khuôn khổ tình trạng khẩn cấp và gần như khẩn cấp ở các khu vực bị ảnh hưởng nặng nề bao gồm cả Tokyo, Nhật Bản đang phải chật vật đối phó với làn sóng dịch COVID-19 nghiêm trọng nhất. Trong ngày 21/8, Nhật Bản ghi nhận thêm 25.492 ca mới. Đây là ngày thứ 3 liên tiếp số ca mắc mới ở nước này ở trên ngưỡng 25.000 ca/ngày.
Đáng chú ý, có tới 9 trong tổng số 47 tỉnh, thành ghi nhận số ca mới cao kỷ lục. Mặc dù các nhà tổ chức đã thực hiện nhiều biện pháp quyết liệt để phòng chống dịch COVID-19, nỗi lo dịch bệnh vẫn đang bao trùm lên Đại hội thể thao người khuyết tật Paralympic Tokyo 2020, dự kiến sẽ khai mạc vào ngày 24/8.
Nhiều bệnh viện ở Israel quá tải
Nhân viên y tế tiêm vaccine COVID-19 cho trẻ em tại Tel Aviv, Israel ngày 6/6/2021. Ảnh: AFP/TTXVN
Lãnh đạo 7 “bệnh viện công” ở Israel ngày 22/8 khẳng định đội ngũ nhân viên y tế tại các cơ sở điều trị này đã đạt đến mức giới hạn và có thể sẽ không tiếp nhận thêm bệnh nhân COVID-19 từ ngày 23/8.
Các cơ sở y tế được gọi là “bệnh viện công” ở Israel là những tổ chức độc lập hoạt động chủ yếu bằng các khoản tài trợ, khác với hệ thống trực tiếp thuộc sở hữu và nhận tài trợ từ Chính phủ hay các quỹ y tế.
Tờ Times of Israel dẫn phát biểu của giới lãnh đạo 7 bệnh viện tại một cuộc họp báo kêu gọi tổ chức một chiến dịch trong cộng đồng để bảo đảm tài chính và có những bước đi cần thiết để hỗ trợ hệ thống y tế sau 16 tháng khủng hoảng.Tiến sĩ Ofer Marin, Giám đốc Trung tâm Y tế Shaare Zedek ở Jerusalem nêu rõ: “Trong điều kiện hiện nay, chúng tôi không thể tiếp tục hoạt động điều trị. Chúng tôi không có thiết bị, dụng cụ và tiền để trả lương cho đội ngũ nhân viên”.
Tình hình dịch bệnh COVID-19 ở Israel đang ở mức đáng lo ngại. Theo số liệu của Bộ Y tế Israel, chỉ tính riêng trong 24 giờ qua, nước này đã ghi nhận 3.885 ca bệnh mới và 55 người tử vong do COVID-19. Kể từ khi dịch bệnh bùng phát đến nay, Israel đã ghi nhận tổng cộng hơn 986.000 ca lây nhiễm và số bệnh nhân sẽ nhanh chóng vượt qua mốc 1 triệu người trong vài ngày tới.
Trước tình hình đó, Chính phủ Israel đã đẩy mạnh chiến dịch tiêm vaccine ngừa COVID-19, với quyết định mới là mở rộng đối tượng được tiêm liều 3 tới những người từ 40 tuổi trở lên. Bên cạnh đó, Israel cũng đã khởi động chiến dịch xét nghiệm SARS-Cov-2 cho toàn bộ trẻ em từ 3 đến 12 tuổi trên toàn quốc, nhằm phân luồng học sinh trước ngày khai giảng. Israel đã nhập 1,7 triệu bộ xét nghiệm nhanh cho chiến dịch này, nhằm “hạn chế học sinh bị nhiễm bệnh đến trường”. Các bộ xét nghiệm sẽ được gửi đến từng gia đình để cha mẹ tự làm xét nghiệm cho con.
Số ca mắc ở Thái Lan có xu hướng giảm dần
Người dân đeo khẩu trang phòng dịch COVID-19 tại một bến tàu ở Bangkok, Thái Lan ngày 26/4/2021. Ảnh: AFP/TTXVN
Ngày 22/8, Trung tâm Xử lý tình hình dịch COVID-19 Thái Lan (CCSA) cho biết, trong 24 giờ qua, nước này có thêm 19.014 ca mới và 233 ca tử vong.
Kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát vào đầu năm ngoái, đến nay Thái Lan ghi nhận tổng cộng 1.049.295 ca mắc, trong đó 839.855 ca đã khỏi bệnh và 9.320 ca không qua khỏi.
Người phát ngôn của CCSA trước đó cho biết mặc dù tình hình dịch bệnh ở nước này vẫn còn đáng lo ngại, nhưng có những dấu hiệu tích cực cho thấy số ca mới đã qua mức đỉnh và có thể sẽ tăng chậm trong thời gian tới.
Trong khi đó, Tiến sĩ Kampanat Porn-yotkrai, một bác sĩ phẫu thuật tiết niệu điều hành trang Facebook “Sarikahappymen”, viết rằng làn sóng lây nhiễm COVID-19 ở Thái Lan đã vượt qua đỉnh điểm. Tuy nhiên, ông cảnh báo rằng đại dịch còn lâu mới kết thúc. Tiến sĩ Kampanat lưu ý rằng trong đợt bùng phát của biến chủng Delta, các ca lây nhiễm hàng ngày lên đến hơn 400.000 rồi mới nhanh chóng giảm lại. Thái Lan có thể đã vượt qua đỉnh 23.000 ca/ngày gần đây.
Video đang HOT
Ông Kampanat cho biết chương trình tiêm chủng của Thái Lan đóng một vai trò quan trọng dù rằng vẫn còn những bất cập. Hiện tại, một phần tư dân số, tương đương 18 triệu người, đã tiêm mũi vaccine đầu tiên và Thái Lan chuẩn bị đạt mức tiêm 500.000 mũi vaccine mỗi ngày.
Theo Tiến sĩ Kampanat, chiều đi lên của đường cong dịch tễ mất từ hai đến ba tháng, vì vậy cũng sẽ mất từ hai đến ba tháng đối với chiều đi xuống. Thái Lan có thể sẽ thấy số ca nhiễm hàng ngày giảm từ 19.000 xuống 18.000 xuống 17.000 cho đến khi đường cong dịch tễ bằng phẳng. Tiến sĩ dự báo sẽ có khoảng 300.000-400.000 ca nhiễm mới trong xu hướng giảm. Dựa trên số liệu thống kê, số người tử vong sẽ đạt đỉnh sau hai tuần, vì vậy có thể có 2.000-3.000 trường hợp tử vong nữa trước khi làn sóng dịch này kết thúc.
Chính phủ Thái Lan đang cố gắng đảm bảo có nhiều vaccine hơn và đẩy nhanh việc triển khai tiêm chủng để tạo được miễn dịch cộng đồng. Nước này đặt mục tiêu tiêm chủng cho khoảng 70% dân số gần 70 triệu người vào cuối năm nay.
Theo CCSA, tính đến ngày 21/8, Thái Lan đã thực hiện tiêm chủng hơn 26,7 triệu liều vaccine, với 8,5% dân số đã được tiêm chủng đầy đủ.
Số ca mắc mới ở Philippines cao thứ 3 ASEAN
Tiêm vaccine COVID-19 cho người dân tại Manila, Philippines ngày 15/7/2021. Ảnh: AFP/TTXVN
Ngày 22/4, Bộ Y tế Philippines (DOH) thông báo ghi nhận thêm 16.044 ca mắc mới COVID-19, nâng tổng số ca mắc trên cả nước lên 1.839.635 ca.
Cũng theo DOH, số người tử vong vì COVID-19 cũng tăng lên 31.810 người sau khi có thêm 215 không qua khỏi.
Trước đó, ngày 20/4, Philippines đã ghi nhận 17.231 ca mắc mới, mức tăng cao nhất được ghi nhận trong 1 ngày cho đến nay. Quốc gia với dân số khoảng 110 triệu dân này đã xét nghiệm cho gần 17 triệu người kể từ khi dịch bệnh bùng phát vào tháng 1/2020.
