Covid-19: Phụ nữ trẻ làm ở Singapore gửi sữa mẹ về nuôi con ở Malaysia
Câu chuyện cảm động về các bà mẹ trẻ Malaysia làm việc ở Singapore cố gắng gửi sữa của mình về nuôi con ở quê hương giữa mùa dịch Covid-19.
Trước trở ngại là dịch Covid-19 và kiểm soát biên giới, các bà mẹ trẻ là người Malaysia nhưng làm việc ở Singapore vẫn xoay sở để gửi khoảng 3 tấn sữa mẹ đông lạnh về quê nhà cho con thơ.
Sữa mẹ của các lao động nữ Malaysia ở Singapore được cất trữ trong tủ lạnh với hy vọng sẽ được gửi về cho con thơ ở quê hương. Ảnh: Nhóm bà mẹ Malaysia ở Singapore.
Đã một tháng kể từ khi Christina Lye, 28 tuổi, được trực tiếp nhìn thấy đứa con mới 3 tháng tuổi của mình. Nhân viên làm đẹp này cùng chồng mình hiện đang trú ngụ trong một căn phòng nhỏ thuê ở Singapore. Mới đây họ cũng đã thuê một ngôi nhà ở thành phố Johor Bahru (Malaysia) để mẹ chồng của Lye có thể chuyển từ bang Sabah (Malaysia) tới đó chăm sóc con của 2 người.
Lye không thể đi về Johor Bahrru khi mà Malaysia thực hiện lệnh kiểm soát đi lại (MCO) từ ngày 18/3 sau khi số ca mắc Covid-19 mới trong ngày đã tăng tới 3 con số.
MCO ban đầu chỉ kéo dài 14 ngày nhưng sau đó được gia hạn tới 2 lần. Trong khi đó, Singapore cũng bước vào thời kỳ cách ly “ngắt mạch lây nhiễm” từ ngày 7/4 đến ngày 4/5.
Những trẻ sơ sinh thiếu sữa mẹ
Với việc hạn chế đi lại được áp dụng ở cả 2 nước, chuyến đi hàng tuần của Lye về Malaysia thông qua con đường đắp cao nối Malaysia và Singapore qua eo biển đã trở nên bất khả thi. Cô giờ không thể mang sữa đông lạnh của mình về cho con uống – cháu bé lúc sinh ra đã bị viêm nhiễm ở phổi và được kê đơn dùng kháng sinh trong 5 ngày sau sinh.
Lye nói với CNA: “Do lệnh phong tỏa, không có cách nào để tôi có thể gửi sữa của mình về quê nhà. Mà mẹ chồng tôi bảo tôi rằng cháu ở nhà toàn bị trớ khi được cho ăn bằng thực phẩm lỏng thay sữa mẹ. Tôi thực sự lo lắng”.
Những ngày này, Lye chỉ có thể nhìn con mình thông qua các cuộc gọi video. “Cháu nó chẳng nhận ra tôi… Thằng cu cứ khóc hoài mà chúng tôi chẳng làm được gì cả”.
Hóa ra đây không phải là cảnh ngộ của riêng Lye. Có hơn 350 phụ nữ Malaysia có cùng cảnh ngộ như vậy. Những người phụ nữ này phải bỏ lại con cái để sang Singapore kiếm tiền. Họ chia sẻ câu chuyện của mình trong một “group” trên mạng xã hội Facebook.
Rất nhiều người tỏ ra lo lắng khi mà kho sữa mẹ của họ tích trữ trong tủ lạnh ở nhà đã giảm đi nhanh chóng. Họ hy vọng tiếp tục được cung cấp sữa mẹ cho con. Sữa mẹ vẫn được ca ngợi là tốt nhất cho trẻ sơ sinh.
Sữa mẹ được đóng gói để gửi từ Singapore về Malaysia. Ảnh: Nhóm bà mẹ Malaysia ở Singapore.
Một bà mẹ trẻ khác, tự nhận là Tee, cho hay cô khóc mỗi đêm vì nhớ con trai.
Cô bảo mẫu này vừa từ Malaysia trở lại Singapore làm việc. Cô hiện tạm ngưng công việc theo yêu cầu của chính phủ Singapore trong mùa dịch Covid-19 này.
