COVID-19: Pháp có hơn 17.000 ca thiệt mạng, Đức duy trì lệnh phong tỏa đến 3/5
Số người chết do COVID-19 tại Pháp lên vượt 17.000, trong khi Đức tiếp tục duy trì các biện pháp chống dịch đến ngày 3/5.
Số ca thiệt mạng ở Pháp vượt 17.000
Ngày 15/4, Pháp ghi nhận thêm 1.438 trường hợp thiệt mạng do COVID-19, đưa số người chết lên 17.167. Hiện tổng số ca nhiễm bệnh tại Pháp cũng tăng lên 147.863 trường hợp.
Hiện tại Pháp vẫn còn 6.457 bệnh nhân phải được chăm sóc đặc biệt và có 31.000 ca hồi phục và ra viện.
Tổng số người chết lên do nCoV tại Pháp tăng lên 17.167. (Ảnh: France24)
Bộ Y tế Pháp cho biết, số người chết trong bệnh viện đã tăng thêm 514 người, tăng 5% so với ngày trước đó (541 người), qua đó nâng tổng số ca chết ở bệnh viện lên 10.643.
Tại các viện dưỡng lão, Pháp ghi nhận thêm 924 người chết, tăng 17% so với ngày trước đó (221 người), nâng tổng số người chết tại viện dưỡng lão lên 6.524.
Giới chức y tế Pháp cho rằng, bệnh nhân COVID-19 phát triển khả năng miễn dịch từ 2-3 tuần sau khi nhiễm virus.
Tổng Giám đốc Cơ quan Y tế công cộng Pháp Jérôme Salomon cho biết, có những tín hiệu tích cực về dịch COVID-19 và kêu gọi người dân Pháp tuân thủ nghiêm ngặt các biện pháp phong tỏa.
“ Đây là những dấu hiệu đầu tiên. Chúng tôi phải cẩn trọng và chờ đợi sự phát triển trong vài ngày tới“, ông Salomon nói.
Đức duy trì lệnh phong tỏa đến ngày 3/5
Ngày 15/4, Thủ tướng Đức Angela Merkel và Thủ hiến các bang ở Đức họp trực tuyến bàn về các biện pháp chống dịch COVID-19 và nhất trí tiếp tục duy trì các biện pháp giãn cách xã hội đến ngày 3/5.
Thủ tướng Merkel sau đó nhấn mạnh, các biện pháp giãn cách xã hội mà chính phủ liên bang áp đặt trên toàn quốc kể từ hôm 23/3 bước đầu có hiệu quả, góp phần làm giảm đáng kể tỉ lệ lây nhiễm dịch COVID-19.
Thủ tướng Đức Angela Merkel. (Ảnh: Reuters)
Các quy định như cấm tụ tập từ 2 người trở lên, hạn chế tiếp xúc với người khác, giữ khoảng cách 1,5m với người khác ở nơi công cộng, đóng cửa các trường học, nhà hàng… sẽ vẫn được áp dụng trên phạm vi toàn nước Đức.
Các sự kiện lớn như thể thao và các buổi hòa nhạc sẽ vẫn bị cấm cho đến ngày 31/8. Các quán bar, nhà hàng, nhà hát và rạp chiếu phim sẽ đóng cửa cho đến khi có thông báo mới. Các cuộc tụ họp tôn giáo cũng bị cấm.
Bên cạnh đó, Thủ tướng Đức Angela Merkel cũng khuyến nghị người dân nên đeo khẩu trang trên tàu, xe buýt, trong các cửa hàng và những nơi công cộng.
Theo Thủ tướng Merkel, một số biện pháp nới lỏng cách ly cũng được thảo luận, trong đó có kế hoạch từng bước mở của trường học từ ngày 4/5.
Video: Quốc đảo chưa bị ảnh hưởng bởi COVID-19 vì ít người ghé thăm nhất thế giới
Ngoài ra, chính quyền cho phép các cửa hàng bán lẻ có diện tích lên tới 800 m2 được hoạt động trở lại kể từ ngày 20/4 tới. Tuy nhiên, những cửa hàng này cần phải đảm bảo được các yêu cầu nghiêm ngặt về vệ sinh.
Theo dữ liệu thống kê từ Worldometers, đến nay Đức ghi nhận 134.753 người nhiễm virus corona chủng mới, trong đó có 3.804 ca thiệt mạng.
KÔNG ANH
Báo chí quốc tế nể phục cuộc chiến chống COVID-19 của Việt Nam
Nể trọng, ngưỡng mộ là cảm xúc chính thể hiện qua nhiều bài viết trên các trang báo quốc tế tuần qua khi nói về cuộc chiến chống dịch ở Việt Nam, Sputnik bình luận.
Trong bài viết đăng tải mới đây phân tích cách dập dịch của Việt Nam, tờ The Asean Post đặt câu hỏi: Phải chăng số người nhiễm bệnh thấp xuất phát từ nguyên nhân Việt Nam không thực hiện đầy đủ các xét nghiệm COVID-19? Tuy nhiên, tờ báo này ngay sau đó khẳng định: Không, không phải là như vậy!
