COVID-19 tới 6 giờ sáng 15/4: Anh mở rộng độ tuổi tiêm vaccine Moderna; Chuyên gia cảnh báo giai đoạn dịch sắp tới
Trong 24 giờ qua, thế giới ghi nhận thêm 881.940 trường hợp mắc COVID-19 và 2.972 ca tử vong. Tới nay, tổng số ca mắc COVID-19 trên toàn cầu đã vượt 502 triệu ca, trong đó trên 6,2 triệu người không qua khỏi.
Một điểm tiêm vaccne ngừa COVID-19 tại Putrajaya, Malaysia. Ảnh: AFP/TTXVN
Theo số liệu thống kê của trang mạng worldometers.info, cập nhật đến 6 giờ sáng 15/4 (giờ Việt Nam), tổng số ca mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 trên toàn cầu đã lên tới 502.765.863 ca, trong đó có 2.972 người tử vong.
Sau hơn 2 năm ứng phó, nhiều nước đang chủ động thích ứng tốt với làn sóng dịch mới này và đang đẩy nhanh quá trình trở lại cuộc sống trước đại dịch, coi COVID-19 như một loại bệnh đặc hữu.
Đại dịch sau 2 năm đến nay xuất hiện và đã lây lan ở 225 quốc gia và vùng lãnh thổ. Các nước cũng ghi nhận trên 452 triệu bệnh nhân được điều trị khỏi, số ca đang điều trị tích cực là trên 43 triệu ca và trên 63.000 ca hiện ở trong tình trạng nguy kịch. Ngày 14/4, thế giới có 68 quốc gia và vùng lãnh thổ ghi nhận ca COVID-19 mới.
Trong mấy ngày qua, số ca mắc bệnh tiếp tục xu thế giảm trên phạm vi toàn cầu, những vùng bệnh còn “ nóng nhất” nằm ở châu Á-châu Mỹ. Tuy nhiên, ngày càng nhiều nước thông báo sẽ nới lỏng hay thậm chí gỡ bỏ hoàn toàn các biến pháp phòng dịch nghiêm ngặt.
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại Thượng Hải, Trung Quốc, ngày 6/4/2022. Ảnh: THX/TTXVN
Trong 24 giờ qua, Đức là nước có số ca mắc mới cao nhất (trên 160.000 ca), trong khi Anh là quốc gia có số ca tử vong mới cao nhất thế giới với trên 350 ca.
Trung Quốc cũng chứng kiến xu thế dịch đáng ngại khi số ca mắc mới tăng mạnh, khiến nhà chức trách nước này quyết định phong tỏa một số thành phố lớn, qua đó tiếp tục kiên trì với chiến lược “Không COVID”.
Mỹ vẫn là nước bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất, đến nay ghi nhận 82.192.880 ca mắc và 1.014.114 ca tử vong. Ấn Độ đứng thứ hai về số ca mắc (hơn 43 triệu ca) trong khi Brazil đứng thứ hai về số ca tử vong (661.710 ca).
Tại Mỹ, quy định đeo khẩu trang bắt buộc đối với người đi máy bay, sử dụng phương tiện công cộng sẽ tiếp tục có hiệu lực đến ngày 3/5, thay vì ngày 18/4 trong bối cảnh nhiều bang đang chứng kiến số ca mắc mới COVID-19 gia tăng do sự lây lan của “biến thể tàng hình” BA.2 của Omicron. Theo Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) của Mỹ, tình hình dịch COVID-19 tại nước này vẫn diễn biến phức tạp khi BA.2 chiếm hơn 85% số ca nhiễm ghi nhận hằng ngày tại nước này và cần có thời gian đánh giá tình hình dịch bệnh trước khi điều chỉnh quy định đeo khẩu trang đã được áp dụng từ tháng 2/2021. Ngoài quyết định gia hạn quy định đeo khẩu trang bắt buộc nói trên, chính quyền Mỹ còn tái áp đặt tình trạng y tế khẩn cấp, cho phép hàng triệu người dân nước này tiếp tục được hưởng chế độ hỗ trợ trong dịch COVID-19 như được xét nghiệm, tiêm vaccine và điều trị miễn phí trong ít nhất 3 tháng tới.
