COVID-19 tại ASEAN hết 20/1: Ca mắc mới ở Philippines vẫn cao; Malaysia tiêm vaccine cho trẻ từ 5-11 tuổi
Theo trang thống kê worldometers.info, trong ngày 20/1, các quốc gia thành viên ASEAN ghi nhận 64.111 ca mắc COVID-19 và 304 ca tử vong.
Tổng số người mắc bệnh tại ASEAN từ đầu dịch đã là 15.961.978 ca, trong đó 311.210 người tử vong.
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại Quezon, Philippines, ngày 18/1/2022. Ảnh: AFP/TTXVN
Trong ngày 20/1, Philippines có số ca mắc mới cao nhất ASEAN với 31.173 ca. Tổng số ca mắc ở Philippines từ đầu đại dịch COVID-19 là 3.324.478.
Việt Nam có số ca mắc cao thứ hai trong ngày 20/1 với 16.715 ca. Thái Lan đứng thứ ba ASEAN với 8.129 mắc mới. Tới nay, Thái Lan ghi nhận tổng cộng 2.353.062 ca mắc.
Malaysia có 3.229 ca mắc mới trong ngày 20/1. Tới nay, Malaysia đã ghi nhận tổng cộng 2.817.163 ca mắc COVID-19.
Tiếp đó là Indonesia (2.116 ca); Singapore ( 1.615 ca); Lào (901 ca); Myanmar (196 ca); và Campuchia (37 ca).
Về số ca tử vong, 8 quốc gia ASEAN ghi nhận ca tử vong mới: Việt Nam (152 ca), Philippines (110 ca), Thái Lan (19 ca), Malaysia (13 ca), Indonesia (7 ca), Singapore (1 ca), Lào (1 ca) và Myanmar (1 ca).
Dịch COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp tại Philippines
Nhân viên y tế chuyển thi thể bệnh nhân COVID-19 tại Manila, Philippines. Ảnh: AFP/TTXVN
Bộ Y tế Philippines ngày 20/1 thông báo nước này ghi nhận thêm 31.173 ca mắc mới COVID-19, nâng tổng số ca mắc lên 3.324.478 ca.
Philippines cũng ghi nhận có thêm 110 người tử vong COVID-19, nâng tổng số người không qua khỏi lên 53.153. Trong đó, 67 người tử vong trong tháng 1 này và số còn lại tử vong trong tháng 12/2021.
Giáo sư Guido David tại Đại học Philippines cho biết số ca mắc COVID-19 tại thủ đô Manila đang giảm, tuy nhiên, số ca mắc vẫn gia tăng tại một số thành phố, trong đó có những thành phố gần khu vực thủ đô.
Trong khi đó, cảnh sát quốc gia cho biết 844 khu vực tại Manila và các khu vực khác có những ổ dịch lớn đang bị phong tỏa.
Thái Lan nới lỏng các biện pháp phòng dịch để khôi phục du lịch
Hành khách làm thủ tục tại sân bay quốc tế Suvarnabhumi ở Bangkok, Thái Lan, ngày 11/1/2022. Ảnh: THX/TTXVN
Trung tâm xử lý tình hình dịch bệnh COVID-19 thuộc Chính phủ Thái Lan (CCSA) ngày 20/1 thông báo nước này sẽ nối lại chương trình “Test & Go” (Xét nghiệm và Lên đường) kể từ ngày 1/2 tới, đồng thời áp dụng chương trình này đối với tất cả các quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới thay vì chỉ giới hạn ở 63 quốc gia và vùng lãnh thổ như trước đây.
Chương trình “Test & Go” của Thái Lan cho phép khách du lịch nước ngoài đã tiêm phòng đầy đủ chỉ phải lưu lại một đêm tại khách sạn trong khi chờ kết quả xét nghiệm COVID-19. Chương trình này đã bị đình chỉ vô thời hạn từ ngày 7/1 sau khi biến thể Omicron xuất hiện và số ca mắc mới COVID-19 gia tăng. Chương trình này đã giúp Thái Lan thu hút khoảng 350.000 lượt du khách chỉ sau 2 tháng.
Video đang HOT
Theo quy định mới, du khách đã tiêm phòng đầy đủ sẽ phải thực hiện 2 xét nghiệm RT-PCR, vào ngày đầu tiên và ngày thứ 5 sau khi nhập cảnh. Trong thời gian chờ kết quả xét nghiệm, du khách thực hiện cách ly trong khách sạn đã đăng ký trước và phải cài đặt phần mềm giám sát để đảm bảo việc chấp hành đúng các quy định.
