COVID-19 tới 6 giờ ngày 27/1: Mỹ điều chỉnh hướng dẫn dùng thuốc điều trị; Một số nước châu Âu nới lỏng phòng dịch
Trong 24 giờ qua, thế giới ghi nhận thêm 3.304.190 trường hợp mắc COVID-19 và 9.127 ca tử vong. Tới nay, tổng số ca mắc COVID-19 trên toàn cầu vượt 362 triệu ca, trong đó trên 5,64 triệu người không qua khỏi.
Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tạ i Rome, Italy, ngày 24/1/2022. Ảnh: THX/TTXVN
Theo số liệu thống kê của trang mạng worldometers.info, cập nhật đến 6 giờ sáng 27/1 (giờ Việt Nam), tổng số ca mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 trên toàn cầu đã lên tới 362.612.507 ca, trong đó có 5.643.728 người tử vong.
Tiến trình mở cửa trở lại tại nhiều nước đối mặt với thách thức mới, đi kèm nguy cơ dịch leo thang nghiêm trọng với sự xuất hiện và lây lan nhanh của biến thể Omicron. Biến thể mới đang khiến đồ thị dịch COVID-19 đảo chiều, số ca mắc mới và tử vong tăng trở lại ở nhiều nơi trên thế giới. Dù vậy, sau hơn 2 năm ứng phó, nhiều nước đang chủ động và thích ứng tốt với làn sóng dịch mới này.
Trong mấy ngày qua, số ca mắc bệnh tiếp tục gây lo ngại về số lượng, những vùng bệnh “ nóng nhất” nằm ở châu Âu-châu Mỹ khi dịch tái bùng phát, số ca mắc mới tăng mạnh ở nhiều nước thuộc châu lục này.
Nhiều nước chứng kiến sự bùng phát của biến chủng mới, như Mỹ, Đức Anh, Ấn Độ, Nga và Bồ Đào Nha và số ca mắc mới vẫn cao. Trong 1 ngày qua, Mỹ là nước có số ca mắc mới cao nhất (trên 400.000 ca), trong khi Nga cũng là quốc gia có số ca tử vong mới cao nhất thế giới với trên 600 ca.
Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại Berlin, Đức,ngày 21/1/2022. Ảnh: THX/TTXVN
Đại dịch sau 2 năm đến nay xuất hiện và đã lây lan ở 221 quốc gia và vùng lãnh thổ. Các nước cũng ghi nhận trên 285.000.000 bệnh nhân được điều trị khỏi, số ca đang điều trị tích cực là trên 69 triệu ca và trên 95.000 ca hiện ở trong tình trạng nguy kịch. Ngày 26/1, thế giới có 94 quốc gia và vùng lãnh thổ ghi nhận ca COVID-19 mới; 69 quốc gia/vùng lãnh thổ có các ca tử vong vì dịch bệnh.
Trong bối cảnh có nhiều quốc gia ghi nhận số ca nhiễm mới ở mức cao chưa từng có, nhiều nước đã quyết định hủy sự kiện hoặc giới hạn hoạt động tụ tập đông người sẽ tạo cơ hội cho biến thể Omicron lây lan.
Với tỷ lệ tiêm vaccine ngừa COVID-19 tiếp tục tăng, nhiều nước trên thế giới đang lần lượt điều chỉnh chiến lược phòng chống dịch, chuyển từ “zero COVID-19″ sang “sống chung với COVID-19. Tuy nhiên, việc xuất hiện biến thể mới Omicron đang làm chậm quá trình “bình thường mới” ở một số nước và khiến thế giới đối mặt với nguy cơ một “trận sóng thần” COVID-19 mới.
Nhân viên y tế chuyển bệnh nhân COVID-19 tới bệnh viện Pokrovskaya ở Saint Petersburg, ngày 24/1/2022. Ảnh: AFP/TTXVN
Trong cập nhật tình hình COVID-19 hằng tuần, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết trong tuần tính đến ngày 23/1/2022, thế giới đã ghi nhận hơn 21 triệu ca mắc mới – mức cao nhất tính theo tuần kể từ khi dịch bệnh bùng phát.
Tuy nhiên so với tuần trước đó, mức tăng là 5%, và theo WHO, tỷ lệ mắc mới đã tăng chậm hơn trên phạm vi toàn cầu. Cũng trong tuần trước, thế giới ghi nhận thêm gần 50.000 ca tử vong, mức tương đương một tuần trước đó.