Cô đã gia nhập mọi nhóm Facebook về hậu cần/logistics mà cô tìm được và đã liên lạc một số nhà vận chuyển để có thể gửi sữa cho đứa con 6 tháng tuổi ở bang Selangor (Malaysia).
Một số nhà vận chuyển đưa ra mức phí cao chót vót, số khác từ chối nhận vận chuyển hàng là sữa mẹ. Có một nhà vận chuyển ban đầu đồng ý nhưng sau đó hủy bỏ việc này khi có thông tin Singapore đã thắt chặt kiểm soát biên giới.
Rốt cuộc cô Tee, 29 tuổi, đã mở một nhóm Facebook cho tất cả các bà mẹ mà cô gặp. Đây là nơi để họ chia sẻ ý tưởng cũng như nguồn lực.
Video đang HOT
Nhiệm vụ suýt bất khả thi, chạy đua với thời gian
Khi Malaysia và Singapore công bố hạn chế đi lại để khống chế đại dịch Covid-19, cô Tee đã nghĩ tới việc xin nghỉ phép trong năm để có thể được ở bên con tại Selangor nhưng nhà tuyển dụng của cô liền thông báo rằng nếu nghỉ thì nên làm đơn xin thôi việc luôn.
Khi cuộc cách ly xã hội được khởi động ở Singapore, các giáo viên như Tee được yêu cầu luân phiên lên cơ quan để trông nom con cái của các nhân viên ngành nghề thiết yếu. Cô chia sẻ: “Tôi không thể mất việc, nhất là khi nền kinh tế đang không được tốt cho lắm”.
Dù nhớ con da diết, Tee hiểu rằng ngồi quanh quẩn một chỗ không giải quyết được việc gì. Việc quản lý nhóm trên Facebook với thành viên là 350 bà mẹ đã mang lại cho cô cảm nhận về trách nhiệm và sứ mệnh phải hoàn thành.
Đến khi các bà mẹ đã cạn kiệt hy vọng vào cuối tháng 3 thì một hãng vận chuyển có trụ sở ở Malaysia đã đồng ý giúp đỡ họ, đầu tiền là với 20 bịch sữa mẹ đông lạnh gửi từ Singapore tới Johor (Malaysia) vào ngày 29/3 với cước phí nho nhỏ là 10 đô la Singapore, rồi 2 ngày sau đó họ gửi thêm 20 bịch sữa nữa tới các bang xa hơn. Trọng lượng tối đa của mỗi bịch sữa này là 20kg.
Các bà mẹ phấn khởi vô cùng. Đồng thời họ cũng lo lắng khi nào thì đến lượt mình. Vận may lại mỉm cười với họ khi một trong số họ tiếp cận được một nghị sĩ ở Johor, tên là Andrew Chen Kah Eng, người đã đứng ra giúp đỡ cho họ.
Vị chính trị gia thuộc Đảng Hành động Nhân dân này tuyên bố rằng chưa bao giờ trong lịch sử lại có lượng lớn sữa mẹ đông lạnh như thế được đưa qua tuyến đường đắp cao nối Malaysia và Singapore theo cách như thế này. Thường thì các bà mẹ chỉ mang theo sữa của bản thân họ qua biên giới 2 nước bằng cách đựng trong hành lý cá nhân.
Ông Andrew Chen Kah Eng nói với CNA: Thu xếp được mọi thứ như thế này là cả một công phu. Ông cho biết thêm, mình đã phải sử dụng đến ảnh hưởng của cá nhân và huy động các tình nguyện viên, các nhân viên trong ngành logistics để hiện thực hóa điều này.
Vào ngày 8/4, 30 bịch sữa mẹ, nặng tới 600kg, được đưa tới văn phòng của chính trị gia Chen Kah Eng, rồi từ đó nhanh chóng được phân phát cho các em bé ở Johor Bahru.
Sữa mẹ đông lạnh đã về tới Johor Bahru, Malaysia sau khi được vận chuyển từ Singapore. Ảnh: Chen Kah Eng.