Người dân đeo khẩu trang phòng dịch COVID-19 tại New York, Mỹ. Ảnh: AFP/TTXVN
Ngày 14/4, Bộ Ngoại giao Mỹ thông báo sẽ giảm mạnh số lượng các điểm quốc tế đến được khuyến cáo “không nên đi du lịch” sau khi giới chức y tế nước này công bố thay đổi cách đánh giá về những lo ngại do COVID-19 gây ra.
Bộ trên đã đưa gần 120 quốc gia và vùng lãnh thổ vào danh sách “Cấp độ 4: Không nên đi du lịch” trong số khoảng 215 nước và vùng lãnh thổ được đánh giá. Theo bộ này, danh sách cập nhật mới nhất sẽ giảm khoảng 10% số điểm đến quốc tế được khuyến cáo du lịch cấp độ 4, trong đó có tính tới các yếu tố rủi ro khác, chứ không chỉ dịch COVID-19. Với báo cáo cập nhật, các công dân Mỹ sẽ được tiếp nhận thông tin tốt hơn về các điểm đến an toàn trên thế giới.
Tại châu Âu, Chính phủ Slovenia thông báo từ ngày 14/4, người dân nước này không còn phải đeo khẩu trang trong không gian kín.
Tuy nhiên, việc đeo khẩu trang vẫn cần được thực hiện ở các cơ sở y tế và các trung tâm dưỡng lão. Chính phủ Slovenia nêu rõ nhóm chuyên gia cố vấn cho Bộ trưởng Bộ Y tế đã ủng hộ việc nới lỏng kiểm soát dịch bệnh này. Tuy nhiên, họ đề nghị người dân tiếp tục đeo khẩu trang trong không gian kín.
Nhân viên y tế điều trị cho bệnh nhân COVID-19 tại bệnh viện ở Hartford, Connecticut, Mỹ. Ảnh: AFP/TTXVN
Dịch bệnh COVID-19 đã tác động nặng nề tới Slovenia. Tuy nhiên, số ca mắc mới hằng ngày trong vài tuần qua ở nước này đã giảm từ mức cao kỷ lục 24.258 ca ghi nhận ngày 1/2 vừa qua. Ngày 13/4, Slovenia ghi nhận 1.532 ca mắc mới COVID-19. Gần 58% trong số 2,1 triệu dân của nước này đã tiêm chủng đầy đủ.
Tại Trung Quốc, thành phố Thượng Hải ghi nhận hơn 27.000 ca mắc COVID-19, mức cao mới theo ngày kể từ đầu dịch. Cụ thể, ngày 14/4, Thượng Hải thông báo thêm 2.573 ca mắc có triệu chứng, tăng so với mức 1.189 ca trước đó một ngày. Trong khi đó, số ca mắc không triệu chứng là 25.146 ca. Giới chức thành phố cho biết số ca lây nhiễm mới tiếp tục tăng dù biện pháp phong toả một phần đã được áp đặt do lây nhiễm giữa các thành viên trong cùng gia đình vẫn diễn ra.
Trong khi đó, chính quyền Đặc khu hành chính Hong Kong (Trung Quốc) công bố chi tiết các biện pháp nới lỏng giãn cách xã hội. Theo đó, từ ngày 21/4, các nhà hàng sẽ được phục vụ khách ăn tại chỗ đến 22h hằng ngày, số khách mỗi bàn tăng lên 4 người, người dân được tổ chức tiệc tại nhà hàng không quá 20 người tham dự.
Người dân chờ tiêm vaccine phòng COVID-19 tại Toyoake, tỉnh Aichi, Nhật Bản. Ảnh: AFP/TTXVN
Chính quyền Hong Kong cũng cho phép mở cửa trở lại các địa điểm thể thao trong nhà và ngoài trời, trung tâm thể dục, thẩm mỹ viện, các địa điểm giải trí công cộng, công viên giải trí, bảo tàng, triển lãm, rạp chiếu phim, các cơ sở tôn giáo…, nối lại các tour du lịch không quá 30 người. Lệnh cấm tụ tập trên 2 hộ gia đình được dỡ bỏ, số người tụ tập nơi công cộng được nâng từ 2 lên 4 người, người dân vẫn phải đeo khẩu trang khi tập thể dục. Tuy nhiên, quán bar, quán rượu, các bể bơi và bãi tắm vẫn tiếp tục đóng cửa.
