COVID-19 tại ASEAN hết 14/11: Toàn khối gần 25.000 ca tử vong; Malaysia tăng vọt ca nhiễm
Tính tới 23 giờ 59 phút ngày 14/11, các nước ASEAN ghi nhận thêm 9.321 ca mắc COVID-19 so với 1 ngày trước, trong khi tổng số ca tử vong đã lên tới gần 25.000 người.
Người dân đeo khẩu trang phòng dịch, sơ tán để tránh bão Vamco tại Quezon, Philippines, ngày 12/11/2020. Ảnh: THX/ TTXVN
Theo trang thống kê worldometer.info, tính đến hết ngày 14/11, các nước ASEAN ghi nhận tổng cộng 1.047.306 ca mắc COVID-19 trong đó có 24.903 ca tử vong và 858.946 bệnh nhân đã bình phục.
Indonesia tiếp tục dẫn đầu khu vực về cả ca nhiễm và tử vong mới, với số ca mắc mới tăng vọt lên trên 5.000 ca/ ngày. Ba quốc gia có số ca nhiễm mới ở mức 4 con số còn lại là Philippines, Malaysia và Myanmar. Trong đó, tình hình Malaysia trở nên đáng lo ngại hơn khi số ca nhiễm mới tăng lên 4 con số sau chuỗi ngày ở mức 3 con số.
Biểu đồ tổng số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 và tử vong tại các nước ASEAN đến hết ngày 14/11/2020 (Theo số liệu của worldometers.info).
Indonesia sẽ tiêm phòng COVID-19 hàng loạt ngay trong năm nay
Chính phủ Indonesia đang tìm kiếm lệnh uỷ quyền khẩn cấp để bắt đầu tiến hành chiến dịch tiêm chủng đại trà phòng COVID-19 từ cuối năm 2020. Đây là thông báo được Tổng thống Joko Widodo đưa ra ngày 13/11.
Người dân sát khuẩn tay phòng lây nhiễm COVID-19 tại khu trại tạm ở làng Stabelan, Boyolali, Trung Java, Indonesia, ngày 10/11/2020. Ảnh: THX/ TTXVN
Trả lời phỏng vấn Reuters, ông Widodo cho biết các kế hoạch đang được xúc tiến nhằm phân phối vaccine trên khắp đất nước. Nếu vaccine COVID-19 được Cơ quan Dược và Thực phẩm Indonesia (BPOM) cấp phép, thì quốc gia đông dân số 4 thế giới này sẽ là nước đầu tiên mở chiến dịch tiêm chủng hàng loạt vaccine COVID.
“Chúng ta chờ đợi bắt đầu chương trình tiêm chủng vào cuối năm nay sau một loạt thử nghiệm của BPOM”, ông Widodo nói.
Ngày 14/11, Indonesia ghi nhận 5.272 ca nhiễm mới COVID-19. Trước đó ngày 13/11, nước này cũng ghi nhận ca nhiễm mới trong ngày cao kỷ lục là 5.444 ca, cao hơn nhiều so với mức nhiễm mới trung bình trong 2 tuần qua là trên 3.500 ca.
Tổng thống Widodo nhấn mạnh rằng đảm bảo an toàn vaccine là một ưu tiên, và các lực lượng y tế, quân đội cảnh sát sẽ là những người ở tuyến đầu khi chiến dịch chủng ngừa bắt đầu.
Học sinh đeo khẩu trang và tấm chắn giọt bắn tại Hội chợ Khoa học Công nghệ quốc gia 2020 ở Bangkok, Thái Lan ngày 13/11. Ảnh: Bangkok Post
Singapore: Thủ tướng Lý Hiển Long kêu gọi nối lại dần hoạt động đi lại
Phát biểu tại các cuộc đối thoại trực tuyến riêng rẽ giữa Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) với Australia và New Zealand, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long ngày 14/11 đã hối thúc Australia và New Zealdan dỡ bỏ những hạn chế đi lại đối với các nước ASEAN để tạo điều kiện phục hồi kinh tế sau đại dịch COVID-19.