Báo cáo cho thấy Omicron tiếp tục “áp đảo” các biến thể đáng quan ngại khác trên phạm vi toàn cầu. Bà Maria Van Kerkhove, Trưởng nhóm kỹ thuật thuộc Chương trình Y tế khẩn cấp WHO còn dự báo trong năm nay sẽ có nhiều phương pháp mới điều trị COVID-19 và biến thể tiếp theo của virus SARS-CoV-2 sẽ có khả năng lây lan cao hơn nữa vì chúng phải “vượt mặt” các biến thể đang hoành hành hiện nay. Một điểm đáng lưu ý là phiên bản mới của biến thể Omicron (BA.2) mà các nhà khoa học gọi là “Omicron tàng hình” đã xuất hiện ở châu Âu và châu Á, nay bắt đầu “lộ diện” tại Mỹ.
Người dân đeo khẩu trang phòng dịch COVID-19 khi đi trên đường phố thủ đô London, Anh ngày 24/1/2022. Ảnh: THX/TTXVN
Với sự lây lan mạnh của biến thể Omicron, nhiều nước châu Âu lại trải qua một ngày buồn khi ghi nhận số ca mắc mới COVID-19 cao kỷ lục trong ngày 26/1. Nga thông báo có thêm 74.692 ca mắc mới, mức tăng cao nhất trong một ngày kể từ khi dịch bùng phát, nâng tổng số ca mắc lên 11.315.801 ca. Số người tử vong vì COVID-19 trên toàn quốc đã lên 328.105 người sau khi có thêm 657 người không qua khỏi.
Viện Robert Koch (RKI) của Đức ngày 26/1 thông báo trong 24 giờ qua, trên cả nước Đức ghi nhận 164.000 ca nhiễm mới, vượt mức kỷ lục trên 140.000 ca ghi nhận cuối tuần trước, và 166 ca tử vong. Chỉ số lây nhiễm trung bình trong 7 ngày qua lên mức 951,4/100.000 dân, mức cao nhất kể từ đầu dịch tới nay và tăng mạnh so với mức 584,4 một tuần trước.
Thụy Điển cũng ghi nhận dấu mốc buồn với 44.944 ca mắc mới trong ngày trước đó, mức tăng theo ngày cao nhất kể từ khi dịch bùng phát tại nước này. Bộ trưởng Y tế Lena Hallengren cho biết nước này sẽ kéo dài các biện pháp chống dịch thêm 2 tuần.
Khách du lịch đeo khẩu trang phòng dịch COVID-19 tại Moskva, Nga ngày 24/1/2022. Ảnh: AFP/TTXVN
Nhiều nước Đông Âu như Ba Lan, CH Séc, Hungary, Bulgaria và Romania cũng ghi nhận số ca mắc mới tăng cao. Bulgaria ngày 25/1 ghi nhận 12.399 ca mắc mới, trong khi CH Séc có thêm 39.614 ca. Hungary cũng báo cáo số ca mắc ở mức cao mới trong ngày 26/1 với 20.174 ca, nâng tổng số ca mắc lên 1.471.276 ca.
Bất chấp dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp, Đan Mạch và Áo ngày 26/1 đã trở thành những quốc gia mới nhất nới lỏng các biện pháp hạn chế được áp đặt để chống dịch COVID-19, sau các quyết định tương tự của Anh, Ireland và Hà Lan. Chính phủ Áo cho biết các biện pháp hạn chế đối với những người chưa tiêm vaccine ngừa COVID-19 đầy đủ sẽ kết thúc vào ngày 31/1 tới trong bối cảnh các bệnh viện đã giảm tải áp lực.
Trong khi đó, Chính phủ Đan Mạch có kế hoạch dỡ bỏ các biện pháp hạn chế được áp đặt để chống dịch COVID-19, như đeo khẩu trang hay yêu cầu các các quán bar và nhà hàng đóng cửa sớm, từ ngày 1/2 tới.
Nhân viên y tế tiêm vaccine phòng COVID-19 tại trại tị nạn ở Gaza, ngày 24/1/2022. Ảnh: AFP/TTXVN
Trong tuần này, Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte cho biết nước này sẽ dỡ bỏ một số biện pháp hạn chế được cho là nghiêm ngặt nhất ở châu Âu. Cụ thể, từ ngày 26/1, các quan bar, nhà hàng có thể mở cửa trở lại phục vụ khách hàng có giấy chứng nhận tiêm chủng, song phải giảm công suất hoạt động.
