COVID-19 tới 6h sáng 16/8: Iran, Nhật Bản báo động ca nhiễm mới; Israel tăng vọt bệnh nhân nặng
Trong 24 giờ qua, thế giới ghi nhận trên 460.000 ca bệnh COVID-19 và 7.851 ca tử vong. Tổng số ca bệnh từ đầu dịch tới nay đã lên tới gần 208 triệu ca; Iran đứng đầu thế giới ca nhiễm mới trong khi Israel tăng vọt bệnh nhân nặng.
Điều trị cho bệnh nhân nhiễm COVID-19 tại bệnh viện ở Haifa, Israel. Ảnh: AFP/TTXVN
Theo trang thống kê worldometer.info, tính đến 6h ngày 16/8 (theo giờ VN), toàn thế giới đã ghi nhận tổng cộng 207.942.197 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19, trong đó có 4.374.001 ca tử vong. Số ca nhiễm mới trong 24 giờ qua là 463.957 và 7.851 ca tử vong mới.
Số bệnh nhân bình phục đã đạt 186.399.535 người, 17.168.344 bệnh nhân đang được điều trị tích cực và 106.791 ca nguy kịch.
Trong 24 giờ qua, Iran dẫn đầu thế giới với 36.736 ca mới; tiếp theo là Ấn Độ (33.205 ca) và Mỹ (29.794 ca); Indonesia dẫn đầu về số ca tử vong mới với 1.222 người chết, tiếp theo là Nga (816 ca) và Ấn Độ (421 ca).
Mỹ, Ấn Độ và Brazil vẫn là 3 nước bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất thế giới. Số ca nhiễm tại Mỹ đến nay là 37.465.629 người, trong đó có 637.557 ca tử vong. Ấn Độ ghi nhận tổng cộng 32.225.159 ca nhiễm, bao gồm 431.674 ca tử vong. Trong khi đó, Brazil xếp thứ ba với 20.364.099 ca bệnh và 569.058 ca tử vong.
Điều trị cho bệnh nhân nhiễm COVID-19 tại bệnh viện ở Pointe-a-Pitre, Pháp. Ảnh: AFP/TTXVN
Israel: Số bệnh nhân nặng tăng lên mức cao nhất kể từ tháng 3
Ngày 15/8, Bộ Y tế Isarel thông báo số bệnh nhân COVID-19 với các biến chứng nặng tại Israel đã vượt mức 500 ca, mức cao nhất kể từ tháng 3/2021 trong bối cảnh làn sóng lây nhiễm mới vẫn chưa có dấu hiệu lắng dịu.
Bộ Y tế Israel cho biết số bệnh nhân nặng tại đây hiện là 524 ca, trong đó 84 ca phải dùng máy thở. Đáng chú ý, người trên 60 tuổi chưa được tiêm vaccine chiếm tỷ lệ rất cao so với các nhóm đối tượng khác.
Người dân xếp hàng chờ đến lượt tiêm vaccine COVID-19. Ảnh: Quang Minh – P/v TTXVN tại Israel.
Trong 24 giờ qua Israel tiếp tục có thêm 3.703 ca nhiễm mới, số ca đang phải điều trị tại bệnh viện là 877 ca. Tỷ lệ xét nghiệm cho kết quả dương tính cũng đang đứng ở mức khá cao là 5,38%.
Mặc dù là một trong số những khu vực dẫn đầu thế giới về tỷ lệ người dân được tiêm vaccine phòng COVID-19, Israel đang phải đối mặt với làn sóng lây lan mới, buộc chính phủ nước này phải tái áp dụng một loạt biện pháp kiểm soát dịch bệnh. Sau khi quyết định tiêm bổ sung mũi vaccine thứ 3 cho người trên 60 tuổi, tuần này Israel bắt đầu tiêm mũi 3 cho người trên 50 tuổi, đồng thời tiếp tục các chiến dịch đẩy mạnh tiêm chủng đối với những người đủ điều kiện nhưng vẫn chưa chịu tiêm vaccine.