Theo ông Lý Hiển Long, cả hai bên cần phải hợp tác tiến tới việc dỡ bỏ một cách tích cực và an toàn những hạn chế đi lại khi tình hình dịch COVID-19 trở nên ổn định.
Thủ tướng Lý Hiển Long cho rằng để có được trạng thái bình thường mới sau dịch COVID-19, các nước cần phải hợp tác với nhau nhằm đảm bảo “nguồn cung bình đẳng, hiệu quả và bền vững vắc-xin ngừa COVID-19 và phương pháp điều trị COVID-19″.
Ông Lý Hiển Long nhấn mạnh Singapore, Australia và New Zealand ủng hộ “chủ nghĩa đa phương vắc-xin và là những người bạn của Cơ chế tiếp cận toàn cầu vắc-xin ngừa COVID-19 (COVAX) của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO)”. Ông Lý Hiển Long cũng kêu gọi sự hợp tác trong phát triển và cung cấp vắc-xin ngừa COVID-19, trong khôi phục kinh tế bằng việc tăng cường cơ chế dựa trên luật lệ và các chuỗi cung ứng mở.
Trong ngày 14/11, Singapore chỉ ghi nhận 2 ca nhiễm mới COVID-19, nâng tổng số hiện nay là 58.116, trong đó 58.001 ca đã hồi phục.
Malaysia: Ngân sách lớn vẫn không đủ bù đắp cho ảnh hưởng của đại dịch
Theo tờ Straits Times, ngân sách kỷ lục của Malaysia, được công bố trong tuần trước, có thể vẫn không đủ để xoa dịu những tổn thất do đại dịch COVID-19. Theo đó, ngân sách năm 2021 được đề xuất là 322,5 tỉ ringgit (105,4 tỉ đôla Singapore) sẽ cao hơn chi tiêu của năm nay 2,5%.
Dịch COVID-19 đang gây tác động nặng nề lên đời sống của người lao động Malaysia. Ảnh: Reuters
Người dân Malaysia vốn bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch, đang hy vọng rằng những hứa hẹn với ngân sách năm tới sẽ giúp hỗ trợ họ về tài chính. Chị Hafizah Husni, 38 tuổi, một bà mẹ ba con đơn thân, nói rằng thu nhập bị cắt giảm do ít việc làm hơn. Chị không thể trả tiền chăm sóc trẻ khi ra ngoài làm việc. Chính phủ cho biết họ sẽ chi 20 triệu ringgit để thành lập các trung tâm chăm sóc trẻ em cho các gia đình có thu nhập thấp.
Liên quan đến tình hình dịch COVID, ngày 14/11, Malaysia ghi nhận 1.114 ca nhiễm mới và 2 ca tử vong. Số ca bệnh tại nước này hiện đã lên tới 46.209 trường hợp, trong đó có 306 ca tử vong và 33.772 bệnh nhân đã hồi phục.
Trong một diễn biến khác, theo tờ Straits Times, giới chức Malaysia hiện đang tìm kiếm 400 người dân đã bỏ trốn khỏi một quận gần sân bay quốc tế Kuala Lumpur ngay trước khi khu vực này bị phong toả trong tuần trước. Theo đó, khu vực Medan 88 thuộc quận Sepang, bang Selangor bị áp đặt phiên bản siết chặt hơn của lệnh kiểm soát đi lại (MCO). Lệnh này quy định khu vực đối tượng sẽ bị rào dây thép gai xung quanh nhằm ngăn người dân vào hoặc ra trong vòng 14 ngày. Tuy nhiên trước khi khu vực bị phong toả, khoảng 400 cư dân được cho là đã bỏ trốn. Cảnh sát hiện đang truy dấu vết và bắt giữ lại những người này nhằm tránh nguy cơ lây lan.
Nền kinh tế Malaysia bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch. Ảnh: Reuters
Philippines và Myanmar: Ca nhiễm mới vẫn ở mức 4 con số
Ngày 14/11, Philippines xác nhận thêm 1.650 ca nhiễm COVID-19 mới, nâng tổng số ca bệnh tại nước này lên 406.337 ca, trong đó 322.414 người đã bình phục và 7.791 ca tử vong.
