COVID-19 tới 6 giờ 21/9: Số ca mắc mới giảm mạnh trên toàn cầu; Mỹ nới lỏng hạn chế đi lại với EU và Anh
Trong 24 giờ qua, thế giới ghi nhận thêm 360.996 trường hợp mắc COVID-19 và 5.156 ca tử vong.
Tổng số ca mắc COVID-19 trên toàn cầu vượt 229,6 triệu ca, trong đó trên 4,7 triệu người không qua khỏi.
Du khách tham quan Khải Hoàn Môn “mặc áo mới”. Ảnh: Nguyễn Thu Hà-PV TTXVN tại Pháp
Theo số liệu thống kê của trang mạng worldometers.info, cập nhật đến 6 giờ sáng 21/9 (giờ Việt Nam), tổng số ca mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp (COVID-19) trên toàn cầu là 229.698.157 ca, trong đó có 4.711.126 người tử vong.
Trong mấy ngày qua, số ca mắc bệnh và tử vong trong ngày tiếp tục xu thế chững lại trên phạm vi toàn cầu, những vùng dịch “ nóng nhất” ở châu Á và châu Âu, trong khi số ca tử vong cũng có xu thế giảm.
Nhiều nước Á-Âu tình hình vẫn đáng ngại với sự bùng phát của biến chủng virus Delta hết sức nguy hiểm. Đặc biệt, Mỹ, Ấn Độ, Iran, Anh và Brazil số ca mắc mới vẫn cao một cách báo động. Mỹ lại quay lại vị trí quốc gia có số ca mắc mới trong ngày cao nhất thế giới với trên 60.000 ca, trong khi số ca tử vong cũng dẫn đầu với trên 500 trường hợp, tức là giảm mạnh so với thời gian trước.
Các phương tiện xếp hàng tại điểm xét nghiệm COVID-19 ở Auckland, New Zealand, ngày 15/2/2021. Ảnh: AFP/ TTXVN
Đại dịch sau gần 2 năm đến nay xuất hiện và lây lan ở 221 quốc gia và vùng lãnh thổ. Các nước cũng ghi nhận trên 206 triệu bệnh nhân được điều trị khỏi, số ca đang điều trị tích cực là gần 18 triệu ca và trên 98.000 ca hiện ở trong tình trạng nguy kịch.
Ngày 20/9, thế giới có 136 quốc gia và vùng lãnh thổ ghi nhận ca COVID-19 mới; 105 quốc gia/vùng lãnh thổ có các ca tử vong vì đại dịch.
Mỹ vẫn là quốc gia chịu tác động nặng nề nhất với 43.026.099 ca mắc và 693.134 ca tử vong. Tiếp đó là Ấn Độ với trên 33 triệu ca mắc và trên 445.000 ca tử vong. Đứng thứ ba là Brazil với trên 21 triệu ca bệnh, trong đó trên 590.000 ca tử vong.
Một điểm xét nghiệm COVID-19 tại Phủ Điền, tỉnh Phúc Kiến, Trung Quốc, ngày 16/9/2021. Ảnh: THX/TTXVN
Châu Á đến nay vẫn đang là “điểm nóng” của dịch COVID-19, với tổng số ca mắc mới hằng ngày ở mức cao nhất so với khu vực khác. Trong 24 giờ qua, Ấn Độ, Philippines, Iran, Thái Lan vẫn là những nước ghi nhận số ca nhiễm mới cao nhất khu vực này, dao động từ khoảng 12.700 đến 30.000 ca. Ấn Độ ghi nhận số ca nhiễm mới cao nhất châu lục trong ngày với 30.252 ca.
Đến nay, châu Á có tổng cộng 74,20 triệu ca mắc, trong đó có hơn 1,09 triệu ca tử vong do COVID-19. Đáng chú ý, Lào xác nhận các trường hợp nhiễm biến thể dễ lây nhiễm Delta Plus tại thủ đô Viêng Chăn. Hiện nước này đang tăng cường các biện pháp phòng dịch tại thủ đô.
Mặc dù dịch bệnh diễn biến phức tạp tại nhiều nước, hầu hết nước châu Á đều đang nỗ lực đẩy nhanh chương trình tiêm chủng và mở rộng đối tượng tiêm vaccine để đạt tỷ lệ người tiêm chủng cao hướng tới mục tiêu sống chung an toàn với dịch COVID-19.