Nhật Bản: Trên 20.000 ca nhiễm mới
Trong khi đó, tình hình dịch bệnh tại Nhật Bản vẫn chưa cải thiện. Trong ngày 15/8, nước này ghi nhận ca nhiễm mới vượt ngưỡng 20.000, với 20.147 ca. Bộ Y tế Nhật Bản cho biết số bệnh nhân COVID-19 có triệu chứng nặng tại nước này là 1.563 ca tính đến ngày 14/8, tăng thêm 42 ca so với ngày trước đó. Đây là ngày thứ 3 liên tiếp nước này ghi nhận số ca mắc COVID-19 nặng ở mức cao nhất từ trước đến nay.
Tại thủ đô Tokyo, giới chức y tế cho hay đã ghi nhận thêm 4.295 ca mắc mới trong bối cảnh hệ thống y tế tại khu vực này đang trong tình trạng quá tải do số ca mắc mới tăng mạnh. Số ca mắc mới trung bình trong 7 ngày qua tại Tokyo đã tăng lên mức 4.263 ca/ngày, tăng 5,6% so với tuần trước đó, với nguyên nhân là sự lây lan của biến thể Delta.
Nhân viên y tế điều trị cho bệnh nhân COVID-19 tại một bệnh viện ở Yokohama, Nhật Bản ngày 8/8/2021. Ảnh: AFP/TTXVN
Chính quyền Nhật Bản đang đối mặt với sức ép trong việc mở rộng tình trạng khẩn cấp hiện đang được áp dụng tại Tokyo, Osaka và nhiều tỉnh thành khác.
Video đang HOT
Ấn Độ: Tình hình dịch ghi nhận tiến triển
Bộ Y tế Ấn Độ cho biết nước này đã ghi nhận số ca nhiễm mới COVID-19 là 33.205 trường hợp trong vòng 24 giờ qua, trong khi có thêm 421 trường hợp tử vong mới.
Như vậy, số ca nhiễm mới và tử vong tiếp tục đà giảm. Tỷ lệ bệnh nhân mắc mới của Ấn Độ hằng ngày được ghi nhận là 1,88%, giảm 3% trong 20 ngày qua. Theo Bộ Y tế, tỷ lệ dương tính hằng tuần được ghi nhận ở mức 2%.
Nhân viên y tế tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho phụ nữ mang thai tại Chennai, Ấn Độ. Ảnh: AFP/TTXVN
Mỹ: Trẻ em nhập viện vì COVID-19 cao kỷ lục
Tại Mỹ, nước này đã ghi nhận số trẻ em nhập viện vì COVID-19 cao kỷ lục với 1.900 ca trong bối cảnh các bệnh viện ở khu vực miền Nam của quốc gia này đang phải gồng mình chống lại đợt bùng phát mới do biến thể Delta có tốc độ lây lan nhanh chóng.
Theo dữ liệu từ Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh Mỹ, biến thể Delta đang gây bệnh cho hầu hết những người chưa tiêm chủng và khiến số ca nhập viện gia tăng nhanh chóng trong những tuần gần đây, trong đó số trẻ em phải nhập viện đã lên tới 1.902 ca. Trẻ em hiện chiếm khoảng 2,4% tổng số ca nhập viện vì COVID-19. Trẻ em dưới 12 tuổi chưa đủ điều kiện để tiêm chủng nên dễ bị nhiễm bệnh hơn, đặc biệt khi biến thể mới có khả năng lây truyền cao.
Theo số liệu của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC), số ca nhập viện mới vì COVID-19 trong độ tuổi 18-29, 30-39 và 40-49 cũng lên mức cao kỷ lục trong tuần này.