Trong lô hàng thứ 2, Chen và các mối liên hệ của mình đã thu xếp để có được một phòng lạnh ở Singapore, nơi các bà mẹ cho sữa đông lạnh vào các bịch, tuân thủ quy tắc giãn cách an toàn.
Từ phòng lạnh này, 118 bịch chứa 2.300kg sữa mẹ được gửi sang một phòng lạnh ở Johor Bahru bằng xe tải có máy lạnh. Chúng sau đó được phát cho trẻ em ở nhiều bang khác nhau, có nơi xa như Perak, Penang và Kedah.
Phí “ship” hàng tùy thuộc vào cự ly, dao động từ 30 ringgit đến 200 ringgit.
Chen cho biết, các công ty vận chuyển tham gia vào chương trình này đã nộp trước cho hải quan Malaysia các tài liệu liên quan. “Đây là nỗ lực tập thể, không riêng gì tôi. Đây là cuộc đua với thời gian vì sữa mẹ không thể đóng băng hoàn toàn”.
Chen tâm sự: “Tôi rất lo lắng nhưng các bà mẹ còn lo lắng hơn nữa. Tôi cuối cùng có thể thở phào nhẹ nhõm khi các bịch sữa tới nơi”.
Toàn bộ dự án này được tiến hành dựa trên niềm tin vào một thời kỳ đặc biệt, theo Novan Hing, Chủ tịch Hiệp hội Xe tải Johor.
Hing cho biết, sữa mẹ không phải là sản phẩm thương mại, và không có kênh nào để xe thương mại vận tải sản phẩm này từ Singapore sang Malaysia.
Hing cho biết mình được Chen mời tham gia trong đợt vận chuyển thứ 1 nhưng đã không có tương tác trực tiếp nào với các bà mẹ và gia đình của họ. Tuy nhiên ông vẫn cảm thấy ấm lòng khi được nhìn thấy các comment (bình luận) của họ trên Facebook tri ân công ty vận tải và Hiệp hội Xe tải nói trên.
Mong ngày gặp lại con yêu
Sứ mệnh này đã tạo ra mối liên hệ chặt chẽ giữa hơn 300 người mẹ với nhau. Họ thường xuyên động viên lẫn nhau. Một số người còn tốt bụng để cho những ai có nhu cầu khẩn cấp hơn được ưu tiên vận chuyển sữa trước.
Một quản trị viên tên là Choong (32 tuổi) của nhóm Facebook này cho hay: “Chúng tôi nói rằng nếu các chị em có vấn đề gì thì cứ chia sẻ với chúng tôi, đừng cứ giữ kín trong lòng”.
Bản thân con của Choong mới 6 tháng tuổi và đang ở với một người trông trẻ ở Johor Bahru.
Nhân viên chăm sóc sắc đẹp Lye cho biết, cô tiếp tục tự vắt sữa và cất sữa đó trong tủ lạnh. Khi lượng sữa đầy lên, cô có thừa sữa để quyên tặng cho ngân hàng sữa người của một bệnh viện ở Singapore nhằm trợ giúp các em bé sinh non và ốm yếu.
Trong khi đó vẫn còn các bà mẹ đợi đến lượt được gửi sữa của mình về nhà.
Eunice Teo, 31 tuổi, có 1 bé gái 4 tháng tuổi. Cô hiện để con cho một người trông giữ trẻ chăm sóc ở Kuching, Sarawak. Trước đó cô chăm sóc bé được 2 tháng.
Kế hoạch đi đi về về giữa Kuching và Singapore một lần một tuần đã bị phá sản do MCO của Malaysia và chương trình ngắt mạch dịch bệnh của Singapore.
Nhưng ngay cả khi việc hạn chế đi lại ở Malaysia và việc giãn cách xã hội ở Singapore kết thúc thì chưa chắc Teo đã có thể về Malaysia ngay được vì cả 2 nước đều áp dụng cách ly 14 ngày đối với những người vừa trở về từ hải ngoại.
Trung Hiếu
Sau Mỹ và châu Âu, Đông Nam Á sẽ trở thành tâm dịch Covid-19 mới?
Nhiều chuyên gia lo ngại rằng Đông Nam Á có thể trở thành điểm nóng tiếp theo trong tiến trình lây lan nhanh chóng của dịch bệnh Covid-19.