Tại Hàn Quốc, Cơ quan Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh nước này (KDCA) công bố số liệu cho thấy có 318 ca tử vong do COVID-19 trong ngày 14/4, nâng tổng số ca tử vong vì căn bệnh này trên cả nước lên 20.352 ca. Tính từ ngày 6-13/4, trung bình mỗi ngày có trên 300 người tử vong do COVID-19 và dự kiến con số này sẽ tiếp tục tăng.
Video đang HOT
Tính đến cuối năm 2021, Hàn Quốc ghi nhận tổng cộng 5.563 ca tử vong vì COVID-19. Tuy nhiên, chỉ trong 3 tháng rưỡi đầu năm nay, con số này đã tăng gần 3 lần, với 14.789 ca không qua khỏi. Trong đó, 93,86% số ca tử vong là những người trên 60 tuổi, đa phần có bệnh lý nền như huyết áp cao, tai biến, suy tim… Chỉ tính riêng tuần trước, trong 2.163 ca không qua khỏi, tỷ lệ tử vong ở nhóm trên 60 tuổi chiếm 94,4%.
Người dân chờ tiêm vaccine phòng COVID-19 tại Toyoake, tỉnh Aichi, Nhật Bản. Ảnh: AFP/TTXVN
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ngày 13/4 khẳng định COVID-19 vẫn là vấn đề y tế khẩn cấp toàn cầu, đồng thời khuyến nghị các nước vẫn cần sẵn sàng phản ứng nhanh và trên quy mô lớn đối với đại dịch này, mặc dù số ca nhiễm mới và tử vong tiếp tục giảm.
Theo Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus, số ca tử vong do COVID-19 trong tuần kết thúc ngày 10/4 đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ đầu dịch đến nay. Với hơn 7 triệu ca mắc và hơn 22.000 ca tử vong ghi nhận được, số ca mắc và ca tử vong lần lượt giảm 24% và 18% so với tuần trước đó.
Tuy nhiên, ông Tedros vẫn bày tỏ lo ngại khi một số nước vẫn ghi nhận số ca mắc mới gia tăng nghiêm trọng, gây áp lực lên hệ thống y tế, trong khi khả năng giám sát xu hướng dịch bệnh giảm đi do nhiều nước dừng chương trình xét nghiệm truy vết COVID-19.
COVID-19 tới 6h sáng 14/4: Thêm 2.500 ca tử vong; Gần 50% dân số thế giới có thể đã mắc bệnh
Theo trang mạng worldometer.info, trong vòng 24 giờ qua, thế giới ghi nhận trên 951.000 ca mắc COVID-19 và trên 2.500 ca tử vong. Tổng số ca mắc từ đầu dịch tới nay đã là 501 triệu ca, trong đó trên 6,21 triệu ca tử vong.
Nhân viên y tế điều trị cho bệnh nhân COVID-19 tại bệnh viện ở Saint-Denis, ngoại ô Paris, Pháp. Ảnh: AFP/TTXVN
Ba quốc gia có số ca mắc trong 24 giờ qua cao nhất thế giới là Hàn Quốc (195.370 ca), Đức (179.888 ca) và Pháp (146.926 ca).
Ba quốc gia có số ca tử vong trong 24 giờ qua cao nhất thế giới là Đức (307 ca), Nga (267 ca) và Mỹ (228 ca).
Tính từ đầu đại dịch, Mỹ là quốc gia có tổng số ca mắc nhiều nhất thế giới với trên 82 triệu ca mắc COVID-19 và trên 1 triệu ca tử vong. Tiếp đó là Ấn Độ với trên 43 triệu ca mắc và trên 521.000 ca tử vong. Đứng thứ ba là Brazil với trên 30 triệu ca mắc và trên 661.000 ca tử vong.