Chuyển bệnh nhân nhiễm COVID-19 tới bệnh viện ở Tehran, Iran. Ảnh: IRNA/TTXVN
Anh nới thêm quy định phòng dịch
Trong khi đó, tại Anh, chính quyền vùng England đã ban hành quy định mới trong phòng dịch COVID-19. Theo đó, những người đã tiêm đủ liều vaccine tại vùng England sẽ không phải tự cách ly nếu họ tiếp xúc gần với ca bệnh. Thay vào đó, kể từ ngày 16/8, những người này và những đối tượng dưới 18 tuổi mà có tiếp xúc gần với ca mắc COVID-19, sẽ thực hiện xét nghiệm PCR miễn phí. Trong trường hợp có kết quả dương tính, họ buộc phải cách ly. Quy định mới này là 1 trong số kế hoạch mở cửa gồm 4 bước mà chính phủ công bố hồi tháng trước. Trước đó, những người tiếp xúc gần với ca mắc COVID-19, buộc phải tự cách ly 10 ngày.
Nhân viên y tế tiêm vaccine cho người dân tại Tel Aviv. Ảnh: Quang Minh – P/v TTXVN tại Israel.
Philippines ghi nhận trường hợp đầu tiên mắc biến thể Lambda
Bộ Y tế Philippines ngày 15/8 cho biết đã ghi nhận trường hợp đầu tiên mắc biến thể Lambda, đồng thời yêu cầu người dân tuân thủ nghiêm các biện pháp phòng dịch.
Biến thể Lambda được phát hiện lần đầu tiên tại Peru cuối năm ngoái và được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) xếp vào danh mục biến thể cần chú ý. Chỉ trong thời gian ngắn, Lambda đã nhanh chóng trở thành biến thể chủ đạo tại các quốc gia Mỹ Latinh và đến cuối tháng 6, biến thể này đã xuất hiện ở gần 30 nước. Một số nghiên cứu mới đây cho biết biến thể Lambda có những đột biến có thể “trốn” được vaccine.
Người dân xếp hàng chờ tiêm vaccine ngừa COVID-19 tại Mandaluyong, ngoại ô Manila, Philippines. Ảnh: AFP/TTXVN
Cùng ngày, Bộ trên cũng thông báo đã ghi nhận thêm 14.749 ca mắc mới, số ca nhiễm theo ngày cao thứ hai kể từ khi dịch bùng phát. Số ca tử vong trong ngày là 270 ca, mức cao thứ ba kể từ đầu dịch đến nay. Cho tới nay, tổng số ca mắc COVID-19 tại Philippines là 1,74 triệu ca, trong đó có 30.340 ca tử vong.
Thái Lan dẫn đầu Đông Nam Á về ca nhiễm mới
Thống kê chính thức cho thấy Thái Lan đã ghi nhận 21.882 ca mắc mới COVID-19, dẫn đầu khu vực Đông Nam Á về ca nhiễm mới, nâng tổng số ca bệnh lên 907.157 ca. Ngoài ra, Thái Lan cũng ghi nhận thêm 209 ca tử vong, nâng tổng số ca tử vong do COVID-19 lên mức 7.552 ca.
Thủ đô Bangkok tiếp tục dẫn đầu danh sách địa phương có số ca mắc cao nhất với 4.215 ca trong vòng 24 giờ qua. Nhằm ngăn chặn dịch bệnh lây lan, chính quyền thủ đô Bangkok và 28 tỉnh khác đã thực hiện lệnh phong tỏa một phần, trong đó có lệnh giới nghiêm ban đêm, hạn chế di chuyển và đóng cửa các trung tâm thương mại. Dự kiến, giới chức Thái Lan sẽ nhóm họp trong ngày 16/8 nhằm đánh giá tình hình dịch tễ và cân nhắc kéo dài các biện pháp phòng dịch đến cuối tháng 8 này.
Malaysia nới lỏng hạn chế với người tiêm đủ vaccine
Theo tờ Straits Times, Thủ tướng Malaysia Muhyiddin Yassin ngày 15/8 cho biết, Malaysia sẽ mở cửa thêm nhiều lĩnh vực với những người đã tiêm đủ hai mũi vaccine trong nỗ lực khởi động lại từng phần nền kinh tế.
