COVID-19 tới 6h sáng 22/11: Thế giới thêm 379.000 ca mắc; Ca tử vong mới ở Nga cao nhất
Theo trang mạng worldometer.info, trong vòng 24 giờ qua, thế giới ghi nhận trên 379.000 ca mắc COVID-19 và trên 3.900 ca tử vong.
Tổng số ca mắc từ đầu dịch tới nay đã là trên 257,8 triệu ca, trong đó trên 5,16 triệu ca tử vong.
Người dân xếp hàng chờ tiêm vaccine COVID-19 tại Berlin, Đức, ngày 12/11/2021. Ảnh: THX/TTXVN
Ba quốc gia có số ca mắc trong 24 giờ qua cao nhất thế giới là Anh (40.004 ca), Nga (36.970 ca) và Đức (36.860 ca).
Ba quốc gia có số ca tử vong trong 24 giờ qua cao nhất thế giới là Nga (1.252 ca), Ukraine (377 ca) và Mexico (227 ca).
Như vậy, đa số quốc gia có số ca mắc và tử vong mới cao nhất trong 24 giờ qua đều nằm ở châu Âu – khu vực một lần nữa lại là tâm dịch thế giới. Số ca mắc mới tăng nhanh khiến nhiều quốc gia châu Âu phải áp dụng các biện pháp phòng chống COVID-19 nghiêm ngặt.
Tính từ đầu đại dịch, châu Âu ghi nhận tổng cộng 70,4 triệu ca mắc và 1,37 triệu ca tử vong.
Hàn Quốc ghi nhận ca mắc mới trên 3.000 ngày thứ 5 liên tiếp
Một điểm xét nghiệm COVID-19 tại Seoul, Hàn Quốc ngày 18/11/2021. Ảnh: THX/TTXVN
Ngày 21/11, Cơ quan kiểm soát và phòng chống dịch bệnh Hàn Quốc (KDCA) thông báo nước này ghi nhận 3.120 ca mắc COVID-19 mới, trong đó có 3.098 ca lây nhiễm trong cộng đồng. Như vậy, trong 5 ngày liên tiếp gần đây, Hàn Quốc ghi nhận hơn 3.000 ca nhiễm mới/ngày. Thực tế này làm dấy lên những lo ngại nguy cơ dịch COVID-19 tái bùng phát tại Hàn Quốc trong mùa Đông năm nay.
Từ ngày 7/7, số ca mắc mới ghi nhận hằng ngày tại Hàn Quốc liên tục ở mức 4 chữ số do xuất hiện nhiều ổ dịch mới và sự lây lan của các biến thể có khả năng lây nhiễm nhanh. Hiện tổng số ca mắc COVID-19 tại Hàn Quốc đã lên tới 415.425 ca từ đầu dịch, trong đó vùng thủ đô Seoul chiếm tới 80% số ca.
Tại vùng thủ đô Seoul, 80% giường điều trị tích cực (ICU) đã kín chỗ. Hiện có hơn 800 bệnh nhân COVID-19 khác đang chờ nhập viện. Trong khi tỷ lệ này tại các bệnh viện trên cả nước là 70%.
Số ca nhiễm mới ghi nhận hằng ngày trong vài tuần gần đây không có dấu hiệu giảm sau khi Hàn Quốc bắt đầu nới lỏng các biện pháp phòng dịch từ ngày 1/11. Đây là giai đoạn đầu tiên trong lộ trình “sống chung an toàn với COVID-19″ gồm 3 giai đoạn mà Chính phủ Hàn Quốc đã đề ra.
Ở giai đoạn đầu này, người dân được phép hội họp với quy mô dưới 10 người, không tính nhóm đông người đi nghỉ. Mọi hạn chế về thời gian hoạt động của các doanh nghiệp như nhà hàng, quán cà phê và rạp chiếu phim đều được gõ bỏ, trừ các địa điểm giải trí dành cho người trưởng thành như quán rượu và câu lạc bộ đêm.
