COVID-19 tại ASEAN hết 8/6: Trên 82.500 người đã tử vong; Campuchia vượt 35.000 ca nhiễm
Tính đến 0h00 ngày 8/6, toàn khối có trên 20.000 ca nhiễm mới và trên 400 ca tử vong mới. Campuchia đã vượt 35.000 ca nhiễm, trong khi tình hình dịch vẫn căng thẳng ở Malaysia, Philippines và Thái Lan với hàng nghìn ca mới trong ngày.
Người dân tiêm vaccine Sinovac tại Phnom Penh, Campuchia ngày 1/5/2021. Ảnh: AFP
Theo thống kê của trang worldometers.info, tính tới 0h00 phút ngày 9/6, các nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) ghi nhận thêm 20.163 ca mắc COVID-19 và 402 ca tử vong, nâng tổng số ca bệnh lên 4.221.520 trường hợp và 82.505 ca tử vong. Toàn khối có 3.826.807 bệnh nhân đã bình phục.
Trong 24 giờ qua, khu vực Đông Nam Á có 6 quốc gia ghi nhận các ca tử vong vì COVID-19 trong đó Indonesia chiếm nhiều nhất với 189 ca; Philippines đứng thứ hai với 95 ca; Malaysia ghi nhận 76 ca tử vong, trong khi Thái Lan thêm 28 ca, Campuchia ghi nhận 12 ca tử vong mới và Việt Nam thêm 2 ca.
Với 6.294 ca nhiễm trong ngày 8/6, Indonesia đang dẫn đầu khối về lây nhiễm mới. Nước này tiếp tục là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất trong khu vực, với tổng cộng 1.869.325 ca bệnh và 51.992 ca tử vong.
Trong khi đó, Malaysia ghi nhận 5.566 ca nhiễm mới, nâng tổng ca bệnh lên 627.652, trong đó có 3.536 ca tử vong và 541.319 ca bình phục.
Cùng ngày Thái Lan chứng kiến 2.662 ca nhiễm mới. Campuchia cũng ghi nhận 678 ca nhiễm mới và tổng ca bệnh đã vượt 35.000 người. Tình hình dịch ở Lào đã được kiểm soát, với chỉ 2 ca nhiễm mới trong ngày.
Cảnh sát và binh sĩ kiểm tra các phương tiện để phòng dịch COVID-19 tại Kuala Lumpur, Malaysia, ngày 1/6/2021. Ảnh: THX/ TTXVN
Campuchia: Số ca bệnh vượt ngưỡng 35.000 ca
Dịch COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp tại Campuchia khi tổng số ca bệnh tại nước này đã vượt ngưỡng 35.000 ca vào ngày 8/6, trong đó 34.367 ca liên quan đến “sự cố cộng đồng ngày 20/2″.
Bộ Y tế Campuchia ra thông cáo xác nhận trong 24 giờ qua có thêm 678 ca nhiễm mới (bao gồm 49 ca nhập cảnh và 629 ca lây nhiễm cộng đồng), 12 người tử vong và 557 người khỏi bệnh. Tính từ đầu dịch đến nay, Campuchia ghi nhận tổng cộng 35.511 ca bệnh, trong đó 28.649 người đã hồi phục và 278 người tử vong.
Cùng với nỗ lực phòng chống dịch COVID-19 và điều trị bệnh nhân, Campuchia từng bước tiến gần tới mục tiêu miễn dịch cộng đồng bằng cách đẩy mạnh tiêm phòng COVID-19 nhờ nguồn vaccine chủ yếu từ Trung Quốc. Sáng cùng ngày, tại sân bay quốc tế Phnom Penh, Quốc vụ khanh Bộ Y tế Campuchia Yuok Sambath cùng các đồng nghiệp đã tiếp nhận thêm 1 triệu liều vaccine ngừa COVID-19 từ Trung Quốc, bao gồm 500.000 liều Sinopharm và 500.000 liều Sinovac.
Video đang HOT
Bệnh nhân COVID-19 rời trung tâm điều trị sau khi khỏi bệnh tại Phnom Penh, Campuchia, ngày 9/5/2021. Ảnh: THX/ TTXVN
Trên mạng xã hội Facebook, Thủ tướng Campuchia Samdech Techo Hun Sen tối 7/6 cho biết nếu không có gì thay đổi, Campuchia sẽ nhận thêm 1 triệu liều vaccine ngừa COVID-19 vào ngày 12/6 và 1 triệu liều nữa vào ngày 19/6 tới.
Tính đến sáng 8/6, Campuchia đã nhận hơn 7 triệu liều vaccine ngừa COVID-19, trong đó có 2,2 triệu liều Sinopharm do Trung Quốc tài trợ; 4,5 triệu liều Sinovac đặt mua của Trung Quốc và 324.000 liều AstraZeneca/SII (Covishield) qua cơ chế COVAX.