Cũng từ ngày 1/2, mô hình du lịch “hộp cát” ở Thái Lan sẽ được mở rộng áp dụng thêm đối với tỉnh Trat tại đảo du lịch Koh Chang và tỉnh Chonburi, cùng những khu vực đã được phê duyệt trước đó là Phuket, Krabi, Pang Nga và Surat Thani (tại các đảo du lịch Koh Samui, Koh Pa Ngan, Koh Tao).
Tại cuộc họp ngày 20/1, CCSA đã đánh giá về tình hình dịch bệnh COVID-19 và mức độ lây lan của biến thể Omicron. Cơ quan này nhận định tình hình ở Thái Lan đang có những chuyển biến tích cực khi số ca nhiễm mới tăng nhưng với tỉ lệ có thể kiểm soát được, cùng những dấu hiệu cho thấy sắp đạt đỉnh và dần suy giảm. Tỷ lệ bệnh nhân biến chứng nặng và tử vong nhìn chung thấp hơn so với biến thể Delta.
Hành khách chờ làm thủ tục tại sân bay quốc tế Suvarnabhumi ở Bangkok, Thái Lan, ngày 11/1/2022. Ảnh: THX/TTXVN
Do đó, CCSA đã nhất trí điều chỉnh việc phân vùng để áp dụng các biện pháp kiểm soát dịch bệnh từ ngày 24/1. Theo đó, số lượng Vùng Kiểm soát (màu Cam) sẽ giảm từ 69/77 tỉnh xuống còn 44 tỉnh và số lượng Vùng Kiểm soát cao (màu Vàng) sẽ tăng lên 25 tỉnh, trong khi số lượng khu vực du lịch thử nghiệm hoặc tham gia chương trình “hộp cát” là 8 tỉnh. Tất cả các khu vực sẽ phải tiếp tục tuân thủ những quy định về phòng chống COVID-19.
CCSA cũng nhất trí giảm thời gian tự cách ly được khuyến nghị đối với những người có nguy cơ cao từ 14 ngày xuống còn 7 ngày, sau đó là 3 ngày tự giám sát. Các xét nghiệm kháng nguyên (ATK) phải được thực hiện vào ngày thứ 5 hoặc 6 và ngày thứ 10 của thời gian cách ly.
Thái Lan cũng nới lỏng quy định đối với các nhà hàng, theo đó cho phép phục vụ đồ uống có cồn đến 23h00 hằng ngày thay vì 21h00 như trước đây. Tuy nhiên, các quán bar và câu lạc bộ đêm vẫn phải đóng cửa.
Những động thái trên được Chính phủ Thái Lan đưa ra nhằm khôi phục ngành du lịch đang bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch. Năm ngoái, số lượng khách du lịch đến Thái Lan chỉ bằng 0,5% mức trước đại dịch. Năm 2019, lượng khách du lịch đến Thái Lan đạt kỷ lục gần 40 triệu lượt, mang lại thu nhập 60 tỷ USD. Bộ Du lịch Thái Lan dự báo năm 2022 sẽ có khoảng 5 triệu lượt du khách đến nước này.
Malaysia triển khai tiêm vaccine cho trẻ từ 5-11 tuổi
Nhân viên y tế tiêm vaccine COVID-19 cho thiếu niên tại Shah Alam, bang Selangor, Malaysia ngày 20/9/2021. Ảnh: THX/TTXVN
Malaysia sẽ bắt đầu chương trình tiêm chủng vaccine COVID-19 của hãng Pfizer/BioNTech cho trẻ em từ 5 -11 tuổi từ tháng 2 tới. Liều lượng vaccine tiêm cho nhóm đối tượng này chỉ bằng 1/3 so với liều tiêm dành cho người từ 12 tuổi trở lên.
Ngày 19/1, Ủy ban đặc biệt về đảm bảo tiếp cận nguồn cung cấp vaccine ngừa COVID-19 của Malaysia (JKJAV) cho biết, những trẻ em ở độ tuổi này sẽ chỉ được phép tiêm liều vaccine ngừa COVID-19 dành riêng cho trẻ nhỏ của hãng Pfizer vốn đã được kiểm chứng đảm bảo an toàn và hiệu quả.