Thủ tướng Malaysia Muhyiddin Yassin (phải) phát biểu tại cuộc họp Quốc hội Malaysia ở Kuala Lumpur, ngày 26/7/2021. Ảnh: AFP/TTXVN
Theo các hướng dẫn mới có hiệu lực từ hôm nay, 16/8, các tiệm cắt tóc, cửa hàng bán đồ điện tử, nội thất, dụng cụ thể thao và phụ tùng ô tô sẽ được phép hoạt động tại những bang nằm trong giai đoạn 1 của kế hoạch phục hồi quốc gia. Các cửa hàng bán quần áo, đồ chơi, đồ cổ sẽ được nối lại hoạt động trong giai đoạn 2.
Các hạn chế trong lĩnh vực sản xuất cũng được dỡ bỏ, không giới hạn về công suất nhân sự hoạt động trong các côn ty
Malaysia đang dần dỡ bỏ các hạn chế phòng dịch COVID-19 trong nỗ lực cân bằng giữa duy trì tăng trưởng kinh tế và hạn chế ca lây nhiễm hàng ngày, vốn đã vượt qua ngưỡng 20.000 ca/ngày trong 4 ngày gần đây.
Đầu tháng này, chính quyền đã khôi phục quy định cho phép những người đã tiêm đủ vaccine được phép qua lại giữa các bang và ăn uống tại nhà hàng.
Người dân chen chúc chờ tiêm vaccine COVID-19 ở Medan, tỉnh Bắc Sumatra ngày 3/8/2021. Ảnh: Reuters
“Chính phủ hy vọng những hướng dẫn công bố hôm nay sẽ đem lại cảm xúc dễ chịu, nhẹ nhóm với người dân và giúp dần dần cải thiện tình thế mà chúng ta đang hứng chịu trong các ngành kinh tế bị ảnh hưởng”, ông Muhyiddin nói.
Cuối tuần trước, Ngân hàng trung ương Malaysia đã hạ mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2021 xuống 3% – 4% so với mức trước đây là 6-7,5%, do ảnh hưởng của đại dịch.
Malaysia đã áp đặt lệnh phong toả toàn quốc hồi tháng 6, trong một động thái khiến 40.000 người mất việc.
Số ca mắc mới tại Lào tiếp tục tăng
Ngày 15/8, Bộ Y tế Lào cho biết trong 24 giờ qua, nước này ghi nhận 198 ca mắc mới COVID-19. Như vậy, số ca mắc COVID-19 tại Lào đã vượt 10.000 ca.
Nhân viên y tế tiêm vaccine COVID-19 cho người dân tại Viêng Chăn, Lào. Ảnh: THX/TTXVN
Theo phóng viên TTXVN tại Viêng Chăn, trong số các ca mắc mới có 186 ca nhập cảnh được cách ly ngay và 12 ca cộng đồng. Thủ đô Viêng Chăn ghi nhận 1 ca cộng đồng là người Việt Nam có liên quan đến các ca bệnh trước đó; các ca cộng đồng còn lại là tại tỉnh Savannakhet. Trung tâm Xét nghiệm COVID-19, Bộ Y tế Lào, cho biết thời gian gần đây đã ghi nhận một số trường hợp người Việt có kết quả dương tính với SARS-CoV-2 khi làm xét nghiệm tại thủ đô Viêng Chăn để làm thủ tục xuất cảnh về nước. Điểm chung của những người này là đều có quá trình di chuyển qua vùng dịch tỉnh Bokeo.
Trước tình hình trên, Chính phủ Lào yêu cầu các địa phương tăng cường hoạt động tuần tra, giám sát và ngăn chặn người nhập cảnh bất hợp pháp, coi đó là ưu tiên hàng đầu trong giai đoạn phòng chống dịch tiếp theo của Lào. Đến nay, tổng số ca nhiễm COVID -19 tại Lào là 10.092 ca, trong đó có 9 người tử vong.
Israel tính 'Kế hoạch B' nếu đàm phán hạt nhân Iran đổ vỡ
Cuộc đàm phán tại Vienna (Áo) nhằm khôi phục thỏa thuận hạt nhân lịch sử ký năm 2015 giữa Iran và các cường quốc đang cam go, Israel được cho là đã dự phòng "Kế hoạch B" trong trường hợp đàm phán thất bại.
