COVID-19 tới 6h sáng 21/4: Thượng Hải thận trọng nới phong tỏa; 12,9 triệu trẻ ở Mỹ đã mắc bệnh
Theo trang mạng worldometer.info, trong vòng 24 giờ qua, thế giới ghi nhận trên 856.000 ca mắc COVID-19 và 2.889 ca tử vong. Tổng số ca mắc từ đầu dịch tới nay đã là 506,7 triệu ca, trong đó trên 6,23 triệu ca tử vong.
Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại Berlin, Đức, ngày 1/4/2022. Ảnh: THX/TTXVN
Ba quốc gia có số ca mắc trong 24 giờ qua cao nhất thế giới là Đức (187.233 ca), Pháp (155.711 ca) và Hàn Quốc (111.283 ca).
Ba quốc gia có số ca tử vong trong 24 giờ qua cao nhất thế giới là Anh (508 ca), Đức (361 ca) và Mỹ (236 ca).
Tính từ đầu đại dịch, Mỹ là quốc gia có tổng số ca mắc nhiều nhất thế giới với trên 82,4 triệu ca mắc COVID-19 và trên 1,01 triệu ca tử vong. Tiếp đó là Ấn Độ với trên 43 triệu ca mắc và trên 522.000 ca tử vong. Đứng thứ ba là Brazil với trên 30 triệu ca mắc và trên 662.000 ca tử vong.
Hơn 12,9 triệu trẻ mắc COVID-19 tại Mỹ kể khi dịch bệnh bùng phát
Nhân viên y tế tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ em tại Bidderford, Maine, Mỹ. Ảnh: AFP/TTXVN
Theo báo cáo cập nhật của Viện hàn lâm Nhi khoa (AAP) và Hiệp hội Bệnh viện Nhi của Mỹ, trên 12,9 triệu trẻ em tại nước này đã mắc COVID-19 kể từ khi đại dịch bùng phát, chiếm 19% tổng số ca mắc trên cả nước.
Báo cáo nêu rõ trong tổng số ca bệnh nhi nói trên, 116.000 ca mắc mới trong 4 tuần qua. Kể từ tuần đầu tiên của tháng 9/2021, giới chức y tế Mỹ ghi nhận thêm gần 7,9 triệu ca bệnh nhi mắc COVID-19 trên cả nước. Chỉ riêng trong tuần kết thúc vào ngày 14/4 vừa qua, đã có tới hơn 33.000 ca mắc mới là trẻ em.
AAP nhấn mạnh cần gấp rút thu thập thêm nhiều dữ liệu về tác động đối với từng nhóm tuổi cụ thể để có thể đánh giá mức độ nghiêm trọng của dịch bệnh liên quan tới các biến thể mới của virus SARS-CoV-2 cũng như các tác động tiềm tàng đối với trẻ em trong dài hạn.
APP cũng cho rằng điều quan trọng là phải thừa nhận đại dịch đang gây những tác động tức thời đối với sức khỏe của trẻ em. Các quốc gia trên thế giới cần xác định và giải quyết những ảnh hưởng lâu dài về thể chất, tinh thần, khả năng hòa nhập và gắn kết xã hội của trẻ nhỏ và thanh thiếu niên ở thế hệ này.
Báo cáo trên được đưa ra sau khi giới chuyên gia Mỹ cho biết tình trạng trẻ em tại nước này mắc chứng lo âu, trầm cảm đã gia tăng từ vài năm nay nhưng những căng thẳng, bất an trong đại dịch COVID-19 càng khiến tình hình thêm trầm trọng. Theo số liệu của Trung tâm Phòng ngừa và kiểm soát dịch bệnh (CDC) Mỹ, đầu năm 2021, số ca trẻ em gái phải cấp cứu vì các vấn đề tâm lý, thậm chí tìm đến tự tử, tăng 51% so với năm 2019, thời điểm trước khi xảy ra đại dịch. Tỷ lệ tăng ở trẻ em trai là 4% Tình trạng trẻ em nhập viện vì rối loạn ăn uống, lo âu, căng thẳng cũng tăng gấp đôi trong cùng thời gian này.
Thượng Hải (Trung Quốc) thận trọng nới lỏng phong tỏa
Chốt chặn được dựng trên một tuyến phố tại Thượng Hải (Trung Quốc) khi chính quyền thành phố áp đặt lệnh phong tỏa phòng chống dịch COVID-19, ngày 1/4/2022. Ảnh: Kyodo/TTXVN
Ngày 20/4, thành phố Thượng Hải (Trung Quốc) tiếp tục nới lỏng biện pháp phong tỏa nghiêm ngặt kéo dài nhiều tuần qua dù ghi nhận thêm một số ca tử vong và hàng chục nghìn ca mắc mới COVID-19 mỗi ngày.