Những khách hàng không ngồi vào bàn thì phải đeo khẩu trang. Các rạp chiếu phim, rạp hát và viện bảo tàng cũng sẽ được mở cửa trở lại, nhưng các câu lạc bộ ban đêm vẫn phải đóng cửa. Các quy định cách ly đối với trường học cũng sẽ được nới lỏng, với các lớp học sẽ không còn phải đóng cửa nếu có từ 3 người mắc COVID-19 trở lên và các đối tượng dưới 18 tuổi không còn phải cách ly sau khi tiếp xúc với người mắc bệnh.
Tình hình dịch bệnh cũng tiếp tục diễn biến phức tạp tại châu Á. Tại Nhật Bản, số ca mắc COVID-19 mới tiếp tục lập đỉnh, làm gia tăng áp lực y tế tại thủ đô Tokyo. Theo số liệu mới cập nhật chiều 26/1, số ca mắc mới COVID-19 trong ngày tại Nhật Bản đã lên mức cao nhất trong ngày thứ hai liên tiếp khi lần đầu vượt mốc 70.000 ca/ngày, trong khi tỷ lệ sử dụng giường bệnh tại các cơ sở y tế của thủ đô Tokyo đã vượt quá 40%.
Trong ngày 26/1, các địa phương trong cả nước đã ghi nhận 71.523 ca mắc mới, trong đó, thủ đô Tokyo ghi nhận con số cao nhất với 14.084 ca, tăng hơn 2.000 ca so với ngày 25/1.
Video đang HOT
Hàn Quốc ngày 26/1 thông báo có thêm 13.012 ca mắc mới, nâng tổng số ca mắc lên 762.983 ca. Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đã kêu gọi đẩy nhanh việc triển khai các biện pháp ứng phó nhằm khống chế đà lây lan của biến thể Omicron.
Sinh viên đăng ký tiêm vaccine phòng COVID-19 tại trường đại học ở Los Angeles, California, Mỹ, ngày 19/1/2022. Ảnh: AFP/ TTXVN
Theo thống kê của trang worldometers.info, tính tới 23 giờ 59 phút ngày 26/1, các nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) ghi nhận thêm 51.771 ca mắc mới COVID-19 và 251 ca tử vong.
Tới hết ngày 26/1, tổng số ca bệnh ở khu vực Đông Nam Á là trên 16.336.500 trường hợp và 312.978 ca tử vong. Trong ngày 26/1, Việt Nam có số ca mắc mới (trên 15.000 ca) và ca tử vong (155 ca) cao nhất khu vực.
Tình hình dịch bệnh tại Đông Nam Á mấy ngày qua diễn biến phức tạp và có sự khác biệt lớn giữa các nước. Diễn biến dịch tại Thái Lan, Malaysia, Philippines và Việt Nam vẫn căng thẳng so với các nước khác. Số ca tử vong và số ca mắc mới của các nước trong khu vực có chững lại so với mấy ngày gần đây.
Bệnh nhân COVID-19 chờ được tiếp nhận tại bệnh viện ở Surabaya, Indonesia. Ảnh: AFP/ TTXVN
Một ngày qua, hiệp hội ASEAN có 6 quốc gia thành viên ghi nhận các ca tử vong mới vì COVID-19 là Indonesia, Philippines, Malaysia, Thái Lan, Lào và Việt Nam.
Sự xuất hiện của biến thể siêu lây nhiễm Omicron khiến nhiều nước Đông Nam Á phải tăng cường khẩn cấp các biện pháp phòng chống dịch. Hiện đã có ít nhất 9 quốc gia ASEAN ghi nhận các ca nhiễm Omicron. Tuy vậy, về cơ bản, các nước đang ngày càng khống chế tốt đại dịch và số ca tử vong không quá cao.
Xét về tổng số ca mắc và tử vong từ đầu dịch tới nay, ổ dịch nghiệm trọng nhất Đông Nam Á vẫn là Indonesia do dịch bệnh kéo dài nhiều tháng ở mức nghiêm trọng. Tuy nhiên, trong vòng mấy tháng qua, điểm nóng này đang hạ nhiệt nhanh chóng, khi số ca mắc và tử vong đều giảm đáng kể.
Ngày 26/1, Philippines tiếp tục ghi nhận số ca bệnh mới ở mức cao với 15.789 ca bệnh, xấp xỉ Việt Nam. Trong khi đó, với 155 ca tử vong, Việt Nam là nước có số người thiệt mạng vì COVID-19 cao nhất trong một ngày qua ở Đông Nam Á.