Thủ tướng Israel Naftali Bennett. Ảnh: Times of Israel
Ngày 11/8, Thủ tướng Israel Naftali Bennett đã có cuộc gặp với Giám đốc Cơ quan Tình báo trung ương Mỹ (CIA) William Burns tại Tel Aviv. Văn phòng Thủ tướng Naftali Bennett cho hay nhà lãnh đạo Israel và Giám đốc CIA đã thảo luận về tình hình an ninh tại Trung Đông, đặc biệt là vấn đề Iran. Sau đó, ông Burns cũng làm việc với Giám đốc cơ quan tình báo Mossad của Israel, ông David Barnea, để bàn về chương trình hạt nhân của Iran và "những thách thức khác trong khu vực", trong đó hạt nhân Iran là nội dung hàng đầu.
Từ trước tới nay, các chính quyền tại Washington ủng hộ quan điểm của Tel Aviv trong vấn đề hạt nhân Iran. Israel quyết tâm ngăn chặn nước Cộng hòa Hồi giáo này sở hữu vũ khí hạt, nhân đồng thời phản đối thỏa thuận hạt nhân năm 2015 (với tên chính thức là Kế hoạch Hành động Chung Toàn diện - JCPOA), mà Mỹ và các cường quốc châu Âu cùng với Iran đang đàm phán để khôi phục.
Chính phủ mới của Israel đang tìm cách tác động đến chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden, trong bối cảnh việc tân Tổng thống Iran tuyên thệ nhậm chức tuần trước được xem là diễn biến có thể khiến các cuộc đàm phán trên chệch hướng. Truyền thông đã dẫn lời các quan chức quốc phòng Israel cho biết họ tin rằng cơ hội cho một thỏa thuận hạt nhân Iran đã giảm đi đáng kể và viễn cảnh đàm phán bế tắc lâu dài là hoàn toàn có thể xảy ra.
Do đó, trang mạng Axios dẫn nguồn tin Israel cho biết giới chức cấp cao Israel đang tìm kiếm "Kế hoạch B", dành cho trường hợp các vòng đàm phán đang diễn ra ở Vienne thất bại và Iran sẽ hoàn toàn rút khỏi JCPOA.
Theo nguồn tin trên, cộng đồng tình báo Israel đã bày tỏ quan ngại rằng viễn cảnh Iran quay trở lại thỏa thuận JCPOA sau khi ông Ebrahim Raisi lên làm tổng thống, đang mờ mịt dần.
Trang Axios dẫn lời một quan chức Israel giấu tên cho rằng "điều quan trọng đối với Thủ tướng Bennett là cần thể hiện rõ rằng Israel coi việc Iran quay lại thỏa thuận hạt nhân năm 2015 là một sai lầm. Chính sách của chính phủ tiền nhiệm sẽ không tiếp tục và Israel sẽ có một cách tiếp cận khác". Ngoại trưởng Israel Yair Lapid nói rằng một "Kế hoạch B" có thể đang được thảo luận với Mỹ và "các đồng minh châu Âu của chúng tôi".
Binh sĩ Israel triển khai hệ thống tên lửa Patriot trong một cuộc tập trận. Ảnh: AFP
Israel chuẩn bị kịch bản ngăn chặn "Một Iran hạt nhân"
Israel đã liên tục cân nhắc các kịch bản dựa trên cáo buộc chưa được chứng minh rằng Iran có ý định phát triển vũ khí hạt nhân. Tháng 1/2021, Tư lệnh Các lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) Aviv Kochavi thông báo rằng ông đã ra lệnh cho quân đội xây dựng kế hoạch hành động có tính cập nhật nhằm ngăn chặn khả năng Iran theo đuổi một chương trình phát triển vũ khí hạt nhân. Vào tháng 2, truyền thông Israel đưa tin giới chức chính phủ và quân đội nước này đã nhóm họp để thảo luận vấn đề cấp ngân sách cho các kế hoạch mới này.