Từ ngày 18/4, khoảng 12 triệu người ở một số khu vực đã được phép ra khỏi nhà, trong khi nhiều khu vực khác vẫn áp đặt quy định hạn chế. Ngày 19/4, nhà máy của hãng xe điện Tesla (Mỹ) ở Thượng Hải đã chính thức mở cửa trở lại sau hơn 3 tuần dừng hoạt động. Tesla nằm trong số 666 công ty mà Chính phủ Trung Quốc công bố tuần trước, được ưu tiên mở cửa trở lại cũng như duy trì hoạt động tại Thượng Hải.
Việc nới lỏng hạn chế diễn ra trong bối cảnh giới chức y tế Thượng Hải ngày 20/4 cho biết đã cắt đứt được chuỗi lây nhiễm trong cộng đồng, và tình hình dịch tại thành phố có xu hướng giảm trong những ngày gần đây. Trong ngày 19/4, Thượng Hải ghi nhận 16.407 ca mắc không triệu chứng, giảm so với 17.332 ca một ngày trước đó. Số ca mắc có triệu chứng cũng giảm từ 3.084 xuống 2.494 ca. Trong số các ca mắc mới, 390 ca được ghi nhận ở ngoài khu cách ly, giảm so với 550 ca một ngày trước.
Thành phố này cũng mới ghi nhận thêm 7 ca tử vong do COVID-19, nâng tổng số ca tử vong trong làn sóng dịch nhất lên 17. Theo giới chức thành phố, các bệnh nhân tử vong do COVID-19 ngày 20/4 đều có sẵn các bệnh nền như ung thư phổi và tiểu đường, trong đó 5 trường hợp ở độ tuổi ngoài 70. Tính từ tháng 3 đến nay, thành phố đã phát hiện hơn 400.000 ca mắc COVID-19, song chỉ mới ghi nhận các ca tử vong liên quan từ ngày 18/4.
Kể từ tháng 3 vừa qua, thành phố Thượng Hải với 25 triệu dân đã áp đặt lệnh phong tỏa, yêu cầu người dân không ra khỏi nhà khi số ca mắc mới COVID-19 theo ngày vượt ngưỡng 25.000 ca. Thành phố lớn nhất Trung Quốc đang tiến tới mở cửa trở lại trong bối cảnh nhiều doanh nghiệp và người dân ngày càng gặp nhiều khó khăn do các biện pháp phong tỏa và tình trạng thiếu lương thực.
Tính chung cả Trung Quốc đại lục, Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc cho biết ngày 19/4 đã ghi nhận 2.753 ca mắc có triệu chứng trong khi có 17.066 ca mắc COVID-19 không triệu chứng.
Hàn Quốc ghi nhận những trường hợp đầu tiên nhiễm các biến thể phụ XE và XM
Người dân đeo khẩu trang phòng dịch COVID-19 tại Seoul, Hàn Quốc, ngày 15/4/2022. Ảnh: Yonhap/TTXVN
Nhà chức trách Hàn Quốc cho biết ngày 19/4 nước này đã ghi nhận những trường hợp đầu tiên nhiễm các dòng phụ XE và XM của biến thể Omicron của virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19.
Theo thông báo, trong số các ca nhiễm trên có 2 ca nhiễm XE và một ca nhiễm XM. Các nghiên cứu ban đầu cho thấy XE – biến thể phụ tái tổ hợp giữa hai dòng phụ BA.1 và BA.2 của Omicron – có tốc độ lây nhiễm cao hơn khoảng 10% so với Omicron. XE được phát hiện lần đầu ở Anh vào ngày 19/1.
Liên quan tình hình dịch COVID-19, Cơ quan Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hàn Quốc (KCDA) ngày 20/4 thông báo có 111.319 ca mắc mới ở nước này trong 24 giờ qua, trong đó có 17 ca nhập cảnh, đưa tổng số ca mắc lên 16.583.220 ca. Đây là ngày thứ 5 liên tiếp số ca mắc mới COVID-19 theo ngày tại Hàn Quốc ở dưới ngưỡng 200.000 ca.
Video đang HOT
Theo KCDA, số ca mắc mới COVID-19 ở Hàn Quốc đã giảm 43% so với một tuần trước đó, dấu hiệu cho thấy biến thể Omicron đang suy yếu. Kể từ đỉnh điểm đợt bùng phát dịch do Omicron, với 621.178 ca mắc mới COVID-19 ghi nhận ngày 17/3, số ca mắc mới liên tục có chiều hướng giảm. Tỷ lệ lây nhiễm COVID-19 ở Hàn Quốc hiện là 0,78%.