Thái Lan cũng là một điểm dịch nóng ở Đông Nam Á, số ca lây nhiễm cộng đồng vẫn ở mức cao. “Xứ sở chùa Phật Ngọc” trong ngày 26/1 ghi nhận thêm trên 7.000 ca bệnh mới và 19 người tử vong.
Nhân viên y tế chuyển bệnh nhân COVID-19 tại Melbourne, Australia. Ảnh: AFP/ TTXVN
Campuchia dịch tiếp tục thuyên giảm, với 22 bệnh nhân mới và không ghi nhận ca tử vong trong một ngày qua. Campuchia được đánh giá đã đi qua giai đoạn đỉnh dịch. Trước tình hình mới, “Xứ sở chùa tháp” đang từng bước nới lỏng giãn cách xã hội và đã mở cửa lại đất nước.
Trong khi đó, dịch bệnh tại Lào đang diễn biến khó lường, tổng số ca bệnh đã vượt 131.000, số ca mắc mới trên 500 ca mỗi ngày, số ca tử vong tại “xứ sở triệu voi” trong 24 giờ qua là 4 trường hợp.
Nhìn chung, toàn khối đang đối mặt với mối đe dọa Omicron, khiến số ca bệnh tăng mạnh, song hy vọng vượt qua đại dịch đã bắt đầu xuất hiện ở một số nước thành viên. Trong 24 giờ qua, 9/10 nước thành viên trong ASEAN ghi nhận ca COVID-19 mới.
COVID-19 tới 6h sáng 24/1: Thế giới vượt 351 triệu ca mắc; Ca mắc mới ở Nga cao kỷ lục 3 ngày liền
Theo trang mạng worldometer.info, trong vòng 24 giờ qua, thế giới ghi nhận trên 2 triệu ca mắc COVID-19 và trên 4.200 ca tử vong. Tổng số ca mắc từ đầu dịch tới nay đã vượt 351 triệu ca, trong đó trên 5,61 triệu ca tử vong.
Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại New York, Mỹ, ngày 19/1/2022. Ảnh: THX/TTXVN
Ba quốc gia có số ca mắc trong 24 giờ qua cao nhất thế giới là Ấn Độ (305.171 ca), Pháp (301.614 ca) và Mỹ (trên 169.000 ca).
Ba quốc gia có số ca tử vong trong 24 giờ qua cao nhất thế giới là Nga (679 ca), Ấn Độ (474 ca) và Mexico (364 ca).
Tính từ đầu đại dịch, Mỹ vẫn là quốc gia có nhiều ca mắc COVID-19 nhất thế giới với trên 71,8 triệu ca, trong đó khoảng 889.000 ca tử vong.
Trong bối cảnh biến thể Omicron lan rộng, ngày 23/1, Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khu vực châu Âu Hans Kluge dự đoán biến thể Omicron có thể lây nhiễm cho 60% người dân châu Âu từ nay tới tháng 3. Như vậy, đã bắt đầu một giai đoạn mới của đại dịch COVID-19 trong khu vực và có thể khiến đại dịch gần kết thúc.
Tuy nhiên, quan chức WHO cho hay: "Chúng ta không ở trong giai đoạn đặc hữu để có thể dự đoán điều gì sẽ xảy ra vì virus này đã nhiều lần khiến chúng ta ngạc nhiên".
Theo số liệu của WHO, trong khu vực bao gồm 53 quốc gia, trong đó một số nằm ở Trung Á (theo phân chia khu vực của WHO), biến thể Omicron chiếm 15% số ca mắc COVID-19 mới tính đến ngày 18/1, cao hơn một nửa so với tuần trước đó. Tại Liên minh châu Âu (EU) và Khu vực kinh tế châu Âu (EEA), biến thể này xuất hiện vào cuối tháng 11/2021, dễ lây lan hơn so với biến thể Delta và hiện đang chiếm đa số ca mắc COVID-19.
Ông Hans Kluge cho rằng khi số ca bệnh bùng nổ, vấn đề hiện nay là giảm thiểu sự xáo trộn và bảo vệ những người dễ bị tổn thương, cũng như không còn chỉ tập trung vào việc giảm lây truyền.