Theo kế hoạch, Hàn Quốc sẽ thực hiện giai đoạn 2 từ giữa tháng 12 tới sau khi có những đánh giá về dịch bệnh trong 2 tuần đầu tháng 12. Tuy nhiên, giới chức y tế cảnh báo quốc gia Đông Bắc Á này chưa thể thực hiện giai đoạn 2 nếu tình hình dịch bệnh tiếp tục như hiện nay.
Trong tuần tới Hàn Quốc sẽ mở cửa toàn bộ trường học và với tình hình dịch bệnh hiện nay, nhiều người lo ngại dịch COVID-19 sẽ tái bùng phát trong mùa Đông. Hiện Chính phủ Hàn Quốc đang đẩy nhanh chương trình tiêm mũi tăng cường cho nhóm người cao tuổi và người có nguy cơ cao khi số người nhiễm SARS-CoV2-2 dù đã tiêm đủ liều vaccine gia tăng đáng lo ngại.
Trung Quốc áp dụng cách tiếp cận mới trong truy vết ca nhiễm
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại Liêu Ninh, Trung Quốc ngày 17/11/2021. Ảnh: THX/TTXVN
Trong nỗ lực kiểm soát tình trạng lây nhiễm COVID-19, Trung Quốc mới đây đã áp dụng cách tiếp cận mới tại một số địa phương nhằm nhanh chóng xác định những người có nguy cơ lây nhiễm.
Giới chức y tế thành phố Thành Đô ở phía Tây Nam đã áp dụng phương pháp xác định tiếp xúc theo thời gian và không gian. Theo cách này, nhà chức trách thông qua tín hiệu điện thoại di động sẽ xác định những người có mặt trong phạm vi 800m2 quanh bệnh nhân COVID-19 trong hơn 10 phút.
Video đang HOT
Trong khi đó, tại tỉnh Hà Nam ở miền Trung, tin nhắn sẽ được gửi tới điện thoại những người được xác định là đã ở gần bệnh nhân COVID-19 trong khoảng thời gian và không gian như trên.
Giới chức y tế cho biết những người này sẽ được yêu cầu xét nghiệm COVID-19 hai lần trong 3 ngày và phải tự cách ly cho đến khi có kết quả xét nghiệm âm tính. Một số vùng như thủ đô Bắc Kinh hay tỉnh Phúc Kiến cũng áp dụng cách tiếp cận này, tuy nhiên yêu cầu xét nghiệm tại từng địa phương có khác nhau.
Nhân viên y tế tiêm vaccine COVID-19 cho trẻ em tại Bắc Kinh, Trung Quốc, ngày 19/11/2021. Ảnh: THX/TTXVN
Các chuyên gia tin rằng phương pháp mới sẽ giúp nhanh chóng xác định những người có nguy cơ lây nhiễm và giảm tải công việc cho các nhân viên y tế. Một số người khác cho rằng biện pháp này có thể không phải lý tưởng nhất, nhưng tốt hơn so với việc tiến hành xét nghiệm người dân toàn thành phố.
Trong khi đó, việc truy vết những người tiếp xúc gần với người nhiễm COVID-19 vẫn được áp dụng. Bác sĩ Kang Yi, trưởng khoa bệnh truyền nhiễm tại Bệnh viện Nhân dân tỉnh Hà Nam cho biết, đối với các trường hợp tiếp xúc gần, thời gian có thể xảy ra lây nhiễm được tính là trong vòng 4 ngày trước khi bệnh nhân xuất hiện triệu chứng, thay vì 2 ngày như trước đây.
Hiện tại, ngoài các biện pháp truy vết trên, chính quyền tỉnh Hà Nam tiếp tục thực hiện xét nghiệm đại trà, phong tỏa có mục tiêu và hạn chế đi lại, đồng thời triển khai tiêm chủng cho trẻ từ 3 đến 11 tuổi.