Trong khi đó, số ca tử vong do COVID-19 ở Hàn Quốc trong 24 giờ qua là 166 ca, đưa tổng số ca tử vong vì bệnh này lên 21.520 ca. Tỷ lệ tử vong vì COVID-19 hiện ở mức 0,13%.
Ngày 18/4 vừa qua, Hàn Quốc đã dỡ bỏ phần lớn quy định phòng chống dịch COVID-19 để hỗ trợ các chủ doanh nghiệp nhỏ vượt qua các tác động của dịch bệnh và từng bước đưa cuộc sống bình thường trở lại. Tuy nhiên, nước này vẫn áp dụng quy định đeo khẩu trang cả ở trong nhà và ngoài trời.
Ngày 20/4, Bộ trưởng Giáo dục Hàn Quốc Yoo Eun-hae thông báo nước này sẽ mở cửa trở lại tất cả các trường học từ mẫu giáo đến trung học kể từ tháng 5 tới. Các hoạt động sinh hoạt nhóm và chuyến đi do nhà trường tổ chức cũng được cho phép trở lại.
Khoảng 50% dân số Thái Lan miễn dịch với virus SARS-CoV-2
Người dân đeo khẩu trang phòng dịch COVID-19 tại Bangkok, Thái Lan. Ảnh: AFP/TTXVN
Theo Cơ quan Kiểm soát dịch bệnh (DoDC) của Thái Lan, khoảng một nửa dân số nước này hiện đã đạt được khả năng miễn dịch với virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19, song vẫn thấp hơn mục tiêu mà Chính phủ Thái Lan đặt ra là 80% dân số đạt được khả năng này.
Giám đốc khoa dịch tễ học thuộc DoDC, Tiến sĩ Chakkarat Pitayowonganon, cho biết ước tính khoảng 10% trong 67,5 triệu dân ở nước này đã mắc COVID-19 cho đến nay. Và khi kết hợp với những người đã tiêm 2 mũi vaccine cơ bản và 1 mũi vaccine tăng cường, thì những người có khả năng miễn dịch với virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19, chiếm khoảng 50% dân số nước này. Tiến sĩ Chakkarat cho biết cần phải ưu tiên tiêm mũi vaccine tăng cường nhất là cho những nhóm người dễ lây nhiễm như người già, người mắc các bệnh nền nghiêm trọng.
Theo Tiến sĩ Chakkarat, trong kỳ nghỉ lễ Songkran vào tuần trước, nhiều người ở độ tuổi lao động ở Thái Lan đã tham gia các hoạt động những nơi công cộng. Nếu bị mắc COVID-19, nguy cơ bệnh tiến triển nặng ở nhóm này là thấp bởi phần lớn đã tiêm đủ các mũi vaccine cơ bản và 1 hoặc 2 mũi vaccine tăng cường. Tuy nhiên, điều đáng lo ngại là họ có thể truyền virus cho những người thuộc nhóm dễ lây nhiễm khi về thăm gia đình và bạn bè trong kỳ nghỉ lễ Songkran bởi 55% trong nhóm dễ bị lây nhiễm chưa tiêm mũi vaccine nào. Bên cạnh đó, nhiều người ở thành phố về quê nhân dịp này cũng mang theo virus về, làm gia tăng lo ngại về số ca mắc COVID0-19 có thể tăng vọt sau kỳ nghỉ lễ.
Israel dỡ bỏ quy định bắt buộc đeo khẩu trang trong nhà
Nhân viên y tế điều trị cho bệnh nhân COVID-19 tại trung tâm y tế ở Ramat Gan, Israel. Ảnh: AFP/TTXVN
Ngày 20/4, Chính phủ Israel đã quyết định dỡ bỏ quy định bắt buộc đeo khẩu trang trong không gian kín, trong bối cảnh dịch COVID-19 tại nước này tiếp tục xu hướng giảm đi.
Thông báo chung của Thủ tướng Naftali Bennett và Bộ trưởng Y tế Nitzan Horowitz cho hay: “Quy định bắt buộc đeo khẩu trang trong không gian kín sẽ được dỡ bỏ kể từ 20 giờ ngày 23/4, sau khi được Uỷ ban Y tế thuộc Quốc hội thông qua”. Tuy nhiên, quyết định này không được áp dụng tại các địa điểm có nguy cơ lây nhiễm cao như bệnh viện, cơ sở dưỡng lão, các chuyến bay cũng như những người cần cách ly.
Israel từng dỡ bỏ quy định về đeo khẩu trang trong nhà hồi tháng 6/2021 nhưng khôi phục lệnh cấm này chỉ 2 tuần sau đó do làn sóng lây nhiễm mạnh từ biến thể Delta.