Số ca mắc Covid-19 tại Đông Nam Á đã gia tăng nhanh chóng trong những tuần gần đây, điều này khiến nhiều chuyên gia lo ngại rằng khu vực có thể trở thành điểm nóng tiếp theo trong tiến trình lây lan nhanh chóng của dịch bệnh.
Nhiều người chen chúc ở bến xe buýt tại Manila, Philippines sau khi thành phố này bị phong tỏa để chống dịch. Ảnh: Reuters.
Theo số liệu của Đại học Johns Hopkins, tại Đông Nam Á đã có hơn 28.000 trường hợp nhiễm virus SARS-CoV-2 tính đến cuối tuần qua. Trong đó, Philippines, Malaysia và Singapore chiếm 87,9% tổng số ca mắc.
Dù tổng số ca mắc trong khu vực vẫn còn kém xa so với hàng trăm nghìn trường hợp tại Mỹ và một số quốc gia châu Âu, nhưng nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng hàng chục nghìn ca mắc có thể đã không được phát hiện do tỷ lệ xét nghiệm thấp tại những nước như Indonesia và Philippines.
Trong khi đó tại Singapore, số ca bệnh đã gia tăng đột biến trong 2 tuần qua, với các ổ dịch mới được phát hiện trong số những lao động nhập cư sống tại các ký túc xá chật chội. Trước đó, cách thức đối phó với dịch bệnh của chính phủ Singapore được khen ngợi như một hình mẫu đáng để học tập của nhiều quốc gia trên thế giới.
Phát biểu với CNBC, Chủ tịch của Viện nghiên cứu quốc tế Singapore Simon Tay cho biết: "Thực tế là số trường hợp mắc bệnh đang gia tăng với tốc độ nhanh tại Đông Nam Á". Theo chuyên gia này, chính phủ các nước phải hành động nhanh chóng để ngăn chặn sự bùng phát của dịch bệnh: "Chúng ta cần phải hành động. Số lượng xét nghiệm của Philippines và Indonesia hiện giờ vẫn quá thấp", ông nói.
Năng lực xét nghiệm không đồng đều
Năng lực xét nghiệm virus SARS-CoV-2 không đồng đều trên khắp khu vực Đông Nam Á. Singapore nằm trong top đầu của thế giới với 16.203 xét nghiệm trên 1 triệu người, trong khi Myanmar gần chạm đáy với chỉ 85 xét nghiệm trên 1 triệu người, theo dữ liệu của trang thống kê toàn cầu Worldometers.
Nhưng các chuyên gia đều chỉ ra rằng, Indonesia và Philippines mới là những nước đáng lo ngại vì có đông dân số.
Indonesia, có dân số lớn thứ 4 thế giới với hơn 270 triệu người đã thực hiện tổng cộng 42.000 xét nghiệm. Theo Worldometers, tỷ lệ nói trên tương đương với 154 xét nghiệm trên 1 triệu người, thuộc diện thấp nhất thế giới.
Nhà chức trách Indonesia đã đặt mục tiêu tiến hành 10.000 xét nghiệm mỗi ngày, đồng thời dự đoán số ca mắc có thể lên tới 95.000 khi việc xét nghiệm được tăng cường, Reuters đưa tin.
Tại Philippines, Tổng thống Rodrigo Duterte tuần trước phê chuẩn việc mua thêm 900.000 bộ kit xét nghiệm, cùng với 100.000 bộ kit sẵn sàng đưa vào sử dụng. Chính phủ Philippines đã thực thi biện pháp phong tỏa chặt chẽ, song cho biết, theo mô hình dịch bệnh của nước này, có thể có khoảng 15.000 trường hợp mắc vẫn chưa được phát hiện.
Vấn đề đáng lo ngại tại Indonesia
Indonesia - nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á thông báo ghi nhận ca mắc Covid-19 đầu tiên vào đầu tháng 3/2020. Thông tin này đã khiến nhiều nhà quan sát ngạc nhiên bởi Indonesia có sự liên kết mở rộng về hàng không với Trung Quốc và thành phố Vũ Hán - nơi khởi phát dịch bệnh.