Nga ghi nhận số ca mắc COVID-19 cao nhất trong ngày thứ ba liên tiếp
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại Moskva, Nga ngày 11/10/2021. Ảnh: AFP/TTXVN
Ngày 23/1, số ca mắc COVID-19 của Nga tiếp tục ghi nhận mức cao nhất từ trước tới nay trong 3 ngày liên tiếp, lên tới 63.205 ca nhiễm mới trong 24 giờ, tăng mạnh so với mức 57.212 ca ngày 22/1 và 49.513 ca ngày 21/1. Riêng thủ đô Moskva, tâm dịch của Nga, đã ghi nhận 17.528 ca nhiễm, là mức cao nhất trong ngày thứ tư liên tiếp.
Tuần trước, Tổng thống Vladimir Putin cảnh báo Nga có 2 tuần để chuẩn bị đối phó với việc số ca nhiễm biến thể Omicron tăng mạnh, đồng thời kêu gọi người dân tăng cường đi xét nghiệm và tiêm phòng.
Dù Nga đã phê chuẩn 4 loại vaccine, nhưng người dân vẫn do dự đi tiêm. Chưa đầy 1/2 dân số nước này đã được tiêm đầy đủ các mũi cơ bản.
Các nhà sản xuất vaccine Sputnik V ngày 20/1 cho biết vaccine này bảo vệ mạnh mẽ trước biến thể Omicron, trong khi Tổng thống Putin khẳng định Sputnik V "hiệu quả hơn" các loại vaccine của phương Tây.
Nga đã ghi nhận tổng cộng 326.112 ca tử vong vì COVID-19 kể từ khi bùng phát dịch.
Trung Quốc: Bắc Kinh thắt chặt kiểm soát dịch COVID-19 trước Olympic
Biểu tượng Olympic tại Bắc Kinh, Trung Quốc ngày 11/12/2021. Ảnh: AFP/TTXVN
Chính quyền thành phố Bắc Kinh ngày 23/1 cho biết toàn bộ 2 triệu cư dân ở nơi bùng phát ổ dịch COVID-19 mới sẽ được xét nghiệm. Quyết định này được đưa ra trong bối cảnh chỉ còn 2 tuần nữa Thế vận hội Olympic mùa Đông 2022 sẽ chính thức khai mạc.
Tình hình dịch bệnh tại Trung Quốc không nghiêm trọng như tại nhiều nước khác, tuy nhiên xuất hiện một số ổ dịch nhỏ rải rác ở nhiều nơi, trong đó có thủ đô Bắc Kinh.
Chính quyền địa phương đã xác định quận Phong Đài (Fengtai) ở phía Nam thủ đô là trung tâm của một ổ dịch mới. Toàn bộ 2 triệu dân ở quận này được xét nghiệm trong ngày 23/1 và người từ các khu vực nguy cơ cao sẽ không được rời khỏi thành phố.
Đại diện chính quyền Bắc Kinh cho biết thành phố xác định phải nỗ lực hết sức để ngăn chặn dịch lây lan càng nhanh càng tốt "thông qua các biện pháp cứng rắn, nghiêm ngặt và quyết liệt".
Phong Đài nằm cách địa điểm thi đấu trượt tuyết chỉ khoảng 20km. Thế vận hội sẽ khởi tranh từ ngày 4/2 tới. Hiện một số đoàn quốc tế, nhân viên truyền thông và một số vận động viên đã bắt đầu tới Bắc Kinh.
Theo kế hoạch, Olympic mùa Đông Bắc Kinh 2022 sẽ được tổ chức ở trạng thái gần như bình thường với đầy đủ các quầy hàng bán đồ lưu niệm, ẩm thực và các quán bia tại các địa điểm thi đấu, có điều toàn bộ các hoạt động này diễn ra trong "bong bóng khép kín". Chia sẻ với báo giới, một quan chức thuộc Ủy ban tổ chức Olympic Bắc Kinh thừa nhận các biện pháp này đôi khi có thể gây bất tiện, song cần phải đặt lên trên hết việc bảo vệ sức khỏe của cộng đồng và các vận động viên.
Ấn Độ đến giai đoạn "lây nhiễm cộng đồng" biến thể Omicron
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại Bangalore, Ấn Độ ngày 19/1/2022. Ảnh: THX/TTXVN
Biến thể Omicron hiện đã đến giai đoạn lây nhiễm trong cộng đồng ở Ấn Độ và là biến thể chính ở nhiều thành phố lớn, nơi có số ca nhiễm COVID-19 tăng mạnh.