Lào ghi nhận trên 300 ca mắc mới trong một ngày qua
Người dân tập thể dục tại Viêng Chăn, Lào, ngày 5/7/2021. Ảnh: THX/TTXVN
Bộ Y tế Lào ngày 22/8 cho biết, trong 24 giờ qua, nước này ghi nhận 305 ca mắc mới COVID-19; trong đó ngoài 224 ca nhập cảnh được cách ly ngay, còn có 81 ca cộng đồng. Tình hình dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp. Đáng chú ý là số ca lây nhiễm trong cộng đồng tiếp tục tăng cao; trong đó, Savanankhet là tỉnh ghi nhận nhiều ca cộng đồng nhất với 52 ca.
Trước tình hình trên, Ủy ban chuyên trách trung ương về phòng chống dịch COVID-19 của Lào đã chỉ đạo các địa phương tăng cường hoạt động giám sát đường biên giới để ngăn chặn việc nhập cảnh trái phép có nguy cơ mang theo dịch bệnh vào trong nước, đồng thời tăng cường giáo dục nhận thức về dịch bệnh cho người lao động đang được điều trị hoặc đang ở trong các khu cách ly.
Chính phủ Lào cũng kêu gọi người dân theo dõi và báo cáo trường hợp nhập cảnh bất hợp pháp hoặc vi phạm biện pháp phòng chống dịch để có hình thức xử lý kịp thời.
Đến nay, tổng số ca nhiễm COVID-19 tại Lào đã lên tới 12.469 ca, trong đó có 11 người tử vong.
Dịch bệnh ở Brunei tiếp tục nóng hơn
Brunei đã gia hạn phong tỏa toàn quốc một phần thêm 2 tuần. Ảnh: BORNEO BULLETIN
Sau khi ghi nhận 122 ca nhiễm mới ngày 21/8, Brunei tiếp tục có 314 ca mắc mới trong ngày 22/8, nâng tổng ca nhiễm lên 1.769. Ngày 22/8 là ngày thứ tư liên tiếp ca nhiễm mới tại Brunei vượt 100.
Số ca nhiễm đã tăng mạnh tại Brunei sau nhiều tháng nước này kiểm soát dịch thành công nhất khu vực, với số ca nhiễm chỉ ở mức 1 con số.
Trước sự kiện phát hiện 7 ca nhiễm cộng đồng hôm 7/8, Brunei đã lập kỷ lục khi không có ca nhiễm cộng đồng trong 457 ngày. Đối mặt với ổ dịch mới và tình hình đại dịch phức tạp do biến thể mới, quốc gia này đã áp dụng những biện pháp kiểm soát nghiêm ngặt nhất trong 2 ngày, kể từ 21/8. Chính phủ Brunei đã quyết định gia hạn các biện pháp phong toả toàn quốc một phần thêm 2 tuần.
Bên cạnh đóng cửa các cơ sở tôn giáo, trường học, nhà hàng ăn tại chỗ và các cơ sở thể thao, giải trí, Brunei cũng cấm hầu hết các cuộc tụ tập, yêu cầu người lao động ngành không thiết yếu làm ở nhà và cấm toàn bộ cư dân rời khỏi nhà mà không có lý do quan trọng.
Australia duy trì chiến lược chống dịch hiện tại
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại bang Victoria, Australia ngày 19/8/2021. Ảnh: AFP/TTXVN
Thủ tướng Australia Scott Morrison đã chỉ thị chính quyền các bang và vùng lãnh thổ của nước này tiếp tục theo đuổi lộ trình chống dịch COVID-19 hiện tại trong bối cảnh số ca mắc mới tăng cao nhất từ trước đến nay.
Ngày 22/8, Australia ghi nhận 914 ca mắc mới COVID-19, mức cao kỷ lục trong ngày thứ hai liên tiếp, chủ yếu ở bang New South Wales. Tuy nhiên, Thủ tướng Morrison cùng ngày hối thúc chính quyền các bang và vùng lãnh thổ bắt đầu nới lỏng các biện pháp hạn chế khi 70% dân số trưởng thành đã tiêm phòng đầy đủ.
Nội các Australia vào tháng 7 vừa qua đã thông qua lộ trình chống dịch COVID-19 gồm 4 giai đoạn, theo đó các biện pháp phong tỏa sẽ dần được dỡ bỏ khi đạt tỷ lệ tiêm chủng ở mức 70% dân số trưởng thành. Ông Morrison nhấn mạnh việc ngăn chặn sự lây lan của virus SARS-CoV-2 cần được thực hiện mạnh mẽ nhất trong giai đoạn A của kế hoạch chống dịch, các giai đoạn sau đó cần chuyển sang tập trung điều trị các ca nhập viện, ca bệnh nặng và ca nguy kịch. Ông khẳng định, với tỷ lệ tiêm chủng đạt 70-80%, Australia có thể thoát khỏi dịch COVID-19.