Mức độ lây lan của dịch COVID-19 tại Israel trong thời gian gần đây đã giảm mạnh, với hệ số lây nhiễm cơ bản R ở mức khoảng 0,75. Ngày 20/4, Bộ Y tế Israel thông báo ghi nhận thêm 4.583 trường hợp lây nhiễm mới, mức thấp nhất trong vòng 4 tháng qua. Israel hiện có 220 bệnh nhân COVID-19 nặng, so với mức cao gấp 6 lần tại thời điểm cách 6 tuần.
Giáo sư Roni Gamzu, Giám đốc bệnh viện Ichilov và là cựu phụ trách chiến dịch chống COVID-19 của Israel cho biết “nhiều người Israel ra nước ngoài ngạc nhiên khi thấy dịch COVID-19 giảm mạnh ở hầu hết các nước. Đã đến lúc Israel dỡ bỏ các quy định các quy định hạn chế ở không gian kín, trong đó có trường học bởi dịch COVID-19 hiện không còn nguy hiểm như trước”.
Thủ đô Ấn Độ khôi phục quy định bắt buộc đeo khẩu trang nơi công cộng
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại Ahmedabad, Ấn Độ ngày 25/1/2022. Ảnh: AFP/TTXVN
Giới chức thành phố New Delhi đã khôi phục yêu cầu đeo khẩu trang bắt buộc để phòng dịch COVID-19 trong bối cảnh số ca mắc mới tại thủ đô của Ấn Độ tăng trở lại trong những ngày gần đây.
Chia sẻ trên Twitter, Thống đốc bang Delhi Anil Baijal cho biết sau khi đánh giá tốc độ gia tăng số ca mắc mới trong thời gian gần đây, với sự cố vấn từ các chuyên gia, giới chức quyết định đẩy mạnh công tác xét nghiệm, tập trung tiêm phòng cho các nhóm dân số dễ chịu tổn thương và đảm bảo triển khai thực hiện nghiêm các quy định phòng dịch. Hiện tỷ lệ nhập viện điều trị COVID-19 vẫn ở mức dưới 1% nhưng ông Baijal cho biết việc khôi phục quy định đeo khẩu trang tại những nơi công cộng là điều cần thiết.
Ngày 20/4, Ấn Độ ghi nhận 2.067 ca mắc mới, trong đó vùng Delhi chiếm 30%. Như vậy, đến nay Ấn Độ đã ghi nhận hơn 43 triệu ca mắc COVID-19, trong đó có 522.006 ca tử vong. Vài tuần trước, hầu hết các quy định phòng dịch tại Ấn Độ đã được dỡ bỏ, trong đó có quy định phạt những người không đeo khẩu trang. Trong những ngày gần đây, số ca mắc mới liên tục dao động quanh mốc cao nhất trong một tháng. Một số quận ở miền Nam, lân cận thủ đô New Delhi, cũng đã khôi phục quy định bắt buộc đeo khẩu trang. Cùng giai đoạn này năm 2021, Ấn Độ ghi nhận số ca mắc mới và tử vong cao nhất thế giới.
Nhật Bản cân nhắc tiêm vaccine mũi 4 cho người cao tuổi, người mắc bệnh mãn tính
Nhân viên y tế tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho người cao tuổi tại Tokyo, Nhật Bản ngày 12/4/2021. Ảnh: AFP/TTXVN
Các nguồn tin chính phủ Nhật Bản ngày 19/4 cho biết nước này đang cân nhắc khả năng tiêm mũi vaccine thứ 4 ngừa COVID-19 cho người cao tuổi và những người mắc bệnh mãn tính, phù hợp với khuyến nghị của đảng Dân chủ Tự do cầm quyền.
Theo các nguồn tin trên, Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi xã hội Nhật Bản cũng sẽ cân nhắc tiêm mũi vaccine thứ 4 cho các nhân viên y tế, sau khi một số chuyên gia lên tiếng ủng hộ động thái này.
Bộ trên sẽ hoàn tất kế hoạch này sau khi nghe ý kiến của giới chuyên gia trong cuộc họp của hội đồng vaccine dự kiến sẽ được tổ chức vào ngày 27/4 tới.
Động thái trên sẽ đánh dấu một sự thay đổi quan trọng trong chương trình tiêm vaccine phòng COVID-19 của Nhật Bản, vì cho đến nay nước này đã bao phủ tiêm chủng ở phạm vi rộng các nhóm tuổi.
Hai bang đông dân nhất Australia tiến tới nới lỏng quy định phòng dịch
Hành khách tại sân bay quốc tế Sydney, Australia ngày 21/2/2022. Ảnh: AFP/TTXVN
Hai bang đông dân nhất của Australia là New South Wales (NSW) và Victoria có kế hoạch dỡ bỏ một trong những quy định chống dịch COVID-19 cuối cùng còn áp dụng, trong bối cảnh làn sóng lây nhiễm dòng phụ BA.2 của biến thể Omicron dần hạ nhiệt.