Theo định nghĩa của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), giai đoạn lây nhiễm cộng đồng là khi các ca nhiễm COVID-19 trong 14 ngày gần nhất không có liên quan đến một ổ dịch hay cụm lây nhiễm cụ thể nào và khi có nhiều cụm lây nhiễm không liên quan đến nhau.
trong 24 giờ qua, Ấn Độ ghi nhận 305.171 ca nhiễm mới COVID-19, nâng tổng số ca mắc trên cả nước lên 39,5 triệu ca nhiễm. Với thêm 474 ca tử vong, tổng số người không qua khỏi do COVID-19 là trên 489.000 người tính từ khi dịch bùng phát tháng 1/2020 đến nay.
Nhật Bản: Tokyo mở cơ sở điều trị bệnh nhân không triệu chứng
Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại Tokyo, Nhật Bản, ngày 21/1/2022. Ảnh:THX/TTXVN
Nhằm ngăn chặn COVID-19 lây lan trong gia đình, từ ngày 25/1, thủ đô Tokyo của Nhật Bản sẽ vận hành một cơ sở điều trị dành riêng cho bệnh nhân mắc COVID-19 không triệu chứng.
Cơ sở điều trị có quy mô ban đầu 350 giường được thiết lập tại Quảng trường thể thao Tokyo, thuộc phường Chiyoda, nơi từng được sử dụng cho việc quảng bá Thế vận hội Olympic Tokyo 2020. Đối tượng hướng tới là các bệnh nhân mắc COVID-19 không có triệu chứng nhưng có nguy cơ làm lây lan virus SARS-CoV-2 cho người thân khi sống chung trong một nhà.
Mỗi người điều trị tại đây sẽ có một phòng điều trị, ngoài ra còn được bố trí không gian hoạt động riêng có kích thước tương đương một bốt điện thoại công cộng, được bố trí các thiết bị thuận lợi cho người dùng sử dụng máy tính cá nhân hoặc máy tính bảng phục vụ cho làm việc từ xa.
Phát biểu tại buổi thị sát công tác chuẩn bị của cơ sở này chiều ngày 23/1, Thống đốc Tokyo Koike Yuriko cho biết chính quyền thành phố đang nỗ lực để tạo một không gian riêng cho những người mắc COVID-19 không có triệu chứng, có nguy cơ lây nhiễm cho các thành viên khác trong gia đình, nhất là người già và trẻ em.
Theo kế hoạch, cơ sở điều trị này sẽ bắt đầu được vận hành từ ngày 25/1 và dự kiến sẽ mở rộng thêm quy mô, nâng tổng số giường bệnh tại đây lên 1.000 nếu nhu cầu sử dụng loại hình này gia tăng trong thời gian tới.
Theo số liệu thống kê, trong ngày 23/1, thủ đô Tokyo tiếp tục ghi nhận 9.468 ca, giảm nhẹ so với mức cao kỷ lục là 11.227 trước đó một ngày nhưng gấp đôi so với chủ nhật tuần trước. Số ca COVID-19 nặng tính đến hết ngày 23/1 là 13, tăng 1 ca so với ngày 22/1, trong khi tỷ lệ sử dụng giường bệnh điều trị cho bệnh nhân COVID-19 nói chung là 35,3% và cho bệnh nhân nặng là 2,5%.
Thủ tướng Malaysia khẳng định không áp đặt phong tỏa một lần nữa
Nhân viên y tế tiêm vaccine COVID-19 cho người dân tại Sungai Buloh, Malaysia, ngày 28/6/2021. Ảnh: AFP/TTXVN
Trong bối cảnh có đồn đoán rằng chính phủ sẽ phong tỏa toàn quốc do diễn biến dịch COVID-19 tiếp tục phức tạp, Thủ tướng Malaysia Ismail Sabri Yaakob ngày 23/1 khẳng định chính phủ sẽ không áp đặt Lệnh kiểm soát di chuyển (MCO) một lần nữa trong dịp Tết của người Hồi giáo năm nay.
Phát biểu tại họp báo, Thủ tướng Ismail cho biết hiện tại các lĩnh vực kinh tế và xã hội, cũng như việc đi lại giữa các bang đã trở lại bình thường. Trong trường hợp gia tăng đột biến số ca nhiễm, chính phủ sẽ sử dụng phương pháp áp đặt Lệnh kiểm soát di chuyển tăng cường (EMCO), tập trung vào các khu vực được xác định có nhiều ca nhiễm.