Tính đến ngày 22/8, khoảng 50% dân số Australia ở các bang New South Wales, Victoria và Vùng lãnh thủ thủ đô Australia (ACT) vẫn đang trong giai đoạn phong tỏa vì dịch COVID-19.
COVID-19 tới 6h sáng 9/8: Thế giới thêm 7.517 ca tử vong; Iran đứng đầu về ca mắc mới
Theo trang mạng worldometer.info, trong vòng 24 giờ qua, thế giới ghi nhận trên 464.000 ca bệnh COVID-19 và 7.517 ca tử vong. Tổng số ca bệnh từ đầu dịch tới nay đã là trên 203,3 triệu ca, trong đó trên 4,3 triệu ca tử vong.
Nhân viên y tế tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho người dân tại London, Anh, ngày 25/6/2021. Ảnh: AFP/TTXVN
Ba quốc gia có số ca mắc COVID-19 trong 24 giờ qua cao nhất thế giới là Iran (39.619 ca), Ấn Độ (36.035 ca) và Anh (27.429 ca).
Ba quốc gia có số ca tử vong trong 24 giờ qua cao nhất thế giới là Indonesia (1.498 ca), Nga (787 ca) và Iran (542 ca).
Xét về tổng thể, Mỹ tiếp tục là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất với 633.112 ca tử vong trong số trên 36,5 triệu ca mắc. Tiếp đến là Brazil với 563.151 ca tử vong trong số trên 20,1 triệu ca mắc, Ấn Độ với 428.339 ca tử vong trong 31,9 triệu ca mắc.
Xét theo dân số, Peru là nước có tỷ lệ tử vong vì COVID-19 cao nhất với 597 ca/100.000 dân, tiếp theo là Hungary (311 ca), Bosnia-Herzegovina (295 ca), CH Séc (284 ca) và Brazil (265 ca).
Nhật Bản: Số ca mắc mới tại Tokyo vượt 4.000 ngày thứ 5 liên tiếp
Nhân viên y tế điều trị cho bệnh nhân nghi nhiễm COVID-19 tại bệnh viện ở Yokohama, Nhật Bản, ngày 8/8/2021. Ảnh: AFP/TTXVN
Tại Nhật Bản, thủ đô Tokyo ghi nhận 4.066 ca mới trong ngày 8/8, ngày thi đấu cuối cùng tại Olympic Tokyo 2020. Đây là ngày thứ 5 liên tiếp số ca mắc mới COVID-19 tại Tokyo vượt ngưỡng 4.000 ca.
Do biến thể Delta, trước đó cùng ngày, thêm 8 tỉnh tại Nhật Bản đã siết chặt các biện pháp phòng chống dịch COVID-19, theo đó các nhà hàng phải cắt giảm thời gian mở cửa và ngừng phục vụ đồ uống có cồn. Như vậy, tính tới nay, có tất cả 13 tỉnh, thành tại Nhật Bản đang áp đặt các biện pháp nghiêm ngặt nhằm ngăn chặn sự lây lan của virus SARS-CoV-2, đặc biệt là biến thể Delta. Trong khi đó, thủ đô Tokyo và 5 tỉnh khác cũng đang phải áp đặt biện pháp mạnh hơn là tình trạng khẩn cấp.
Tổng số ca mắc COVID-19 tại Nhật Bản đã vượt 1 triệu ca vào ngày 6/8, trong bối cảnh số ca mới liên tục ghi nhận mức cao chưa từng thấy, làm gia tăng quan ngại hệ thống y tế có thể sụp đổ. Trong khi đó, số ca mắc COVID-19 liên quan đến Olympic Tokyo kể từ đầu tháng 7 đến nay là 430 ca sau khi có thêm 26 ca mắc trong ngày thi đấu cuối cùng 8/8. Số ca tử vong do COVID-19 tại Nhật Bản hiện là hơn 15.200 ca.