Hiện hai banh NSW và Victoria vẫn đang áp dụng quy định cách ly 7 ngày đối với những người có tiếp xúc gần với người mắc COVID-19. Quy định này đã gây ra một số trở ngại đối với các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực bán lẻ và khách sạn, trong việc duy trì lượng nhân sự cần thiết để vận hành. Tuy nhiên, khi biến thể phụ BA.2 có dấu hiệu suy yếu, có thông tin cho rằng Thủ hiến bang NSW Dominic Perrottet và Thủ hiến bang Victoria Daniel Andrews đang lên kế hoạch bãi bỏ quy định cách ly tại nhà.
Phát biểu với báo giới ngày 19/4, Thủ hiến bang Victoria cho biết số ca mắc mới COVID-19 trong trung bình 7 ngày ở bang này đang có chiều hướng giảm và đỉnh dịch đã qua.
Cùng ngày, Ủy ban phục hồi kinh tế và COVID-19 của bang NSW đã tổ chức cuộc họp thảo luận các vấn đề liên quan tình hình dịch bệnh, trong đó nhất trí ưu tiên nới lỏng các quy định cách ly nghiêm ngặt, tạo điều kiện phục hồi kinh tế.
Bộ trưởng Y tế bang NSW Brad Hazzard xác nhận khả năng cao chính quyền các bang sẽ nới lỏng yêu cầu cách ly, song cho biết những thay đổi như vậy vẫn sẽ được giám sát chặt chẽ, bên cạnh việc duy trì quản lý sức khỏe cộng đồng nói chung.
Hy Lạp tiếp tục nới lỏng các hạn chế
Ngày 20/4, Bộ trưởng Y tế Hy Lạp Thanos Plevris khẳng định nước này hướng tới sống chung với đại dịch COVID-19 trong bối cảnh chính phủ chuẩn bị tiếp tục nới lỏng các biện pháp hạn chế để thúc đẩy phục hồi du lịch.
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại Promachonas, Hy Lạp ngày 10/7/2020. Ảnh: AFP/TTXVN
Phát biểu tại một cuộc họp báo ở Athens, Bộ trưởng Plevris cho rằng sau 2 năm đại dịch hoành hành, Hy Lạp đã bước sang giai đoạn ứng phó mới là sống chung với virus SARS-CoV-2. Theo ông, số ca mắc mới COVID-19 và ca nhập viện chăm sóc đặc biệt tại Hy Lạp đã giảm trong khi 85% người dân đã được tiêm phòng. Lãnh đạo Bộ Y tế Hy Lạp lưu ý các biện pháp hạn chế nghiêm ngặt có thể áp dụng vào thời gian đầu khi đại dịch mới bùng phát nhưng hiện nay các biện pháp này không còn phù hợp.
Ngành du lịch đóng góp khoảng 25% thu nhập quốc gia của Hy Lạp. Hồi tháng 2 vừa qua, chính phủ nước này đã bỏ quy định xét nghiệm bắt buộc với những du khách có chứng nhận tiêm phòng của một nước thuộc Liên minh châu Âu (EU). Các nhà hàng, quán bar và cửa hàng tại Hy Lạp cũng sẽ bỏ yêu cầu chứng nhận tiêm phòng từ ngày 1/5 tới trong khi quy định bắt buộc đeo khẩu trang ở không gian trong nhà cũng hết hiệu lực từ ngày 1/6. Chính phủ Hy Lạp cho biết sẽ điều chỉnh các biện pháp tùy theo tình hình dịch bệnh. Đến nay, Hy Lạp ghi nhận tổng cộng hơn 3,2 triệu ca mắc COVID-19 và hơn 28.000 ca tử vong.
COVID-19 tới 6 giờ sáng 19/4: Ca mắc và tử vong trên toàn cầu giảm mạnh; Australia bỏ xét nghiệm với khách quốc tế
Trong 24 giờ qua, thế giới ghi nhận thêm 285.481 trường hợp mắc COVID-19 và 1.111 ca tử vong. Tới nay, tổng số ca mắc COVID-19 trên toàn cầu đã vượt 504 triệu ca, trong đó trên 6,22 triệu người không qua khỏi.
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại Thẩm Dương, tỉnh Liêu Ninh, Trung Quốc ngày 13/4/2022. Ảnh: THX/TTXVN
Theo số liệu thống kê của trang mạng worldometers.info, cập nhật đến 6 giờ sáng 19/4 (giờ Việt Nam), tổng số ca mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 trên toàn cầu đã lên tới 504.984.628 ca, trong đó có tổng cộng 6.224.083 người tử vong.