Hơn một nửa dân số Iran đã được tiêm đầy đủ vaccine
Nhân viên y tế tiêm vaccine ngừa COVID-19 tại Tehran, Iran ngày 7/10/2021. Ảnh: AFP/TTXVN
Bộ Y tế Iran cho biết hơn một nửa dân số của Iran đã được tiêm chủng đầy đủ vaccine ngừa COVID-19, giữa lúc số ca mắc mới và số trường hợp tử vong do dịch COVID-19 tại nước này đã bắt đầu thuyên giảm.
Theo số liệu của Bộ Y tế Iran, hơn 44,2 triệu người trong tổng số 83 triệu dân của Iran đã được tiêm hai mũi vaccine ngừa COVID-19 kể từ khi quốc gia Trung Đông này bắt đầu triển khai chiến dịch tiêm chủng vào tháng 2/2021. Trong khi đó, hơn 12,2 triệu người khác đã nhận được một liều vaccine. Iran hiện sử sụng một số loại vaccine ngừa COVID-19, trong đó có vaccine của Sinopharm. Iran hiện đang đối phó với đợt bùng phát dịch được coi là nghiêm trọng nhất tại khu vực Trung Đông. Nước này đã chính thức ghi nhận hơn 6 triệu ca mắc COVID-19, trong đó có gần 129.000 ca tử vong. Giới chức y tế Iran thừa nhận các số liệu được công bố chính thức thấp hơn so với con số thực tế.
Tuy nhiên, số ca nhiễm mới và số trường hợp tử vong do dịch COVID-19 tại Iran đã bắt đầu giảm, sau khi nước này ghi nhận số ca nhiễm và số người tử vong kỷ lục vào tháng 8/2021. Tổng thống Iran Ebrahim Raisi ngày 20/11 đã ra lệnh dỡ bỏ lệnh cấm lái xe vào ban đêm kéo dài một năm qua đối với các phương tiện cá nhân trong các khu vực đô thị. Trước đó, ngày 18/11, các sân vận động bóng đá ở Iran đã được thử nghiệm mở cửa trở lại nhưng chỉ giới hạn ở 30% công suất.
Mỹ gần đạt mốc tiêm 450 triệu liều vaccine
Nhân viên y tế tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho người dân tại Los Angeles, bang California, Mỹ ngày 17/8/2021. Ảnh: AFP/TTXVN
Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Mỹ đã công bố báo cáo mới nhất về chương trình tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 của nước này, trong đó cho biết nước đã tiêm được 449.955.588 liều vaccine phòng COVID-19 trong tổng số 567.081.775 liều đã phân phối tới các cơ sở y tế trên khắp cả nước.
CDC cho biết tính đến 6h ngày 20/11 giờ miền Đông, 229.837.421 người tại Mỹ đã được tiêm ít nhất một mũi, trong đó có 196.128.496 người đã được tiêm chủng đầy đủ.
Số liệu trên của CDC bao gồm những vaccine loại 2 mũi của Moderna và Pfizer/BioNTech, và loại một mũi duy nhất của Johnson & Johnson.
Tính đến thời điểm hiện tại, tỷ lệ dân số Mỹ hoàn thành tiêm chủng đạt 59,1%, trong đó người trên 65 tuổi đạt 86,3%, người trên 18 tuổi đạt 70,9%, người trên 12 tuổi đạt 69,1%, người trên 5 tuổi đạt 62,8%.
Báo cáo cho biết khoảng 34,5 triệu người Mỹ đã được tiêm mũi tăng cường sử dụng một trong 3 loại vaccine nói trên. Con số này tương ứng 17,6% dân số.
Trong bối cảnh chương trình tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 cho trẻ em và tiêm mũi tăng cường đang được thúc đẩy, nhiều địa phương tại Mỹ đã nới lỏng hoặc gỡ bỏ quy định đeo khẩu trang trong không gian kín và trường học. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, giờ vẫn chưa phải lúc có thể bỏ quy định đeo khẩu trang.