Gần 50% dân số thế giới có thể đã mắc COVID-19
Người dân đeo khẩu trang phòng dịch COVID-19 tại Singapore. Ảnh: AFP/TTXVN
Một số nhà nghiên cứu ước tính gần 50% dân số thế giới có thể đã nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19 ít nhất một lần trong 2 năm qua. Kết quả nghiên cứu mới này do Viện Đo lường và Đánh giá sức khỏe (IHME) thuộc Đại học Washington (Mỹ) công bố trên tạp chí The Lancet.
Do biến thể Omicron có khả năng lây lan mạnh, số ca mắc COVID-19 đã tăng vọt trong vài tháng qua. Vào đầu năm 2022, thế giới chính thức ghi nhận gần 300 triệu ca mắc COVID-19. Nhưng chỉ một tháng sau khi bước sang năm mới, tổng số ca mắc trên thế giới đã vượt 400 triệu. Hiện số liệu của Đại học Johns Hopkins cho thấy đã có hơn 500 triệu ca mắc COVID-19 kể từ khi đại dịch bùng phát đầu năm 2020. Tuy nhiên, con số này được cho là chưa thực sự phản ánh đúng mức độ lây lan thực sự của virus SARS-CoV-2 trên toàn cầu.
Nghiên cứu của IHME đưa ra báo cáo toàn diện về số ca mắc COVID-19 khi phân tích dữ liệu của 190 quốc gia và vùng lãnh thổ. Báo cáo đưa ra số ca mắc mà các nhà nghiên cứu gọi đây là phát hiện "gây sửng sốt". Cụ thể, đến giữa tháng 11/2021, ước tính có 3,39 tỷ người đã nhiễm virus SARS-CoV-2 ít nhất một lần, tương đương với khoảng 44% dân số thế giới. Đáng chú ý, con số ước tính này chỉ được đưa ra vào thời điểm trước khi biến thể Omicron có khả năng lây lan mạnh xuất hiện.
Các nhà nghiên cứu IHME đã tính toán và phát hiện tính đến ngày 14/11/2021, thế giới có 400 triệu ca mắc COVID-19. Dù nghiên cứu mới này không đưa tác động của biến thể Omicron vào mô hình tính toán, nhưng các tác giả cho rằng vào đầu năm 2022 có thêm hàng tỷ ca mắc nữa, trong đó có những ca mắc dù đã tiêm vaccine và ca tái nhiễm.
Các tác giả nghiên cứu nêu rõ các mô hình tính toán cho thấy hơn 50% dân số thế giới có thể đã nhiễm biến thể Omicron. Tuy nhiên, các nhà khoa học sẽ phải chờ dữ liệu mới về huyết thanh học trong những tháng tới để đưa ra bản phân tích chi tiết. Theo đó, số ca mắc COVID-19 tính đến tháng 3/2022 có thể tăng gần gấp đôi số ca mắc tính đến ngày 14/11/2021.
Số liệu cũng cho thấy những khu vực có tỷ lệ nhiễm cao không đạt được miễn dịch cộng đồng. Thậm chí, nghiên cứu phát hiện tỷ lệ mắc COVID-19 giảm không đáng kể ở khu vực đã có 80% dân số mắc bệnh.
Kể từ đầu dịch, nhiều nhà nghiên cứu nhấn mạnh số ca mắc COVID-19 được công bố chính thức thấp hơn nhiều so với số ca mắc thực tế. Hàng loạt công trình nghiên cứu theo dõi số ca mắc tại nhiều nơi trên thế giới và phát hiện rất nhiều ca mắc chưa được ghi nhận. Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Mỹ ước tính gần 25% số ca mắc chưa được báo cáo chính thức.
Tuần trước, một báo cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) phân tích hơn 150 nghiên cứu và cho rằng tính đến cuối năm 2021, khoảng 65% dân số ở châu Phi có thể đã mắc COVID-19, cao hơn khoảng 97 lần so với con số công bố chính thức.