Theo JKJAV, các thử nghiệm lâm sàng trước đó đã cho thấy nguy cơ mắc COVID-19 có triệu chứng ở trẻ em được tiêm chủng giảm tới 90%. Đồng thời, các tác dụng phụ thường gặp ở trẻ em sau khi tiêm chủng là không đáng kể và hiếm gặp phản ứng nặng.
Ủy ban này nhấn mạnh rằng những trẻ có bệnh nền hoặc có nguy cơ cao nhiễm COVID-19 sẽ được ưu tiên tiêm trước. Tuy nhiên, những trẻ có tiền sử sốc phản vệ với các loại thuốc hoặc thực phẩm sẽ không được phép tiêm. Đồng thời, những trẻ có phản ứng dị ứng trong vòng 72 giờ sau khi tiêm mũi 1 sẽ không được phép tiêm mũi 2.
Bộ trưởng Bộ Y tế Malaysia Khairy Jamaluddin cũng cho biết Bộ này đã thành lập Đội chuyên trách (CITF-C) để điều phối chương trình tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 lần này. Trước đó, ngày 6/1, Bộ Y tế Malaysia đã thông báo việc Cơ quan Kiểm soát dược phẩm (PBKD) của nước này thực hiện phê duyệt tiêm vaccine ngừa COVID-19 do hãng Pfizer sản xuất cho trẻ em từ 5-11 tuổi.
COVID-19 tại ASEAN hết 11/9: Philippines có ca mắc mới cao kỷ lục; Ca nhiễm cộng đồng tại Lào tăng cao
Theo trang thống kê worldometers.info, trong ngày 11/9, có 9 quốc gia thành viên ASEAN ghi nhận 80.680 ca mắc COVID-19 và 1.172 ca tử vong.
Tổng số người mắc bệnh tại ASEAN từ đầu dịch đã là 10.916.723 ca, trong đó 241.261 người tử vong.
Nhân viên y tế tiêm vaccine COVID-19 cho người dân tại Manila, Philippines. Ảnh: AFP/TTXVN
Trong ngày 11/9, quốc gia ghi nhận nhiều ca mắc nhất tiếp tục là Philippines với 26.303 ca. Tổng số ca mắc tại quốc gia này đã là 2.206.021 ca.
Đứng số 2 ASEAN về ca mắc hàng ngày là Malaysia với 21.176 ca. Tới nay, Malaysia đã ghi nhận tổng cộng 1.940.950 ca mắc COVID-19.
Thái Lan đứng thứ 3 ASEAN về ca mắc trong ngày 11/9 với 15.191 ca, nâng tổng số ca từ đầu dịch lên 1.368.144 ca.
Tiếp đó là Việt Nam với 11.932 ca, Indonesia với 5.001 ca mắc, Campuchia với 658 ca, Lào với 204 ca, Brunei với 141 ca và Timor-Leste với 74 ca.
Về số ca tử vong, có 8 quốc gia ghi nhận ca tử vong mới: Malaysia (341 ca), Indonesia (270 ca), Thái Lan (253 ca), Việt Nam (217 ca), Philippines (79 ca), Campuchia (9 ca), Timo-Lester (2 ca) và Brunei (1 ca).
Số ca lây nhiễm trong cộng đồng tại Lào tăng cao
Người dân tập thể dục tại Viêng Chăn, Lào, ngày 5/7/2021. Ảnh: THX/TTXVN
Bộ Y tế Lào ngày 11/9 cho biết trong 24 giờ qua, nước này ghi nhận 204 ca mắc mới COVID-19, trong đó ngoài 84 ca nhập cảnh được cách ly ngay, còn có 120 ca cộng đồng. Như vậy, đến nay, tổng số ca nhiễm COVID-19 tại Lào đã lên tới 17.140 ca, trong đó có 16 người tử vong.
Theo Bộ Y tế Lào, số ca cộng đồng trong một ngày tại nước này đã tăng lên 3 con số. Đáng chú ý, nhiều ca lây nhiễm trong cộng đồng được ghi nhận gần đây là cán bộ ở các trung tâm y tế, công an, quân đội hoặc người quản lý trung tâm cách ly; một số khác là người lao động từ tỉnh khác về quê, được xác định dương tính sau đó.
Trong diễn biến liên quan khác, Lào đã thành lập Trung tâm thông tin thị trường Lao động có tổng đài hỏi đáp 1535 để hỗ trợ người lao động bị ảnh hưởng bởi COVID-19 có thể tìm kiếm việc làm.