Các số liệu thống kê mới nhất của Ban tổ chức Olympic Tokyo cho thấy kể từ ngày 1/7 đến ngày 8/8, có tổng cộng 430 ca mắc COVID-19 có liên quan tới sự kiện thể thao lớn nhất thế giới này, trong đó có 286 ca là công dân Nhật Bản và 144 ca là người nước ngoài.
Trung Quốc ghi nhận thêm 81 ca lây nhiễm trong cộng đồng
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại Dương Châu, tỉnh Giang Tô, Trung Quốc, ngày 7/8/2021. Ảnh: THX/TTXVN
Trung Quốc thông báo có thêm 81 ca lây nhiễm trong cộng đồng, trong đó tỉnh Giang Tô có số ca nhiễm cao nhất, với 38 ca, sau đó là Hà Nam, với 24 ca.
Tính đến nay, Trung Quốc ghi nhận 93.701 ca lây nhiễm trong cộng đồng, trong đó 1.507 bệnh nhân vẫn đang phải điều trị, 44 bệnh nhân đang trong tình trạng nguy kịch.
Cũng trong ngày 8/8, Trung Quốc ghi nhận 30 ca mắc mới COVID-19 không biểu hiệu triệu chứng.
Philippines ghi nhận số ca tử vong cao nhất kể từ tháng 4
Nhân viên y tế tiêm vaccine phòng COVID-19 cho người dân tại San Juan, Philippines, ngày 27/7/2021. Ảnh: THX/TTXVN
Ngày 8/8, Bộ Y tế Philippines báo cáo thêm 287 ca tử vong vì dịch COVID-19, mức cao nhất kể từ ngày 9/4 vừa qua, đưa tổng số ca tử vong ở nước này lên 29.122 ca. Cũng trong 24 giờ qua, số ca mới tại Philippines tăng 9.671 ca lên tổng cộng 1,66 triệu ca.
Philippines đã phát hiện hơn 330 ca nhiễm biến thể Delta trong những tuần gần đây, làm dấy lên lo ngại rằng biến thể này có thể lây lan khắp cả nước, giống như tình trạng đang diễn ra tại các nước Đông Nam Á. Cho đến nay, chỉ hơn 10,7 triệu người Philippines đã tiêm phòng đầy đủ, chiếm gần 10% dân số.
Thái Lan ghi nhận gần 20.000 ca mắc mới
Bệnh nhân COVID-19 được điều trị tại bệnh viện Vibhavadi ở Bangkok, Thái Lan ngày 26/4/2021. Ảnh: AFP/TTXVN
Thái Lan ghi nhận 19.983 ca mắc mới COVID-19 trong ngày 8/8, nâng tổng số ca mắc ở nước này lên 756.505 ca. Trong khi đó, số ca tử vong vì dịch COVID-19 cũng tăng 138 ca lên 6.204 ca.
Theo Trung tâm Xử lý tình hình dịch COVID-19 (CCSA) của Thái Lan, trong số các ca mắc mới có 3.080 ca ghi nhận ở thủ đô Bangkok, tâm điểm của làn sóng lây nhiễm thứ ba ở nước này.
Chính phủ Thái Lan đã áp đặt các biện pháp hạn chế, trong đó có lệnh giới nghiêm, sau khi ghi nhận số ca mắc mới và nhập viện cao nhất trong vài tháng qua. Tuy nhiên, do tiến độ tiêm chủng chậm và sự lây lan nhanh các biến thể virus SARS-CoV-2, tình hình dịch COVID-19 vẫn chưa có dấu hiệu lắng dịu.
Tính đến ngày 7/8, Thái Lan đã tiêm hơn 20 triệu liều vaccine ngừa COVID-19, với 4,4 triệu người đã hoàn thành tiêm chủng. Nước này đặt mục tiêu đến cuối năm nay tiêm chủng cho 70% dân số.
Biến thể Delta chiếm 95% tổng số ca nhiễm ở Bờ Tây
Nhân viên y tế điều trị cho bệnh nhân COVID-19 tại Tây Hebron, khu Bờ Tây ngày 30/5/2021. Ảnh: AFP/TTXVN
Người đứng đầu lĩnh vực y tế của chính quyền Palestine Mai al-Kaila ngày 7/8 thông báo biến thể Delta chiếm tới 95% số ca bệnh tại Bờ Tây.