CDC khuyến cáo ngay cả những người đã tiêm đủ liều vaccine vẫn nên đeo khẩu trang khi ở trong các không gian kín ở nơi công cộng, tại những địa phương có tỷ lệ lây nhiễm cộng đồng ở mức “ổn định hoặc cao”. Hiện tại, gần 85% các hạt của Mỹ ở ngưỡng này, với ít nhất 50 ca nhiễm mới mỗi tuần trên 100.000 dân.
Ca mắc mới ở Pháp tăng báo động
Người dân di chuyển trên phố ở Paris, Pháp ngày 17/6/2021. Ảnh: AFP/TTXVN
Số liệu công bố ngày 21/11 cho thấy số ca mắc mới COVID-19 trong làn sóng lây nhiễm thứ 5 ở nước này đang tăng ở mức đáng báo động, gần gấp đôi so với tuần trước.
Theo giới chức y tế Pháp, ngày 20/11, số ca mắc mới COVID-19 ở Pháp trong trung bình 7 ngày là 17.153 ca, tăng 81% so với mức 9.458 ca của một tuần trước đó. Mức tăng số ca mắc mới trong 7 ngày cao gấp 3 lần con số ghi nhận cách đây 3 tuần. Người phát ngôn của Chính phủ Pháp Gabrial Attal cảnh báo số ca mắc mới trong làn sóng thứ 5 ở nước này đang bắt đầu tăng với “tốc độ ánh sáng”. Các bệnh viện ở Pháp đang điều trị cho 7.974 bệnh nhân COVID-19, trong đó có 1.333 người phải chăm sóc tích cực.
Các con số này tăng so với mức lần lượt 6.500 người và 1.000 người ghi nhận một tháng trước.
Trong khi đó, các khu nghỉ dưỡng trên núi ở Pháp đang bắt đầu mở cửa trở lại sau thời gian dài tạm dừng đón khách để phòng dịch COVID-19.
Du khách tại khu nghỉ dưỡng trượt tuyết Val Thorens trên dãy núi Alps, Đông Nam nước Pháp trong ngày đầu mở cửa trở lại, ngày 20/11/2021. Ảnh: AFP/TTXVN
Theo đó, Val Thorens – khu nghỉ dưỡng trượt tuyết cao nhất châu Âu với độ cao 2.300 mét, là khu nghỉ dưỡng đầu tiên nằm trên dãy núi Alps của Pháp đón khách trở lại từ ngày 20/11. Các khu nghỉ dưỡng khác sẽ mở cửa trở lại trong những tuần tới.
Truyền thông địa phương đưa tin cùng ngày khoảng 10.000 người đã có mặt tại khu nghỉ dưỡng thể thao trên núi ở Alps trong bối cảnh thời tiết thuận lợi cho hoạt động trượt tuyết.
Các khu nghỉ dưỡng của Pháp là địa điểm trượt tuyết nổi tiếng thứ ba trên thế giới, sau Mỹ và Áo, và đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển kinh tế của nhiều địa phương nước này.
Mùa Đông năm ngoái, những người yêu thích bộ môn trượt tuyết đã không thể thỏa đam mê trên dãy núi Alps vì cáp treo đưa khách lên đỉnh trượt tuyết buộc phải đóng cửa để ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19.
COVID-19 tại ASEAN hết 21/11: Toàn khối thêm 363 ca tử vong; Malaysia hối thúc dân tiêm mũi tăng cường
Theo trang thống kê worldometers.info, trong ngày 21/11, các quốc gia thành viên ASEAN ghi nhận 28.890 ca mắc COVID-19 và 363 ca tử vong.
Tổng số người mắc bệnh tại ASEAN từ đầu dịch đã là 13.785.195 ca, trong đó 287.730 người tử vong.
Nhân viên y tế tiêm vaccine COVID-19 cho người dân tại Bangkok, Thái Lan ngày 18/11/2021. Ảnh: THX/TTXVN
Trong ngày 21/11, Thái Lan tiếp tục có số ca mắc mới cao so với đa số quốc gia ASEAN. Nước này ghi nhận 7.006 ca mắc mới, nâng tổng số ca từ đầu dịch lên 2.064.581 ca.