Theo Quốc vụ khanh Bộ Kinh tế và Tài chính Campuchia Vongsey Vissoth, với số vaccine hiện có và sẽ tiếp nhận thêm trong thời gian tới, Chính phủ Campuchia đang trên đà thực hiện mục tiêu đạt miễn dịch cộng đồng, với khoảng 80% dân số trưởng thành của nước này (tương đương 10 triệu người từ 18 tuổi trở lên) sẽ được tiêm phòng COVID-19 vào cuối năm nay.
Philippines thông qua kế hoạch tiêm vaccine Pfizer cho trẻ em
Theo Straits Times, ngày 8/6 Philippines đã phê duyệt sử dụng vaccine phòng COVID-19 của tập đoàn Sinopharm, Trung Quốc, bổ sung thêm trên 15 triệu liều vaccine dự kiến chuyển giao tới nước này trong những tuần tới.
Chính phủ cũng mở rộng đối tượng tiêm vaccine sang trẻ em tuổi từ 12-15, được tiêm vaccine của Pfizer. Các nhóm dân số trẻ hơn có thể được tiêm phòng khi nguồn cung cấp ổn định.
Cho đến nay, Philippines đã tiêm phòng cho khoảng 6 triệu người, trong đó 1,5 triệu người được tiêm đủ hai liều.
Trẻ em từ 12-15 tuổi tại Philippines sẽ được tiêm phòng vaccine Pfizer. Ảnh: Reuters
Nước này đã tiếp nhận 9,3 triệu liều vaccine và dự kiến nhận 11 triệu liều trong tháng này, bao gồm 4,5 triệu liều của Sinovac/Trung Quốc, 2,28 triệu của Pfizer và 2 triệu của AstraZeneca thông qua chương trình Covax; 250.000 liều của Moderna.
Cùng ngày, Bộ Y tế Philippines thông báo nước này ghi nhận thêm 4.777 ca nhiễm, số ca mắc mới theo ngày thấp nhất kể từ ngày 25/5 vừa qua. Hiện tổng số ca bệnh tại quốc gia Đông Nam Á này tăng lên 1.280.773 ca.
Trong 24 giờ qua, Philippines cũng có thêm 95 ca tử vong do COVID-19, nâng tổng số người không qua khỏi lên 22.064 người.
Philippines, quốc gia có hơn 110 triệu dân, đã thực hiện xét nghiệm COVID-19 cho gần 13 triệu người kể từ khi đại dịch bùng phát ở nước này hồi tháng 1/2020./.
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại Surabaya, Đông Java, Indonesia ngày 7/6/2021. Ảnh: THX/TTXVN
Thái Lan: Chính phủ thông qua “Hộp cát Phuket”
Theo tờ Bangkok Post, Chính phủ Thái Lan ngày 8/6 đã nhất trí về nguyên tắc với kế hoạch “Hộp cát Phuket”, một chương trình mở cửa du lịch được lên kế hoạch khởi động từ tháng 7, nhằm mở cửa lại tại 10 điểm đến du lịch nổi tiếng nhất đất nước.
Kế hoạch trên được đề xuất bởi Cục du lịch Thái Lan (TAT), được thiết kế để thực hiện trong quý 3 và 4 năm nay, và đã được Thủ tướng Chan-o-cha thông qua trong cuộc họp nội các hàng tuần.
Bắt đầu từ đảo nghỉ dưỡng Phuket, kế hoạch mở cửa lại từ 1/7 sẽ đón du khách từ các nước nguy cơ nhiễm COVID-19 trung bình và thấp, đã được tiêm vaccine đầy đủ.
Hiện tại, khoảng 400.000 người ở Phuket, chiếm hơn 60% dân số tại đây, đã được tiêm chủng phòng COVID-19.
Người dân được tiêm phòng COVID-19 tại Phuket, Thái Lan ngày 7/6/2021. Ảnh: Bangkok Post
Lào kiểm soát tốt dịch bệnh
Bộ Y tế Lào cho biết số ca mắc mới tại nước này tiếp tục ở mức thấp, với 2 ca lây nhiễm mới cộng đồng ở thủ đô Viêng Chăn được ghi nhận trong vòng 24 giờ qua. Tới nay, Lào đã ghi nhận tổng cộng 1.970 ca COVID-19, trong đó có 3 tử vong và 1.773 bệnh nhân đã hồi phục.
Bộ Y tế Lào kêu gọi người dân cả nước tuân thủ chặt chẽ quy định phòng chống dịch bệnh để có thể dỡ bỏ lệnh phong tỏa vào ngày 19/6 tới đây, giúp giảm tác động đối với nền kinh tế và đời sống của người dân. Người có nguy cơ lây nhiễm được khuyến cáo sớm đi xét nghiệm và tự cách ly để đảm bảo an toàn cho cá nhân cũng như người thân và cộng đồng.