Theo bà Mai al-Kaila, biến thể Delta đang lây lan ở tất cả các khu vực ở Bờ Tây. Tuy nhiên, bà cho rằng tình hình dịch tễ tại Bờ Tây chưa cần thiết phải phong tỏa. Nhà chức trách đang nỗ lực hạn chế virus lây lan và sẽ áp dụng mọi biện pháp cần thiết. Bên cạnh đó, bà cũng cho biết để có thể duy trì việc mở cửa các thành phố và các cơ sở giáo dục, người dân cần thể hiện trách nhiệm xã hội, có ý thức ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh. Những người trên 18 tuổi cần đi tiêm vaccine ngừa COVID-19, tuân thủ các biện pháp phòng, chống dịch, trong đó có đeo khẩu trang và giãn cách xã hội.
Saudi Arabia cho phép tín đồ đã tiêm vaccine hành hương tới Umrah
Người Hồi giáo cầu nguyện tại Mecca năm 2021. Ảnh: Reuters
Saudi Arabia sẽ cho phép tất cả những người nước ngoài đã tiêm vaccine ngừa COVID-19 tham dự hành hương Umrah tại Mecca. Động thái trên diễn ra khoảng 18 tháng sau khi nước này đóng cửa biên giới nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh.
Theo nhà chức trách Saudi Arabia, từ ngày 9/8, nước này sẽ dần tiếp nhận yêu cầu hành hương Umrah từ các nước. Những người hành hương nước ngoài sẽ phải tiêm một loại vaccine được Saudi Arabia phê duyệt và phải thực hiện cách ly theo quy định.
Umrah là cuộc hành hương có thể thực hiện bất kỳ lúc nào, khác với lễ Hajj chỉ diễn ra 1 lần trong năm. Đại dịch COVID-19 đã ảnh hưởng lớn đến 2 lễ hành hương này - vốn là nguồn thu chính cho Saudi Arabia.
Iran: Số ca tử vong do COVID-19 lần đầu tiên vượt 500 ca mỗi ngày
Chuyển bệnh nhân tử vong do COVID-19 tới nhà xác tại một bệnh viện ở Tehran, Iran. Ảnh: IRNA/TTXVN
Bộ Y tế Iran ngày 8/8 thông báo lần đầu tiên nước Cộng hòa Hồi giáo này ghi nhận hơn 500 ca tử vong do COVID-19 tính theo ngày giữa lúc số ca lây nhiễm cũng tăng cao chưa từng có.
Trong 24 giờ qua, Iran ghi nhận số ca mắc mới COVID-19 cao kỷ lục với 39.619 ca và 542 ca tử vong, nâng tổng số ca nhiễm kể từ khi đại dịch bùng phát lên 4.158.729 ca và 94.015 ca tử vong.
Australia vẫn chật vật đối phó với biến thể Delta
Cảnh vắng vẻ tại Sydney, Australia, trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, ngày 28/7/2021. Ảnh: THX/TTXVN
Ba bang đông dân nhất của Australia gồm New South Wales, Victoria và Queensland vẫn đang chật vật đối phó với biến thể Delta. Trong 24 giờ qua, có thêm 282 ca mắc mới COVID-19 tại cả 3 bang.
Trong số này, bang New South Wales ghi nhận số ca mắc mới nhiều nhất, 262 ca, song đã giảm so với mức 319 ca một ngày trước đó. Có 362 người đang phải điều trị ở New South Wales, trong đó có 58 người đang phải điều trị tích cực. Trong số những bệnh nhân đang phải điều trị tích cực, có 54 người chưa được tiêm vaccine phòng bệnh. Chính quyền bang New South Wales đang áp đặt biện pháp phong tỏa đối với trên 5 triệu người ở Sydney trong 6 tuần.
Trước tình hình dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp, Thủ hiến bang New South Wales Gladys Berejiklian hối thúc người dân tuân thủ các quy định và khuyến cáo phòng, chống dịch, chỉ ra khỏi nhà khi thực sự cần thiết.