Trái lại, các nước láng giềng như Singapore và Malaysia bắt đầu xác định các ca mắc sớm nhất là vào tháng 1, trong đó, nhiều người đã xuất hiện triệu chứng sau khi thăm Indonesia.
Ngoài việc chậm trễ trong tiến hành xét nghiệm, chính phủ của Tổng thống Joko Widodo cũng bị chỉ trích vì không thực hiện biện pháp phong tỏa trên toàn quốc và không cấm việc đi lại trong nước. Dù trước đó Tổng thống Widodo đã cho phép chính quyền thành phố Jakarta và một số khu vực khác thực hiện biện pháp phong tỏa.
"Có vẻ như ông Widodo đã ưu tiên bảo vệ nền kinh tế hơn là ngăn chặn sự lây lan của virus SARS-CoV-2", Brad Bradley Wood, thành viên của Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc phòng của Đại học Quốc gia Australia nhận định trong 1 báo cáo hồi đầu tháng 4.
Theo thông lệ, hàng triệu người Indonesia thường đi lại trên khắp đất nước để trở về quê hương vào cuối tháng lễ ăn chay Ramadan, tham gia những bữa tiệc lớn và lễ kỷ niệm cùng với người thân hay bạn bè. Điều đó có thể dẫn đến nguy cơ bùng phát 1 triệu ca mắc tại Java - hòn đảo đông dân nhất của Indonesia, Reuters trích dẫn một mô hình mới được công bố của Đại học Indonesia cho biết.
Tuần trước, Reuters dẫn lời người đứng đầu lực lượng đặc nhiệm chống Covid-19 của Indonesia, Doni Monardo cho biết, chỉ những người thất nghiệp mới được phép đi lại và họ sẽ phải trải qua 14 ngày cách ly bởi theo ông, họ có thể sẽ có được cuộc sống tốt hơn bên ngoài các thành phố lớn.
Số ca mắc gia tăng đột biến tại Singapore
Tại Singapore, số các trường hợp nhiễm mới virus SARS-CoV-2 đã nhiều lần phá vỡ kỷ lục trong tuần qua, bất chấp các biện pháp kiểm dịch và sàng lọc chặt chẽ của chính phủ. Điều này đã nêu bật những thách thức mà Singapore đang phải đối mặt trong việc ngăn chặn dịch bệnh.
Singapore là 1 trong những quốc gia đầu tiên bên ngoài Trung Quốc thông báo về các trường hợp mắc Covid-19 và đã từng hạn chế số lượng ca mắc ở mức tương đối thấp, cho phép các trường học và doanh nghiệp duy trì mở cửa cho đến đầu tháng 4. Hầu hết các ca mắc mới phát hiện thời gian gần đây ở Singapore liên quan đến lao động nhập cư, nhiều người trong số này đến từ Nam Á, làm việc trong lĩnh vực xây dựng.
Leong Hoe Nam, một chuyên gia về bệnh truyền nhiễm tại Bệnh viện Mount Elizabeth Novena ở Singapore cho biết: "Thậy đáng buồn khi sự gia tăng số ca mắc, trong đó có nhiều lao động nhập cư nước ngoài xuất hiện khi chính phủ đã kiểm soát thành công số ca mắc "nhập ngoại" và sự lây lan trong cộng đồng".
"Chúng tôi đã kiểm soát tốt các ca bệnh từ nước ngoài trở về Singapore. Trong cộng đồng địa phương, số ca mắc cũng kiểm soát được phần nào. Nhưng đối với các lao động nước ngoài sống trong các ký túc xá chúng tôi lại có 1 vấn đề lớn", ông Leong Hoe Nam phát biểu với CNBC./.
Hồng Anh
Indonesia thành vùng dịch lớn thứ hai Đông Nam Á Indonesia vượt Malaysia, trở thành vùng dịch lớn thứ hai Đông Nam Á, chỉ sau Philippines, khu vực cũng ghi nhận thêm hơn 1.000 ca nhiễm nCoV. Indonesia hôm nay báo cáo thêm 380 ca nhiễm và 29 ca tử vong do nCoV, nâng số ca nhiễm và tử vong lên lần lượt 5.516 và 498, trở thành nước ghi nhận số người...