WHO cảnh báo không nên mất cảnh giác trước đại dịch COVID-19
Nhân viên y tế điều trị cho bệnh nhân COVID-19 tại bệnh viện ở thành phố Ashkelon, Israel ngày 22/2/2022. Ảnh: AFP/TTXVN
Chủ tịch Ủy ban Khẩn cấp của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Didier Houssin ngày 13/4 cho biết ủy ban này hoàn toàn nhất trí rằng hiện nay không phải là thời điểm hạ thấp cảnh giác trước đại dịch COVID-19.
Phát biểu họp báo sau khi Ủy ban Khẩn cấp WHO kết luận rằng đại dịch vẫn gây ra tình trạng y tế công cộng khẩn cấp gây quan ngại quốc tế (PHEIC) - mức cảnh báo cao nhất mà WHO có thể đưa ra, ông Houssin khẳng định: "Hiện nay không phải là lúc hạ thấp mức độ cảnh giác của chúng ta, trái lại, đây là lời khuyến nghị cực kỳ mạnh mẽ. Đại dịch COVID-19 còn lâu mới chấm dứt, mức độ lây lan của virus SARS-CoV-2 vẫn còn rất mạnh, tỷ lệ tử vong vẫn cao và virus SARS-CoV-2 đang tiến hóa một cách không thể dự đoán được".
Ông Houssin nói tiếp: "Hiện nay không phải là lúc lơ là trước loại virus này, hoặc buông lỏng công tác giám sát, xét nghiệm và thông báo, hay sao lãng các biện pháp y tế công cộng, đồng thời không được phép ngừng chiến dịch tiêm chủng".
Trung Quốc khẳng định thực hiện nghiêm "chính sách không COVID linh hoạt"
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại Thượng Hải, Trung Quốc ngày 9/4/2022. Ảnh: THX/TTXVN
Ngày 13/4, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình khẳng định nước này sẽ không nới lỏng các biện pháp phòng ngừa và kiểm soát dịch COVID-19.
Theo Đài Truyền thanh nhà nước Trung Quốc, phát biểu trong chuyến thăm tới đảo Hải Nam, ở miền Nam, Chủ tịch Tập Cận Bình nhấn mạnh phải tiếp tục thực hiện nghiêm "chính sách không COVID linh hoạt". Việc làm này cần được thực hiện song song với nỗ lực nhằm giảm thiểu tác động của các biện pháp phòng dịch đối với hoạt động kinh tế và xã hội.
Những phát biểu trên được nhà lãnh đạo Trung Quốc đưa ra trong bối cảnh nước này đang đương đầu với đợt bùng phát dịch COVID-19 nghiêm trọng nhất trong hơn hai năm qua. Thành phố Thượng Hải, trung tâm sản xuất và cửa ngõ giao thương quan trọng, đang là tâm dịch với hơn 25.000 ca mắc mới ghi nhận trong ngày 13/4. Thành phố này đã áp dụng các biện pháp phong tỏa từng phần từ đầu tháng 4, khiến nhiều nhà máy tại đây phải dừng hoạt động.
Hàn Quốc công bố kế hoạch tiêm mũi 4 cho nhóm nguy cơ cao
Người dân đeo khẩu trang phòng dịch COVID-19 tại Seoul, Hàn Quốc, ngày 16/3/2022. Ảnh: THX/TTXVN
Ngày 13/4, Chính phủ Hàn Quốc công bố kế hoạch tiêm vaccine phòng COVID-19 mũi 4 cho người cao tuổi.
Đối tượng tiêm là người từ 60 tuổi trở lên và đã tiêm mũi 3 được 120 ngày. Thời gian đặt lịch tiêm bắt đầu từ ngày 18/4 và thời gian tiêm phòng bắt đầu từ ngày 25/4.
Quan chức thuộc Cơ quan Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hàn Quốc (KDCA) Jeong Eun-kyeong cho biết hơn 90% người Hàn Quốc ở độ tuổi 60 trở lên đã được tiêm mũi 3 (mũi tăng cường) nhưng vẫn được khuyến nghị tiêm mũi 4 vì tác dụng của vaccine bắt đầu giảm đi đáng kể khoảng 2 tháng sau mũi 3. Có khoảng 10,66 triệu người Hàn Quốc trong độ tuổi trên thuộc nhóm nên tiêm mũi 4.