Cùng ngày, bang Victoria thông báo ghi nhận thêm 11 ca nhiễm mới, trong khi bang Queensland có 9 ca mới. Theo kế hoạch, thành phố lớn thứ 3 của Australia là Brisbane thuộc bang Queensland sẽ được dỡ bỏ phong tỏa trong ngày 8/8. Hàng triệu người dân Brisbane đã phải ở nhà trong 8 ngày qua sau khi thành phố này ghi nhận hơn 100 ca mắc tại các cơ sở giáo dục. Tuy nhiên, chính quyền sẽ vẫn giữ nguyên lệnh cấm rời khỏi thành phố và tụ tập trong vòng 2 tuần. Bên cạnh đó, chính quyền bang Queensland đã ban hành lệnh phong tỏa mới, kéo dài 3 ngày, đối với thành phố Cairns, ở phía Bắc, sau khi ghi nhận 1 ca nhiễm mới chưa rõ nguồn lây.
Do biến thể Delta có tỷ lệ lây lan cao, đang hoành hành tại khu vực bờ biển miền Đông Australia, các bang ở nước này đang áp dụng biện pháp phong tỏa sớm và quyết liệt cho đến khi ít nhất 70% dân số được tiêm vaccine ngừa COVID-19, như chính phủ liên bang khuyến cáo hồi tuần trước.
Người dân Italy tiếp tục biểu tình phản đối thẻ xanh
Nhân viên y tế tiêm vaccine COVID-19 cho người dân tại Rome, Italy, ngày 21/7/2021. Ảnh: AFP/TTXVN
Các cuộc biểu tình đã diễn ra tại một số thành phố của Italy để phản đối việc thực thi các biện pháp mới, yêu cầu phải trình thẻ xanh COVID-19 để tham gia các sự kiện diễn ra trong nhà.
Trên 1.000 người đã tập trung tại quảng trường Piazza del Popolo ở trung tâm thủ đô Rome và hét vang "Không cần Thẻ xanh" và "Tự do". Hãng tin ANSA đưa tin, hàng nghìn người khác đã tuần hành ở Milan, với một số người đeo huy hiệu Ngôi sao David, giống như những người Do Thái ở Đức thời Đức Quốc xã, với dòng chữ "không được tiêm chủng". Khoảng 100 người thuộc phong trào "No Vax" cũng tập trung tại Naples, đặc biệt phản đối việc tiêm chủng cho trẻ em, đồng thời hét lên "Buông tha trẻ em" và "Xấu hổ! Xấu hổ!".
Thẻ xanh, một phần mở rộng của chứng chỉ COVID-19 kỹ thuật số của Liên minh châu Âu (EU), đã trở thành bắt buộc ở Italy từ ngày 6/8 để vào rạp chiếu phim, bảo tàng và địa điểm thi đấu thể thao trong nhà hoặc các nhà hàng.
"Thẻ xanh" tại Italy được cấp cho những người đã tiêm ít nhất một mũi vaccine phòng COVID-19 hoặc đã có kết quả xét nghiệm nhanh âm tính với COVID-19 được thực hiện trong 48 giờ trước đó, và có hiệu lực 6 tháng với các trường hợp phục hồi sau điều trị COVID-19.
Ngày 5/8, chính phủ Italy đã mở rộng yêu cầu thẻ xanh cho tất cả giáo viên, sinh viên đại học và những người sử dụng các phương tiện giao thông đường dài từ ngày 1/9 tới.
Nga có trên 22.000 ca mắc mới
Tiêm vaccine COVID-19 cho người dân ở Moskva, Nga ngày 4/8/2021. Ảnh: THX/TTXVN
Ngày 8/8, Nga phát hiện thêm 22.866 ca mới, trong đó có 2.761 ca ghi nhận ở Moskva, đưa tổng số ca lên 6.447.750 ca kể từ khi bùng phát dịch.
Theo lực lượng đặc nhiệm chống dịch COVID-19 của Chính phủ Nga, trong 24 giờ qua, nước này có thêm 787 ca tử vong do dịch COVID-19, nâng tổng số ca không qua khỏi lên 164.881 ca.
Thế giới ghi nhận 212,3 triệu ca mắc, 4,4 triệu ca tử vong do COVID-19 Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến khoảng 21h30 (theo giờ Việt Nam), thế giới đã ghi nhận 212.358.643 ca mắc COVID-19, trong đó có 4.441.496 ca tử vong. Đến thời điểm hiện tại, đã có hơn 189,97 triệu bệnh nhân đã bình phục và vẫn còn hơn 17,94 triệu người đang được điều trị. Tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho người dân tại...