Tại Malaysia, nước này có thêm 5.859 ca mắc mới, đứng thứ ba ASEAN trong ngày 21/11, sau Việt Nam và Thái Lan. Tới nay, Malaysia đã ghi nhận tổng cộng 2.581.747 ca mắc COVID-19.
Philippines ghi nhận 2.227 ca mắc mới, nâng tổng số ca mắc từ đầu đại dịch lên 2.826.410 ca mắc.
Tiếp đó là Singapore với 1.931 ca mắc mới; Lào với 921 ca mắc mới; Myanmar với 625 ca mắc mới; Indonesia với 314 ca mắc mới; Brunei với 77 ca mắc mới và Campuchia với 41 ca mắc mới.
Về số ca tử vong, đa số quốc gia ASEAN đều ghi nhận ca tử vong mới: Philippines (175 ca), Việt Nam (76 ca), Malaysia (38 ca), Thái Lan (29 ca), Singapore (13 ca), Indonesia (11 ca), Myanmar (11 ca), Lào (6 ca) và Campuchia (4 ca).
Malaysia hối thúc người dân tiêm mũi tăng cường
Nhân viên y tế tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho người dân tại Kuala Lumpur, Malaysia ngày 2/3/2021. Ảnh: AFP/TTXVN
Bộ trưởng Y tế Malaysia Khairy Jamaluddin đã kêu gọi người dân nước này tiêm mũi tăng cường vaccine ngừa COVID-19 ngay khi có thể.
Trên trang mạng Twitter, Bộ trưởng Khairy cho rằng hiệu quả của các loại vaccine ngừa COVID-19, đặc biệt là vaccine của hãng Sinovac, sẽ bắt đầu suy giảm sau vài tháng. Do đó, ông kêu gọi người dân tiêm liều vaccine tăng cường ngay khi có thể.
Malaysia bắt đầu triển khai tiêm mũi vaccine ngừa COVID-19 tăng cường từ tháng 10, ưu tiên người cao tuổi, những người bị suy giảm miễn dịch cũng như toàn bộ nhân viên tuyến đầu. Cho đến nay, hơn một triệu mũi tiêm tăng cường đã được thực hiện ở nước này.
Số liệu thu thập từ ngày 1-20/11 tại Malaysia cho thấy tỷ lệ tử vong vì COVID-19 ở những người trưởng thành chưa tiêm chủng là 305,2 người trên 1 triệu dân, cao gấp 14,5 lần so với nhóm người trưởng thành đã hoàn thành tiêm chủng. Theo bác sĩ Amar Singh HSS, trong 20 ngày đầu tháng 11, Malaysia ghi nhận 827 người trưởng thành tử vong vì COVID-19, trong đó có 315 người chưa tiêm chủng (chiếm 38,2%), 41 người đã tiêm mũi một (5%) và 471 người đã hoàn thảnh tiêm chủng (57,1%).
Hiện nay, Malaysia có 1.031.946 người trưởng thành chưa tiêm chủng và 22.379.626 người trưởng thành đã hoàn thành tiêm chủng.
Đa số ca mắc mới tại Lào là ca trong cộng đồng
Phun khử trùng nhằm ngăn sự lây lan của dịch COVID-19 tại thủ đô Viêng Chăn, Lào ngày 30/9/2021. Ảnh: THX/TTXVN
Bộ Y tế Lào ngày 21/11 cho biết trong 24 giờ qua, nước này ghi nhận 921 ca mắc mới COVID-19, trong đó chỉ có 10 trường hợp nhập cảnh được cách ly ngay, còn lại là các ca lây nhiễm trong cộng đồng. Như vậy, đến nay, tổng số ca nhiễm COVID-19 tại Lào đã lên tới 62.160 trường hợp.
Theo Bộ Y tế Lào, sau 5 ngày ghi nhận ở mức 4 con số, hiện số ca mắc COVID-19 tại Lào đã giảm xuống 3 con số nhưng vẫn ở mức cao; giảm 423 ca so với ngày 20/11. Thủ đô Viêng Chăn tiếp tục đứng đầu cả nước với 359 ca cộng đồng trong một ngày, giảm 277 trường hợp so với ngày 20/11.