Nhân viên y tế tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho trẻ em tại một điểm tiêm chủng ở Phnom Penh, Campuchia, ngày 17/9/2021. Ảnh: THX/TTXVN
Theo thống kê của trang worldometers.info, tính tới 23 giờ 59 phút ngày 20/9, các nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) ghi nhận thêm 57.440 ca mắc bệnh COVID-19 so với 1 ngày trước, trong khi tổng số ca tử vong tăng lên gần 253.000 người.
Video đang HOT
Trong 24 giờ qua, hiệp hội ASEAN có tới 7 quốc gia thành viên ghi nhận các ca tử vong mới vì COVID-19 là Indonesia, Thái Lan, Campuchia, Philippines, Malaysia, Brunei và Việt Nam. Đông Nam Á vẫn là điểm dịch nóng nhất châu Á.
Xét về tổng số ca mắc và tử vong, ổ dịch nghiệm trọng nhất Đông Nam Á tiếp tục là Indonesia do dịch bệnh đã kéo dài nhiều tháng ở mức nghiêm trọng. Tuy nhiên, trong vòng mấy ngày qua, điểm nóng này tiếp tục cho thấy tín hiệu hạ nhiệt, khi số ca mắc và tử vong bắt đầu giảm nhanh. Indonesia đã qua đỉnh dịch lần này và tình hình đang khả quan hơn. Trong 1 ngày qua, “quốc gia vạn đảo” chỉ ghi nhận trên 1.000 ca bệnh mới, mức thấp nhất sau hơn 1 năm.
Các giáo viên được trang bị đồ phòng dịch COVID-19 khi thực hiện hỗ trợ học sinh học trực tuyến tại trung tâm Tele-Aral ở thành phố Taguig, Philippines, ngày 15/9/2021. Ảnh: THX/TTXVN
Trong khi đó, diễn biến dịch vẫn nghiêm trọng ở Philippines mấy ngày gần đây. Trong 1 ngày qua, nước này ghi nhận số ca tử vong vẫn ở mức cao, tăng mạnh trở lại. Trong 24h qua, Philippines chính là quốc gia có số ca mắc mới cao nhất khu vực.
Malaysia tình hình dịch bệnh đang ngày càng đáng lo ngại. Nước này hiện là điểm dịch nóng thứ hai của khu vực sau Indonesia, khi làn sóng dịch mới đã kéo dài và chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Malaysia đang chứng kiến xu thế dịch leo thang do số ca mắc mới/ngày tăng nhanh và mạnh suốt mấy tuần vừa qua. Malaysia ghi nhận số ca tử vong cao nhất khu vực trong 1 ngày qua.
Theo trang web worldometers.info, Myanmar trong 24 giờ qua không công bố số liệu dịch bệnh. Tình hình COVID-19 tại nước này mấy ngày trước cũng ở mức báo động.
Người dân di chuyển trên đường phố tại Kuala Lumpur, Malaysia, ngày 15/9/2021. Ảnh: THX/ TTXVN
Thái Lan là điểm nóng dịch mới khi số ca lây nhiễm cộng đồng tăng mạnh trong vài tuần gần đây, buộc nước này phải quyết định siết chặt các biện pháp phòng dịch tại nhiều tỉnh, lùi ngày mở cửa du lịch. “Xứ sở chùa Phật Ngọc” trong ngày 20/9 ghi nhận thêm trên 1062.700 ca bệnh mới, trong khi số ca tử vong là 171 người, tăng nhẹ so với mức của mấy ngày trước đó.
Campuchia có xu thể tăng trở lại so với mấy ngày trước đây, với 622 bệnh nhân mới và 14 ca tử vong trong một ngày qua. Song Campuchia được đánh giá đã đi qua giai đoạn đỉnh dịch. Trước tình hình mới, Campuchia đang tính nới lỏng giãn cách xã hội.
Cụ thể, virus SARS-CoV-2 tới nay đã cướp đi sinh mạng của tổng cộng 253.386 người dân ở khu vực Đông Nam Á, tăng 950 ca so với 1 ngày trước. Trong khi số ca mắc bệnh tăng vượt ngưỡng 11,5 triệu ca. Bên cạnh đó, khu vực ASEAN cũng chứng kiến số bệnh nhân được điều trị thành công là trên 10,4 triệu trường hợp.
Toàn khối vẫn chứng kiến những diễn biến dịch bệnh đáng quan ngại, phức tạp khi chủng mới Delta đang làm bùng phát các dịch đợt mới ở nhiều nước thành viên. Trong 24 giờ qua, 7/10 nước thành viên trong ASEAN ghi nhận ca COVID-19 mới.