Sau hơn 2 năm ứng phó, nhiều nước đang chủ động thích ứng tốt với làn sóng dịch mới này và đang đẩy nhanh quá trình trở lại cuộc sống trước đại dịch, coi COVID-19 như một loại bệnh đặc hữu. Nhìn chung, số ca mắc mới và tử vong vì đại dịch đang giảm sâu ở hầu hết các khu vực trên thế giới.
Đại dịch sau 2 năm đến nay xuất hiện và đã lây lan ở 225 quốc gia và vùng lãnh thổ. Các nước cũng ghi nhận trên 456 triệu bệnh nhân được điều trị khỏi, số ca đang điều trị tích cực là trên 42 triệu ca và trên 63.000 ca hiện ở trong tình trạng nguy kịch. Ngày 18/4, thế giới có 85 quốc gia và vùng lãnh thổ ghi nhận ca COVID-19 mới và 52 nước có người tử vong vì căn bệnh này.
Nhân viên y tế chuyển bệnh nhân COVID-19 vào bệnh viện ở Tokyo, Nhật Bản ngày 1/2/2022. Ảnh: Kyodo/TTXVN
Trong mấy ngày qua, số ca mắc bệnh tiếp tục xu thế giảm trên phạm vi toàn cầu, những vùng bệnh còn "nóng nhất" nằm ở châu Á-châu Mỹ. Tuy nhiên, ngày càng nhiều nước thông báo sẽ nới lỏng hay thậm chí gỡ bỏ hoàn toàn các biến pháp phòng dịch nghiêm ngặt.
Trong 24 giờ qua, Hàn Quốc là nước có số ca mắc mới cao nhất (với trên 47.000 ca), trong khi Nga là quốc gia có số ca tử vong mới cao nhất thế giới với trên 200 ca.
Trung Quốc cũng chứng kiến xu thế dịch đáng ngại khi số ca mắc mới tăng mạnh, khiến nhà chức trách nước này quyết định phong tỏa một số thành phố lớn, đồng thời chiến lược "Không COVID" áp dụng từ đầu dịch cũng chuyển thành "Không COVID linh hoạt".
Theo thống kê của trang worldometers.info, tính tới 23 giờ 59 phút ngày 18/4, các nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) ghi nhận thêm 212 ca tử vong. Trong ngày 18/4, Thái Lan có số ca mắc mới (trên 16.000 ca) cao nhất khu vực, trong khi nước này cũng ghi nhận nhiều ca tử vong nhất (124 ca).
Người dân đeo khẩu trang phòng dịch COVID-19 tại lễ diễu hành nhân dịp Tết Songkran ở Ayutthaya, Thái Lan, ngày 13/4/2022. Ảnh: THX/ TTXVN
Tình hình dịch bệnh tại Đông Nam Á mấy ngày qua tiếp tục thuyên giảm và có sự khác biệt lớn giữa các nước. Diễn biến dịch tại Indonesia, Thái Lan và Việt Nam vẫn căng thẳng hơn so với các nước khác. Xét về tổng số ca mắc và tử vong từ đầu dịch tới nay, ổ dịch nghiệm trọng nhất Đông Nam Á vẫn là Indonesia do dịch bệnh kéo dài nhiều tháng ở mức nghiêm trọng.
Một ngày qua, hiệp hội ASEAN có 6 quốc gia thành viên ghi nhận các ca tử vong mới vì COVID-19 là Indonesia, Philippines, Malaysia, Thái Lan, Lào và Việt Nam.
Mỹ vẫn là nước bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất, đến nay ghi nhận hơn 82,3 triệu ca mắc, trong đó hơn 1 triệu ca tử vong. Ấn Độ đứng thứ hai về số ca nhiễm (hơn 43,04 triệu ca) trong khi Brazil đứng thứ hai về số ca tử vong (hơn 662.000 ca). Chính phủ Brazil thông báo trong bối cảnh số ca mắc và tử vong do COVID-19 giảm, nước này sẽ dỡ bỏ các biện pháp khẩn cấp về y tế công cộng trong những ngày tới sau suốt 2 năm áp dụng nhằm phòng, chống đại dịch.
Người dân đeo khẩu trang phòng dịch COVID-19 tại Berlin, Đức, ngày 24/3/2022. Ảnh: THX/ TTXVN
Châu Âu là khu vực bị ảnh hưởng nhiều nhất với hơn 186,7 triệu ca mắc, trong đó có hơn 1,79 triệu ca tử vong. Châu Á đứng thứ hai với hơn 145,7 triệu ca mắc và hơn 1,41 triệu ca tử vong. Khu vực Bắc Mỹ đã ghi nhận hơn 97,3 triệu ca mắc và hơn 1,45 triệu ca tử vong, trong khi các con số này ở Nam Mỹ hiện là hơn 50,5 triệu ca mắc và hơn 1,29 triệu ca tử vong.