Đáng chú ý, Lào vừa ghi nhận thêm 6 trường hợp tử vong do dịch COVID-19, nâng tổng số ca tử vong từ đầu dịch đến nay lên 132 người. Như vậy, chỉ trong 2 ngày, nước này đã có 13 ca tử vong do COVID-19.
Bộ Y tế Lào cho biết số ca tử vong do COVID-19 tại nước này đang tiếp tục tăng, hầu hết đều là người cao tuổi hoặc người có bệnh nền, chưa được tiêm vaccine. Trong số này có nhiều trường hợp chưa từng ra khỏi nhà nhưng vẫn mắc COVID-19 từ người thân trong gia đình.
Trước tình hình trên, Chính phủ Lào yêu cầu các địa phương lập danh sách người trưởng thành (trên 18 tuổi) đã hoặc chưa tiêm vaccine để thúc đẩy chương trình tiêm chủng toàn diện cho nhóm này, tăng cường tiêm chủng cho nhóm đối tượng có nguy cơ cao; đồng thời khuyến cáo người dân tiếp tục tuân thủ nghiêm các qui định phòng chống dịch bệnh ngay cả khi đã tiêm đủ mũi vaccine ngừa COVID-19.
Campuchia kiểm soát được "sự cố cộng đồng ngày 20/2"
Người dân đeo khẩu trang phòng dịch COVID-19 tại Phnom Penh, Campuchia, ngày 17/11/2021. Ảnh: THX/TTXVN
Cuộc khủng hoảng kéo dài sau "sự cố cộng đồng ngày 20/2" tại Campuchia đã được kiểm soát, khi nước này liên tục ghi nhận số ca mắc mới COVID-19 mỗi ngày ở mức thấp dưới 50 ca (dựa theo kết quả xét nghiệm PCR), kéo dài chuỗi ngày bình thường mới và khôi phục các hoạt động kinh tế-xã hội.
Bộ Y tế Campuchia ngày 21/11 xác nhận có thêm 41 ca mắc COVID-19 và 4 người tử vong, trong đó 3 người chưa tiêm phòng, nâng tổng số ca tử vong vì COVID-19 tại nước này lên 2.900 ca.
Đường phố tại Phnom Penh đã nhộn nhịp trở lại và đây là dấu hiệu, cũng như hy vọng về sự hồi phục của thủ đô khi thời điểm khó khăn nhất của đại dịch đã qua. Nhờ chiến dịch tiêm phòng nhanh chóng và hiệu quả, Campuchia đã đạt được miễn dịch cộng đồng sớm hơn kế hoạch và hiện đã cho phép mở cửa tất cả các lĩnh vực.
Campuchia đã tiếp nhận tổng cộng 40 triệu liều vaccine ngừa COVID-19 thông qua ba nguồn gồm các hợp đồng cung ứng song phương, cơ chế phân bổ vaccine COVAX và nguồn trao tặng, trong đó hơn 90% từ Trung Quốc.
Kể từ khi bắt đầu chiến dịch tiêm phòng COVID-19 trên quy mô lớn từ ngày 10/2/2021 đến ngày 20/11 vừa qua, 14.090.184 người tại Campuchia đã được tiêm phòng, chỉ còn cách không xa mục tiêu hoàn thành tiêm phòng cho 14,5 triệu người (tương đương 91% dân số).
Thế giới ghi nhận trên 257,5 triệu ca mắc, 5,1 triệu ca tử vong do COVID-19 Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến khoảng 21h30 ngày 21/11 (giờ Việt Nam), trên toàn thế giới có 257.583.138 ca mắc COVID-19, trong đó có 5.166.371 ca tử vong. Số ca hồi phục là 232.549.059 và vẫn còn 19.863.553 ca đang điều trị. Nhân viên y tế tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho trẻ em tại Los Angeles, California (Mỹ), ngày 8/9/2021. Ảnh:...