Cùng ngày, Myanmar vẫn tiếp tục ghi nhận số ca nhiễm mới ở mức cao, với 1.277 trường hợp. Số ca bệnh tại nước này hiện đã lên đến 68.011 ca, đứng thứ ba trong khu vực ASEAN. ‘
Bão Vamco khiến 14 người chết ở Philippines
Bão Vamco sau khi đổ bộ Philippines gây mưa lớn và ngập lụt nghiêm trọng, khiến 14 người chết và hàng nghìn người phải sơ tán.
Ricardo Jalad, giám đốc Cơ quan Quản lý và Giảm thiểu Rủi ro Thiên tai quốc gia Philippines, hôm nay cho biết Vamco đã khiến ít nhất 14 người chết, 8 người bị thương và 14 người mất tích. Nhiều khu vực trũng thấp ở thủ đô Manila và các tỉnh lân cận bị ngập lụt nghiêm trọng do mưa lớn xối xả.
Giới chức Philippines cho hay một số trường hợp tử vong đang chờ xác minh, thêm rằng con số này có thể sẽ tăng lên. Quân đội cho biết số người thiệt mạng là 39 người và 22 người mất tích.
Vamco là cơn bão mạnh thứ ba đổ bộ vào Philippines trong vòng nhiều tuần gần đây. Ở thành phố Marikina, một trong những khu vực bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất trong Vùng đô thị Manila, các con phố chất đầy máy giặt, tivi và đồ dùng của nhiều gia đình bị nước cuốn trôi.
Lực lượng cứu hộ sơ tán người dân ở Marikina, Philippines, hôm 12/11. Ảnh: AP.
Hiện hàng trăm nghìn người vẫn phải sống trong cảnh mất điện sau khi Vamco đổ bộ vào đảo chính Luzon hôm 11/11 và 12/11, gây ra lở đất, cây đổ và cắt đứt nhiều tuyến đường giao thông.
Giới chức tuyên bố sẽ hỗ trợ thực phẩm và các nhu yếu phẩm khác cho người dân, trong đó có những người vừa trải qua hai cơn bão Molave và Goni. Phát ngôn viên của Tổng thống Duterte Harry Roque đã cam kết chính phủ sẽ "hành động nhanh chóng".
"Thật không may, chúng tôi không thể làm gì với nước lũ dâng quá nhanh. Tuy nhiên, chúng tôi đảm bảo rằng sẽ không có ai bị bỏ lại phía sau", ông Roque cho biết.
Vamco gây mưa lớn và ngập lụt nghiêm trọng khi đổ bộ vào Philippines hôm 11/11 và 12/11. Video: Twitter/ @NewsKali.
Giới chức Philippines nói thêm nhiều người dân đã phớt lờ yêu cầu sơ tán và không kịp trở tay khi nước dâng nhanh. Cảnh sát, quân đội và nhiều lực lượng đã được triển khai để hỗ trợ cứu hộ, sử dụng thuyền tiếp cận hàng nghìn người dân mắc kẹt. Công tác cứu hộ phần nào phức tạp hơn do đại dịch Covid-19, quan chức Philippines nói thêm.
Trước Vamco, Philippines hứng chịu Goni, cơn bão mạnh nhất thế giới trong năm 2020. Goni đã giết chết ít nhất 25 người Philippines, khiến hàng nghìn người mất nhà cửa và gây thiệt hại khoảng 18 tỷ peso (hơn 370.000 USD) cho nước này. Philippines mỗi năm hứng chịu khoảng 20 cơn bão nhiệt đới, gây thiệt hại nặng nề về người và kinh tế.
Dự kiến đường đi của bão Vamco. Đồ họa: NCHMF
Trung, Nhật, Hàn cùng nhấn mạnh hợp tác đa phương Lãnh đạo Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc nhấn mạnh tầm quan trọng của hợp tác đa phương, coi trọng vai trò trung tâm của ASEAN tại Hội nghị Cấp cao ASEAN 3. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hôm nay chủ trì Hội nghị Cấp cao ASEAN 3 lần thứ 23 với sự tham dự của lãnh đạo các nước ASEAN, Thủ tướng...