Ông kêu gọi mọi người không nên tự mãn và chủ quan, thay vào đó cần tiếp tục kiềm chế sự lây lan COVID-19, ngay cả khi đã xác định phải sống chung với COVID-19 trong tương lai. Ông cũng bày tỏ hy vọng số ca nhiễm mới sẽ tiếp tục giảm xuống dưới 1.000 để Malaysia có thể tuyên bố COVID-19 là bệnh đặc hữu.
Theo thông tin mới nhất từ Bộ Y tế, tính đến ngày 22/1, tổng cộng 10.561.588 người, tương đương với 45,1% người trưởng thành tại nước này, đã được tiêm mũi tăng cường. Trong khi đó, 97,9% dân số trưởng thành đã hoàn thành tiêm chủng các mũi cơ bản. Ở lứa tuổi từ 12-17, đã có 88,3% người hoàn thành tiêm chủng.
Hai bang của Australia đưa ra các biện pháp đảm bảo an toàn trường học
Nhân viên y tế chuyển bệnh nhân COVID-19 vào bệnh viện ở Melbourne, Australia ngày 29/7/2020. Ảnh: AFP/TTXVN
Trong bối cảnh các trường học sẽ mở cửa trở lại vào tuần tới, hai bang đông dân nhất của Australia là New South Wales (NSW) và Victoria cho biết sẽ xét nghiệm sàng lọc COVID-19 cho học sinh mỗi tuần 2 lần nhằm giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh tại trường học.
Theo Thống đốc bang NSW Dominic Perrottet, nhà chức trách bang đề nghị các bậc phụ huynh sử dụng sinh phẩm xét nghiệm nhanh để sàng lọc COVID-19 cho con em mỗi tuần 2 lần. Nếu kết quả xét nghiệm dương tính, phụ huynh cần thông báo cho trường và chính quyền. Trong tuần này, hàng triệu sinh phẩm xét nghiệm được phân phát tới 3.000 trường học và học sinh sẽ phải làm xét nghiệm trước khi tham gia buổi học đầu tiên. Bên cạnh đó, giáo viên và học sinh các trường phổ thông bắt buộc phải đeo khẩu trang, trong khi học sinh tiểu học được khuyến khích đeo khẩu trang.
Các trường cũng sẽ hạn chế tối đa tiếp xúc giữa các nhóm lớp cũng như hạn chế khách tới trường. Bên cạnh đó, các trường cũng đưa ra dự phòng nhân sự, trong đó có việc sử dụng giáo viên đã nghỉ hưu hoặc đang đi học, tham gia giảng dạy khi thiếu giáo viên.
Bang Victoria cũng khuyến nghị làm xét nghiệm sàng lọc COVID-19 cho học sinh mỗi tuần 2 lần.
Nhân viên trường học tại NSW và Victoria đều phải tiêm vaccine ngừa COVID-19. Hiện bang NSW đã bắt đầu triển khai tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho trẻ từ 5-11 tuổi. Thống kê cho thấy hiện có 26,5% số học sinh đủ điều kiện tại NSW đã tiêm mũi vaccine đầu tiên. Riêng các giáo viên tham gia giảng dạy tại bang Victoria phải tiêm mũi tăng cường trước hạn chót là cuối tháng 2 tới.
New Zealand siết chặt phòng dịch do biến thể Omicron lây lan trong cộng đồng
Người dân chạy bộ thể dục tại Auckland, New Zealand ngày 23/1/2022. Ảnh: THX/TTXVN
Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern thông báo từ 23h59 ngày 23/1 theo giờ địa phương (tức 19h59 cùng ngày theo giờ Việt Nam) nước này sẽ chuyển trạng thái phòng, chống dịch COVID-19 sang tín hiệu "đèn đỏ" do có Omicron lây lan trong cộng đồng.
Với quyết định trên, các cuộc tụ tập sẽ giới hạn tối đa 100 người tại những nơi cho phép sử dụng giấy thông hành COVID-19. Các dịch vụ khách sạn, nhà hàng được phép mở cửa song chỉ giới hạn tối đa 100 người và những khách đặt chỗ. Tại những địa điểm không sử dụng giấy thông hành vaccine, tối đa chỉ được 25 người tụ tập. Công sở vẫn mở cửa song nhân viên có thể chọn phương án làm việc tại nhà, đồng thời yêu cầu bắt buộc đeo khẩu trang ở nhiều địa điểm trong nhà.