Mũi tiêm thứ 4 chỉ được chỉ định tiêm cho các nhóm đối tượng nguy cơ cao như người cao tuổi đang điều trị tại các cơ sở chăm sóc người cao tuổi hoặc những người có hệ miễn dịch kém. Việc tiêm mũi 4 sẽ được triển khai tại các cơ sở y tế, sử dụng vaccine công nghệ mRNA. Người thuộc nhóm chống chỉ định sử dụng vaccine mRNA có thể được tiêm bằng vaccine của hãng Novavax.
Nhật Bản chưa áp dụng các biện pháp phòng dịch trọng điểm
Du khách chờ xét nghiệm COVID-19 tại Tokyo, Nhật Bản ngày 29/11/2021. Ảnh: Kyodo/TTXVN
Ngày 13/4, Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio khẳng định mặc dù số ca nhiễm mới COVID-19 tại nước này đang có xu hướng tăng, nhưng tại thời điểm hiện nay, Nhật Bản chưa cần áp dụng các biện pháp phòng dịch trọng điểm.
Lý giải vấn đề này trước Quốc hội, Thủ tướng Kishida cho biết mặc dù số ca nhiễm mới đang có xu hướng tăng trên toàn quốc, nhưng tỷ lệ sử dụng giường dành riêng cho các bệnh nhân COVID-19 nói chung và các bệnh nhân COVID-19 nguy kịch nói riêng vẫn ở mức thấp. Bên cạnh đó, có tới 85% người cao tuổi ở nước này, vốn là nhóm có nguy cơ bệnh nặng cao hơn so với các nhóm đối tượng khác, đã được tiêm 3 mũi vaccine phòng COVID-19. Ngoài ra, cho tới thời điểm này, chưa có chính quyền địa phương nào đề nghị áp dụng các biện pháp phòng dịch trọng điểm.
Trong những ngày gần đây, số ca mắc mới COVID-19 có xu hướng gia tăng trở lại ở Nhật Bản. Ngày 13/4, nước này ghi nhận 51.331 ca mắc mới, và 44 ca tử vong vì COVID-19. Trong bối cảnh đó, nhiều chuyên gia y tế đã lên tiếng cảnh báo Nhật Bản đang bước vào làn sóng lây nhiễm thứ 7 của dịch COVID-19.
Hy Lạp tạm dỡ bỏ các hạn chế trong mùa du lịch Hè 2022
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại Promachonas, Hy Lạp ngày 10/7/2020. Ảnh: AFP/TTXVN
Hy Lạp ngày 13/4 cho biết các biện pháp phòng dịch COVID-19 như đeo khẩu trang và các chứng nhận liên quan COVID-19 sẽ được dỡ bỏ trong mùa du lịch Hè năm nay và nhà chức trách sẽ cân nhắc tái áp đặt các biện pháp này vào tháng 9 tới.
Bộ trưởng Y tế Hy Lạp Thanos Plevris nêu rõ quyết định nới lỏng các hạn chế là dựa trên số liệu dịch tễ và đề xuất của các chuyên gia. Theo đó, từ ngày 1/5 đến 31/8 tới, người dân sẽ không còn phải xuất trình chứng nhận tiêm vaccine hay chứng nhận khỏi bệnh COVID-19 khi vào các không gian trong nhà hay ngoài trời như nhà hàng, đồng thời nhà chức trách cũng đang xem xét dỡ bỏ yêu cầu trình chứng nhận điện tử về COVID-19 của Liên minh châu Âu (EU) khi nhập cảnh nước này.
Ngoài ra, đeo khẩu trang tại các không gian trong nhà cũng không còn là bắt buộc kể từ ngày 1/6 và sinh viên sẽ quay trở lại trường học sau kỳ nghỉ Lễ Phục sinh mà không cần định kỳ trình kết quả tự xét nghiệm âm tính với COVID-19.
Ông Plevris cho biết tất cả các biện pháp này sẽ được đánh giá lại vào tháng 9.
Số ca mắc mới COVID-19 tại Hy Lạp đã giảm trong những tuần gần đây, với 15.000 ca mắc mới và 64 ca tử vong ngày 12/4. Trong tổng số 11 triệu dân nước này, khoảng 72% đã tiêm vaccine đầy đủ.