Theo Bộ Lao động và Phúc lợi xã hội Lào, trung tâm sẽ thu thập thông tin để các nhà hoạch định chính sách sử dụng nhằm hỗ trợ những người thất nghiệp, bao gồm cả việc đào tạo tay nghề. Trung tâm mới cũng sẽ bao gồm việc phân tích thị trường lao động, hoạt động như một cơ sở để giám sát và báo cáo về các chính sách lao động và việc làm.
Ca mắc mới cao kỷ lục; Philippines kéo dài tình trạng khẩn cấp thêm 1 năm
Cảnh sát kiểm tra nhắc nhở người dân thực hiện các biện pháp phòng dịch COVID-19 trên xe buýt ở Quezon, Philippines. Ảnh: THX/TTXVN
Ngày 11/9, Bộ Y tế Philippines thông báo nước này có thêm 26.303 ca mắc COVID-19 trong 24 giờ qua, số ca mắc mới trong một ngày cao nhất kể từ khi dịch bệnh bùng phát tại quốc gia Đông Nam Á này. Hiện tổng số ca bệnh tại Philippines tăng lên 2.206.021 ca.
Tổng số ca tử vong tại Philippines do đại dịch cũng đã tăng lên 34.978 ca sau khi có thêm 79 người không qua khỏi trong một ngày qua.
Trước đó, ngày 10/9, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đã ký sắc lệnh kéo dài tình trạng khẩn cấp thêm 1 năm do đại dịch COVID-19.
Sắc lệnh của Tổng thống Duterte cũng lưu ý tất cả các cơ quan chính phủ và địa phương phải tiếp tục hỗ trợ và hợp tác đầy đủ, cũng như huy động các nguồn lực cần thiết để thực hiện các biện pháp khẩn cấp và mang tính quyết định nhằm loại bỏ mọi nguy cơ của đại dịch COVID-19. Tình trạng khẩn cấp sẽ cho phép nhà chức trách trung ương và địa phương tiêm chủng cho người dân, kiểm soát giá cả các hàng hóa và thực phẩm thiết yếu cũng như nhiều biện pháp khác.
Philippines lần đầu ban bố tình trạng khẩn cấp vào tháng 3/2020 và đã gia hạn nhiều lần. Tính đến ngày 10/9, Philippines đã ghi nhận 2.179.770 ca mắc COVID-19, trong đó có 34.899 ca tử vong.
Thái Lan duy trì lệnh giới nghiêm ban đêm đến cuối tháng 9
Nhân viên y tế trong trang phục bảo hộ lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại Bangkok, Thái Lan. Ảnh: AFP/TTXVN
Trung tâm Xử lý Tình hình COVID-19 của Chính phủ Thái Lan (CCSA) đã quyết định duy trì lệnh giới nghiêm ban đêm từ 9h tối hôm trước đến 4h sáng hôm sau tại các tỉnh thuộc vùng đỏ sẫm chịu sự kiểm soát chặt chẽ và tối đa đến ít nhất là cuối tháng này.
Phát biểu ngày 10/9, người phát ngôn của CCSA Taweesilp Visanuyothin cho biết cuộc họp của CCSA do Thủ tướng Prayut Chan-o-cha chủ trì đã nhất trí duy trì những hạn chế hiện tại, bao gồm cả lệnh giới nghiêm được áp dụng ở các tỉnh thuộc vùng đỏ sẫm, cho đến cuối tháng 9. Ông Taweesilp cho biết CCSA cũng quyết định không thay đổi tình trạng phân loại các tỉnh theo vùng kiểm soát COVID-19 gồm đỏ sẫm (29 tỉnh), đỏ (37 tỉnh) và da cam (11 tỉnh) cho đến cuối tháng này.
Thái Lan ngày 11/9 có thêm 15.191 ca mới cùng 253 ca tử vong, tăng so với các con số của ngày 10/9. Kể từ đầu dịch đến nay, Thái Lan ghi nhận tổng cộng 1.368.144 ca mắc COVID-19, trong đó có 14.173 người không qua khỏi.
Tính đến ngày 9/9, khoảng 25,9 triệu người ở Thái Lan (37,3% dân số) đã được tiêm ít nhất một mũi vaccine ngừa COVID-19 và 10,9 triệu người (15,7%) đã được tiêm hai mũi. Tỷ lệ tiêm chủng hằng ngày đã tăng lên từ 600.000-700.000 mũi tiêm vào ngày thường và 200.000-300.000 mũi tiêm vào cuối tuần.