Thủ tướng Ardern xác nhận nước này đã có 9 trường hợp nhiễm biến thể Omicron ở khu vực Nelson Marlborough. Một gia đình ở Nelson Marlborough đã đáp máy bay đến Auckland tham dự tiệc cưới và các sự kiện khác trong hai ngày 15 và 16/1, sau đó trở về nhà ở Nelson Marlborough. Các sự kiện này đều có hơn 100 người tham dự. Gia đình nói trên và một tiếp viên trên một chuyến bay có gia đình này đã nhiễm Omicron.
Giới chức New Zealand cho rằng nguy cơ lây lan biến thể Omicron ở các trường hợp này rất cao. Đáng chú ý, hiện chưa thể xác định nguồn lây nhiễm.
Trong bối cảnh trên, Thủ tướng Ardern thông báo hôn lễ của bà sẽ không diễn ra như kế hoạch dự kiến. Bà cũng khuyến khích người dân đi tiêm mũi vaccine tăng cường ngừa COVID-19, cho biết trọng tâm của chính phủ hiện nay là tiêm mũi tăng cường. Bên cạnh đó, bà kêu gọi người dân xét nghiệm sàng lọc COVID-19 nếu có bất kỳ triệu chứng nào.
Cho đến nay, New Zealand đã ghi nhận 15.550 ca mắc COVID-19, trong đó có 52 trường hợp tử vong. Hiện khoảng 94% dân số New Zealand từ 12 tuổi trở lên đã tiêm đủ liều cơ bản và khoảng 56% số người đủ điều kiện đã tiêm mũi tăng cường.
Omicron làm bùng phát làn sóng thứ 4 dịch COVID-19 tại Algeria
Báo cáo mới nhất của Viện Pasteur Algeria cho thấy hiện biến thể Omicron của virus SARS-CoV-2 đã vượt biến thể Delta, trở thành biến thể chính làm số ca mắc mới COVID-19 tăng mạnh mỗi ngày tại Algeria trong làn sóng bùng phát lần thứ 4 dịch bệnh hiện nay.
Hiện biến thể Omicron gây ra gần 60% tổng số ca nhiễm mới mỗi ngày tại Algeria và dự kiến sẽ lên đến 90% trong vòng 2 tuần tới. Hiện số ca nhiễm mới trong 1 ngày tại Algeria đang tăng mạnh, trung bình tăng khoảng 400 ca so với một ngày trước đó. Cụ thể, ngày 22/1 Algeria ghi nhận số ca nhiễm mới cao nhất từ trước đến nay, với 2.211 ca cùng 13 ca tử vong.
Theo Bộ Y tế Algeria, tính đến nay, nước này đã ghi nhận tổng cộng 236.670 trường hợp mắc COVID-19 và 6.495 ca tử vong.
Trước tình hình số ca nhiễm mới đang gia tăng nhanh chóng hiện nay, các chuyên gia y tế đã kiến nghị lên chính phủ yêu cầu áp đặt các biện pháp nghiêm ngặt hơn, trong đó xem xét tái áp đặt lệnh giới nghiêm từng phần hoặc toàn phần ở một số định phương nhất định.
Để đối phó với sự gia tăng nhanh chóng này, Chính phủ Algeria đã tái áp đặt nhiều biện pháp nghiêm ngặt để ngăn ngừa sự lây lan dịch bệnh COVID-19, trong đó có đóng cửa trường học trên phạm vi toàn quốc trong vòng 10 ngày kể từ ngày 20/1, hoãn các chuyến công tác địa phương và hội họp của các thành viên chính phủ, yêu cầu chấp hành nghiêm các biện pháp y tế ngăn ngừa dịch bệnh... Ngoài ra, thủ đô Algiers đóng cửa các khu vui chơi giải trí và phố đi bộ, tăng cường xử phạt các hành vi vi phạm các biện pháp phòng chống dịch bệnh.
El Salvador ghi nhận trường hợp đầu tiên mắc Flurona Theo phóng viên TTXVN tại khu vực Nam Mỹ, Bộ trưởng Y tế El Salvador Francisco Alabi ngày 21/1 thông báo nước này đã ghi nhận trường hợp đầu tiên mắc Flurona (nhiễm đồng thời virus cúm thông thường và virus SARS-CoV-2) là một bé trai 5 tuổi. Hiện sức khỏe của bệnh nhi ổn định và đang được cách ly. Kiểm tra...