Người dân đeo khẩu trang phòng dịch COVID-19 tại Osaka, Nhật Bản ngày 9/9/2021. Ảnh: Kyodo/TTXVN
Theo worldometers.info, sau châu Á, châu Âu là khu vực chịu ảnh hưởng nghiêm trọng thứ hai của dịch COVID-19 với tổng cộng 57,67 triệu ca nhiễm, trong đó Anh có số ca nhiễm cao nhất (7,42 triệu ca). Tiếp theo là khu vực Bắc Mỹ (51,53 triệu ca nhiễm), Nam Mỹ (37,54 triệu ca nhiễm), châu Phi (8,23 triệu ca nhiễm), châu Đại Dương (203.980 ca nhiễm).
Trong bối cảnh số ca nhiễm mới vẫn gia tăng kể cả ở những nước đạt tỷ lệ tiêm chủng cao, các nhà khoa học trên thế giới đã và đang tích cực nghiên cứu vaccine dạng xịt mũi nhằm cung cấp khả năng miễn dịch trực tiếp đến khu vực dễ bị lây nhiễm dịch bệnh nhất.
Giới chuyên gia cho rằng đây có thể là một trong những liệu pháp hữu hiệu nhằm giúp khống chế đại dịch. Các loại vaccine hiện có cung cấp khả năng bảo vệ mạnh mẽ chống lại các triệu chứng nặng của COVID-19, nhưng dường như chưa phát huy hiệu quả trong việc ngăn chặn virus lây lan.
Nhân viên y tế điều trị cho bệnh nhân COVID-19 tại bệnh viện ở Marseille, Pháp. Ảnh: AFP/ TTXVN
Theo chuyên gia Mielcarek, kích thích phản ứng miễn dịch trực tiếp tại mũi sẽ làm giảm nguy cơ lây truyền cho người khác. Ngoài ra, khả năng bị virus lây nhiễm xâm nhập vào phổi cũng ít hơn, do tải lượng virus thấp hơn đồng nghĩa khả năng chuyển biến nặng cũng ít hơn. Bên cạnh đó, vaccine xịt mũi được cho là dễ dàng sử dụng ngay tại nhà cũng như không gây tâm lý sợ kim tiêm.
Trong nghiên cứu của Đại học Tours (Pháp) trên chuột vừa được công bố tuần trước, 100% số chuột được xịt vaccine đã sống sót sau khi nhiễm virus SARS-CoV-2, trong khi những con không sử dụng vaccine đều chết.
WHO cho biết các thử nghiệm lâm sàng đang được tiến hành để đánh giá 8 loại vaccine xịt mũi nhằm khống chế sự lây lan của virus SARS-CoV-2. Trong số này nổi bật là vaccine dạng xịt của Đại học Hạ Môn, Đại học Hong Kong và Công ty Dược sinh học Wantai Beijing đều của Trung Quốc đã hoàn thành thử nghiệm giai đoạn 2.
Khách du lịch tham quan Nhà Thờ Chính Tòa Milano ở Milan, Italy, ngày 5/8/2021. Ảnh: AFP/TTXVN
Ngày 20/9, Ủy ban Giáo hoàng về Nhà nước Vatican tuyên bố từ ngày 1/10 tới, những người muốn vào Vatican sẽ cần phải có thẻ xanh COVID-19, chứng nhận người đó đã tiêm ít nhất một mũi vaccine, có kết quả xét nghiệm âm tính trong vòng 48 giờ hoặc phục hồi sau khi mắc COVID-19.
Tuyên bố của Vatican được đưa ra trong bối cảnh Italy là quốc gia châu Âu đầu tiên đã công bố sắc lệnh, bắt buộc tất cả các nhân viên công vụ và những người lao động trong khu vực tư nhân phải có thẻ xanh COVID-19 từ 15/10, khi chính phủ đang tìm cách thuyết phục người dân tích cực tiêm chủng, qua đó giảm khả năng lây lan COVID-19 ở một trong những quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất trong đại dịch.
Cùng ngày 20/9, Italy đã bắt đầu tiêm liều vaccine COVID-19 thứ ba cho khoảng 3 triệu người được coi là dễ bị tổn thương về mặt lâm sàng, ví dụ như những bệnh nhân ung thư và người được ghép tạng. Cơ quan dược phẩm AIFA của Italy khuyến nghị nên sử dụng 2 loại vaccie của hãng Pfizer/BioNTech và Moderna cho mũi tiêm thứ ba.