Theo CCSA, chính phủ sẽ cung cấp 4,8 triệu liều vaccine của Pfizer để tiêm chủng cho học sinh từ 12-17 tuổi trên toàn quốc. CCSA nói rõ rằng việc tiêm chủng cho nhóm này sẽ được thực hiện trên cơ sở tự nguyện với sự đồng ý của phụ huynh học sinh và phụ huynh sẽ được thông báo về tất cả các tác dụng phụ có thể xảy ra.
Camuchia có 658 ca mắc mới
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại Phnom Penh, Campuchia ngày 16/8/2021. Ảnh: AFP/TTXVN
Tại Campuchia, Bộ Y tế nước này thông báo có thêm 658 ca bệnh mới, trong đó 498 ca lây nhiễm cộng đồng, nâng tổng số người mắc COVID-19 lên 98.842 người. Theo bộ này, hiện tổng số người không qua khỏi trong đại dịch COVID-19 cũng đã tăng lên 2.028 người sau khi có thêm 9 ca tử vong trong 24 giờ qua.
Campuchia đã khởi động chiến dịch tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 từ tháng 2 nhằm tiêm chủng cho 12 triệu người, tương đương 75% dân số, vào cuối năm nay. Đến nay, quốc gia Đông Nam Á này đã tiêm chủng ít nhất 1 mũi cho 11,4 triệu người, tương đương 71,3% dân số, trong đó 9,35 triệu người (58,4%) đã được tiêm đủ 2 liều và 742.293 tiêm mũi thứ 3.
Xét theo nhóm đối tượng, tính đến ngày 10/9, khoảng 97% trong số 10 triệu người trưởng thành Campuchia và 86,6% trong số gần 2 triệu trẻ em ở độ tuổi 12-17 tuổi đã được tiêm ít nhất 1 liều vaccine ngừa COVID-19. Các loại vaccine chủ yếu mà Campuchia sử dụng trong chiến dịch tiêm chủng của nước này là của các hãng Sinovac và Sinopharm ( Trung Quốc).
Tỷ lệ tử vong ở người đã tiêm vaccine ở Malaysia chỉ là 0,009%.
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại bệnh viện ở Kuala Lumpur, Malaysia ngày 12/3/2021. Ảnh: THX/TTXVN
Bộ trưởng Y tế Malaysia Khairy Jamaluddin cho biết tỉ lệ tử vong vì COVID-19 trong số người đã hoàn thành tiêm chủng chỉ là 0,009%.
Phát biểu tại một cuộc họp báo, Bộ trưởng Jamaluddin nhấn mạnh vaccine hoạt động hiệu quả và đã cứu sống rất nhiều người. Theo ông Khairy, bất kể là của nhà sản xuất nào, vaccine đều bảo vệ con người và hiện nay tỉ lệ tử vong vì COVID-19 trong số những người hoàn thành tiêm chủng chỉ là 90 ca/1 triệu người. Do đó, ông Khairy kêu gọi người dân đăng ký tiêm chủng và chấm dứt nghi ngờ về khả năng bảo vệ mà vaccine có thể mang lại trong việc chống virus SARS-CoV-2.
Theo thông tin của Bộ Y tế Malaysia, tính đến hết ngày 10/9, nước này đã thực hiện được 38.001.646 mũi tiêm ngừa COVID-19, bao gồm hoàn thành tiêm chủng cho 16.856.812 người, chiếm 51,6% dân số. Nếu chỉ tính số người trên 18 tuổi thì đã có 90,5% được tiêm ít nhất 1 mũi vaccine ngừa COVID-19. Trong ngày 10/9, Malaysia tiêm ngừa COVID-19 cho 287.059 người, trong đó có 111.027 người tiêm mũi thứ nhất và 176.032 người tiêm mũi thứ 2.
COVID-19 tại ASEAN hết 5/9: Ca mắc mới tại Lào tăng trở lại; Malaysia và Philippines trở thành hai ổ dịch lớn nhất Theo thống kê của trang worldometers.info, tính tới 23 giờ 59 phút ngày 5/9, các nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) ghi nhận thêm 75.341 ca mắc bệnh COVID-19 so với 1 ngày trước, trong khi tổng số ca tử vong tăng lên trên 232.000 người. Phun thuốc khử trùng để ngăn chặn dịch COVID-19 tại Yogyakarta, Indonesia,...