Bồ Đào Nha gia hạn các biện pháp phòng dịch
Chuyển bệnh nhân nhiễm COVID-19 tới bệnh viện ở Lisbon, Bồ Đào Nha, ngày 8/1/2021. Ảnh: THX/TTXVN
Chính phủ Bồ Đào Nha đã quyết định gia hạn các biện pháp chống dịch COVID-19 đến ngày 22/4 trong bối cảnh có nhiều cảnh báo từ giới chuyên gia về nguy cơ làn sóng dịch mới có thể bùng phát tại một số nước. Như vậy, tình trạng cảnh giác dịch bệnh COVID-19 tại nước này sẽ kéo dài thêm 4 ngày so với quy định trước đó.
Theo thông báo của Hội đồng Bộ trưởng Bồ Đào Nga, nước này sẽ tiếp tục duy trì các quy định phòng dịch, trong đó có yêu cầu bắt buộc đeo khẩu trang tại các không gian kín thuộc khu vực công cộng, cơ sở khám chữa bệnh và phương tiện giao thông công cộng.
Những người chưa tiêm mũi vaccine tăng cường và có kết quả xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2 cũng buộc phải thực hiện quy định đeo khẩu trang khi tới thăm khám tại các cơ sở y tế và nhà dưỡng lão.
ADVERTISING
X
Chính phủ Bồ Đào Nha đưa ra quyết định trên trong bối cảnh số ca mắc COVID-19 và nhập viện đang giảm dần, song tỷ lệ tử vong do đại dịch vẫn có xu hướng tăng. Trong 14 ngày qua, cứ 1 triệu người nhiễm virus SARS-CoV-2, có 29 người không qua khỏi. Thực tế này buộc giới chức Bồ Đào Nha cảnh giác trước nguy cơ dịch bệnh COVID-19.
Nhiều chuyên gia gần đây dự báo làn sóng dịch bệnh có thể tái bùng phát tại Mỹ và nhiều nước châu Âu trong mùa Thu năm tới, do đó, các nước cần có sự chuẩn bị để ứng phó với nguy cơ này.
Mexico chuẩn bị tiêm vaccine ngừa COVID-19 trên diện rộng cho trẻ em
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại Mexico City, Mexico. Ảnh: AFP/TTXVN
Tổng thống Andres Manuel Lopez Obrador cùng ngày thông báo Chính phủ Mexico đã đề nghị cơ chế phân phối vaccine toàn cầu COVAX cung cấp vaccine ngừa COVID-19 dành cho trẻ em để chuẩn bị tiêm chủng trên diện rộng cho nhóm đối tượng này, sau khi Mexico hoàn thành chiến dịch chủng ngừa cho người trưởng thành vào cuối tháng 4/2022.
Nhà lãnh đạo Mexico cho biết nước này đã thanh toán trước một lô vaccine từ COVAX và dự kiến COVAX sẽ phản hồi yêu cầu của Mexico trong vài ngày tới. Tổng thống Lopez Obrador cũng cho hay Mexico có đủ vaccine để tiêm mũi tăng cường cho người trưởng thành.
Quốc gia có khoảng 130 triệu dân bắt đầu chiến dịch tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 từ cuối năm 2020, với đối tượng ưu tiên hàng đầu là các y, bác sĩ tuyến đầu chống dịch. Từ cuối tháng 10/2021, Mexico đã tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho trẻ em dưới 18 tuổi có bệnh nền hoặc khuyết tật, cũng như bắt đầu tiêm chủng cho thanh, thiếu niên trong độ tuổi 15-17 từ cuối tháng 11/2021.
Mexico đến nay đã ghi nhận hơn 5,7 triệu ca mắc COVID-19 và 323.800 người tử vong. Hiện có hơn 85,9 triệu người dân Mexico đã được tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19, trong đó 93% được tiêm đủ hai mũi. Từ cuối tháng 12/2020 đến nay, Mexico đã tiếp nhận gần 224,4 triệu liều vaccine ngừa COVID-19.