Cảnh vắng vẻ tại Nhà hát Opera ở Sydney, Australia, trong thời gian áp đặt các biện pháp hạn chế phòng dịch COVID-19, ngày 9/9/2021. Ảnh: THX/ TTXVN
Tại Australia, vùng lãnh thổ Bắc Australia đã trở thành địa phương đầu tiên ở nước này khuyến khích người dân trong nước đã tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 đầy đủ tới du lịch, với việc tung ra một chiến dịch kích cầu du lịch trị giá 5 triệu AUD (3,5 triệu USD).
Chính quyền lãnh thổ Bắc Australia ngày 20/9 thông báo du khách từ các bang khác đã tiêm đủ hai mũi vaccine tới địa phương này từ ngày 1/10 cho 31/3/2022 sẽ nhận được phiếu giảm giá 200 AUD cho mỗi khoản chi tiêu 1.000 AUD cho vé máy bay, phòng nghỉ, tour du lịch, vé thăm quan hay thuê ô tô đi lại.
Trước đó, chính quyền Bắc Australia đã công bố lộ trình mở cửa trở lại giai đoạn 3, theo đó các hạn chế đi lại trong khu vực lãnh thổ sẽ được dỡ bỏ khi tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ đạt 80% và người lao động làm việc tại những nơi có nguy cơ cao được tiêm phòng đủ hai mũi vaccine.
Người dân đeo khẩu trang phòng dịch COVID-19 tại Sydney, bang New South Wales, Australia, ngày 26/8/2021. Ảnh: THX/ TTXVN
Tính đến nay, khoảng 72% người dân Australia trên 16 tuổi đã tiêm chủng ít nhất 1 mũi vaccine, trong khi số người tiêm đầy đủ 2 mũi là 47%.
Sáng 20/9, Australia ghi nhận 1.509 ca lây nhiễm trong cộng đồng – mức thấp nhất trong 1 ngày kể từ ngày 7/9. Riêng bang New South Wales (NSW), bang đông dân nhất Australia tập trung 935 ca mắc và 4 ca tử vong. Bang đông dân thứ 2 Victoria có 567 ca lây nhiễm trong công đồng.
Australia đặt mục tiêu sẽ nới lỏng các biện pháp phòng dịch và từng cửa mở cửa biên giới quốc tế khi đạt tỷ lệ tiêm chủng trên 80% dân số và Chính phủ Thủ tướng Scott Morrison tin tưởng có thể đạt được mục tiêu này vào tháng 11 tới để người dân nước này có thể tự do đi lại đón lễ Giáng Sinh.
Người dân đeo khẩu trang phòng dịch COVID-19 tại Christchurch, New Zealand, ngày 8/9/2021. Ảnh: THX/ TTXVN
Ngày 20/9, Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern cho biết thành phố Auckland lớn nhất nước này vẫn áp đặt lệnh phong toả thêm ít nhất 2 tuần nữa, song một số hạn chế sẽ được nới lỏng. Phát biểu tại cuộc họp báo, Thủ tướng Ardern cho biết từ nửa đêm 21/9, Auckland hạ mức cảnh báo từ cấp độ 4 xuống cấp độ 3.
Theo đó, các trường học và văn phòng vẫn đóng cửa song các cơ sở kinh doanh có thể hoạt động với các dịch vụ không tiếp xúc. Tuy nhiên, quy định người dân ở yên trong nhà sẽ vẫn có hiệu lực thêm ít nhất 2 tuần nữa ở thành phố này.
Thủ tướng Ardern cho biết các khu vực còn lại của New Zealand vẫn áp dụng mức cảnh báo cấp độ 2. New Zealand đã áp đặt lệnh phong toả trên toàn quốc vào ngày 17/8 vừa qua khi phát hiện ca mắc biến thể Delta đầu tiên trong cộng đồng ở nước này. Các ca lây nhiễm tập trung ở thành phố Auckland, vì vậy các khu vực khác của New Zealand đã được dỡ bỏ lệnh phong toả vào đầu tháng này.
Học sinh tại một trường học ở New York, Mỹ, ngày 13/9/2021. Ảnh: THX/ TTXVN
Từ tháng 11 tới, người từ Liên minh châu Âu (EU) và Anh nếu đã được tiêm đủ liều vaccine phòng COVID-19 sẽ có thể đến Mỹ . Đây là thông báo mới nhất từ Chính phủ Mỹ và được coi là một thành tựu ngoại giao Washington dành cho các đối tác bên kia bờ Đại Tây Dương.