Sau cuộc bầu cử tại Iran với chiến thắng thuộc về ông Raisi, nhưng lo ngại của Tel Aviv dường như càng tăng lên. IDF được cho là đã đề nghị khoản ngân sách trị giá rất lớn, lên tới hàng tỷ USD, để chuẩn bị cho kịch bản mà họ cho rằng sẽ sớm xảy ra các vụ tấn công hạt nhân từ Iran. Israel, bản thân chưa bao giờ chính thức thừa nhận có vũ khí hạt nhân, từ lâu đã cảnh báo về việc Iran đang nỗ lực phát triển vũ khí hạt nhân.
Thủ tướng Israel Naftali Bennett và Tư lệnh Bộ chỉ huy miền Bắc của IDF, ông Amir Baram (bên phải), thị sát biên giới phía Bắc ngày 3/8/2021. Ảnh: Times of Israel
Mới đây, Ngoại trưởng Yair Lapid, Bộ trưởng Quốc phòng Benny Gantz cùng nhiều quan chức cấp cao khác của Israel "cảnh báo bất thường" Washington rằng Iran đang tiến nhanh đến ngưỡng trở thành một quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân. Giới chức Israel cũng nhiều lần cảnh báo sẽ làm tất cả, bao gồm cả hành động vũ lực, để ngăn chặn Tehran có vũ khí hạt nhân.
Phát biểu ngày 15/7 tại lễ tốt nghiệp của Trường Cao đẳng Quốc phòng, Bộ trưởng Quốc phòng Gantz nói Israel đang đối mặt với mối đe dọa hạt nhân từ Iran lớn hơn bao giờ hết. Trả lời phỏng vấn kênh truyền hình Mỹ Fox News, ông Gantz tiết lộ Israel đang phát triển kế hoạch tấn công các mục tiêu chiến lược của ngành công nghiệp Iran và kế hoạch gần như đã sẵn sàng.
Theo giới chuyên gia, Israel có thể sử dụng lãnh thổ của Saudi Arabia hoặc Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) để đánh một loạt mục tiêu quân sự, các khu công nghiệp và cơ sở hạt nhân ở Iran. Đây là giả thiết có cơ sở trong bối cảnh quan hệ giữa Israel và các quốc gia Arab ở Trung Đông đã được cải thiện đáng kể thời gian qua.
Tổng thống đắc cử Iran Ebrahim Raisi phát biểu tại lễ tuyên thệ nhậm chức ở Tehran, ngày 5/8/2021. Ảnh: THX/TTXVN
Về phần mình, tân Tổng thống Iran Raisi từng nói với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron rằng Mỹ và các nước Liên minh châu Âu (EU) cần phải tuân thủ các nghĩa vụ trong JCPOA, thỏa thuận hạt nhân mà Tehran cáo buộc Mỹ đã đơn phương xé bỏ hồi năm 2018.
Iran tuyên bố sẵn sàng nối lại các cuộc đàm phán nhằm khôi phục thỏa thuận hạt nhân với các cường quốc trên thế giới dưới thời Tổng thống Raisi, các cuộc đàm phán này có thể diễn ra tại Vienna (Áo) từ đầu tháng 9 tới.
Tuy nhiên, ông Raisi cũng nhấn mạnh, trong mọi cuộc đàm phán, quyền lợi của người dân nước Cộng hòa Hồi giáo này cần được đặt lên trên và những lợi ích của Iran cần phải được đảm bảo.
Toàn thế giới vượt 205 triệu ca mắc COVID-19; châu Á vẫn là điểm nóng Theo trang thống kê worldometer.info, tính đến 22h ngày 11/8 (giờ Việt Nam), thế giới ghi nhận tổng cộng trên 205 triệu ca nhiễm COVID-19, trong đó có trên 4,33 triệu người đã tử vong. Số người bình phục hiện đã lên tới trên 184 triệu người. Nhân viên y tế điều trị cho bệnh nhân COVID-19 tại bệnh viện ở Jonesboro, Arkansas,...