Tại Campuchia, Thủ tướng Campuchia Samdech Techo Hun Sen cho biết, trong vòng 1-2 tuần sau kỳ nghỉ Tết Khmer cổ truyền (từ ngày 14-16/4) sẽ có dữ liệu chắc chắn về mức độ lây nhiễm COVID-19 hay miễn dịch cộng đồng ở nước này. Khi đó, tất cả các bộ và cơ quan liên quan có thể thực hiện các biện pháp cần thiết để ứng phó phù hợp với tình hình dịch bệnh. Với tỷ lệ bao phủ vaccine cao, Campuchia đã nối lại hoàn toàn hoạt động kinh tế xã hội. Từ tháng 11/2021, nước này cho phép người đã tiêm đủ liều vaccine được nhập cảnh mà không cần cách ly.
Tại Đông Bắc Á, Hàn Quốc thông báo số ca mắc mới COVID-19 ở mức thấp nhất trong 10 tuần, trong bối cảnh làn sóng dịch do biến thể Omicron gây ra bắt đầu giảm và nước này đã dỡ bỏ hầu hết các biện pháp hạn chế để dần trở lại nhịp sống bình thường.
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại Seoul, Hàn Quốc, ngày 2/3/2022. Ảnh: AFP/ TTXVN
Cơ quan phòng ngừa và kiểm soát dịch bệnh Hàn Quốc (KDCA) cho biết nước này ghi nhận 47.743 ca mắc mới, trong đó có 14 ca từ nước ngoài, nâng tổng số ca mắc COVID-19 tại nước này lên 16.353.495 ca. Tổng số ca tử vong vì dịch COVID-19 tại nước này tăng lên 21.224 ca, sau khi ghi nhận thêm 132 ca một ngày trước đó, tỷ lệ tử vong là 0,13%. Hàn Quốc đã dỡ bỏ hầu hết các biện pháp hạn chế từ ngày 18/4, chỉ duy trì quy định đeo khẩu trang bắt buộc. Đây là một bước tiến lớn trong nỗ lực trở lại nhịp sống bình thường sau thời gian gián đoạn vì đại dịch.
Trung Quốc đại lục ghi nhận 2.723 ca lây nhiễm mới trong cộng đồng trong ngày, trong đó 2.417 ca ở Thượng Hải. Ngoài ra, có 20.639 ca mắc mới không có triệu chứng lây nhiễm trong cộng đồng tại Trung Quốc đại lục, trong đó 19.831 ca tại Thượng Hải.
Trung Quốc đại lục cũng ghi nhận 3 ca tử vong do COVID-19 trong ngày 17/4 và đều ở tâm dịch Thượng Hải. Các ca tử vong vì COVID-19 được thông báo lần gần đây nhất tại Trung Quốc là 2 ca ghi nhận vào ngày 19/3 vừa qua và đó cũng là những ca tử vong đầu tiên vì COVID-19 được ghi nhận tại đây sau hơn một năm.
Người dân đeo khẩu trang phòng dịch COVID-19 tại một khu chợ ở New Delhi, Ấn Độ, ngày 13/4/2022. Ảnh: THX/ TTXVN
Tại Nam Á, Bộ Y tế Ấn Độ thông báo số ca mắc mới COVID-19 tăng gấp đôi trong 24 giờ qua, lần đầu tiên trong 1 tháng qua vượt ngưỡng 2.000 ca/ngày. Cụ thể ngày 18/4 Ấn Độ ghi nhận 2.183 ca mắc mới, đưa tổng số ca mắc tại nước này từ đầu dịch đến nay lên hơn 43 triệu.
Thủ đô New Delhi và các bang Maharashtra và Haryana đều thông báo số ca mắc mới ở mức 3 chữ số trong 24 giờ qua. Tuy nhiên số ca nhập viện vẫn ở mức thấp. Trước việc số ca mắc mới đang tăng trở lại, chính quyền Thủ đô New Delhi tuần trước đã phải siết chặt các biện pháp phòng dịch đối với các trường học.