Lo ngại về khả năng ứng phó hạn chế với một làn sóng mới của dịch COVID-19 tại Mỹ
Một điểm xét nghiệm COVID-19 tại New York, Mỹ. Ảnh: THX/TTXVN
Việc gia tăng số ca mắc mới COVID-19 tại một số vùng của Mỹ mặc dù chương trình xét nghiệm để xác định các ca nhiễm mới đã thu hẹp làm dấy lên những lo ngại về khả năng khó phát hiện một làn sóng dịch mới tại quốc gia vốn chịu ảnh hướng lớn nhất của dịch COVID-19 này.
Bloomberg cho rằng việc tiến hành các xét nghiệm và giải trình tự virus là yếu tố cốt lõi để có thể ứng phó nhanh chóng với những làn sóng dịch COVID-19 mới. Nhưng trong bối cảnh hiện nay khi Mỹ đang dần khôi phục trạng thái bình thường sau dịch COVID-19, nhu cầu tiến hành xét nghiệm giảm, các ưu tiên tài trợ của ngân sách liên bang chuyển đổi, điều này buộc các trung tâm xét nghiệm phải đóng cửa, trong khi các cơ sở y tế khác sẽ phải tăng giá tiến hành xét nghiệm khi không còn nhận được sự hỗ trợ từ các chương trình xét nghiệm của chính phủ. Theo đó, người dân chuyển hướng tự xét nghiệm tại nhà để giảm chi phí và cơ quan chức năng sẽ không thể tiếp cận đầy đủ thông tin xét nghiệm để đánh giá tình hình dịch bệnh thực tế khi người dân không thông báo kết quả xét nghiệm. Chính vì lý do này, bất chấp tiến bộ của khoa học trong phát triển vaccine và thuốc điều trị COVID-19, các chuyên gia y tế cho "hàng phòng vệ" COVID-19 của Mỹ sẽ trở nên yếu dần theo thời gian, thay vì vững mạnh hơn.
Trong vài tuần gần đây, số ca mắc COVID-19 đã bắt đầu gia tăng tại nhiều địa phương của Mỹ như New York, Massachusetts và Chicago. Một số chính quyền địa phương đã bắt đầu kêu gọi sự cảnh giác trước dịch bệnh.
Trong khi đó, theo báo cáo mới nhất của Trung tâm Kiểm soát và phòng chống dịch bệnh (CDC) Mỹ, "biến thể tàng hình" BA.2 của Omicron chiếm hơn 85% số ca nhiễm mới tại nước này (tính đến tuần kết thúc ngày 9/4), tăng so với con số 75,4% ghi nhận 1 tuần trước và 65.8% của 2 tuần trước đó.
Theo báo cáo của Hiệp hội Nhi khoa Mỹ (AAP) và Hiệp hội bệnh viện nhi khoa, kể từ đầu dịch COVID-19 đến nay, gần 12,9 triệu trẻ em tại Mỹ có kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2. Trong đó có 114.000 trường hợp được ghi nhận trong 4 tuần qua.
Báo cáo cũng cho biết trẻ em chiếm tới 19% tổng số ca mắc COVID-19 toàn nước Mỹ. AAP nhấn mạnh tới sự cần thiết thu thập thông tin dữ liệu về từng nhóm tuổi của bệnh nhân COVID-19, qua đó đánh giá hậu quả lâu dài của dịch COVID-19 đối với sức khỏe, tinh thần và phúc lợi xã hội đối với thế hệ trẻ em trưởng thành trong giai đoạn dịch bệnh.
COVID-19 tới 6h sáng 13/4: Thế giới vượt mốc 500 triệu ca bệnh; 17% không thể trở lại làm việc Trong 24 giờ qua, thế giới ghi nhận trên 911.000 ca mắc COVID-19, nâng tổng số ca bệnh vượt mốc 500 triệu, trong đó có trên 6,2 triệu ca tử vong. 17% bệnh nhân không thể trở lại làm việc vì ảnh hưởng sức khoẻ hậu COVID-19. Bệnh nhân COVID-19 được điều trị tại bệnh viện ở Iran. Ảnh: IRNA/ TTXVN Theo trang...