Tại thủ đô Viêng Chăn, Ủy ban chuyên trách phòng chống dịch COVID-19 cho biết các biện pháp kiểm soát sẽ tiếp tục được thực hiện ít nhất cho đến ngày 19/6. Hiện ở Viêng Chăn, các điểm giải trí, du lịch, massage-spa, cơ sở làm đẹp, cà phê Internet, trung tâm thể hình và hoạt động thể thao trong nhà vẫn chưa được mở trở lại. Các trường học vẫn đang phải đóng cửa và được khuyến khích thực hiện việc dạy và học từ xa. Các cửa hàng bán lẻ và chợ dân sinh có thể được mở cửa cho đến 22h hằng ngày; quán ăn và cà phê ngoài vùng Đỏ có thể phục vụ bình thường với điều kiện tuân thủ quy định phòng dịch và không phục vụ đồ uống có cồn.
Campuchia phát hiện biến thể mới của virus SARS-COV-2
Theo phóng viên TTXVN tại Phnom Penh, tối 4/6, Bộ Y tế Campuchia ra thông báo phát hiện biến thể mới của virus SARS-COV-2 là Delta (B.1.617) dựa trên kết quả xét nghiệm của Viện Pasteur Campuchia đối với 3 trường hợp từ Thái Lan nhập cảnh Campuchia.
Nhân viên y tế tiêm vaccine phòng COVID-19 cho người dân tại Phnom Penh, Campuchia. Ảnh: THX/TTXVN
Các trường hợp nhiễm biến thể mới gồm 1 bệnh nhân tại tỉnh Bantey Meanchey và 2 bệnh nhân tại tỉnh Battambang. Các bệnh nhân nói trên đang được điều trị tại các bệnh viện địa phương.
Bộ Y tế Campuchia chỉ đạo khẩn tới bệnh viện các tỉnh tăng cường công tác phòng, chống dịch, thực hiện nghiêm các quy định của bộ về đảm bảo an toàn, cách ly tuyệt đối bệnh nhân COVID-19, tăng cường công tác truy vết, kể cả những trường hợp nghi lây nhiễm, địa điểm lây nhiễm.
Bộ trên cũng kêu gọi người dân tiếp tục thực hiện nghiêm túc biện pháp phòng, chống COVID-19 "3 Bảo vệ - 3 Không" theo chỉ đạo của Thủ tướng Samdech Techo Hun Sen và các biện pháp khác đã được ban hành để phòng chống dịch bệnh COVID-19 hiệu quả.
Trong tuần vừa qua, số ca lây nhiễm COVID-19 tại Campuchia tiếp tục xu hướng gia tăng gây quan ngại. Trong 24 giờ qua, nước này có thêm 886 ca nhiễm mới, trong đó có 856 ca lây nhiễm cộng đồng và 6 ca tử vong. Tính đến nay, Campuchia ghi nhận tổng cộng 33.075 ca nhiễm, trong đó có 25.544 người đã bình phục và 242 trường hợp không qua khỏi.
* Trong khi đó, số ca nhiễm tại Malaysia đã vượt mốc 600.000, lên mức 603.122 ca, sau khi ghi nhận thêm 7.748 ca mắc mới trong 24 giờ qua.
Cũng trong thời gian trên, đã có thêm 86 trường hợp tử vong do COVID-19, đưa tổng số ca tử vong tại nước này lên 3.182. Đáng chú ý, giới chức y tế Malaysia đã bày tỏ quan ngại về số ca tử vong cũng như các ca bệnh nặng, trong đó có cả trẻ em, đang ngày một tăng.
Hiện Malaysia đang trong đợt phong tỏa toàn quốc kéo dài 2 tuần, từ ngày 1 đến 14/6, trong bối cảnh số ca nhiễm và tử vong theo ngày lên mức cao nhất từ trước đến nay. Chính phủ nước này cho rằng làn sóng bùng phát này có thể liên quan đến các biến thể mới của virus SARS-CoV-2.
Theo Bộ Y tế Malaysia, trong 5 tháng đầu năm nay, Malaysia ghi nhận 3 trẻ em dưới 5 tuổi tử vong do mắc COVID-19, bằng tổng số trẻ tử vong do mắc bệnh này trong cả năm 2020. Cũng trong khoảng thời gian này, có tổng cộng 27 trẻ em, trong đó có 19 trẻ dưới 5 tuổi, đang phải điều trị tích cực, tăng so với mức chỉ 8 ca hồi năm ngoái.
Tháng trước, quốc gia láng giềng Singapore cũng cảnh báo các biến thể mới của virus SARS-CoV-2, trong đó có biến thể Delta, đang ảnh hưởng nhiều hơn tới trẻ em.
Malaysia ghi nhận 8.209 ca mắc COVID-19 trong 24 giờ qua Ngày 3/6, Bộ Y tế Malaysia ghi nhận thêm 8.209 ca mắc COVID-19 trong 24 giờ qua, tăng so với con số 7.703 ca hôm 2/6. Tổng số ca mắc COVID-19 tại quốc gia Đông Nam Á này hiện lên tới 595.374 ca. Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại Klang, Selangor, Malaysia. Ảnh: THX/TTXVN Theo phóng...