ADVERTISING
X
Tại châu Đại Dương, bắt đầu từ ngày 18/4, hơn hai năm sau khi đại dịch COVID-19 bùng phát, Australia đã chính thức dỡ bỏ quy định yêu cầu khách du lịch quốc tế phải có chứng nhận xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2 trước khi lên máy bay tới nước này. Điều này có nghĩa là du khách nước ngoài không phải thực hiện xét nghiệm kháng nguyên nhanh hay xét nghiệm PCR trong vòng 72 giờ trước khi lên máy bay, tuy nhiên họ vẫn phải xuất trình chứng nhận đã tiêm đủ hai mũi vaccine ngừa COVID-19 và đeo khẩu trang trên các chuyến bay quốc tế. Trong khi đó, những người chưa được tiêm chủng sẽ vẫn phải trải qua thời gian cách ly khi đến Australia và phải tự chi trả phí cách ly. Cũng từ ngày 18/4, chính phủ Australia đã cho phép các du thuyền quốc tế cập cảng nước này.
Hành khách tại sân bay quốc tế Sydney, Australia ngày 21/2/2022. Ảnh: AFP/TTXVN
Tại Áo, nhà chức trách nước này bắt đầu nới lỏng các hạn chế phòng dịch và mở cửa trở lại từ cuối tuần qua, tuy nhiên, việc đeo khẩu trang vẫn gần như là quy định bắt buộc trong trường học. Bộ Giáo dục Áo cho biết học sinh từ lớp 8 trở xuống sẽ phải đeo khẩu trang y tế (MNS) khi ở bên ngoài lớp học và các phòng học nhóm trong trường.
Toàn bộ học sinh từ lớp 9 trở lên được yêu cầu đeo khẩu trang bộ lọc bảo vệ đường hô hấp (FFP2). Các giáo viên đã tiêm vaccine ngừa COVID-19 hoặc đã có kháng thể sau khi mắc COVID-19 đều phải đeo khẩu trang trong trường, nhưng không đeo trong các lớp học và phòng học nhóm. Đối với giáo viên chưa có kháng thể do chưa tiêm chủng hoặc từng mắc COVID-19 vẫn phải đeo khẩu trang trong lớp học.
Tuy nhiên, quy định phòng chống dịch tại các trường đại học dường như khó khăn hơn, khi mỗi trường lại có những quy định riêng. Hầu hết các trường đại học đều giữ nguyên quy định về việc đeo khẩu trang FFP2, ít nhất là ở các khu vực chung.
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại Mexico City, Mexico. Ảnh: AFP/TTXVN
Tại Mexico, Chính phủ nước này mới đây tuyên bố sẽ tiêm vaccine ngừa COVID-19 diện rộng cho trẻ em dưới 12 tuổi. Giới chuyên gia nước này đã bày tỏ ủng hộ chủ trương nói trên và khẳng định không có lý do y tế hay kĩ thuật nào để trì hoãn chương trình này.
Các ý kiến đều nhất trí rằng cần tiêm chủng cho trẻ dưới 12 tuổi càng sớm càng tốt, vì nhóm dân số này cũng dễ tổn thương khi bị nhiễm bệnh như người lớn. Các chuyên gia cũng cho rằng trì hoãn tiêm chủng sẽ khiến Mexico bị tụt hậu so với thế giới. Hệ thống Bảo vệ toàn diện trẻ em và vị thành niên quốc gia (Sipina) ước tính, từ tháng 4/2020 đến ngày 10/4/2022 đã có 1.260 trẻ em tử vong vì COVID-19 ở Mexico, trong đó có 590 em gái. Cơ quan này cho biết có 649 ca tử vong là trẻ từ 0-5 tuổi, 182 ca từ 6-11 tuổi và 429 ca trong độ tuổi từ 12 đến 17. Hiện các hiệp hội nhi khoa lớn ở Mexico đã kí thư kêu gọi nhà chức trách cho phép tiêm vaccine Pfizer đã được Cofepris phê duyệt cho trẻ em.
Mexico đã ghi nhận hơn 5,7 triệu ca mắc COVID-19, trong đó gần 324.000 ca tử vong. Đến nay quốc gia này đã triển khai tiêm 194,5 triệu liều vaccine cho 85,7 triệu người trên tổng số 130 triệu dân. Gần 80 triệu người đã hoàn thành phác đồ tiêm chủng, chiếm 93% số người đã được chủng ngừa, trong khi gần 5,8 triệu người đã được tiêm mũi tăng cường, chiếm 7% tổng dân số.
COVID-19 tới 6h sáng 17/4: Thế giới vượt 504 triệu ca mắc; Trung Quốc phong tỏa thêm nhiều nơi Theo trang mạng worldometer.info, trong vòng 24 giờ qua, thế giới ghi nhận trên 555.000 ca mắc COVID-19 và gần 1.500 ca tử vong. Tổng số ca mắc từ đầu dịch tới nay đã vượt 504 triệu ca, trong đó trên 6,22 triệu ca tử vong. Một điểm xét nghiệm nhanh COVID-19 tại Paris, Pháp, ngày 1/4/2022. Ảnh: THX/TTXVN Ba quốc gia có...