Các quy định mới là một phần trong chính sách rộng hơn của Nhà Trắng về du lịch quốc tế. Theo đó những du khách từ EU và Anh đã được tiêm phòng đầy đủ có thể nhập cảnh Mỹ từ tháng 11 tới. Chính sách mới đánh dấu kết thúc lệnh cấm đi lại kéo dài 18 tháng được áp dụng từ thời chính quyền tiềnn nhiệm khi đại dịch COVID-19 bùng phát tại Mỹ.
Một điểm xét nghiệm COVID-19 tại New York, Mỹ ngày 6/9/2021. Ảnh: THX/TTXVN
Financial Times dẫn các nguồn thạo tin cho biết kể cả những người được tiêm vaccine đầy đủ theo các chương trình thử nghiệm lâm sàng vaccine chưa được cấp phép tại Anh cũng sẽ được phép nhập cảnh Mỹ.
Theo chính sách hiện nay chỉ có công dân Mỹ, người thân trong gia đình, những người có thẻ xanh và những người thuộc nhóm các quốc gia được miễn áp dụng quy định mới được phép nhập cảnh Mỹ nếu từng ở Anh hoặc EU trong vòng 14 ngày trước đó.
Quần thể gấu túi ở Australia suy giảm đáng báo động
Tổ chức Koala Australia (AKF) ngày 20/9 cho biết số lượng gấu túi - loài động vật biểu tượng của quốc gia châu Đại Dương này, đã giảm đáng báo động ở mức 30% chỉ trong vòng 3 năm qua.
Loài gấu túi tại Port Macquarie, bang New South Wales, Australia. Ảnh: AFP/TTXVN
Theo báo cáo của AKF, tổ chức bảo tồn koala lớn nhất tại Australia, số lượng koala ở nước này đã giảm từ mức ước tính hơn 82.000 con vào năm 2018 xuống còn khoảng 32.000-58.000 con vào năm 2021. Bang New South Wales (NSW) là nơi chứng kiến số lượng koala sụt giảm mạnh nhất, với mức giảm 41% kể từ năm 2018. Các trận cháy rừng khốc liệt xảy ra trong giai đoạn 2019-2020 được cho là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này.
Giám đốc điều hành AKF Deborah Tabart cho biết, ngoài việc bị mất môi trường sống do cháy rừng, quần thể koala ở khắp Australia còn bị suy giảm số lượng do nạn hạn hán, nắng nóng gay gắt và thiếu nước uống. Bên cạnh đó, tình trạng phá rừng tự nhiên để lấy đất canh tác nông nghiệp, xây dựng nhà ở và khai thác mỏ, đặc biệt ở bang NSW và Queensland, trong những năm qua cũng đang tàn phá quần thể koala.
Cũng theo AKF, loài koala đã hoàn toàn biến mất ở 47/128 khu vực bầu cử ở Australia. Đây là lần đầu tiên dữ liệu về quần thể koala được thu thập, đánh giá ở khắp các khu vực bầu cử của nước này.
Tuần trước, AKF cảnh báo loài koala đang phải đối mặt nguy cơ tuyệt chủng. Trong năm 2016, các nhà nghiên cứu thuộc trường Đại học Queensland đã ước tính rằng có 330.000 con gấu túi trong tự nhiên ở Australia. Tuy nhiên, các quần thể koala trên khắp nước này đã bị tàn phá do mất môi trường sống và nạn cháy rừng. Số liệu của Quỹ bảo tồn Thiên nhiên hoang dã thế giới (WWF) cho thấy đã có 60.000 con koala bị ảnh hưởng trong các trận cháy rừng xảy ra vào năm 2019-2020.
Ông Bill Ellis - một nhà nghiên cứu thuộc trường Nông nghiệp và Khoa học lương thực của Đại học Queensland, đã nghiên cứu quần thể koala từ thập niên 90 của thế kỷ trước và cho biết loài động vật này đang lần thứ hai trong lịch sử phải đối mặt với nguy cơ tuyệt chủng. Trước đó, koala gần như bị "xóa sổ" do nạn buôn bán lông thú.
COVID-19 tới 6h sáng 20/9: Thế giới vượt 229 triệu ca mắc; Ca tử vong mới ở Nga cao nhất Theo trang mạng worldometer.info, trong vòng 24 giờ qua, thế giới ghi nhận trên 346.000 ca bệnh COVID-19 và trên 5.600 ca tử vong. Tổng số ca bệnh từ đầu dịch tới nay đã vượt 229 triệu ca, trong đó trên 4,7 triệu ca tử vong. Nhân viên y tế chuyển bệnh nhân tử vong do COVID-19 tới nhà xác bệnh viện ở...