"Các nước khác trong ASEAN và phần còn lại của thế giới có thể rút ra bài học từ cách phản ứng mau lẹ và dứt khoát của Việt Nam trong cuộc chiến chống đại dịch COVID-19", The Asean Post khẳng định.
Nhiều trang báo quốc tế viết về cuộc chiến chống dịch ở Việt Nam. (Ảnh: Reuters)
Tờ báo nhấn mạnh Việt Nam chiến thắng trong "cuộc chiến chống COVID-19" nhờ thực hiện các biện pháp nghiêm ngặt và kịp thời để theo dõi, cách ly người nhiễm bệnh và những người mà họ tiếp xúc. Việt Nam cũng duy trì giám sát chặt chẽ với các trường hợp nghi nhiễm.
The Strategist lưu ý, Chính phủ Việt Nam đã thắt chặt kiểm soát biên giới và đưa các bệnh viện cùng cơ quan y tế địa phương vào tình trạng báo động cao chỉ 3 ngày sau khi dịch COVID-19 bùng phát ở Trung Quốc, thậm chí trước cả khi Hồ Bắc ghi nhận các ca thiệt mạng đầu tiên.
Chính phủ Việt Nam tập trung vào việc truyền thông và giáo dục cho người dân dựa trên sự hỗ trợ của nền tảng công nghệ và hệ thống theo dõi các vật chủ mang vi sinh vật gây bệnh.
Theo The Strategist, tại Việt Nam, các công dân tự nguyện chia sẻ thông tin y tế cá nhân thông qua một ứng dụng do Chính phủ đề xuất với tên gọi NCOVI. Chính quyền các địa phương cũng tích cực tương tác với người dân thông qua mạng xã hội.
"Kinh nghiệm của Việt Nam cho thấy bằng cách tập trung đánh giá sớm các rủi ro, giao lưu và hợp tác hiệu quả giữa chính phủ và công dân, một quốc gia với nguồn lực hạn chế vẫn có thể đối phó với đại dịch", tờ này bình luận.
Tờ Liberation của Mỹ so sánh cuộc chiến chống dịch của Mỹ và Việt Nam. Tờ báo sau đó rút ra kết luận rằng: Trong khi Mỹ vẫn đang phải loay hoay chống dịch, Việt Nam tập trung vào đảm bảo an toàn, sức khỏe của người dân và đã đạt thành tựu ấn tượng trong công tác phòng ngừa cũng như điều trị bệnh.
Tờ báo Novosti Petrozavodsk của Nga dẫn lời chia sẻ của một phụ nữ Nga vừa trở về sau chuyến đi tới Việt Nam.
"Tôi rất thích cách người Việt Nam không do dự mà nghiêm chỉnh chấp hành các yêu cầu. Tôi thích cách Nhà nước chăm lo tối đa cho công dân của mình: luôn sẵn cung cấp tất cả các thực phẩm và hàng hóa cần thiết, giá cả của mọi thứ đều được điều chỉnh giảm xuống", công dân Nga cho biết.
Tờ The New York Times của Mỹ cho hay, dù nguồn lực và tài chính vẫn còn thua kém Trung Quốc, Việt Nam vẫn gửi tặng 550.000 chiếc khẩu trang cho Pháp, Đức, Italy, Tây Ban Nha, Anh.
Ngoài ra, Việt nam cũng gửi 390.000 khẩu trang cho nước láng giềng Campuchia và 340.000 chiếc cho Lào.
Mới đây, đích thân Tổng thống Trump cũng lên tiếng cảm ơn sau khi Việt Nam chuyển sang Mỹ 450.000 bộ quần áo bảo hộ DuPont hỗ trợ nước này chống dịch.
Lô đồ bảo hộ Việt Nam được chuyển tới Mỹ. (Ảnh: Reuters)
Tờ báo dẫn lời Giáo sư Carl Thayer, chuyên gia nghiên cứu về Việt Nam thuộc Đại học New South Wales, Australia nói rằng, Việt Nam đang bắt đầu chờ đợi sự hồi sinh các hoạt động kinh tế.
Tờ Reuters của Anh dẫn lại thông báo từ giới chức Hà Nội cho biết, Việt Nam có thể sản xuất 5,72 triệu khẩu trang phẫu thuật mỗi ngày để phục vụ công tác chống dịch.
Trong khi đó, The Guardian tỏ ra ấn tượng về tranh cổ động chống COVID-19 tại Việt Nam với hình ảnh nhân viên y tế đeo khẩu trang, đứng hiên ngang như một người lính, bên cạnh là khẩu hiệu " Ở nhà là yêu nước".
Tờ báo Anh nói rằng đây là thông điệp rõ ràng về tinh thần đoàn kết trong cuộc chiến dịch COVID-19 ở Việt Nam.
SONG HY
Hàng triệu người phải chôn chân ở nhà, không đọc sách thì làm gì? Nhịp sống chậm của mùa dịch đang giúp nhiều người có thêm thời gian để nuôi dưỡng thói quen đọc sách và lan toả văn hoá đọc tích cực trong cộng đồng. Theo AFP, các biện pháp phòng chống dịch Covid-19 đang "giữ chân" 50% dân số thế giới ở nhà. Nhiều người quyết định tận dụng khoảng lặng này để nuôi dưỡng...